CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số kết quả công tác VKSND tỉnh Thái Bình, phục vụ giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội

15/05/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc triển chương trình công tác kiểm sát và xây dựng báo cáo phục vụ Kế hoạch giám sát của Uỷ ban tư pháp Quốc hội, thời gian từ 01/9/2009 đến 30/4/2012, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được một số kết quả như sau:...
Một số kết quả công tác VKSND tỉnh Thái Bình,
phục vụ giám sát của Ủy ban tư pháp Quốc hội
 
 
Thường trực Tỉnh ủy nghe VKSND tỉnh Thái Bình báo cáo thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp
Thực hiện chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc triển chương trình công tác kiểm sát và xây dựng báo cáo phục vụ Kế hoạch giám sát của Uỷ ban tư pháp Quốc hội, thời gian từ 01/9/2009 đến 30/4/2012, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được một số kết quả như sau:
Về giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực hình sự theo thẩm quyền.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tiếp nhận và giải quyết 27 đơn khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực hình sự thuộc thẩm quyền đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và các quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thực hiện kiểm sát việc giải quyết đối với 61 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra, 35 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Kết quả kiểm sát cho thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân hai cấp cơ bản tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật khiếu nại tố cáo và các văn bản hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương. Các khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết kịp thời.
Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam: Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hằng ngày đều tiến hành kiểm sát nhà tạm giữ của Công an huyện, nhằm đảm bảo cho việc tạm giữ đúng quy định của pháp luật; đã kiểm sát thường kỳ 80 lần các nhà tạm giữ, tổng hợp vi phạm, ban hành 11 kiến nghị yêu cầu cơ quan công an khắc phục vi phạm và được chấp nhận. Viện kiểm sát chú trọng kiểm sát việc bảo đảm an toàn, chống trốn khỏi nơi giam giữ. Các trường hợp tạm giữ đảm bảo đủ thủ tục hồ sơ cần thiết theo quy định của pháp luật. Không để quá hạn tạm giữ, không tạm giữ trái pháp luật phải trả tự do theo khoản 1 Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Trong ba năm Viện kiểm sát phê chuẩn 100% các trường hợp do Công an đề nghị. Áp dụng biện pháp ngăn chặn khác là 242 trường hợp.
Trước khi Viện kiểm sát phê chuẩn các lệnh, quyết định liên quan đến việc tạm giam, Kiểm sát viên được phân công đều kiểm tra kỹ tài liệu hồ sơ, nắm chắc căn cứ và thời hạn tạm giam đối với từng đối tượng theo giai đoạn tố tụng. Viện kiểm sát phối hợp thường xuyên với cơ quan quản lý giam giữ trong việc rà soát các trường hợp sắp hết thời hạn tạm giam, thông báo cho cơ quan Điều tra, đảm bảo không quá hạn hoặc thiếu thủ tục trong hồ sơ người tạm giam. Kiểm sát viên kiểm sát về thủ tục, việc thực hiện chế độ trong việc tạm giữ, tạm giam của trại Tạm giam Công an tỉnh. Ba tháng một lần kiểm sát trực tiếp từng mặt và 6 tháng một lần kiểm sát trực tiếp toàn diện, có kết luận bằng văn bản. Viện kiểm sát tỉnh thực hiện 10 cuộc kiểm sát trực tiếp đối với trại Tạm giam Công an tỉnh, ban hành 10 kiến nghị đều được chấp nhận; chủ trì phối hợp với Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kiểm sát việc chấp hành pháp luật đối với việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; đảm bảo cho các trường hợp đưa vào trại Tạm giam đúng đối tượng, có căn cứ theo quy định của pháp luật. Những vi phạm liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam đều được phát hiện, yêu cầu có biện pháp khắc phục hoặc xử lý kịp thời.
Để bảo đảm các quyền của bị can, bị cáo, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Thái Bình thực hiện nghiêm chỉnh Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49 ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, trong hoạt động tố tụng, Viện kiểm sát luôn tạo điều kiện để Luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm pháp luật trong việc điều tra, truy tố, xét xử.
Bên cạnh kết quả đạt được trong hoạt động kiểm sát điều tra và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Thái Bình còn một số tồn tại như: việc quản lý và kiểm sát việc giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm đối với Cơ quan điều tra chưa được sâu sát; một số đơn vị xử lý thông tin tội phạm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh tế còn chậm, hạn chế tác dụng đấu tranh phòng, chống tội phạm; còn để xảy ra việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; tỷ lệ tạm giữ hình sự sau phải xử lý hành chính còn cao. Một số vụ án đơn giản, nhưng không đôn đốc Cơ quan điều tra để kéo dài thời hạn điều tra.
 Về nguyên nhân: Số lượng án xảy ra tại địa phương có chiều hướng gia tăng, trong khi đó số lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên ở cấp huyện còn thiếu. Trách nhiệm của Kiểm sát viên chưa cao, nghiên cứu các quy định của pháp luật chưa sâu, công tác kiểm sát điều tra còn thụ động, chờ Cơ quan điều tra kết thúc điều tra chuyển hồ sơ, mới nghiên cứu nên không kịp thời phát hiện những vi phạm để yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục dẫn đến việc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự đã có hiệu lực từ nhiều năm, những quy định mang tình chất chung chung, chậm được sửa đổi, bổ sung nên việc nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng nhiều trường hợp không thống nhất dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết vụ án...
Thái Hưng
Tìm kiếm