CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự

10/07/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử đối với một số vụ án hình sự để bạn đọc cùng tham khảo...
Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự
 
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử đối với một số vụ án hình sự để bạn đọc cùng tham khảo
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, vừa qua Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng (Viện phúc thẩm 2) đã ban hành 03 văn bản số: 162, 196 và 197 trao đổi, rút kinh nghiệm cho Viện kiểm sát cấp dưới trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự . Cụ thể như sau:
I/.Vụ án Nguyễn Đức C phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy"
Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng phát hiện có một số vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm trong việc áp dụng tình tiết định khung và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nội dung vụ án: Theo cáo trạng và bản án sơ thẩm thì hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Đức C được xác định như sau: Khoảng 7 giờ ngày 17/11/2010, Văn Hữu L đến bến xe trung tâm thành phố Q nhận thùng hàng tại xe ô tô khách Biển kiểm soát 53S-5781 thì bị lực lượng phòng chống ma túy Công an tỉnh B phát hiện bắt quả tang, bên trong thùng có chứa 3,6725 gam Heroin. Số Heroin này, L khai mua của C ở thành phố Hồ Chí Minh để sử dụng và bán lại cho những người nghiện ma túy.
Quá trình điều tra, L còn khai nhận, trong năm 2009, L đã 4 lần chuyển cho C  7.000.000 đồng để C mua cho L 7,3125 gam Heroin. Số lượng 7,3125 gam Heroin này L sử dụng cho bản thân và bán lại cho những người nghiện ma túy, thu lợi bất chính 8.000.000 đồng. Nhưng C không thừa nhận việc bán 7,3125 gam Heroin trên cho L.
Ngày 12/01/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh BĐ tiến hành bắt khẩn cấp Nguyễn Đức C và khám xét thu giữ 2 cục Heroin có trọng lượng 0,861 gam, C khai nhận số lượng 0,861 gam Heroin này là C mua để bán lại cho các người nghiện ma túy. Ngoài ra, C còn thừa nhận vào ngày 15/11/2010, L chuyển 3.200.000 đồng vào tài khoản của Võ Nguyễn Hoàng O (vợ C) để mua Heroin. Sau khi nhận được tiền, C đã mua 3,6725 gam Heroin của một người không rõ họ tên tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh với giá 3.000.000 đồng, bán lại cho L với giá 3.200.000 đồng và gửi theo xe ô tô khách biển kiểm soát 53S-5781 ra BĐ cho L vào ngày 17/11/2010 thì bị bắt quả tang như đã nêu trên. Việc mua đi bán lại 3,6725 gam Heroin cho L, bị cáo Nguyễn Đức C thu lợi bất chính 200.000 đồng.
Kết quả giám định kết luận: Số lượng Heroin thu giữ của Văn Hữu L vào ngày 17/11/2011 có trọng lượng 3,6725 gam Heroin.
Kết quả giám định kết luận: Số lượng Heroin thu giữ của Nguyễn Đức C vào ngày 12/01/2011 có trọng lượng 0,861 gam Heroin.
Quá trình giải quyết: Cáo trạng số 23/QĐ-KSĐT ngày 24/5/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố bị can Nguyễn Đức C về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" theo quy định tại Điểm p Khoản 2 Điều 194 của Bộ luật Hình sự (BLHS).
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 27/2011/HSST ngày 30/6/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh tuyên bị cáo Nguyễn Đức C phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy", đồng thời áp dụng Điểm p Khoản 2 Điều 194; Điểm b, p Khoản 1 Điều 46; Điều 47 của BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn Đức C 6 năm 6 tháng tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 41 của BLHS tuyên tịch thu số tiền 200.000 đồng do phạm tội mà có của Nguyễn Đức Cường để sung quỹ nhà nước.
Ngày 27/7/2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho Viện trưởng Viện phúc thẩm 2 ký ban hành Kháng nghị phúc thẩm số 311/QĐ-KNPT, kháng nghị phần áp dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự và hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Đức C của bản án hình sự sơ thẩm số 27/2011/HSST ngày 30/6/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh. Đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm để sửa bản án sơ thẩm theo hướng:
- Buộc bị cáo Nguyễn Đức C phải chịu trách nhiệm hình sự về số lượng 0,861 gam Heroin và áp dụng thêm tình tiết "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm b khoản 2 Điều 194 của BLHS đối với bị cáo Nguyễn Đức C;
- Không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46; Điều 47 đối với bị cáo Nguyễn Đức C;
- Xử tăng hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Đức C.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 305/2011/HSPT ngày 19/9/2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị số 311/QĐ-KNPT ngày 27/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sửa án sơ thẩm, áp dụng Điểm b, p Khoản 2 Điều 194; Điểm p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46 của BLHS xử phạt Nguyễn Đức C 08 năm tù.
