CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Rút kinh nghiệm khi giải quyết vụ án Cố ý gây thương tích

19/09/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tỉnh N ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án Cố ý gây thương tích có một số vi phạm trong quá trình giải quyết. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:..

 Rút kinh nghiệm khi giải quyết vụ án Cố ý gây thương tích

Vừa qua, VKSND tỉnh N ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án Cố ý gây thương tích có một số vi phạm trong quá trình giải quyết. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Nội dung vụ án và kết quả quá trình giải quyết:
Qua giới thiệu của chị Phượng, chị Ninh Thị Băng (chị dâu của Thuân) đã gọi cho chị Trần Thị Ban ở Hà Nội vay nợ nhưng chưa trả. Tối ngày 02/11/2014, Phạm Trọng Thuân và vợ là Trinh Thị Thuý ở Hải Phòng về nhà mẹ đẻ Thuân ở thị trấn C, huyện T, tỉnh N chơi, Thuân bảo chị Băng ra chở chị Phượng vào nhà bà Chuyên để nói chuyện nợ. Chị Phượng đến, Thuân và chị Phượng trao đổi chuyện vay nợ, Thuân ép và chị chị Phượng đồng ý sẽ nhận trách nhiệm trả nợ hộ cho chị Ban; Thuân yêu cầu trả ngay hôm nay và lấy con dao ở dưới gầm bàn để lên mặt bàn, tiếp tục đe doạ “Kiểu gì chị cũng phải trả, nay chị không trả, tôi cắt một ngón tay của chị” đồng thời túm tay giằng co với chị Phượng, Thuý đi vào nhìn thấy con dao để trên mặt bàn đã cầm lấy đưa cho mẹ chồng cấtđi. Chị Phượng giằng tay ra rồi đi sang giường ngủ ở phía đông của ngôi nhà và ngồi ở đó. Thuân đi đến với tay lấy chiếc kéo treo trên đinh móc treo lịch, túm lấy tay chị Phượng đè ra giường, chị Phượng sợ giãy dụa và vùng ra, Thuân nhìn ra cửa thấy Đỗ Văn Tuế là em họ và Thuý đang đứng ngoài sân, Thuân nói vào đây giữ cho anh. Thuân, Thuý và Tuế giữ hai chân chị Phượng, cả ba đè chị Phượng nằm sấp xuống giường, Thuân bẻ quặt tay phải chị Phượng ra sau lưng, Thuân đưa kéo cho Thuý và bảo “anh giữ cho em cắt”. Thuý cầm kéo và nói “chị có trả không” đồng thời mở rộng lưỡi kéo, Thuân cầm tay chị Phượng đưa lên, chị Phượng giãy dụa giằng ra. Thuân nói với Thuý “đưa kéo đây”, Thuý đưa kéo cho Thuân. Thuân dùng hai chân tì lên cẳng tay và bắp tay chị Phượng đồng thời đưa lưỡi kéo cắt đứt đốt 3 ngón tay trỏ bàn tay phải của chị Phượng, sau đó bị can bỏ đi. Kết quả giám định kết luận chị Phượng bị thương tích 06%.
Tại bản án 36/2016/HSST ngày 11/7/2016 của TAND huyện T đã tuyên bố các bị cáo Phạm Trọng Thuân, Trịnh Thị Thuý và Đỗ Văn Tuế phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng Điểm a, b Khoản 1 Điều 104; Điểm b, h,p Khoản 1 Điều 46; Điều 60 BLHS: Xử phạt bị cáo Phạm Trọng Thuân 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng; Xử phạt các bị cáo Trịnh Thị Thuý, Đỗ Văn Tuế mỗi bị cáo 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng (Quyết định của Hội đồng xét xử phù hợp với quan điểm đề xuất của KSV tại phiên toà).
Những vấn đề vi phạm cần rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án:
Về thủ tục tố tụng vụ án:
- Vụ án xảy ta từ ngày 02/11/2014, bị hại có đơn yêu cầu giải quyết từ ngày 06/11/2014; ngày 18/12/2014 có giám định kết luận tỉ lệ tổn thương cơ thể là 06% vật gây thương tích do vật có cạnh sắc tác động gây thương tích. Bị hại có nhiều đơn thư (kể cả gửi VKSND tỉnh), Viện trưởng VKSND tỉnh đã chỉ đạo xử lý dứt điểm, tuy nhiên đến ngày 04/12/2015 (tức là gần 1 năm kể từ ngày đại diện gia đình bị hại có đơn đề nghị khẩn cấp giải quyết vụ việc nêu trên) mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Việc làm này đã vi phạm quy định tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) về việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
- Ngày 03/11/2014 Cơ quan điều tra Công an huyện T lập biên bản xác định hiện trường, vẽ sơ đồ hiện trường. Song đến ngày 03/4/2016 mới lập biên bản xác định vị trí để chiếc kéo và lập biên bản truy tìm vật chứng. Như vậy việc xác định hung khí gây thương tích và việc thu giữ vật chứng quan trọng của vụ án đã không được tiến hành thu thập kịp thời đầy đủ là vi phạm Khoản 1 Điều 175 BLTTHS.
