Qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm giữa nguyên đơn làCông ty cổ phần vật tư nông sản (Apromaco), địa chỉ trụ sở:Số 14 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Bị đơn làCông ty cổ phần tập đoàn Vinacontrol (Vinacontrol)...
Rút kinh nghiệm bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm bị cấp phúc thẩm sửa
Qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm giữa nguyên đơn làCông ty cổ phần vật tư nông sản (Apromaco), địa chỉ trụ sở:Số 14 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Bị đơn làCông ty cổ phần tập đoàn Vinacontrol (Vinacontrol), địa chỉ trụ sở chính: số 54, đường Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; địa chỉ trụ sở chi nhánh: số 80 Phạm Minh Đức, phường Máy Tơ, quận N, Hải Phòng.Viện kiểm sát nhân dân thành phố H nhận thấy trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng không đúng pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân quận N đã kháng nghị và được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận tuyên sửa bản án sơ thẩm. Viện kiểm sát nhân dân thành phố H đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong toàn thành phố. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Tóm tắt nội dung và quá trình giải quyết vụ án
Công ty cổ phần Vật tư Nông sản (Apromaco) là doanh nghiệp chuyên doanh trong lĩnh vực phân bón và vật tư nông nghiệp phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngày 27/7/2011, Apromaco ký hợp đồng bán 5.000 +/- 10% tấn phân bón Ure cho đối tác Dreymoor Fertilizers overseas PTE LTD của Singapore.
Để giám sát việc nhận hàng và xác định số lượng, chất lượng, trọng lượng của lô hàng phân bón Ure với các khách hàng nội địa, đồng thời giao hàng rạch bao xếp lên tàu Asian Compass tại Cảng Hải Phòng cho khách hàng nước ngoài, ngày 19/8/2011 Apromaco đã mời Công ty cổ phần tập đoàn Vinacontrol Chi nhánh tại Hải Phòng thực hiện việc giám định. Trong giấy yêu cầu giám định Apromaco ghi 3 nội dung giám định gồm: Chất lượng, Mớn nước và Tally (số lượng), Vinacontrol đồng ý với nội dung này.
Tàu Asian Compass nhận hàng từ Cảng Hải Phòng từ ngày 20/8 – 29/8/2011 để vận chuyển sang Cảng Kaohsiung, Đài Loan.
Vinacontrol Hải Phòng đã thực hiện việc giám định hàng hóa và cấp chứng thư giám định như sau:
Theo Chứng thư giám định về số lượng (Tally) số 11CO1HX3868-01 ngày 28/8/2011 của Vinacontrol Hải Phòng thì đến hết ngày 27/8/2011, lượng hàng đã xếp lên tàu Asian Compass trên cơ sở khối lượng ghi trên bao và số lượng bao thực kiểm là: 107.400 bao tương đương với 5.370 tấn.
Ngày 28/8/2011, Apromaco xếp tiếp lên tàu là 2000 bao lấy từ bãi Cảng Hải Phòng. Như vậy, lượng hàng đã xếp lên tàu tương đương 5.470 tấn.
Theo Chứng thư giám định về số lượng số 11CO1HX3868-01 ngày 29/8/2011 28/8/2011 của Vinacontrol Hải Phòng cấp thì số lượng hàng Apromaco xếp lên tàu là: 109.400 bao. Apromaco đã thanh toán cho khách hàng nội địa tiền hàng tương đương với 5.470 tấn.
Theo Chứng thư giám định mớn nước số 11CO3HH3871-01 ngày 29/8/2011 của Vinacontrol Hải Phòng thì số lượng hàng xếp lên tàu Asian Compass là 5.201,839 tấn. Khách hàng nước ngoài thanh toán giá trị tiền hàng tương đương với 5.201,839 tấn cho Apromaco.
