1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 180 ngày 08/7/2016 có bài “Kiểm sát viên làm sai luật tại phiên tòa sơ thẩm” của tác giả Thanh Tùng. Nội dung bài báo nêu: TAND tỉnh Bến Tre vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hành chính, trong đó:..
Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 08/7/2016 đến ngày 14/7/2016
1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 180 ngày 08/7/2016 có bài “Kiểm sát viên làm sai luật tại phiên tòa sơ thẩm” của tác giả Thanh Tùng. Nội dung bài báo nêu: TAND tỉnh Bến Tre vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hành chính, trong đó: Công ty Cổ phần phân bón Ba Lá Xanh (trụ sở tại tỉnh Long An) kiện yêu cầu Tòa án hủy quyết định xử phạt hành chính của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre và bồi thường thiệt hại do quyết định này gây ra. Tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh đã vi phạm vì “lấn sân”, vượt thẩm quyền của Hội đồng xét xử khi nêu luôn quan điểm kết luận về việc giải quyết nội dung vụ án trước khi Tòa nghị án. Việc nêu quan điểm đã vi phạm Điều 160 Luật Tố tụng hành chính năm 2010, quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm như sau: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”. Như vậy, Luật không cho phép Kiểm sát viên trình bày quan điểm kết luận vụ án. Theo ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến, giảng viên trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh thì Kiểm sát viên là người thực hiện giám sát luật tố tụng lại chính là người vi phạm luật tố tụng hành chính, do đó Công ty Ba Lá Xanh là nguyên đơn bị thua kiện cần kháng cáo để Tòa phúc thẩm xét xử lại vụ án này.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bến Tre kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 10 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Nông nghiệp Việt Nam số 138 ngày 12/7/2016 có bài “Không khởi tố, đúng hay sai?” của tác giả Đức Trung. Nội dung: Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2015, bà Ngô Thị Phượng là chủ đầu tư dự án Kim Anh- Hải Lưu thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hải Lưu tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã có hành vi chỉ đạo nhân viên công ty phá 07 trụ điện bằng kim loại đã chôn bằng bê tông của vợ chồng ông Phạm Văn Sỹ và bà Dương Thị Thanh Thủy trên tuyến đường dân sinh của khu phố. Số trụ điện này vợ chồng ông thuê làm với số tiền 20 triệu đồng. Vợ chồng ông Sỹ, bà Thủy đã tố cáo hành vi hủy hoại tài sản của bà Phượng đến Công an huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sau một thời gian dài điều tra xác minh, Công an huyện Phú Quốc có Thông báo số 269/TB-CQĐT không khởi tố vụ án hình sự vì hành vi không cấu thành tội phạm. Viện kiểm sát huyện Phú Quốc cũng đồng ý với quyết định này vì lý do thiệt hại chỉ có 1.526.518 đồng, chưa đủ 02 triệu đồng trở lên nên chưa đến mức khởi tố hình sự. Dư luận cho rằng vụ việc này có dấu hiệu bà Phượng “chạy” Hội đồng định giá tài sản của huyện Phú Quốc để định giá quá thấp, sai thiệt hại thực tế nên cần phải được xác định lại thiệt hại và quyết định không khởi tố của Công an huyện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Yêu cầu VKSND tỉnh Kiên Giang kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 2 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo điện tử Dân trí ngày 11/7/2016 có bài “Phía sau chuyện điều tra 11 năm chưa có kết luận của Công an huyện Đông Anh là gì?” của tác giả Anh Thế. Nội dung: Từ năm 2002, bà Lê Thị Hồng Hạnh ở số nhà 59, tổ 53 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội đã trúng đấu giá mua ngôi nhà số 14B, tổ 1 khối 3C thị trấn Đông Anh với số tiền mua đấu giá lúc đó là 88.253.000 đồng nhưng chưa được bàn giao tài sản vì nhà này mặc dù đã được kê biên nhưng ông Đào Xuân Mai không phải là người đứng tên chủ tài sản nhưng đã tự ý phá hủy ngôi nhà và công trình phụ trên diện tích 67,5m2 của bà Hạnh đã mua và tự ý xây dựng một ngôi nhà 4 tầng, không có giấy phép trên mảnh đất này. Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng trên, Cơ quan Thi hành án huyện Đông Anh đã có công văn đề nghị Công an và VKSND huyện Đông Anh điều tra, khởi tố hình sự đối với ông Mai về hành vi hủy hoại tài sản đã kê biên, cố ý làm hư hỏng tài sản, chiếm đoạt tài sản đang bị kê biên nhưng đến nay đã gần 11 năm, mặc dù bà Hạnh và Cơ quan Thi hành án huyện Đông Anh nhiều lần có công văn yêu cầu Công an và VKSND huyện Đông Anh trả lời về kết quả điều tra, xử lý nhưng Công an huyện vẫn im lặng. Việc này vi phạm nghiêm trọng Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về thời hạn xử lý tin báo, tố giác tội phạm, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Trách nhiệm thuộc về Công an và VKSND huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội.
