Thông qua công tác kiểm sát các bản án hình sự sơ thẩm và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự, vừa qua, Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm một số nội dung. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...
Rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự sơ thẩm
Thông qua công tác kiểm sát các bản án hình sự sơ thẩm và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự, vừa qua, Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm một số nội dung. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Tóm tắt nội dung vụ án và quá trình giải quyết:
Vụ thứ nhất: Bị cáo: Trần Ngọc Hùng - sinh năm 1970, Trú quán: Số 92/81 Đà Nẵng, phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Tiền án: Bị can có 04 tiền án
- Án số 101/HSST ngày 09/12/1988 Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng xử phạt 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Trộm cắp tài sản riêng công dân;
- Án số 46/HSST ngày 04/5/1989 Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền xử phạt 06 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản riêng công dân, tổng hợp 09 tháng tù của bản án số 101/HSST ngày 09/12/1988 buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là 15 tháng tù;
- Án số 409/HSST ngày 06/12/1991 Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xử phạt 30 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản
- Án số 222 ngày 13/6/1998 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xử phạt 07 năm về tội Trộm cắp tài sản
Bị cáo: Nguyễn Văn Thanh – sinh năm 1965, ĐKNKTT: Số 44/46 Đà Nẵng, phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng; Chỗ ở hiện nay: Số 4/60/29 Hồ Sen, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng;
Tiền án: Có 05 tiền án
- Án số 35/HSST ngày 24/3/1983 Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền xử phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo về tội Trộm cắp tài sản riêng công dân;
- Án số 223/HSST ngày 03/11/1985 Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền xử phạt 18 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản riêng công dân, tổng hợp 15 tháng tù của bản án số 35/HSST ngày 24/3/1983 buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là 33 tháng tù;
- Án số 189/HSST ngày 26/7/1989 Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội xử phạt 30 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản riêng công dân;
- Án số 05/HSST ngày 09/01/1993 Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xử phạt 05 năm tù về tội Trộm cắp tài sản của công dân;
- Án số 222 ngày 13/6/1998 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xử phạt 07 năm về tội Trộm cắp tài sản;
Nội dung vụ án: Khoảng 9h30’ ngày 10/6/2015 Trần Ngọc Hùng điều khiển xe mô tô mang BKS 16F9-9676 chở Nguyễn Văn Thanh đi lang thang xem có ai sơ hở thì trộm cắp tài sản. Khi đi đến cửa hàng quần áo tại số 398 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng phát hiện thấy xe mô tô SH mang BKS 16N3-1976 của chị Phạm Thị Lương Bình đang dựng ở đó, quan sát thấy không ai trông coi, Hùng dựng xe sát vào xe của chị Bình rồi giả vờ vào mua hàng để cảnh giới còn Thanh ở ngoài dùng tay móc vào trong cốp xe của chị Bình lấy được 01 chiếc ví da rồi bỏ đi về phía hồ Quần Ngựa, tại đây Hùng và Thanh mở ví ra kiểm tra trong ví có 8.000.000đ và một số giấy tờ. Hùng và Thanh lấy tiền trong ví chia nhau mỗi người 4.000.000đ còn chiếc ví cùng giấy tờ vứt tại khu vực cổng phụ Cung văn hóa hữu nghị Việt Tiệp.