Do có sự chênh lệch giữa chứng thư giám định Tally(số lượng) và mớn nước, Apromaco và Vinacontrol Hải Phòng thống nhất niêm phong hầm hàng và thuê SGS Đài Loan giám định hàng tại Cảng dỡ hàng. Theo công văn của Vinacontrol Hải Phòng số 1073/NVTH-GĐ ngày 07/9/2011 về việc kết quả giám định khối lượng Ure dỡ khỏi tàu nói trên tại cảng đến (Đài Loan) bằng phương pháp giám định mớn nước là 5.202,000 tấn. Kết quả giám định này chỉ chênh lệch không đáng kể so với kết quả giám định mớn nước tại Cảng xếp hàng (Hải Phòng) (0,161 tấn).
Apromaco cho rằng do lỗi giám định sai của Vinacontrol Hải Phòng nên Apromaco đã chịu tổn thất số lượng hàng là: 5.470 tấn – 5.201,839 tấn = 268,161 tấn phân bón Ure. Hai bên đã tiến hành làm việc nhưng không giải quyết được về thiệt hại và việc bồi thường. Vì vậy, Apromaco đã có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền (đơn đề ngày 26/8/2014) yêu cầu:
Vinacontrol Hải Phòng đã có hành vi giám định sai gây thiệt hại cho Apromaco phải bồi thường thiệt hại cho Apromaco. Cụ thể:
- Tổn thất về hàng hóa: 268,121 tấn phân bón Ure Trung Quốc. Trị giá: 268,161 tấn x 471USD/tấn x 20.830 đồng/USD = 2.630.908.000 đồng;
- Lãi suất do việc không kịp thời đền bù tổn thất kể từ khi phát sinh tính đến ngày 31/7/2014 là: 1.173.663.032 đồng.
Tổng cộng: 3.804.571.832 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu, bổ sung yêu cầu đối với khoản tiền bị đơn phải bồi thường tính đến ngày xét xử sơ thẩm, cụ thể: Tổn thất 268,161 tấn x 471USD/tấn = 2.749.634.401 đồng (tính theo tỷ giá do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam công bố ngày 23/6/2015 là 1USD = 21.770 đồng); và lãi phát sinh kể từ ngày 01/9/2011 đến ngày 24/6/2015 là: 1.443.214.356 đồng. Tổng cộng là 4.192.848.757 đồng.
Ngày 24/06/2015, Tòa án nhân dân quận N đã mở phiên tòa xét xử vụ án, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Vật tư nông sản đối với Công ty cổ phần tập đoàn Vinacontrol. Buộc Công ty cổ phần tập đoàn Vinacontrol phải bồi thường cho Công ty cổ phần vật tư nông sản số tiền là 2.749.634.401 đồng cộng với khoản tiền lãi phát sinh là 1.443.214.356 đồng. Tổng cộng là 4.192.848.757 đồng.Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và lãi phát sinh sau ngày xét xử.
Không đồng ý với quyết định tại Bản án sơ thẩm, Bị đơn là Vinacontrol đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Viện kiểm sát nhân dân quận N kháng nghị toàn bộ bản án theo hướng sửa bản án sơ thẩm.
Ngày 09/12/2014 Tòa án nhân dân thành phố H đã xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của Vinacontrol và kháng nghị của Viện kiểm sát, tuyên sửa bản án KDTM sơ thẩm số 03/2015/KDTM-ST ngày 24/6/2015 của Tòa án nhân dân quận N, xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Apromaco. Apromaco phải chịu 112.193.000 đồng án phí KDTM sơ thẩm.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Bản án của Toà án nhân dân quận N nhận định: Apromaco bị thiệt hại do chênh lệch về số lượng hàng theo kết quả giám định tại Chứng thư giám định số lượng hàng với Chứng thư giám định mớn nước với số lượng chênh lệch là 268,161 tấn. Việc Vinacontrol cấp bản chứng thư giám định về số lượng hàng số 11C01HX3868-01 ngày 28/8/2011 là trên cơ sở các giám định viên tiến hành thực hiện việc giám định theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả và kết luận trong chứng thư giám định của mình. Do đó, cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Apromaco, buộc Vinacontrol phải bồi thường cho Apromaco số tiền thiệt hại tương đương 268,161 tấn Ure Trung Quốc và phải thanh toán khoản tiền lãi phát sinh từ ngày 01/9/2011.
