Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự với 10 Phần, 42 chương, 517 điều (trong đó bổ sung mới 102 điều, sửa đổi, bổ sung 292 điều) có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Bộ luật quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện, yêu cầu để Tòa án giải quyết các vụ, việc về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại...
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015
Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự với 10 Phần, 42 chương, 517 điều (trong đó bổ sung mới 102 điều, sửa đổi, bổ sung 292 điều) có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Bộ luật quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện, yêu cầu để Tòa án giải quyết các vụ, việc về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Bộ luật cũng quy định những nguyên tắc thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng… trong đó quy định về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân dược sửa đổi, bổ sung với những nội dung cơ bản sau đây:
- Về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong TTDS
Trong quá trình soạn thảo Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nhiều ý kiến cho rằng trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát nhân dân không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng. Một số ý kiến khác lại cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng có ý kiến cho rằng, trong tố tụng dân sự Viện kiểm sát nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng do vậy Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tham gia tố tụng.
Điều 46 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
"1. Các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự gồm có:
a) Tòa án;
b) Viện kiểm sát.
2. Những người tiến hành tố tụng dân sự gồm có:
a) Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án;
b) Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Như vậy, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tiếp tục khẳng định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự; Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng dân sự; đồng thời, bổ sung quy định Kiểm tra viên cũng là người tiến hành tố tụng và bổ sung 01 điều luật (Điều 59) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên để bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm sát viên, kiểm tra viên được quy định như sau:
Khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu;
2. Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự;
3. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này;
4. Tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này;
5. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án;
6. Kiến nghị, yêu cầu Tòa án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
7. Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật;
8. Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật;
9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng dân sự khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật này.
Khi được phân công tiến hành hoạt động tố tụng, Kiểm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên;
2. Lập hồ sơ kiểm sát vụ việc dân sự theo phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát;
3. Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.
- Về sự tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của Viện kiểm sát nhân dân (được quy định tại các điều 21, 232, 296, 367 và 374):
Điều 21 của Bộ luật TTDS năm 2015 quy định vềKiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự:
"1. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.
2. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này.
3. Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
4. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này".
Như vậy,ngoài các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp như Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung một số nội dung mới như sau:
- Bổ sung quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng;
- Quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm hoặc phiên tòa, phiên họp phúc thẩm mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm. Quy định này nhằm bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên và của Viện kiểm sát.
- Về việc phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm giải quyết vụ việc dân sự (Điều 262 và Điều 369)
Tại phiên tòa sơ thẩm: Điều 262 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án".
Như vậy, kiểm sát viên không chỉ phát biểu về việc chấp hành pháp luật tố tụng của thẩm phán, hội đồng xét xử như trước đây mà còn phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự trong thời gian qua cho thấy quy định về sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, khi mà trình độ dân trí còn hạn chế, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án, khi có tranh chấp nhiều người dân chưa có điều kiện mời Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình và đội ngũ Luật sư hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia tất cả các phiên tòa.Viện kiểm sát tham gia phiên tòa và phát biểu về việc giải quyết vụ án là đại diện cho quyền lợi của xã hội, không phải là đại diện của các bên đương sự, chỉ đưa ra quan điểm về áp dụng pháp luật và không nghiêng về bên nào. Quy định này cũng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát và của kiểm sát viên.
Tại phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự: Điểu g khoản 1 Điều 369 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự"
Tại các điều 262, 306, khoản 3 Điều 341, điểm g khoản 1 Điều 369, điểm c khoản 1 Điều 375 quy định: Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ việc. Đây là điểm cần chú ý trong thực hiện công tác kiểm sát.
- Về thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát
Tiếp tục kế thừa quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành về thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát, tại khoản 6 điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm".
Đồng thời, bổ sung quy định Kiểm sát viên khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn “Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này” (khoản 3 Điều 58);
Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (trong đó có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao) có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết.
- Về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
Điều 331 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
"1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ".
"1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ".
Như vậy, để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi quy định về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, theo đó: bỏ thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huyện của Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện bổ sung quyền kháng nghị cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
Nguyễn Thị Hồng Oanh