Pháp lệnh về án phí, lệ phí của Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009. Đây là cơ sở pháp lý để Tòa án xác định án phí, lệ phí khi giải quyết vụ việc cụ thể, tạo điều kiện cho việc thu, nộp, miễn, giảm án phí, lệ phí của Tòa án được thống nhất. Qua 6 năm thực hiện pháp lệnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận thấy các dạng vi phạm như:....
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tổng kết 6 năm thi hành pháp lệnh án phí, lệ phí
Pháp lệnh về án phí, lệ phí của Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009. Đây là cơ sở pháp lý để Tòa án xác định án phí, lệ phí khi giải quyết vụ việc cụ thể, tạo điều kiện cho việc thu, nộp, miễn, giảm án phí, lệ phí của Tòa án được thống nhất. Qua 6 năm thực hiện pháp lệnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận thấy các dạng vi phạm như: Người khởi kiện thuộc trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 11 của Pháp lệnh chỉ nộp đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo mà không nộp đơn đề nghị miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí Tòa án có thẩm quyền đã chủ động miễn tạm ứng án phí, án phí cho người khởi kiện và ra thông báo thụ lý vụ án là vi phạm Khoản 1, Điều 15 của Pháp lệnh.
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 27 của Pháp lệnh, trường hợp đương sự được nhận giá trị tài sản phần di sản được chia thì phải chịu án phí theo mức tương ứng giá trị tài sản, phần di sản được hưởng nhưng Tòa án lại căn cứ đơn xin giảm án phí của đương sự để giảm án phí mà đương sự phải nộp.
Xác định án phí trong trường hợp công nhận sự thỏa thuận của đương sự trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa chưa chính xác. Cụ thể: Nhiều trường hợp Tòa án xác định mức án phí các bên đương sự phải nộp khi thỏa thuận được trước khi mở phiên tòa là 100% mức án phí phải nộp. Ngược lại, nhiều trường hợp tại phiên tòa các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án lại xác định án phí các đương sự phải nộp là 50% mức án phí theo quy định.
Theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh, mức tạm ứng lệ phí, án phí được miễn không được vượt quá 50% mức tiền tạm ứng án phí nhưng trong một số vụ án, Thẩm phán đã miễn quá mức quy định trên dẫn đến gây thất thoát khoản thu ngân sách nhà nước.
Trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành 01 quyết định kháng nghị theo thủ tục phú thẩm, được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận; ban hành 06 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm về án phí, lệ phí đối với Tòa án nhân dân tỉnh, được Tòa án chấp nhận và có công văn trả lời.
Một số hạn chế, bất cập qua 6 năm thực hiện Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
Đối với các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí: Khoản 2, Điều 10 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án quy định “Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí”. Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp nhà nước tham gia các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại có sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước để tiến hành hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận. Khi tranh chấp phát sinh, các doanh nghiệp này khởi kiện để yêu cầu Tòa án buộc một bên phải trả lại tài sản hoặc thực hiện nghĩa vụ về tài sản là tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc có nguồn gốc từ phần vốn và tài sản do nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp theo như quy định tại Điều 200 Bộ luật dân sự thì có được xem là trường hợp khởi kiện để bảo vệ lợi ích của nhà nước hay không? Khi khởi kiện các cơ quan, tổ chức này có phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện thì có phải nộp tiền tạm ứng án phí hay không?
Về đối tượng được miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí, lệ phí: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 14, Pháp lệnh án phí, lệ phí thì người có khó khăn về kinh tế được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận thì được Tòa án miễncho nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí. Tuy nhiên nhiều đương sự là cơ quan, tổ chức, pháp nhân cũng gặp khó khăn về kinh tế trong quá trình hoạt động kinh doanh thì có thuộc diện được miễn một phần tiền tạm ứng án phí, án phí? Do đó, cần phải quy định về miễn án phí cho đương sự không phải là cá nhân.
Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thu, nộp, miễn, giảm án phí, lệ phí của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án như:
Đề nghị sửa đổi Khoản 2, Điều 10, Pháp lệnh án phí, lệ phí: “Cơ quan, tổ chức khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước thì không phải nộp tạm ứng án phí, án phí, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước khởi kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.
Về xử lý tiền tạm ứng án phí: Tại Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 (thay thế Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004) quy định Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; cơquan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có tổ chức, cá nhân nào thừa kếquyền, nghĩa vụ tố tụng…
Tại Khoản 3 Điều 388, Khoản 3 Điều 392 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 (thay thế Khoản 3 Điều 320, Khoản 2 Điều 325, Khoản 3 Điều 331 và Khoản 2 Điều 336 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004) quy định: Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ xét đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về và thông báo cho Tòa án biết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.
Để phù hợp với quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên nhân từ phía đương sự thì tiền tạm ứng án phí, lệ phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án do Tòa án trả lại đơn kiện theo quy định thì tiền tạm ứng án phí, lệ phí đã nộp được trả lại cho đương sự.
Điều 19 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thu, nộp, miễn, giảm án phí, lệ phí của Tòa án nhưng chưa quy định cụ thể các quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát. Do đó, cần quy định cụ thể các quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc thu nộp, miễn án phí, lệ phí Tòa án được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật./.
TT