Theo chị Phạm Thị Lương Bình trình báo chị bị mất chiếc ví da bên trong có 80.000.000đ ( tài liệu điều tra không chứng minh được chị Lương có số tiền là 80.000.000đ); một số giấy tờ gồm Chứng minh thư nhân dân; thẻ ATM; bằng lái xe mô tô; bằng lái xe ô tô; Giấy đăng ký xe mô tô BKS 16N3-1978 và BKS 15B2-08737; bảo hiểm xe mô tô; bảo hiểm y tế
Ngày 15/12/2015 Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền ban hành Cáo trạng số 03/CT-VKS truy tố các bị cáo Trần ngọc Hùng và Nguyễn Văn Thanh về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1 điều 138 BLHS;
Ngày 15/01/2016 Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa Kiểm sát viên trong phần luận tội có quan điểm xác định bị cáo Hùng và Thanh đã phạm tội thuộc trường hợp “ Tái phạm nguy hiểm “ theo quy định tại khoản 2, điểm c Điều 138 BLHS. Tuy nhiên không làm xấu đi tình trạng của các bị cáo nên tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo theo khoản 1 Điều 138 BLHS đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 196 BLTTHS xem xét đánh giá và xét xử các bị cáo theo điểm c khoản 2 Điều 138 BLHS. Mặc dù Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo theo khoản 1 Điều 138 BLHS, nhưng khi đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền lại đề nghị xử phạt cả hai bị cáo Hùng và Thanh mỗi bị cáo với mức án từ 36 đến 42 tháng tù (vượt quá mức tối đa quy định tại khoản 1 điều 138 BLHS là 06 tháng, vì khung hình phạt tại khoản 1 điều 138 BLHS từ 06 tháng đến 03 năm ). Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền đã áp dụng điểm c khoản 2 điều 138 BLHS tuyên phạt bị cáo Hùng và Thanh mỗi bị cáo 36 tháng tù.
Qua nghiên cứu bản án hình sự sơ thẩm trên thấy Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền trong quá trình điều tra, truy tố còn có một số vi phạm các quy định của Bộ luật hình sự cần phải rút kinh nghiệm. Cụ thể:
- Cả hai bị cáo Trần Ngọc Hùng và Nguyễn Văn Thanh đều phạm tội thuộc trường hợp “ Tái phạm nguy hiểm “ đây là tình tiết định khung hình phạt tại điểm c khoản 2 điều 138 BLHS xong Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền đã bỏ lọt tình tiết định khung này là thiếu sót.
- Tại giai đoạn xét xét sơ thẩm mặc dù VKSND quận Ngô Quyền đã phát hiện sai sót của mình đã bỏ lọt tình tiết định khung của hai bị cáo Hùng và Thanh theo điểm c khoản 2 điều 138 BLHS đã đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điều 196 BLTTHS để xem xét. Xong khi đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo thì Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền lại đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo vượt khung hình phạt quy định tại khoản 1 điều 138 BLHS là 06 tháng ( VKS đề nghị mỗi bị cáo từ 36 đến 42 tháng tù )
- Đối với bị cáo Nguyễn Văn Thanh đã có 05 tiền án liên tục về tội Trộm cắp tài sản, Trần Ngọc Hùng đã có 04 tiền án liên tục về tội Trộm cắp tài sản nhưng cấp sơ thẩm không nhận định, đánh giá các bị cáo lấy kết quả phạm tội làm nguồn sống chính để xem xét hai bị cáo “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp“ theo quy định tại điều 5 Nghị Quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hay không là chưa triệt để.
Vụ thứ hai: Họ và tên bị cáo: Nguyễn Bùi Dũng – sinh năm 1986; Trú quán: Số 15 dãy nhà 13 gian Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng
Tiền án: Có 02 tiền án
- Án số 125/2007/HSST ngày 14/8/2007 Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền xử phạt 42 tháng tù về tội Cướp giật tài sản
- Án số 02/2011/HSST ngày 13/01/2011 Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền xử phạt 04 năm tù về tội Cướp giật tài sản
Nội dung vụ án: (Theo nội dung trong bản án được tóm tắt )
- “ 8h ngày 17/6/2015 Nguyễn Bùi Dũng điều khiển xe môtô nhẫn hiệu Yamaha NOUVO LX mầu nâu bạc, BKS 16R6 – 3074 đi trên đường Điện Biên Phủ rẽ vào đường Đinh Tiên Hoàng. Khi đi đến ngã 3 Hồ Xuân Hương và Đinh Tiên Hoàng phát hiện thấy chị Nguyễn Thị Thu Hương đang điều khiển xe mô tô từ đường Hồ Xuân Hương rẽ phải sang đường Đinh Tiên Hoàng trên cổ có đeo sợi dây chuyền vàng rồi phóng xe bỏ chạy theo hướng ngã 3 Đinh tiên hoàng – Nguyễn Tri phương … “
- 14h30 ngày 30/3/2015 Nguyễn Bùi Dũng dùng xe mô tô cướp giật của chị Nguyễn Thị Kim Hà 01 túi xách bên trong có 01 điện thoại Iphone 6; một số giấy tờ tùy thân và khoảng 5.000.000đ
- 9h30’ ngày 12/6/2015 Nguyễn Bùi Dũng dùng xe mô tô cướp giật của chị Nguyễn Thị Ngọc Khánh 01 túi xách bên trong có 01 điện thoại Iphone 6; 01 điện thoại Samsung Galaxy S3; 01 xạc điện thoại Iphone 6; 01 xạc điện thoại Samsung và 135.000đ
Qua nghiên cứu bản án hình sự sơ thẩm trên thấy Viện kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng trong quá trình kiểm sát bản án còn có một số vi phạm cần phải rút kinh nghiệm. Cụ thể:
- Tại bản án số 68/2015/HSST ngày 09/12/2015 của Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng trong phần nội dung vụ án 8h ngày 17/6/2015 không thể hiện hành vi của bị cáo đã cướp giật sợi dây chuyền trên cổ của chị Hương nhưng Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát bản án không phát hiện được sai sót này để kiến nghị yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa sửa chữa, bổ sung bản án hoặc làm văn bản kiến nghị với Tòa án.
