CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT

01/03/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua thực tiễn công tác kiểm sát chúng tôi thấy rằng, hoạt động thi hành án hình sự, từ khi Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành, vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Cụ thể là...
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN
HÌNH SỰ VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT
(Tham luận của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)
                          
 Qua thực tiễn công tác kiểm sát chúng tôi thấy rằng, hoạt động thi hành án hình sự, từ khi Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành, vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Cụ thể là :
1. Chậm ban hành các văn bản hướng dẫn hoặc hướng dẫn thiếu cụ thể, thiếu thống nhất đối với Luật thi hành án hình sự :
Luật thi hành án hình sự đã quy định đầy đủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án...,trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thi hành án hình sự. Tuy nhiên, từ khi Luật thi hành án hình sự có hiệu lực, những tồn tại, bất cập trong công tác thi hành án hình sự chưa được khắc phục kịp thời, ảnh hưởng hiệu quả công tác thi hành án hình sự như: Nghị định quy định thi hành án tử hình bằng thuốc độc; quy định về chế độ ăn, mặc, chăm sóc và quản lý học sinh trường giáo dưỡng; về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh; về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân...Quy định cũ chưa có hướng dẫn mới thay thế, không còn phù hợp, dẫn đến việc vướng mắc, bất cập trong thi hành án hình sự, cụ thể như sau:
Về căn cứ hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù:
Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT- của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP, ngày 2/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 61 và 62 của Bộ luật Hình sự về hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người bị phạt tù bị bệnh nặng, như sau:"…Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên….". Các văn bản nói trên không nêu rõ " Kết luận" là nội dung kết luận trong bệnh án điều trị hay bằng một văn bản kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên, nên đã tạo ra sự thiếu thống nhất trong nhận thức dẫn đến áp dụng một cách tùy tiện.
Hầu hết các trường hợp xin hoãn, tạm đình chỉ thi hành án đều sử dụng" kết luận" trong bệnh án "điều trị " tại bệnh viện cấp tỉnh trở lên để làm căn cứ, vì không có quy định nào bắt buộc bệnh viện cấp tỉnh trở lên phải cung cấp văn bản kết luận riêng cho bệnh nhân điều trị. Do quy định, hướng dẫn về căn cứ để xét hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án đối với trường hợp bệnh nặng không cụ thể, rõ ràng, dẫn đến tình trạng hợp thức hóa căn cứ để xin hoãn, tạm đình chỉ thi hành án.
Về thời điểm tính thời gian thử thách của án treo:
Nghị định số 61/CPcủa Chính phủquy định: "…Thời gian thử thách được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục án". Tuy nhiên, Nghị quyết số 01ngày 2/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60- Bộ luật hình sự, lị hướng dẫn "Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo”. Như vậy giữa Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án ND tối cao hướng dẫn thiếu thống nhất, đã dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện. Tòa án hai cấp ở Hà Tĩnh đã thực hiện theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01 của Tòa án tối cao mà không thực hiện theo quy định của Nghị định số 61/CP của Chính phủ.
Về căn cứ hoãn, tạm đình chỉ thi hành án do bị án bị bệnh nặng, già yếu:
Hà Tĩnh có 4 bị án tuổi cao, bệnh nặng.Người cao tuổi nhất SN 1930, ít tuổi nhất SN 1948. Trường hợp tạm đình chỉ nhiều lần nhất là 9 lần, trường hợp hoãn ít lần nhất là 5 lần. Các bị án sức khỏe yếu, không thể đi thi hành án được do tuổi cao, bệnh nặng, song không có quy định, hướng dẫn để đình chỉ việc thi hành án cho họ.
Về cách tính thời hạn tù còn lại đối với tù chung thân sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn và giảm thời hạn lần đầu.
Theo cách tính của Bộ Công an thì trường hợp án 30 năm và trường hợp tù chung thân phạm cùng một loại tội, cùng chấp hành án một thời điểm và có kết quả cải tạo tiến bộ ngang nhau, thì trường hợp tù chung thân và trường hợp án 30 năm phải chấp hành án tương đương nhau. Cụ thể: Thi hành 13 năm thì trường hợp án phạt tù 30 năm còn lại 17 năm (chưa tính việc được xét giảm 2 lần), án phạt tù chung thân thi hành 13 cũng còn lại 17 năm vì theo cách tính của Bộ Công an trường hợp tù chung thân thi hành 12 năm thì được giảm xuống 30 năm (theo Điều 58- BLHS), thi hành tiếp 1 năm và được xét giảm thì thời gian án còn lại khi xét giảm là 17 năm. Cách tính như trên, chúng ta đánh đồng giữa hình phạt tùchung thânphạt tù có thời hạn.
2. Cơ quan thi hành án hình sự chấp hành chưa nghiêm quy định của Luật thi hành án hình sự .
Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh được thành lập ngày 15/10/2010 và đi vào hoạt động. Ngày 1/7/2011 Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành, ngày 21/10/2011 Giám đốc Công an tỉnh mới ra quyết định thành lập đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an các huyện, thị xã, thành phố, nên hoạt động thi hành án hình sự ở cấp huyện, còn bị buông lỏng.Tuy nhiên việc Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định trên và bổ nhiệm đội trưởng đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm chỉ huy cấp đội là trái với quy định của Luật thi hành án hình sự; vì cấp đội, chỉ huy cấp đội trong thi hành án hình sự thuộc Công an huyện không đủ tư cách pháp lý để ra các quyết định, cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp Tòa án cấp huyện giao bản án, quyết định thi hành án nhưng Công an huyện không nhận với lý do chưa có cơ quan thi hành án hình sự.Đặc biệt từ ngày 1/7/2011 đến nay hầu hết các đơn vị thi hành án hình sự Công an cấp huyện không thực hiện cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách cho người bị phạt tù được hưởng án treo…
Từ thực tiễn công tác trên, xin đề xuất một số vấn đề sau :
Liên ngành Trung ương cần ban hành Thông tư hướng dẫn về căn cứ để xét hoãn, tạm đình chỉ,đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với trường hợp già yếu, bệnh nặng không thể đi chấp hành án được; hướng dẫn về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo; tính thời hạn tù còn lại đối với tù chung thân sau khi được giảm xuống tù có thời hạn để xét giảm thời hạn lần đầu.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Bộ Công an trong việc thành lập và hướng dẫn nghiệp vụ đối với cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện, cấp xã để các bản án, quyết định thi hành án của Tòa án được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất.
(Thái Hưng đưa tin)
Tìm kiếm