Nhứng vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm:
- Vi phạm trong việc kết luận trọng lượng Heroin do bị cáo C  mua bán trái phép: Quá trình điều tra kết luận trọng lượng Heroin mà bị cáo C mua bán trái phép là 4,5335 gam, bao gồm:3,6725 gam Heroin bị cáo C bán cho Văn Hữu L bị bắt quả tang ngày 17/11/2010 và 0,861 gam Heroin thu giữ khi bắt khẩn cấp bị cáo C vào ngày 12/01/2011. Nhưng cáo trạng và bản án sơ thẩm chỉ kết luận và buộc bị cáo C chịu trách nhiệm hình sự đối với trọng lượng 3,6725 gam Heroin, còn 0,861 gam Heroin thì không buộc bị cáo C phải chịu trách nhiệm hình sự là bỏ lọt hành vi phạm tội này.
Để khắc phục vi phạm này, thì buộc bị cáo C phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng Heroin của 02 lần cộng lại là 4,5335 gam (3,6725g + 0,861g), đồng thời áp dụng tình tiết định khung "phạm tội nhiều lần" quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 194 của BLHS đối với bị cáo C.
- Vi phạm trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 và Điều 47 của BLHS: Bị cáo C bán 3,6725 gam Heroin cho Văn Hữu L thu lợi bất chính 200.000 đồng. Ngày 29/6/2011, bị cáo C nộp 200.000 đồng tại Cục thi hành án dân sự tỉnh để bảo đảm thi hành án. Nhưng bản án sơ thẩm lại nhận định việc bị cáo C nộp 200.000 đồng là tự nguyện khắc phục nộp tiền do phạm tội mà có và đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ Điểm b Khoản 1 Điều 46 của BLHS để giảm mức án cho bị cáo C.
Việc bản án sơ thẩm áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 46 của BLHS cho bị cáo Cường là không đúng, bởi lẽ: Tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 của BLHS là: "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" do hành vi phạm tội của họ gây ra. Còn việc bị cáo C nộp 200.000 đồng là nộp số tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có, khoản tiền này, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 41 của BLHS là bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Như vậy, việc bản án sơ thẩm áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 46 của BLHS và Điều 47 của BLHS để xử phạt bị cáo C mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là không đúng pháp luật.
- Vi phạm nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự: Bị cáo C đã có 4 tiền án, trong đó tiền án lần thứ 4 là phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy" bị xử phạt 07 năm tù và chưa xóa án, phạm tội lần này thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Như vậy, thể hiện bị cáo C không có ý thức tu dưỡng, rèn luyện sau khi phạm tội, không tôn trọng pháp luật và không ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Nhưng bản án sơ thẩm không cân nhắc xem xét vấn đề này, mà quá nhấn mạnh tình tiết giảm nhẹ nên chỉ xử phạt bị cáo C 6 năm 6 tháng tù là quá nhẹ (khung hình phạt tại Khoản 2 Điều 194 của BLHS là từ 7 năm tù đến 15 năm tù), không có tác dụng cải tạo giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa tội phạm, không phù hợp với nguyên tắc xử lý nghiêm trị người tái phạm nguy hiểm quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
- Đối với tình tiết "phạm tội nhiều lần" quy định tại Khoản 2 Điều 194 của Bộ luật Hình sự: Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, cũng như kiểm sát xét xử cần nắm vững tình tiết định khung hình phạt "phạm tội nhiều lần" được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về áp dụng một số quy định tại Chương XVIII - Các tội phạm về ma túy của BLHS năm 1999, đó là: "Tình tiết phạm tội nhiều lần được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần mua bán trái phép chất ma túy trở lên) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại".
- Bản án sơ thẩm áp dụng không đúng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 của BLHS và áp dụng không đúng Điều 47 của BLHS, dẫn đến việc xử phạt bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự, nhưng Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử không phát hiện được vi phạm này để báo cáo Lãnh đạo Viện kháng nghị phúc thẩm là thiếu sót cần rút kinh nghiệm.