- Bị cáo có 02 tiền án chưa được xóa án tích ( đều về tội Cướp giật tài sản ) lần phạm tội này thuộc trường hợp “ Tái phạm nguy hiểm “ đây là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại điểm c khoản 2 điều 136 BLHS; Các bị cáo dùng phương tiện xe mô tô để thực hiện tội phạm, theo quy định của pháp luật hành vi dùng xe mô tô để thực hiện tội phạm là “ dùng thủ đoạn nguy hiểm “ đây là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại điểm d khoản 2 điều 136 BLHS. Xong tại bản án không thể hiện Viện kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng truy tố bị cáo theo điểm nào của khoảng 2 điều 136 BLHS ( tình tiết định khung là những tình tiết nào); bị cáo phạm tội nhiều lần ( 03 lần ) nhưng phần đề nghị của Viện kiểm sát chỉ thể hiện việc đề nghị áp dụng khoản 2 điều 136; điểm p khoản 1 điều 46 đề nghị mức hình phạt 06 năm 06 tháng đến 07 năm 06 tháng tù. Mặc dù trong phần xét thấy của bản án có nhận định lần phạm tội này của bị cáo thuộc trường hợp “ tái phạm nguy hiểm “ theo điểm c khoản 2 điều 136 BLHS. Xong phần quyết định của bản án chỉ thể hiện áp dụng khoản 2 điều 136; điểm g khoản 1 điều 48( phạm tội nhiều lần); điểm b, p khoản 1 điều 46 BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn Bùi Dũng 06 năm 06 tháng tù. Những sai sót vi phạm của bản án như đã nêu trên Kiểm sát viên không phát hiện kịp thời để Kiến nghị với Tòa án yêu cầu sửa chữa khắc phục.
Vụ thứ ba: Họ và tên bị cáo: Bùi Dũng Phước – sinh năm 1940; ĐKNKT: Số 12 xóm Độc Lập, phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Tiền án; Tiền sự: chưa
Nội dung vụ án: Bùi Dũng Phước dùng căn nhà của mình tại số 12 xóm Độc Lập, phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng để chứa mại dâm thu lời, để thực hiện ý đồ đó Phước thuê 05 gái mại dâm gồm: Đặng Thị Điệp - sinh năm 1985; Dương Thị Mơ - sinh năm 1957; Bùi Thị Mậu - sinh năm 1989; Đồng Thị Lợi - sinh năm 1983 và Đồng Thị Hươi - sinh năm 1991 và thỏa thuận với các gái bán dâm mỗi lần mua bán dâm là 250.000đ/1 lần, gái bán dâm được hưởng 120.000đ/1 lần còn Phước được hưởng 130.000đ/1 lần, việc mua bán dâm do gái bán dâm tự chủ giao dịch và thu tiền với khách được ghi chép vào sổ để thanh toán với Phước.
