CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND cấp cao 3 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ kiểm sát giải quyết án hình sự về tội phạm trong lĩnh vực CNTT

04/06/2017
Cỡ chữ:   Tương phản
(Kiemsat.vn)- Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông là loại tội phạm mới, liên quan tới việc sử dụng CNTT và viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người, trên nhiều địa bàn....

 VKSND cấp cao 3 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ kiểm sát giải quyết án hình sự về tội phạm trong lĩnh vực CNTT

 
            (Kiemsat.vn)- Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông là loại tội phạm mới, liên quan tới việc sử dụng CNTT và viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người, trên nhiều địa bàn.
 
Ảnh minh họa
Lê Văn P đăng ký hoạt động cho trang Web “trangchuzalo.vn”, thiết kế và sao chép các tin nhắn giả thông báo trúng thưởng, kèm theo số điện thoại mà P đang sử dụng gửi qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Beetalk, Viber để chuyển đến các thuê bao, tài khoản có sử dụng những ứng dụng này… nhằm chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Để nhận tiền chiếm đoạt, P huy động các đồng phạm khác cung cấp tài khoản ATM của người lạ để nhận và rút tiền. Bản thân P và các đối tượng, bị hại không biết mặt nhau, không tiếp xúc trực tiếp mà thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để giao dịch, lừa trúng thưởng và nộp phí nhận thưởng bằng thẻ cào hoặc tiền mặt.
Tại điểm 4 Điều 10 của Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/9/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, VKSND tối cao, TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, quy định như sau: “Hành vi khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều 226b BLHS bao gồm các hành vi: Gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; …”. Như vậy, hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm d khoản 1 Điều 226b BLHS.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm thành phố H đã truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1, 2, 3 Điều 139 BLHS là chưa phù hợp với hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện trong thực tế.
Bản án phúc thẩm ngày 08/3/2017 của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh chấp nhận kháng nghị của Viện cấp cao 3 tuyên sửa án sơ thẩm, xử Lê Văn P, Phạm Quốc D, Phạm Nguyễn Minh T, Nguyễn Thị P, Võ Quốc P và Nguyễn Đức L về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b BLHS và tăng hình phạt đối với 02 bị cáo.
Thông qua vụ án cho thấy, hoạt động kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử cũng như  chỉ đạo của lãnh đạo Phòng nghiệp vụ, lãnh đạo Viện trong quá trình giải quyết vụ án chưa chặt chẽ, chưa đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án, chưa nắm chắc những dấu hiệu đặc trưng cơ bản của hành vi phạm tội của loại tội này; dẫn tới xác định sai tội danh, áp dụng không đúng điều luật quy định của BLHS, làm cho việc đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo không chính xác và tuyên phạt mức án không phù hợp, không có tác dụng đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
VKSND cấp cao 3 đã ban hành Thông báo để các Viện kiểm sát địa phương rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Ngát

 

Tìm kiếm