CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao về các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 15/7/2016 đến ngày 21/7/2016..

22/07/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Báo Phụ nữ Việt Nam số 85 ngày 15/7/2016 có bài “Có biên bản hỏi cung trước khi bắt được nghi can”, số 86 ngày 18/7/2016 có bài “Án treo khiến dư luận bức xúc” của tác giả TK. Nội dung bài báo nêu: Ngày 02/01/2014, chị Phạm Thị Phượng, trú tại thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định giới thiệu...

 Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao về các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 15/7/2016 đến ngày 21/7/2016

1. Báo Phụ nữ Việt Nam số 85 ngày 15/7/2016 có bài “Có biên bản hỏi cung trước khi bắt được nghi can”, số 86 ngày 18/7/2016 có bài “Án treo khiến dư luận bức xúc” của tác giả TK. Nội dung bài báo nêu: Ngày 02/01/2014, chị Phạm Thị Phượng, trú tại thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định giới thiệu cho bạn là Trần Thị Ban, sinh 1987, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội đến nhà Ninh Thị Băng trú tại, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định để vay tiền làm ăn. Số tiền chị Ban vay là 650 triệu đồng, Phượng đã nhận giúp từ chị Băng để đưa cho Ban, sau đó Băng nhiều lần đòi chị Phượng trả nợ số tiền vay này nhưng chị Phượng không đồng ý trả vì không vay, chỉ nhận tiền hộ Ban. Sau nhiều lần đe dọa, ngày 02/11/2014, ba người trong gia đình Băng là Phạm Trọng Thuân, Trịnh Thị Thúy và Đỗ Văn Tuế đã vào nhà khống chế chị Phượng. Thuân dùng kéo sắt cắt 2 đốt ngón tay trỏ của chị Phượng, hậu quả chị Phương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện 108 Hà Nội với mức thương tích tổn hại 6% sức khỏe. Công an huyện Trực Ninh đã khởi tố vụ án và 3 bị can này nhưng Thúy và Thuân đã bỏ trốn phải ra lệnh truy nã. Quá trình điều tra vụ án này đã có nhiều sai sót: Vụ án có 7 người tổ chức, chỉ đạo và thực hiện nhưng Cơ quan điều tra chỉ khởi tố 3 đối tượng, không khởi tố Ninh Thị Băng và mẹ chồng của Băng là những người chỉ đạo, tổ chức là bỏ lọt tội phạm. Một sai lầm nghiêm trọng khác là ngày 08/02/2016, Công an huyện mới bắt được 2 bị can đang bị truy nã là Thúy và Thuân nhưng ngày 07/02/2016, Điều tra viên đã có biên bản hỏi cung 2 bị can này. Tuy có nhiều sai phạm như vậy nhưng VKSND huyện Trực Ninh vẫn lập cáo trạng truy tố các bị can để chuyền Tòa xét xử  với lý do đây chỉ là những lỗi nhỏ, không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Ngày 11/7/2016, Tòa án Trực Ninh đã xử sơ thẩm vụ án và tuyên phạt cả 3 bị cáo đều được hưởng án treo khiến dư luận rất bức xúc.
Yêu cầu VKSND tỉnh Nam Định kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 2 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
 2. Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh số 187 ngày 15/7/2016 có bài  “Dân tố Công an huyện ngâm án” của tác giả Gia Tuệ- Cao Xuân. Nội dung bài báo nêu: Công an huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng điều tra 2 vụ án cố ý gây thương tích nhưng có hiện tượng “ngâm án”, vi phạm Điều 103 Bộ Luật tố tụng hình sự.
Vụ thứ nhất: Ngày 11/12/2014, ông Quách Khánh Tuấn ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề bị anh rể đánh phải đi cấp cứu, kết quả giám định thương tích ông bị tổn hại 22% sức khỏe nhưng từ khi ông có đơn tố cáo đến nay đã gần 2 năm công an huyện Trần Đề vẫn không khởi tố.
Vụ thứ 2: Ngày 01/10/2014, ông Lê Thanh Hải bị 4 người ở cùng ấp dùng gậy đánh, kết qủa giám định thương tích ông Hải bị tổn hại 21% sức khỏe nhưng đến tháng 3/2016 (sau 18 tháng) Công an huyện mới khởi tố vụ án và 3 tháng sau ông lại nhận được thông báo đã tạm đình chỉ điều tra vụ án. Việc thụ lý giải quyết 2 vụ án này có nhiều dấu hiệu bất thường và bị khiếu nại gay gắt kéo dài nên Ban Nội chính Tỉnh ủy đã yêu cầu cơ quan tố tụng phải kiểm tra và báo cáo rõ kết quả xử lý.
