Ngày 05/01/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Văn bản số 05/HD-VKSTC hướng dẫn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018.
Ngày 05/01/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Văn bản số 05/HD-VKSTC hướng dẫn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt nghiêm túc và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong toàn Ngành quy định trong các Chỉ thị, Kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện trong công tác kiểm sát này; nhằm đảm bảo các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án được thi hành nghiêm chỉnh, đúng pháp luật; hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tuân thủ đúng pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong phát hiện vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; kiên quyết kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm.
Nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, lãnh đạo đơn vị nghiệp vụ trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức trong thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ công tác đột phá, xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ, báo cáo kết quả triển khai thực hiện các thực hiện nhiệm vụ; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2018.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Triển khai, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được nêu trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 về “Công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018”; Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/11/2017 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính” của Viện trưởng VKSND tối cao; Quy chế số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016. Trong đó tập trung kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án; nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới ban hành có liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án dân sư, thi hành án hành chính; hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác trong ngành theo Quyết định 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính
Tăng cường công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và kiểm sát việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án; nhất là việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất; kiểm sát ngay từ khi Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án; xem xét và yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế khi cần thiết để hạn chế tình trạng đương sự tẩu tán tài sản; kiểm sát việc ban hành và tổ chức thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đúng quy định pháp luật.
Chú trọng các hoạt động kiểm sát mang tính chất thường xuyên như kiểm sát việc Tòa án gửi bản án, quyết định cho Cơ quan thi hành án dân sự; Cơ quan thi hành án dân sự ban hành và gửi các quyết định về thi hành án dân sự cho VKSND; kiểm sát việc xác minh và phân loại các việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành án; trực tiếp xác minh, lập hồ sơ kiểm sát đối với ít nhất từ 03 - 05% các việc thi hành án được phân loại chưa có điều kiện thi hành.
Tiếp tục tăng cường và đổi mới các cuộc trực tiếp kiểm sát, nhất là trực tiếp kiểm sát các Chi cục thi hành án dân sự. Thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu công tác của Ngành về trực tiếp kiểm sát. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng từ trên 15 Chi cục thi hành án dân sự trở lên thì Phòng 11 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải phối hợp với các VKSND cấp huyện để trực tiếp kiểm sát từ 02 đến 03 Chi cục. Quan tâm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, phúc tra việc thực hiện kết luận trực tiếp kiểm sát.
Quan tâm kiểm sát các việc thi hành án tồn đọng, kéo dài; việc thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong vụ án hình sự, nhất là hoạt động thi hành án dân sự thu hồi tài sản trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng; việc thi hành án có liên quan đến các tổ chức tín dụng, trong đó, VKSND các cấp cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” có liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án dân sự.
Tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các đương sự, nhất là đối với bên phải thi hành án là Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Chú trọng kiểm sát để phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự như hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.
Thông qua công tác kiểm sát, VKSND các cấp tăng cường phát hiện, tổng hợp đầy đủ vi phạm pháp luật, kịp thời ban hành các bản kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm và tội phạm. Thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu công tác của Ngành về kháng nghị, kiến nghị; tăng cường hiệu lực, hiệu quả các bản kháng nghị, kiến nghị; chú trọng phúc tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị. Giải quyết khẩn trương và báo cáo nghiêm túc lên VKSND cấp trên trực tiếp đối với các trường hợp kháng nghị, kiến nghị không được chấp nhận hoặc chấp nhận một phần; chú ý báo cáo rõ các kiến nghị trong lĩnh vực kiểm sát thi hành án hành chính; quản lý chặt chẽ các kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính của VKS hai cấp; định kỳ theo các kỳ báo cáo tháng, sơ kết 6 tháng, theo kỳ họp Quốc hội, các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, chất lượng, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị gửi VKSND tối cao (Vụ 11).
Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; chú trọng áp dụng các quyền hạn như yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự tự kiểm tra và thông báo kết quả giải quyết cho VKS; yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự cung cấp hồ sơ, tài liệu để kiểm sát, kết luận. Thực hiện nghiêm túc và báo cáo đầy đủ, kịp thời đối với các yêu cầu của VKSND tối cao về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Tiếp tục thực hiện chức năng kiểm sát đối với hoạt động của Thừa phát lại ở các địa phương có thành lập Văn phòng thừa phát lại.
2. Thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
Các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đối với các VKSND cấp huyện; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao “Về tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”.
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thống kê theo quy định của Ngành và chế độ thống kê liên ngành về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; báo cáo kịp thời, đầy đủ lên VKSND tối cao (Vụ 11) những việc thi hành án dân sự có quan điểm khác nhau giữa Viện kiểm sát với Cơ quan thi hành án dân sự; những kiến nghị, kháng nghị Viện kiểm sát đã ban hành không được cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp hoặc cấp dưới chấp nhận hoặc chỉ chấp nhận một phần.
Phối hợp chặt chẽ và thực hiện nghiêm các yêu cầu của VKSND tối cao (Vụ 11) để thực hiện 04 chuyên đề nghiệp vụ do Lãnh đạo VKSND tối cao giao: “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các bản kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án của Trung tâm bán đấu giá tài sản”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án hành chính”; “Khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án có liên quan đến tổ chức tín dụng và việc cưỡng chế, kê biên quyền sử đụng đất” và trong việc xây dựng các tham luận tại Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát thi hành án dân sự năm 2018.
Tiếp tục thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự. Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo thi hành án dân sự, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân cùng cấp để giải quyết những việc thi hành án phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa các ngành, việc có khiếu nại, tố cáo kéo dài; góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tăng cường phối hợp cung cấp thông tin có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong lĩnh vực thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
3. Việc xác định nhiệm vụ công tác đột phá
Vụ 11 VKSND tối cao xác định 02 nhiệm vụ công tác đột phá năm 2018 là tăng cường kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhất là trong việc kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của địa phương để xác định nội dung nhiệm vụ công tác đột phá của đơn vị; xây dựng biện pháp tổ chức thực hiện; sơ kết 6 tháng và tổng kết ở cả hai cấp, báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác đột phá lên VKSND cấp trên.
Hồng Quyên
(giới thiệu)