CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân và 40 năm thành lập Trường đào tạo cán bộ Kiểm sát: Những ngày đầu làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát

26/04/2010
Cỡ chữ:   Tương phản
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân được thành lập, nhiều cán bộ từ các cơ quan được điều động về ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó có các đồng chí là cán bộ của Viện Công tố. Vào những năm 1960, 1961 ở miền Bắc mới có cơ sở đào tạo của ngành Công an và ngành Tư pháp; vì vậy các cán bộ mới tuyển vào ngành Công an được đưa đi học tại Trường Công an, cán bộ mới vào ngành Tòa án được đưa đi học tại Trường Tư pháp. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được khởi đầu. Năm 1962, Ban Bí thư Trung ương có quyết định cử đồng chí Nguyễn Quốc Hồng làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức, tôi (Nguyễn Khang) được cử làm Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức, trực tiếp phụ trách công tác đào tạo cán bộ của Ngành.
  
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân và 40 năm thành lập Trường đào tạo cán bộ Kiểm sát: Những ngày đầu làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát
 
 
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân được thành lập, nhiều cán bộ từ các cơ quan được điều động về ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó có các đồng chí là cán bộ của Viện Công tố. Vào những năm 1960, 1961 ở miền Bắc mới có cơ sở đào tạo của ngành Công an và ngành Tư pháp; vì vậy các cán bộ mới tuyển vào ngành Công an được đưa đi học tại Trường Công an, cán bộ mới vào ngành Tòa án được đưa đi học tại Trường Tư pháp. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được khởi đầu. Năm 1962, Ban Bí thư Trung ương có quyết định cử đồng chí Nguyễn Quốc Hồng làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức, tôi (Nguyễn Khang) được cử làm Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức, trực tiếp phụ trách công tác đào tạo cán bộ của Ngành.
Sau khi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 được ban hành, năm 1962, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã dẫn đầu một Đoàn đại biểu đi nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát Liên Xô. Từ kinh nghiệm của Viện kiểm sát Liên Xô và từ thực tế hoạt động của Viện kiểm sát nước ta trong hơn một năm, chúng tôi đã nghĩ đến việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, về chức năng, nhiệm vụ và phương pháp công tác cho cán bộ của Ngành.
Được sự đồng ý của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng và đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ máy làm công tác đào tạo cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được hình thành với Ban Giám hiệu ban đầu gồm: Đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp chỉ đạo, người trực tiếp phụ trách là đồng chí Nguyễn Quốc Hồng và tôi. Các cán bộ giúp việc về công tác đào tạo lúc đó có đồng chí Phạm Quang Lý, đồng chí Trần Viết Hường (sau này là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên), đồng chí Nghiêm Quý Chẩn (sau này là Vụ trưởng Vụ 5) và một số cán bộ khác.
Vạn sự khởi đầu nan, lúc đầu mở lớp chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả; không địa điểm mở trường, không có giáo viên chuyên trách, phần lớn là do cán bộ cấp Vụ ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao giảng theo kinh nghiệm. Từ năm 1962 đến năm 1965, khi lập kế hoạch mở lớp của ngành, chúng tôi bị phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian nghỉ hè hoặc nghỉ giữa khóa của các Trường khác để mượn địa điểm của họ. Do không có địa điểm nên trong 4 năm liền, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phải di chuyển mượn địa điểm của 11 trường khác để mở lớp (đó là Trường Tư pháp, Trường Hành chính, Trường Phụ nữ, Trường Tổng hợp, Trường Tuyên giáo, Trường Công đoàn, Trường Thủy lợi, Trường Giao thông, Trường Dân tộc, Trường Nguyễn Ái Quốc II và Trường Đảng Lê Hồng Phong), có trường chúng tôi phải mượn đến hai lần. Năm 1962, Ban Bí thư Trung ương đồng ý cho Trường Tư pháp mời chuyên gia Liên Xô sang giảng dạy theo chương trình đại học các môn: Nhà nước và pháp quyền, Hình luật, Hình sự tố tụng, Dân luật và Dân sự tố tụng với thời gian 2 năm cho cán bộ Tòa án và cán bộ Kiểm sát. Tôi và đồng chí Nguyễn Quốc Hồng đã báo cáo với lãnh đạo Viện kiểm sát tối cao đề nghị cử cán bộ đi học ở Trường Tư pháp theo chương trình này. Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngành Kiểm sát nhân dân đã cử cán bộ theo học cả hai khóa đầu tiên, mỗi khóa có 45 người.
Sau khóa 1, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chúng tôi đã giữ một số cán bộ học khóa này làm giáo viên đầu tiên của Ngành. Đồng chí Nguyễn Huy Thuân, giảng hình sự, đồng chí Minh Ngọc giảng tố tụng hình sự, đồng chí Nghiêm Quý Chẩn giảng dân sự, đồng chí Tốt giảng Nhà nước pháp quyền và đồng chí Dương làm giáo vụ. Cùng với nội dung trong các giáo trình của Viện Kiểm sát Liên Xô, các khóa học đầu tiên còn được chúng tôi đưa vào giảng dạy các môn học về Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới ban hành lúc đó. Tất cả các khóa học, khi bế giảng đều được đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến dự và nói chuyện với học viên.
Tuy thời gian học không nhiều (từ 3 tháng, sau tăng lên 6 tháng), nhưng kết quả mở lớp đã đem lại hiệu quả rất tốt. Sau khi mở lớp, chúng tôi đi về các Viện kiểm sát cấp huyện để kiểm tra; có đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát huyện nói: “Có đi học mới hiểu, mới biết, nhất là khi báo cáo với Cấp ủy về vụ án, chúng tôi đã biết báo cáo những gì hoặc mới biết để trả lời các câu hỏi của các đồng chí Cấp ủy. Trước khi đi học, làm bản luận tội chúng tôi rất long tong, có khi mất cả ngày, viết đi viết lại rồi chưa ưng ý lại xé; nay học rồi giờ viết rất nhanh mà lại chuẩn xác”.
Sau khi kết thúc hai khóa học do chuyên gia Liên Xô giảng tại Trường Tư pháp, chúng tôi đã mượn được nửa địa điểm của Trường Hành chính để mở lớp và cũng có thêm một số giáo viên nữa. Vì vậy việc đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ của Ngành từng bước được củng cố và ổn định.
Cùng với việc đào tạo cán bộ trong nước, chúng tôi đã nghĩ đến việc cử cán bộ đi học ở nước ngoài. Được Ủy ban Khoa học Nhà nước đồng ý, mỗi năm chúng tôi đã chọn cử 5 cán bộ đi học ở Liên Xô, Trung Quốc. Được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý, lớp đầu tiên chúng tôi đã chọn các cán bộ trẻ có trình độ văn hóa 10/10 đi học như đồng chí Hội (sau là Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh), đồng chí Mãn, đồng chí Toản, đồng chí Phổ, đồng chí Đảm. Một số cán bộ trẻ lúc đó cũng được cử đi học như đồng chí Vũ Đức Khiển, đồng chí Hà Mạnh Trí, đồng chí Nguyễn Niên, đồng chí Trần Thu, đồng chí Thanh, đồng chí Tranh, đồng chí Bằng... Trong 4 năm, chúng tôi đã chọn cử được 20 cán bộ đưa đi đào tạo tại Liên Xô và Trung Quốc.
Sau này tôi không làm công tác đào tạo nữa mà chuyển qua công tác kiểm sát xét xử dân sự, rồi công tác kiểm sát xét xử hình sự. Tôi được biết sau này các đồng chí Trần Văn Ngoạn, đồng chí Bạch Thành Phong, đồng chí Việt Hùng, đồng chí Tôn, đồng chí Nguyễn Văn Thìn, đồng chí Nguyễn Huy Thuân, đồng chí Vũ Quang Chính tiếp tục làm công tác đào tạo của Ngành. Ngành ta đã có Trường có nhiều khóa học liên tiếp với trình độ ngày càng cao. Đó là điều rất phấn khởi.
Thuở ban đầu, rất khó khăn vất vả, chúng tôi nhớ mãi về người chị nuôi quý báu, đó là chị Dung. Chị làm quản lý của lớp học từ năm 1962 đến năm 1966, quản lý rất giỏi, không mất một xu của học viên mà còn được ăn ngon, sạch sẽ. Kết quả học tập của học viên có sự đóng góp rất tích cực của chị Dung quản lý.
Lại Hợp Việt
(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Khang, Cố Vụ trưởng Vụ kiểm sát xét xử hình sự VKSNDTC)
Tìm kiếm