II/.Vụ án Trần Thanh H và đồng phạm phạm tội "Hiếp dâm trẻ em"
Trong vụ án này có 04 bị cáo, trong đó: Bị cáo Trần Thanh H sinh ngày 13/8/1995 đến ngày 13/8/2011 mới đủ 16 tuổi; Bị cáo Lê Văn T sinh ngày 28/8/1995 đến ngày 28/8/2011 mới đủ 16 tuổi; Bị cáo Trần H sinh ngày 28/10/1995 đến ngày 28/10/2011 mới đủ 16 tuổi; Bị cáo Trần Công T sinh ngày 13/11/1995 đến ngày 13/11/2011 mới đủ 16 tuổi;
Tuy nhiên vào thời điểm các bị can H, Trần Thanh T, H và T dưới 16 tuổi nhưng khi Điều tra viên, Kiểm sát viên hỏi cung các bị can này lại không có mặt đại diện gia đình các bị can (không có tài liệu nào tại hồ sơ thể hiện đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng), cụ thể:
*. Vi phạm của Điều tra viên
Điều tra viên Nguyễn Văn Đ thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Q khi hỏi cung bị can không có mặt đại diện gia đình các bị can tại biên bản hỏi cung: Biên bản hỏi cung bị can H ngày 02/5/2011; Biên bản hỏi cung bị can T ngày 11/4/2011; biên bản hỏi cung bị can Trần Công T ngày 19/5/2011; các biên bản hỏi cung bị can H ngày 02/03/2011, ngày 05/04/2011.
*. Vi phạm của Kiểm sát viên:
Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án khi hỏi cung bị can không có mặt đại diện gia đình bị can tại các biên bản hỏi cung: Biên bản hỏi cung bị can H ngày 22/6/2011; biên bản hỏi cung bị can Th; biên bản hỏi cung bị can T ; biên bản hỏi cung bị can H ngày 21/6/2011.
Tại khoản 2 Điều 306 Bộ luật tố tụng hình sự (trích): “Trong trường hợp bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì việc hỏi cung những người này phải có mặt của đại diện gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng”
Hoạt động tố tụng nêu trên của Điều tra viên và Kiểm sát viên đã vi phạm nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự và ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của chứng cứ là lời khai bị can được quy định tại Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự.
III/.Vụ án Võ Ngọc A và đồng phạm phạm tội “Giết người”
1. Vi phạm của Cơ quan điều tra
Ngày 25/2/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B Quyết định khởi tố vụ án hình sự “ Giết người” xảy ra ngày 02/02/2011. Ngày 25/2/2011, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B quyết định phân công hai Điều tra viên tiến hành điều tra vụ án. Tuy nhiên sau khi có Quyết định phân công Điều tra viên điều tra vụ án hình sự nêu trên thì có một số Điều tra viên không được Thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công điều tra vụ án nhưng vẫn tiến hành một số hoạt động điều tra đối với vụ án: tại các bản ghi lời khai ngày 6/6/2011; ngày 22/7/2011; biên bản hỏi cung bị can ngày 26/5/2011 và ngày 25/5/2011; biên bản ghi lời khai ngày 27/5/2011 và ngày 25/5/2011; biên bản hỏi cung bị can ngày 28/2/2011 đều do các Điều tra viên không được Thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công tiến hành điều tra lập.
Việc lấy lời khai, hỏi cung bị can nêu trên của các Điều tra viên trên là vi phạm Điểm b Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự vì chỉ có Điều tra viên được phân công tiến hành điều tra vụ án mới có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các hoạt động này.
Ngoài ra bị cáo Lê Tuấn A khi phạm tội mới 14 tuổi 03 tháng 08 ngày tuổi nhưng tại biên bản hỏi cung bị can ngày 29/9/2011 không có mặt của đại diện gia đình bị cáo (không có tài liệu nào thể hiện đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng). Hoạt động hỏi cung bị can này là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 306 Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Vi phạm của Hội đồng xét xử
Tại bản án số 09/2012/HSST ngày 29/2/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh quyết định về bồi thường thiệt hại áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 606, 610, 616 Bộ luật dân sự năm 2005 buộc các bị cáo bồi thường tiền bù đắp tổn thất tinh thần (60 tháng lương tối thiểu) là 50 triệu đồng.
Việc hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án buộc bồi thường 50 triệu đồng nêu trên là vi phạm quy định khoản 2 Điều 610 Bộ luật dân sự năm 2005 và hướng dẫn tại Điểm d tiểu mục 2.4 mục 2 phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bởi lẽ khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm tuyên án là 49,8 triệu đồng (tại phiếu kiểm sát bản án sơ thẩm Kiểm sát viên không phát hiện vi phạm này của bản án sơ thẩm).
Thu Hương - Thúy Hồng 
Tìm kiếm