Tuy nhiên, với các tài liệu chứng cứ ở cấp sơ thẩm chưa đủ cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường của bị đơn, bởi lẽ:
- Chưa đủ căn cứ chứng minh được kết quả giám định của Vinacontrol là sai:
Hạng mục yêu cầu giám định của Apromaco có 3 nội dung: Mớn nước, Tally (số lượng), Chất lượng. Trong các nội dung yêu cầu giám định, Apromaco không yêu cầu Vinacontrol thực hiện việc giám định trọng lượng toàn bộ lô hàng trước khi lên tàu hoặc cân kiểm trọng lượng từng bao để xác định chính xác mỗi bao có đủ 50kg hay không. Hạng mục giám định Tally chỉ xác định số lượng bao thực kiểm, còn khối lượng hàng chỉ được tính ra căn cứ vào trọng lượng ghi trên vỏ bao là 50kg/bao nhân với số lượng bao chứ không phải kết quả giám định, việc tính này cũng trên cơ sở đề nghị của Apromaco.
Vinacontrol đã thực hiện việc kiểm đếm số lượng (số lượng bao hàng lên tàu) và chất lượng theo yêu cầu, thiếu hụt hàng hóa chỉ xảy ra khi tiến hành giám định mớn nước. Việc xếp hàng lên tàu có sự kiểm tra giám sát của các bên, nhưng khi xả hàng xuống tàu (rạch vỏ bao đổ hàng rời xuống tàu) thì không có sự kiểm tra quá trình xả hàng cũng như không thực hiện việc kiểm đếm vỏ bao để xác định chính xác số lượng hàng được xả xuống tàu. Như vậy, không có căn cứ để khẳng định trọng lượng trung bình mỗi bao chính xác là 50kg cũng như toàn bộ số hàng hóa được xếp xuống tàu đã được xả đủ trọng lượng có trong bao.
- Trong trường hợp xác định các kết quả giám định của Vinacontrol là sai dẫn đến thiệt hại cho Apromaco, cũng chưa có cơ sở để xác định lỗi của Vinacontrol là lỗi cố ý. Trong trường hợp này, việc xác định lỗi vô ý hay cố ý của đơn vị giám định là cơ sở để xác định mức phạt hoặc bồi thường thiệt hai do hậu quả của việc giám định sai. Theo quy định tại Điều 266 Luật thương mại, Apromaco không chứng minh được Vinacontrol cấp chứng thư giám định có kết quả sai là do lỗi cố ý, đồng nghĩa với việc Vinacontrol không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Điều 266 Luật thương mại quy định:
“Phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết quả giám định sai
1. Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.
2. Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng trực tiếp yêu cầu giám định.
3. Khách hàng có nghĩa vụ chứng minh kết quả giám định sai và lỗi của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định.”
Như vậy, bản án của Tòa án nhân dân quận N đã quyết định không đúng pháp luật trong việc buộc bị đơn là Công ty cổ phần tập đoàn Vinacontrol phải bồi thường cho Công ty cổ phần vật tư nông sản toàn bộ thiệt hại cộng với khoản tiền lãi phát sinh.
Một số kinh nghiệm rút ra thông qua công tác xét xử vụ án:
Trong vụ án nói trên có sự phối hợp tốt giữa hai cấp Viện kiểm sát để ban hành kháng nghị kịp thời. Viện kiểm sát nhân dân quận N đã chọn vụ án này làm phiên tòa rút kinh nghiệm, chủ động nắm bắt nội dung vụ án từ khi thụ lý, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, trình bày của các bên liên quan trong vụ án để nắm rõ bản chất vụ việc, đối chiếu với các quy định của pháp luật để có quan điểm về nội dung. Thông qua việc tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo Phòng 10 đã kịp thời nắm bắt nội dung vụ án và kết quả xét xử sơ thẩm, có hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân quận N ban hành kháng nghị kịp thời, chính xác.
TH