Ngày 26/3/2018, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế quản lý đề tài khoa học, đề án của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 26/3/2018.
Ngày 26/3/2018, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế quản lý đề tài khoa học, đề án của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 26/3/2018.
Quy chế này quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, xác định, tuyển chọn; triển khai thực hiện; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; nghiệm thu và quản lý kết quả thực hiện các đề tài khoa học, đề án sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quy chế áp dụng đối với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và thực hiện đề tài khoa học, đề án sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của VKSND tối cao.
VKSND tối cao khuyến khích các đơn vị, cá nhân đề xuất đăng ký nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án; chủ trì, tham gia nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án và ứng dụng kết quả nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án vào hoạt động thực tiễn của ngành KSND.
Đơn vị, cá nhân tham gia nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học, đề án được hỗ trợ kinh phí; tạo điều kiện về thời gian, phương tiện vật chất; tạo điều kiện cung cấp số liệu, thông tin liên quan đến nội dung nghiên cứu để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu; được khen thưởng nếu có thành tích trong công tác quản lý hoặc nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án.
Kết quả nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án là một trong các tiêu chí để xét khen thưởng đối với đơn vị, cá nhân.
Quy chế quy định rõ nguyên tắc quản lý đề tài khoa học, đề án. Theo đó, việc quản lý đề tài khoa học, đề án phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ, các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bảo đảm tính hiệu quả, tính thực tiễn của hoạt động nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án trong việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của ngành KSND. Bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, giữa nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng trong thực hiện đề tài khoa học, đề án. Phát huy khả năng sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của đơn vị quản lý khoa học của cá nhân, đơn vị chủ trì được giao thực hiện đề tài khoa học, đề án. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin khoa học, kết quả thực hiện đề tài khoa học, đề án của cá nhân, đơn vị trong ngành KSND. Bảo đảm tính hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực khoa học, ngân sách nhà nước để nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án.
Về yêu cầu đối với đề tài khoa học cấp bộ, Quy chế quy định:
- Phù hợp với chiến lược, định hướng cải cách tư pháp, phát triển ngành KSND, phát triển khoa học pháp lý về hoạt động tư pháp, khoa học kiểm sát trong từng giai đoạn;
- Vấn đề nghiên cứu có tính cấp thiết, quan trọng đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND;
- Có mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng nghiên cứu rõ ràng; phương pháp nghiên cứu phù hợp và tiên tiến;
- Kết quả nghiên cứu cung cấp được luận cứ khoa học, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; hoàn thiện pháp luật; nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; phát triển ngành KSND;
- Không trùng lặp với nội dung các đề tài khoa học khác hoặc đề án sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện trong thời hạn 05 năm liền kề, kể từ thời điểm đăng ký thực hiện;
- Không vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, các phát minh, sáng chế trong và ngoài nước đã được các cơ quan bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ công nhận;
- Dự toán kinh phí thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, của VKSND tối cao về quản lý tài chính và khả năng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động khoa học và công nghệ của VKSND tối cao.
Quốc Hưng (Giới thiệu)