CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030

24/12/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 22/12/2021, Chính phủ ra Nghị quyết số 160/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 05-CT/TW, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở Kế hoạch này, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Giảm nghèo bền vững góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân

Kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trước hết là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Vận động, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo. Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".

Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Hoàn thiện, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, chính sách trợ giúp pháp lý. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập cho người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi; hỗ trợ các mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại địa bàn các huyện nghèo; chính sách nước sinh hoạt hợp vệ sinh, vệ sinh nông thôn cho người nghèo, người dân vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng; giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập và hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, tích cực vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ, đóng góp nguồn lực, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương giai đoạn 2021 - 2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập và hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn; tăng nguồn vốn chính sách xã hội.

Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp theo hướng tập trung, thống nhất đầu mối quản lý; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác giảm nghèo. Xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, tăng cường cung cấp thông tin, giúp người nghèo kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hóa.

File đính kèm
TG
Tìm kiếm