CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng rút kinh nghiệm trong việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

19/07/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 21/5/2012 Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã xét xử phúc thẩm vụ án Trần Trung N cùng đồng bọn phạm tội “Trộm cắp tài sản” và tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Qua vụ án này Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự xét thấy cần thông báo rút kinh nghiệm chung để tránh những sai sót tương tự xảy ra. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng để bạn đọc tham khảo:...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng
rút kinh nghiệm trong việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
 
Ngày 21/5/2012 Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã xét xử phúc thẩm vụ án Trần Trung N cùng đồng bọn phạm tội “Trộm cắp tài sản” và tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Qua vụ án này Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự xét thấy cần thông báo rút kinh nghiệm chung để tránh những sai sót tương tự xảy ra. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng để bạn đọc tham khảo:
I/ Nội dung vụ án
Từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 4 năm 2011, các bị cáo Trần Trung N, Trương Văn N, Trần Minh T, Nguyễn Văn T và Đào Phú L thay phiên nhau liên tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác trên địa bàn thành phố Sóc Trăng 15 lần: trong đó Trần Trung N cùng đồng phạm thực hiện 12 lần; Trương Văn N cùng đồng phạm thực hiện 13 lần (với tổng số tiền chiếm đoạt 88.876.000 đồng); Trần Minh T cùng đồng phạm thực hiện 07 lần; Nguyễn Văn T cùng đồng phạm thực hiện 03 lần; Đào Phú L cùng đồng phạm thực hiện 01 lần; Sau khi có được tài sản Nguyễn Văn G tiêu thụ 04 lần.
II. Quá trình xét xử
Bản án số 15/2012/HSST ngày 8/3/2012 của Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng:
- Điểm b, e Khoản 2 Điều 138; Điểm g Khoản 1 Điều 48; Điểm o, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Khoản 5 Điều 69; khoản 1 Điều 74; Điều 20 Bộ luật hình sự xử phạt Trần Trung N 05 năm tù;
- Điểm b khoản 2 Điều 138; Điểm g khoản 1 Điều 48; Điểm o, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 5 Điều 69; khoản 1 Điều 74; Điều 20 Bộ luật hình sự xử phạt Trương Văn N 04 năm tù;
- Điểm b khoản 2 Điều 138; Điểm g khoản 1 Điều 48; Điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 5 Điều 69; khoản 1 Điều 74; Điều 20 Bộ luật hình sự xử phạt Trần Minh T 02 năm 06 tháng tù;
- Khoản 1 Điều 138; Điểm g khoản 1 Điều 48; Điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 5 Điều 69; khoản 1 Điều 74; Điều 20 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 06 tháng tù;
- Khoản 1 Điều 138; Điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Đào Phú L 04 tháng tù;
- Khoản 1 Điều 250; Điểm g khoản 1 Điều 48; Điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Văn G 01 năm 06 tháng tù.
Ngoài ra bản án còn tuyên những vấn đề có liên quan khác.
Ngày 6/4/2012 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng kháng nghị một phần bản án trên theo hướng:
1. Không buộc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Lâm Hoàng T cùng đại diện hợp pháp bồi thường cho các bị hại với tổng số tiền là 23.667.000 đồng và phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 1.183.350 đồng mà buộc các bị cáo cùng đại diện hợp pháp của các bị cáo cùng tham gia với Lâm Hoàng T có nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại và phải chịu án phí dân sự theo quy định của pháp luật, dành quyền khởi kiện cho các bị cáo cùng đại diện hợp pháp của các bị cáo đối với Lâm Hoàng T khi có yêu cầu.
2. Áp dụng bổ sung điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Trương Văn N và tăng hình phạt đối với các bị cáo đồng thời không buộc người đại diện hợp pháp của bị cáo mà chỉ buộc bị cáo N bồi thường cho các bị hại với tổng số tiền là 19.479.000 đồng, buộc N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 937.950 đồng.
3. Không nhận định “có tính chất chuyên nghiệp”, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn T và tăng hình phạt đối với bị cáo.
4. Không áp dụng Điều 47 đối với bị cáo Đào Phú L và tăng hình phạt đối với bị cáo
5. Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn G và giữ nguyên mức hình phạt.