20h ngày 17/01/2015 Đào Duy Khánh đến nhà Phước để mua dâm. Khánh chọn Điệp rồi đi lên phòng mua bán dâm, sau khi mua dâm xong Khánh đi xuống tầng 1 thì gặp Ngô Quốc Cường và Nguyễn Văn Thắng là người quen của Khánh đến, Khánh bảo Cường và Thắng đi lên phòng mua bán dâm để Khánh thanh toán tiền và ngồi đợi ở dưới nhà, Cường chọn Mậu và Thắng chọn Hươi, Khánh thanh toán tiền cho Điệp 750.000đ là tiền mua dâm cho cả Cường và Khánh. Khi Cường và Thắng đang mua bán dâm thì bị Công an phát hiện bắt giữ thu giữ 174 bao cao su; 01 quyển sổ tay; và số tiền 5.290.000đ
Trong thời gian chuẩn bị xét xử bị cáo bỏ trốn; truy nã không có kết quả, nên Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền đã tiến hành làm thủ tục xét xử vắng mặt đối với bị cáo.
Ngày 05/01/2016 Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền đã Áp dụng điểm c khoản 2 điều 254; Điểm m, n, s khoản 1 và khoản 2 điều 46; điều 47 BLHS. Xử phạt bị cáo: 03 năm tù. Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo Phước kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền.
Qua nghiên cứu Hồ sơ vụ án và bản án hình sự sơ thẩm trên thấy Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử còn có một số vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cần phải rút kinh nghiệm. Cụ thể:
- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử bị cáo đã bỏ trốn khỏi địa phương, mặc dù tòa sơ thẩm đã làm đầy đủ trình tự và thủ tục để tiến hành xét xử vắng mặt đối với bị cáo nhưng trong bản án hình sự sơ thẩm số 01/2016 ngày 05/01/2016 Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền không viện dẫn và áp dụng khoản 2 điều 187 BLTTHS là thiếu sót.
- Khi bắt giữ có thu giữ của bị cáo Phước 01 quyển sổ tay mà bị cáo và các gái bán dâm khai quyển sổ đó để ghi chép, theo dõi việc mua bán dâm của gái bán dâm với khách và để thanh toán với Phước nhưng cơ quan điều tra và VKSND quận Ngô Quyền không dùng quyển sổ đó làm vật chứng để đấu tranh mở rộng vụ án làm căn cứ truy tố đối với bị cáo.
- Thu giữ của bị cáo số tiền 5.290.000đ tài liệu điều tra chỉ kết luận số tiền 750.000đ là tiền thu lời trong việc mua bán dâm ngày 17/01/2015; Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền chỉ truy tố bị cáo về hành vi chứa mại dâm ngày 17/01/2015; tài liệu điều tra không chứng minh được tất cả số tiền 5.290.000đ là tiền thu lời của bị cáo từ việc chứa mại dâm. Xong phần xử lý vật chứng tòa sơ thẩm đã tuyên tịch thu sung công quỹ số tiền 5.290.000đ là không chính xác.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Thông qua các vụ án nêu trên cho thấy trên thực tế đang diễn ra tình trạng, Kiểm sát viên chưa tập trung nghiên cứu đánh giá xác định thế nào là “ Tái phạm “ hay “ Tái phạm nguy hiểm” hoặc chưa nghiên cứu các quy định, hướng dẫn xác định “ Có tính chất chuyên nghiệp” theo tinh thần Nghị Quyết của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân Tối cao. Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên chưa thực hiện việc kiểm sát bút ký phiên tòa để phát hiện kịp thời những thiếu sót của Thẩm phán để bổ sung và báo cáo Lãnh đạo dơn vị kiến nghị kịp thời; Trong quá trình kiểm sát điều tra chưa tập trung nghiên cứu tài liệu chứng cứ thu thập được để đề ra yêu cầu điều tra mở rộng vụ án, chưa tuân thủ quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự khi tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo; chưa đánh giá được thế nào là tiền thu lời bất chính để sung công quỹ nhà nước trong phần xử lý vật chứng.
Vì vậy, để không xảy ra thiếu sót tương tự yêu cầu đặt ra đối với Lãnh đạo, Kiểm sát viên của các đơn vị cần phải nâng cao trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ trong việc chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử trong suốt quá trình giải quyết vụ án và công tác kiểm sát biên bản phiên tòa cũng như việc kiểm sát bán án hình sự sơ thẩm.
TH