Yêu cầu VKSND Tp. Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 2 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Pháp luật Việt Nam số 196 ngày 14/7/2016 có bài “Có sót người, lọt tội” của tác giả Khoa Lâm. Nội dung: Vừa qua, TAND huyện Mê Linh, Tp. Hà Nội đã xử sơ thẩm vụ án Kiều Đức Hạnh trú tại xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Tp. Hà Nội về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tuyên phạt Hạnh 18 tháng tù cho hưởng án treo. Tuy nhiên, vụ án này còn bỏ lọt tội bắt giữ người trái pháp luật vì sau khi chiếm đoạt xe máy của anh Phi, Hạnh đã bắt và nhốt anh Tạ Văn Phi tại nhà mình từ 22 giờ ngày 28/01/2015, đến 6 giờ sáng ngày 29/01/2015, nhưng không bị khởi tố về việc này. Ngoài ra, Cơ quan điều tra công an huyện cũng không điều tra làm rõ dấu hiệu đồng phạm của vợ Hạnh là Nguyễn Thị Tỵ vì chính chị Tỵ là người điện thoại mời anh Hạnh đến nhà, sau đó dắt xe của anh Hạnh vào nhà, bảo anh Hạnh đi vào nhà bằng cửa sau rồi chủ động ôm hôn anh Phi trước khi nằm lên giường, ngay sau đó Hạnh cầm gậy nhẩy vào đánh và bắt anh Phi viết giấy vay nợ, gán xe máy vì đã ngoại tình với vợ mình. Việc này là có sự sắp đặt, giăng bẫy từ trước của cả vợ Hạnh. Vì vậy, khi xử phúc thẩm vụ án này, tòa án cần hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Yêu cầu VKSND Tp. Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 2 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 186 ngày 14/7/2016, có bài “Bị đánh tét đầu nhưng Công an không khởi tố” của tác giả Thanh Tùng, Báo Công lý số 56 ngày 13/7/2016 có bài “Có bỏ lọt tội phạm” của tác giả Văn Khôi. Có cùng nội dung: Do có mâu thuẫn từ trước nên tối ngày 09/6/2014, ông Nguyễn Việt Hùng ở ấp Phước Toàn, xã Long Hiệp, huyện Bên Lức, tỉnh Long An đã bị ông Phan Hùng và 2 người con trai cầm 03 thanh sắt đến vụt vào đầu và người gây thương tích phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp. Hồ Chí Minh. Công an xã đã lập hồ sơ ban đầu về vụ, việc, thu giữ 03 thanh sắt tang vật. Kết quả giám định thương tích ông bị tổn hại 08% sức khỏe. Ông Hùng có đơn đề nghị khởi tố bố con ông Phan Hùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, sau một thời gian dài điều tra xác minh, ngày 13/01/2016, Công an huyện Bến Lức có thông báo không khởi tố vụ án hình sự vì không xác định được thương tích của ông Hùng do ai đánh và đánh bằng hung khí gì. VKSND huyện Bến Lức cùng nhất trí với nhận định của Công an huyện. Ông Hùng cho rằng lý do này là không đúng vì khi ông bị đánh bằng 03 thanh sắt đã được thu giữ là hung khí nguy hiểm, việc đánh ông có hai nhân chứng đang ngồi uống bia tại quán của ông chứng kiến nên mặc dù thương tích của ông dưới 11% vẫn đủ căn cứ để khởi tố hình sự nên ông đã khiếu nại quyết định này.
Yêu cầu VKSND tỉnh Long An kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.