6. Tuyên tịch thu xe mô tô Biển số 69F -6421 để sung công quỹ nhà nước.
7. Áp dụng Điều 53 Bộ luật hình sự đối với tất cả các bị cáo.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát tỉnh Sóc Trăng sửa án sơ thẩm
III/ Những vấn đề cần rút kinh nghiệm từ vụ án trên
1. Tại phiên tòa sơ thẩm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Lâm Hoàng T (chưa thành niên) không có mặt, người đại diện hợp pháp của T không xác định được là ai và cũng không có mặt tại phiên tòa nhưng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm lại cho rằng: T đồng ý bồi thường theo yêu cầu của các bị hại nên Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm ghi nhận sự tự thỏa thuận của các đương sự và buộc T cùng đại diện hợp pháp bồi thường cho các bị hại với tổng số tiền là 23.667.000 đồng. Đồng thời buộc T cùng đại diện hợp pháp phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 1.183.350 đồng là không đúng theo quy định của pháp luật.
Cấp phúc thẩm sửa án theo hướng: Không buộc người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan Lâm Hoàng T cùng đại diện hợp pháp bồi thường cho các bị hại với tổng số tiền là 23.667.000 đồng và phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 1.183.350 đồng mà buộc các bị cáo cùng đại diện hợp pháp của các bị cáo cùng tham gia với Lâm Hoàng T là Trương Văn N, Tiêu Văn D, Trần Trung N, Đào Phú L có nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại và phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định, dành quyền khởi kiện cho các bị cáo cùng đại diện hợp pháp của các bị cáo đối với Lâm Hoàng T khi có yêu cầu.
2. Bị cáo Trương Văn N cùng đồng phạm thực hiện 13 lần với tổng số tiền chiếm đoạt là 88.786.000 đồng. Cấp sơ thẩm không truy tố, xét xử bị cáo theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự là không đúng. Ngoài ra tại phiên tòa bị cáo Trương Văn N đã thành niên, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm không triệu tập người đại diện hợp pháp của bị cáo nhưng Hội đồng xét xử lại tuyên buộc bị cáo N cùng đại diện hợp pháp bồi thường cho các bị hại với tổng số tiền là 19.479.000 đồng, đồng thời buộc N cùng đại diện hợp pháp phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 937.950 đồng là không chính xác.
Cấp phúc thẩm sửa án theo hướng: Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Trương Văn N và tuyên phạt bị cáo N 05 năm tù giam. Đồng thời không buộc đại diện hợp pháp của bị cáo mà chỉ buộc bị cáo Trương Văn N bồi thường cho các bị hại với tổng số tiền là 19.479.000 đồng và phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 937.950 đồng.
3. Bị cáo Nguyễn Văn T cùng đồng phạm thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác 03 lần. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm nhận định bị cáo Nguyễn Văn T phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là không chính xác. Mặt khác bị cáo Nguyễn Văn T phạm tội nhiều lần, Hội đồng xét xử lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là không đúng dẫn đến tuyên phạt bị cáo 06 tháng tù là quá nhẹ chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Cấp phúc thẩm sửa án theo hướng: Không nhận định “có tính chất chuyên nghiệp”, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn T và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn T 01 năm tù giam.
4. Bị cáo Đào Phúc L (đã thành niên) cùng với các bị cáo khác (chưa thành niên) đột nhập vào nhà người khác lấy trộm tài sản với tổng giá trị là 7.350.000 đồng. Hội đồng xét xử chưa đánh giá hết vai trò đồng phạm của bị cáo nên đã tuyên phạt bị cáo 04 tháng tù giam là quá nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, chưa đủ thời gian để giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội sau này.
Cấp phúc thẩm sửa án theo hướng: Không áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đào Phú L và tuyên phạt bị cáo Đào Phú L 06 tháng tù giam.
5. Bị cáo Nguyễn Văn G thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 04 lần, cấp sơ thẩm lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là không chính xác.
Cấp phúc thẩm sửa án theo hướng: Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo G và giữ nguyên mức hình phạt.
6. Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định xe mô tô Biển số 69F - 6421 là phương tiện phạm tội cần tịch thu sung quỹ nhưng phần quyết định không tuyên tịch thu sung công quỹ là thiếu sót.
Cấp phúc thẩm tuyên tịch thu xe mô tô Biển số 69F3 - 6421 để sung công quỹ Nhà nước.
7. Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm Hội đồng xét xử sơ thẩm không áp dụng Điều 53 Bộ luật hình sự đối với tất cả các bị cáo là thiếu sót.
Cấp phúc thẩm áp dụng bổ sung Điều 53 Bộ luật hình sự đối với tất cả các bị cáo.
Thúy Hồng
Tìm kiếm