- Các bị can trốn, đến ngày 08/02/2016 bị can Thuân và Thuý mới bị bắt theo lệnh truy nã, quyết định đình nã đối với hai bị can này ghi ngày 08/02/2016. Tuy nhiên trong hồ sơ thể hiện các quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can đều ghi ngày 07/02/2016. Biên bản hỏi cung đối với bị can Thuân và Thuý ghi ngày 07/02/2016. Những thiếu sót, mẫu thuẫn trên Kiểm sát viên không phát hiện được mà đến khi xét xử mới phát hiện và phiên toà phải tạm dừng để xác minh. Theo báo cáo giải trình của Điều tra viên thuộc cơ quan CSĐT Công an huyện Trực Ninh do có sai sót trong việc ghi ngày tháng năm trong các tài liệu nên ghi nhầm ngày 17 thành 7).
Việc giải trình nêu trên của Cơ quan điều tra Công an huyện T là phù hợp với thời gian bắt giữ, hỏi cung bị can. Nhưng lại dẫn đến vi phạm tố tụng khác là: Vụ án, bị can đã khởi tố và phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn cần truy nã, nay đã bắt được, lý do gì sau khi bắt được bị can lại không tiến hành phục hồi điều tra vụ án, bị can, tiến hành hỏi cung và tống đạt các quyết định ngay mà tại sao phải đợi đến 09 ngày sau khi đã hết thời gian gia hạn tạm giữ lần 2 mới thực hiện các thao tác trên.
Việc làm trên (cho là ghi nhầm) là chưa thực hiện đúng các quy định của BLTTHS (Điều 131 và 165) và Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao.
- Cáo trạng số 27/QĐ-KSĐT ngày 25/4/2016 của VKSND huyện T, tại phần lý lịch đã ghi nhận bị can Thuân và Thuý bị tạm giữ từ ngày 08/02/2015 đến ngày 17/02/2016 là tạm giữ bị can hơn 01 năm.
Để dẫn đến vi phạm tố tụng nêu trên là thể hiện sự tắc trách, thực hiện chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của BLTTHS trong việc thực hiện các hoạt động điều tra vụ án hình sự của Điều tra viên. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án chưa làm hết trách nhiêm của mình trong các hoạt động nghiệp vụ, không bám sát quá trình giải quyết tin báo tố giác tội phạm, quá trình kiểm sát điều tra không bám sát quá trình điều tra giải quyết vụ án, không phát hiện ra những vi phạm tố tụng để kịp thời yêu cầu khắc phục sửa chữa.
Những vi phạm tố tụng đó đã được giải trình, xem xét tại phiên toà sơ thẩm và được đánh giá là có vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến bản chất và nội dung vụ án, không ảnh hưởng đến quyền lợi của những ngừi tham gia tố tụng nên VKSNS tỉnh không xem xét kháng nghị huỷ án và chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm chung.
 Việc áp dụng pháp luật nội dung:
* Việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ:
- Hành vi của các bị cáo Phạm Trọng Thuân, Trịnh Thị Thuý và Đỗ Văn Tuế là rất nguy hiểm, mặc dù không có mâu thuẫn gì và bản thân chị Phượng không có lỗi gì đói với các bị cáo, nhưng các bị cáo đã giữ và đè chặt xuống giường, dùng kéo cắt một đốt ngón tay chị Phượng. Hành vi đó thể hiện việc phạm tội của các bị cáo là có tình chất côn đồ, việc cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết này để xét xử là thiếu sót.
- Hành vi của bị cáo Thuân và các bị cáo khác là nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an, cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo phạm tội “… thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đề giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thuân, Thuý chưa thoả đáng.
* Về mức hình phạt đối với các bị cáo thấy:
Việc nhận định đánh giá, áp dụng các quy định của BLHS đối với vụ án chưa đầy đủ và chính xác, do vậy cấp sơ thẩm chỉ xử  phạt bị cáo Thuân với mức án 15 tháng tù và bị cáo Thuý 09 tháng tù đồng thời cho hưởng án treo là quá nhẹ, chưa đánh giá đúng tính chất mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi đã gây ra, chưa phân hoá đúng vai trò của từng bị cáo.
Do có các bị phạm nêu trên, VKSND tỉnh N đã ban hành kháng nghị phúc thẩm số 819 ngày 03/8/2016 đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, theo hướng: áp dụng thêm tình tiết tặng nặng, không áp dụng 01 tình tiết giảm nhẹ và tăng hình phạt đối với các bị cáo Phạm Trọng Thuân và Trịnh Thị Thuý; không cho bị cáo Phạm Trọng Thuân hưởng án treo.
* Dấu hiệu tội “Cưỡng đoạt tài sản”
Qua nghiên cứu hồ sơ kiểm sát, Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện T cho thấy: Ngoài tội  “Cố ý gây thương tích” Thuân đã có những lời nói, hành vi ép chị Phượng phải nhận trách nhiệm trả nợ hộ chị Ban số tiền 650 triệu đồng, đồng thời ép chị Phượng phải trả ngay, nay không trả sẽ cắt một ngón tay. Hành vi đó có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” chưa được điều tra làm rõ, kết luận cụ thể có hay không có tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối với Thuân.
TH
Tìm kiếm