Vừa qua, TAND tỉnh H đã xét xử phúc thẩm vụ án Bùi Đình H phạm tội “Trộm cắp tài sản” do VKNSD tỉnh H kháng nghị phúc thẩm do có vi phạm trong việc áp dụng pháp luật hình sự. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...
Rút kinh nghiệm về việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trong vụ án trộm cắp tài sản
Vừa qua, TAND tỉnh H đã xét xử phúc thẩm vụ án Bùi Đình H phạm tội “Trộm cắp tài sản” do VKNSD tỉnh H kháng nghị phúc thẩm do có vi phạm trong việc áp dụng pháp luật hình sự. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Nội dung vụ án và quá trình tố tụng:
Sáng ngày 13/11/2015, trên đường đi từ thị xã K về thị xã H, khi đi qua địa bàn xã C, huyện C, tỉnh H, qua quan sát, Bùi Đình H thấy có ngôi nhà hai tầng ở bên đường, cửa khóa, không có người trông coi nên nảy sinh ý định đột nhập vào nhà để trộm cắp tài sản. H đã mua hai thanh sắt để làm công cụ phạm tội. Khoảng 17 giờ cùng ngày, sau khi quay lại ngôi nhà hai tầng nói trên để thực hiện hành vi phạm tội thì phát hiện chủ nhà đã về nên H đi xe theo Quốc lộ 1A hướng ra thành phố H. Khi đi qua nhà ông Nguyễn Đình C ở thôn 12, xã C, huyện C, thấy cửa khóa, điện trong nhà không sáng, Bùi Đình H đã trèo qua mái tôn, dùng thanh sắt đập vỡ ô kính cánh cửa chính, đột nhập vào nhà. Sau khi lục soát nhưng không lấy được tài sản gì, H đã phá khóa cửa phòng ngủ tầng 1, dùng 2 thanh sắt mang theo cạy cửa két sắt để lấy tài sản, trong lúc đang cạy két sắt phát két thì bị ông Nguyễn Văn C phát hiện, H bỏ trốn sau đó bị Công an huyện triệu tập đến làm việc.
Cáo trạng số 04/Ctr-KSĐT ngày 23/12/2015 của VKSND huyện truy tố Bùi Đình H theo khoản 1, Điều 138, Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt Bùi Đình H từ 12 đến 15 tháng tù.
Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện đã áp dụng khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự ; điểm g, p khoản 1 Điều 46; Điều 18, khoản 1 khoản 3 Điều 52 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Bùi Đình H 18 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Thời hạn tù tính từ ngày 15/11/2015 (ngày tạm giam).
Trong hạn luật định, VKSND tỉnh đã kháng nghị phúc thẩm đối với bản án nêu trên, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng khoản nặng hơn của Điều luật đẻ xét xử đối với bị cáo Bùi Đình H.
Tại bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh, áp dụng Điểm c, khoản 2 Điều 18; Điểm g, p, khoản 1 Điều 46, Điều 18, khoản 1, khoản 3 Điều 52 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo H 24 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, thời hạn tù tính từ ngày 15/11/2015.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Việc Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo về tội Trộm cắp tài sản là đúng nhưng áp dụng khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự để xét xử đối với bị cáo là không chính xác trong việc áp dụng pháp luật hình sự, bởi lẽ: Khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, bị cáo đang có các tiền án, cụ thể:
- Ngày 27/02/2006 bị Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh N xử phạt 12 tháng theo bản án hình sự sơ thẩm số 73/2006/HSST.
- Ngày 23/3/2006 (trước khi bản án hình sự sơ thẩm số 73 có hiệu lực pháp luật) bị cáo phạm tội Trộm cắp tài sản và đến ngày 29/6/2006 bị Tòa án nhân dân huyện Đ xử phạt 15 tháng tù theo bản án hình sự sơ thẩm số 11/2006. Tổng hợp hình phạt của 2 bản án, buộc bị cáo phải chấp hành 26 tháng 21 ngày tù.
- Ngày 28/4/2006 bị cáo phạm tội Trộm cắp tài sản và đến ngày 19/9/2006 bị Tòa án nhân dân huyện N xử phạt 36 tháng tù theo bản án hình sự sơ thẩm số 23/2006. Tổng hợp với hình phạt 26 tháng 21 ngày tù của 2 bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành 62 tháng 21 ngày tù.
- Ngày 27/8/2012 bị cáo phạm tội Trộm cắp tài sản và bị Tòa án nhân dân huyện N xử phạt 42 tháng tù theo bản án hình sự sơ thẩm số 42/2012.
Như vậy, tính đến lần phạm tội Trộm cắp tài sản ngày 13/11/2015, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đã tái phạm chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý, theo quy định tại Điểm b, khoản 2, Điều 49 Bộ luật hình sự thì bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “ tái phạm nguy hiểm”. Điều 138 Bộ luật hình sự quy định tình tiết “tái phạm nguy hiểm” là tình tiế định khung tăng nặng. Vì vậy, cần phải truy tố và xét xử bị cáo theo Điểm c, khoản 2, Điều 138 Bộ luật hình sự mới đúng quy định của pháp luật. Đáng lưu ý là bản án hình sự sơ thẩm liền trước đó của bị cáo phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng “tái phạm nguy hiểm” (theo điểm c khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự) nhưng Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm vẫn truy tố và xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự.
TH