CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG VỚI CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT GIẢI QUYẾT ÁN XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ

05/07/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
An Giang có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài 96,6 km, với địa hình đa dạng và phức tạp. Những năm qua, thực hiện cơ chế “mở” trong xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa, du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm viếng, làm ăn giữa nhân dân hai nước, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho các loại tội phạm hoạt động, nhất là buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, như vụ:...
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
VỚI CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ
KIỂM SÁT GIẢI QUYẾT ÁN XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
 
          An Giang có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài 96,6 km, với địa hình đa dạng và phức tạp. Những năm qua, thực hiện cơ chế “mở” trong xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa, du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm viếng, làm ăn giữa nhân dân hai nước, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho các loại tội phạm hoạt động, nhất là buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, như vụ: Phan Văn Ổn vận chuyển trái phép 09kg vàng từ Campuchia về Việt Nam. Bên cạnh đó, do tác động của khủng hoảng kinh tế nên tình hình tội phạm trên địa bàn An Giang diễn biến khá phức tạp, một số đối tượng đã lợi dụng chính sách miễn giảm thuế cho gia đình thương binh, có công với cách mạng để thực hiện hành vi “trốn thuế”, một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai tự ý xây dựng các khu dân cư, phân lô bán nền nhà trái phép, điển hình vụ: Nguyễn Vĩnh Khánh (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Long Xuyên) cùng 16 đồng phạm, phạm các tội: Vi phạm các quy định về sử dụng, quản lý đất đai; Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tình hình tội phạm vận chuyển, buôn bán hàng cấm, lưu hành tiền giả, trốn thuế ... tăng so với các năm trước và tính chất, mức độ, thủ đoạn thực hiện tội phạm cũng tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh hơn, nhiều vụ án để lại hậu quả, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình hình trên, để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là các loại tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, ngoài việc phối hợp với cơ quan hữu quan để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đã đề ra nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, cụ thể:
Tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 838 ngày 27/5/2011 của Viện Kiểm sát - Công an - Bội đội Biên phòng - Hải quan - Kiểm lâm tỉnh An Giang trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Hàng tuần, các phòng nghiệp vụ khối hình sự và Viện kiểm sát cấp huyện đều phân công Kiểm sát viên đến Cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan hữu quan để nắm thông tin tội phạm và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để hạn chế việc bắt, giữ oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm cá nhân và phát huy tính chủ động của Kiểm sát viên trong việc giải quyết vụ án, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc đề ra các yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra, vì đây là quyền năng quan trọng, cơ bản của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu để “Tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo yêu cầu cải cách tư pháp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, lãnh đạo Viện và Trưởng phòng nghiệp vụ luôn quan tâm chỉ đạo Kiểm sát viên thường xuyên phối hợp với Điều tra viên, bám sát quá trình điều tra từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra để nắm diễn biến, bản chất của vụ án và đề ra yêu cầu điều tra kịp thời. Định kỳ cùng với Điều tra viên đánh giá kết quả điều tra, thu thập chứng cứ, thống nhất nội dung cần phải tiếp tục điều tra, bảo đảm việc điều tra vụ án một cách toàn diện, khách quan và triệt để, tránh tình trạng điều tra phiếm diện, suy diễn chủ quan dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch phối hợp số 892 ngày 02/6/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang - Tòa án nhân dân tỉnh An Giang về tổ chức các phiên tòa hình sự sơ thẩm để rút kinh nghiệm. Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên đều nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc chứng cứ buộc tội, gỡ tội, thái độ khai báo của các bị cáo; chuẩn bị đầy đủ dự thảo luận tội, đề cương xét hỏi và dự kiến tình huống tranh luận với Luật sư và những người tham gia tố tụng. Nhìn chung, thông qua việc tổ chức các phiên tòa để rút kinh nghiệm, đã giúp Kiểm sát viên nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ; quan điểm luận tội, tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên đều có tính thuyết phục cao, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Từ ngày 01/12/2008 đến 31/5/2012, Cơ quan điều tra đã khởi tố 42 vụ/84 bị can, trong đó: 06 vụ/06 bị can về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; 26 vụ/39 bị can về tội Buôn bán hàng cấm; 04 vụ/08 bị can về tội Trốn thuế; 03 bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 01 vụ/13 bị can về tội Vi phạm quy định về sử dụng đất đai; 01 bị can  về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai và 05 vụ/14 bị can về tội Lưu hành tiền giả. Các vụ án đã xét xử không có trường hợp nào cấp phúc thẩm phải sửa, hủy án để điều tra lại hoặc Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.
Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là loại tội phạm rất phức tạp và thủ đoạn vô cùng tinh vi nên khó phát hiện. Điển hình như việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Theo thống kê chưa đầy đủ, khu vực biên giới tỉnh An Giang, trung bình mỗi ngày có khoảng 200.000 bao thuốc lá các loại nhập lậu. Khi đến khu vực biên giới, các đối tượng tìm cách xé lẻ hàng hóa và thuê người vận chuyển qua biên giới vào nội địa, rồi tiếp tục vận chuyển đi các tỉnh lận cận và thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, hầu hết các vụ “Vận chuyển, Buôn bán hàng cấm…” chỉ bắt được người vận chuyển thuê mà không bắt được người mua và người bán do không rõ họ tên và địa chỉ. Nhiều trường hợp, người vận chuyển thuê khai ra chủ hàng, nhưng khi làm việc lại không thừa nhận, nên không có cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội của họ, dẫn đến việc đấu tranh, ngăn chặn loại tội này chưa thật sự hiệu quả.
Hậu quả, thiệt hại do các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là rất lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, nhưng hình phạt của các loại tội phạm còn nhẹ, nên chưa đủ sức giáo dục, răn đe. Bên cạnh đó, người phạm tội nhận thức được hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là vi phạm pháp luật nhưng vì ham lợi nên đã bất chấp pháp luật. Các chế độ, chính sách cho các đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng ... chưa được quy định rõ ràng, nên một số người đã dùng thủ đoạn thuê thương binh, gia đình chính sách đứng tên đăng ký kinh doanh, chuyển mục đích sử dụng đất để chiếm đoạt tiền miễn, giảm thuế ..., như vụ Lê Ngọc Hải, phạm tội “Trốn thuế”.
Một số các vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự và những văn bản hướng dẫn thi hành:
Khoản 2 Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự, quy định: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”
Thực tiễn cho thấy, Cơ quan điều tra thường vi phạm về thời hạn giải quyết các tin báo, do chờ kết quả giám định mức độ thiệt hoặc khó khăn trong việc xác minh, thu thập chứng cứ.
Các tình tiết định tội và định khung hình phạt đối với một số tội về trật tự quản lý kinh tế, chưa được hướng dẫn cụ thể, như: Hàng cấm có số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn, thu lợi bất chính lớn, để xử lý theo các Điều 153, 154 và 160 Bộ luật hình sự. Đối với tình tiết hàng phạm pháp là hàng cấm (thuốc lá điếu của nước ngoài) có số lượng rất lớn và có số lượng đặc biệt lớn chỉ được hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao.
Tình tiết định tội và định khung hình tại Điều 173 và 174 BLHS: Thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn; đất có diện tích rất lớn hoặc có giá trị rất lớn…”
Dấu hiệu “gây hậu quả rất nghiêm trọng”“gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” mặc dù khác xa nhau về mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội nhưng lại được quy định là dấu hiệu định khung tăng nặng của cùng một khung hình phạt (điểm c, khoản 2, Điều 169, điểm c, khoản 2 Điều 170, khoản 2 Điều 178 BLHS).
Các quy định trong BLHS về các tội phạm về môi trường có các cụm từ “gây ô nhiễm nghiêm trọng”, “gây hậu quả nghiêm trọng khác”, “chất thải khác có số lượng lớn”... nhưng cho đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn việc áp dụng các quy định nêu trên gây nhiều khó khăn trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án về môi trường.
Trên cơ sở thực tiễn giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về môi trường, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang có một số kiến nghị sau:
Đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời, cụ thể, chi tiết để việc áp dụng pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm liên quan đến trật tự quản lý kinh tế được thống nhất.
Tăng cường tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và tập huấn các quy định của pháp luật về các chuyên đề án xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, về kỹ năng kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án kinh tế và môi trường nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm sát viên.
Các ngành chức năng, quản lý chuyên trách cần tăng cường trách nhiệm, tập trung thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước về kinh tế và môi trường kết hợp với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và môi trường, góp phần giữ vững ổn định an ninh kinh tế và đời sống xã hội.
Hoàng Anh 
Tìm kiếm