Yêu cầu VKSND tỉnh Sóc Trăng  kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 2  và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Tuổi trẻ số 192 ngày 18/7/2006 có bài “Có thể bỏ lọt tội phạm” của tác giả Thân Hoàng, số 193 ngày 19/7/2016 có bài “Không khởi tố lãnh đạo Vinaconex là trái pháp luật của tác giả Đinh Văn Quế; Báo Tiền Phong số 198 ngày 18/7/2016 có bài “Không xử lý hình sự các cựu lãnh đạo Vinaconex” của tác giả Dương Lê, Báo Dân trí điện tử ngày 17/7/2016 có bài “Nực cười chuyện đường ống Sông Đà, vỡ 18 lần không khởi tố vì… vi phạm lần đầu” của tác giả Phương Dung. Nội dung các bài báo nêu: Ngày 31/5/2016, TAND Tp Hà Nội đã trả hồ sơ vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” làm 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà để yêu cầu làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex và lấy lời khai của nguyên đơn dân sự là đại diện Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex. Ngày 15/7/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an có kết luận điều tra bổ sung đã xác định: Sau 18 lần vỡ đường ống nước Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex đã phải bỏ ra 13,4 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa, 177.000 hộ dân không được cấp nước trong thời gian 343 giờ, lượng nước không được cấp là 1,5 triệu m3. Doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm số tiền hơn 1000 tỷ đồng để xây dựng khẩn cấp thêm một đường ống mới. Thiệt hại là đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài 9 bị can đã khởi tố, Cơ quan điều tra cũng xác định một số thành viên Hội đồng quản trị  của công ty là các ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT nay là Phó chủ tịch UBND Tp Hà Nội, Nguyễn Văn Tuân, Tổng Giám đốc, Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm là các thành viên HĐQT có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực đã gây nên hậu quả như trên là có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên Cơ quan điều tra cho rằng những người này vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, không có vụ lợi nên không ai bị khởi tố. Về việc này, theo ý kiến của rất nhiều Luật sư như: Luật sư Trương Thanh Đức, Trần Đình Triển, Nguyễn Văn Nam, Đinh Văn Quế… và chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì việc không khởi tố các ông này là bỏ lọt tội phạm vì tất cả các lý do trên chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi xử lý. Việc không khởi tố các đối tượng này không được dư luận đồng tình và tạo ra tiền lệ xấu khi xử lý các vụ án tương tự.Nhiều báo khác phát hành trong tuần cũng đưa tin và bình luận về vụ, việc này.
Yêu cầu Vụ 3 VKSND tối cao kiểm tra lại vụ án trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 190 ngày 18/7/2016 có bài “Ẩn khuất vụ bị cáo khuyên Viện kiểm sát nhận sai” của tác giả Đặng Tuyền. Nội dung bài báo nêu: Mặc dù ngày 08/7/2016, TAND Tp Hải Phòng xử sơ thẩm vụ án đã tuyên phạt bị cáo Lương Xuân Chung 18 năm tù, Bùi Đăng Tuân và Phạm Đăng Hậu mỗi bị cáo 16 năm tù về tội “Giết người” xảy ra ngày 27/4/2013, tại xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng làm anh Nguyễn Văn Tâm bị chết. Tuy nhiên, ngay từ đầu các bị cáo liên tục kêu oan, Luật sư của các bị cáo còn đưa ra các bằng chứng để chứng minh các bị cáo không có mặt tại hiện trường khi gây án nhưng Tòa án không xem xét đến những tình tiết quan trọng này. Gia đình các bị cáo có đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra nêu Nguyễn Văn Tuyển là nhân chứng trong vụ án lại chính là người đã thuê người giết nạn nhân Nguyễn Văn Tâm nhưng Cơ quan điều tra không làm rõ. Tại phiên tòa, các bị cáo đã khuyên Kiểm sát viên nên dũng cảm nhận đã truy tố sai. Vì vậy, khi  xét xử phúc thẩm vụ án TAND cấp cao tại Hà Nội cần xem xét lại và tuyên hủy bản án sơ thẩm này để điều tra lại, tránh oan, sai.
Yêu cầu VKSND.Tp Hải Phòng và VKSND cấp cao tại Hà Nội kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Nông nghiệp Việt Nam số 145 ngày 21/7/2016 có bài “Vụ đê biển Lạch Giang: Bị tố ngược vì tố cáo tham nhũng” của tác giả Hoàng Anh. Nội dung bài báo nêu: Phát hiện nhiều dấu hiệu tham nhũng tại cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang là dự án công trình lớn nhất của dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đấu tư với số vốn đầu tư lên đến 1600 tỷ đồng. Kỹ sư Lê Văn Tấn trú tại xã Bát Trang, huyện An Lão, Tp Hải Phòng đã làm đơn tố cáo gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng, cơ quan ngôn luận phản ánh việc nhà thầu Locsha thi công sai thiết kế, rút ruột công trình hàng chục tỷ đồng, ăn quỵt 3 tỷ đồng tiền nhân công lao động, ông khẳng định nếu tố cáo sai ông hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, chưa có cơ quan nào tổ chức điều tra. Công ty Locsha lại có đơn tố cáo ngược lại ông có hành vi vu khống, tống tiền. Vì vậy, ông Tấn tha thiết đề nghị Bộ giao thông vận tải và các cơ quan pháp luật cần kiểm tra làm rõ để có biện pháp xử lý đúng pháp luật.
Yêu cầu VKSND Tp. Hải Phòng và Vụ 5 VKSND tối cao  kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Tìm kiếm