CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ngành kiểm sát hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII

22/02/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm...
Ngành kiểm sát hoàn thành tốt các nhiệm vụ,
chỉ tiêu của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao. Trách nhiệm công tố trong điều tra được tăng cường và thể hiện ngày càng rõ nét; chất lượng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên tại các phiên tòa được bảo đảm tốt hơn; thời gian giải quyết các vụ án được rút giảm, chất lượng được nâng cao; các trường hợp oan, sai và bỏ lọt tội phạm giảm dần. Đã phối hợp giải quyết dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, được dư luận đánh giá tích cực, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công tác điều tra của Viện kiểm sát được tăng cường và hỗ trợ tốt hơn cho công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực hoặc có oan, sai trong hoạt động tư pháp. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được đẩy mạnh, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 52, Nghị quyết số 63, Nghị quyết số 67, Nghị quyết số 82, Nghị quyết số 96,… của Quốc hội đều được triển khai, thực hiện nghiêm túc, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp; hoàn thành tốt công tác xây dựng thể chế, nhất là các dự án luật được giao chủ trì soạn thảo; tích cực tham gia xây dựng các dự án luật về tư pháp,... Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành đạt nhiều kết quả mang tính đột phá; công tác đào tạo, bồi dưỡng có những bước chuyển biến căn bản; kỷ cương, kỷ luật được giữ vững; hợp tác quốc tế được mở rộng, hiệu quả hơn; cơ sở vật chất, các điều kiện bảo đảm được tăng cường đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Những kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tiếp tục khẳng định và tăng thêm niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.
Ngay đầu nhiệm kỳ, VKSND tối cao đã khẩn trương xây dựng Chương trình công tác của Viện trưởng VKSND tối cao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trong đó đã xác định cụ thể 04 công tác trọng tâm và tổ chức thực hiện nghiêm túc từ trung ương đến cấp cơ sở. Đã kịp thời quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nhiệm vụ trong nghị quyết của Quốc hội. Đã chỉ đạo toàn Ngành triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”; thông qua các chỉ thị công tác hằng năm, các chỉ thị chuyên đề, chỉ đạo sâu sát, cụ thể việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và yêu cầu của Quốc hội; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành; yêu cầu lựa chọn khâu công tác đột phá để tập trung thực hiện, nhằm khắc phục thiếu sót, hạn chế, tạo sự chuyển biến thực sự; nghiên cứu, đề xuất đổi mới căn bản công tác đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ; chú trọng tổng kết thực tiễn, hướng dẫn nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác nghiệp vụ; đánh giá công tác trên cơ sở mức độ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao; chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác tư pháp, công tác kiểm sát; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan,...
Qua đó, mặc dù khối lượng công việc tăng nhưng ngành Kiểm sát đã đạt được những kết quả nổi bật, tạo sự chuyển biến thực sự trên các mặt công tác, điển hình là: đã thực hiện vượt 04/04 chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 37, các chỉ tiêu đạt được năm sau tốt hơn năm trước, trong đó: đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự từ khi khởi tố; truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 99,99%, vượt 9,99%; truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,9%, vượt 4,9%; kháng nghị các loại được Tòa án chấp nhận đạt 81,8%, vượt 11,8%. Trách nhiệm công tố được chủ động thực hiện sớm hơn, gắn chặt hơn với hoạt động điều tra, góp phần quan trọng chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự; chất lượng, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên theo các năm được nâng lên. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp hiệu quả hơn; trong nhiệm kỳ, đã ban hành 41.461 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm pháp luật; số lượng, chất lượng và hiệu lực các bản kiến nghị, kháng nghị ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp. Qua thực hiện chức năng, ngành Kiểm sát đã kịp thời phát hiện nhiều vụ án oan, sai, nhiều thiếu sót, sơ hở trong quản lý nhà nước; đã kiến nghị với Chính phủ, một số bộ, ngành nhiều giải pháp thiết thực nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm và được tiếp thu, thực hiện nghiêm túc.
Những thiếu sót, hạn chế trong hoạt động tư pháp từng bước được khắc phục. Theo đó, đã cơ bản kiềm chế được sự gia tăng tội phạm; các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự phải xử lý hành chính, trả tự do chiếm tỷ lệ thấp và giảm nhiều; tiến độ, chất lượng giải quyết án hình sự được nâng lên; trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm dần và chiếm tỷ lệ nhỏ; các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan đều giảm mạnh; việc áp dụng hình phạt cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, nhất là đối với các bị cáo về tội kinh tế, tham nhũng giảm đáng kể, bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật; tình trạng quá hạn tạm giữ, tạm giam, vi phạm nghiêm trọng trong tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự được khắc phục và giảm dần,... quyền và lợi ích hợp pháp của con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo đảm.
Công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng trong hoạt động tư pháp được tăng cường; Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án về tham nhũng, thiết thực góp phần xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo Viện kiểm sát cấp dưới đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo, điển hình như các vụ án xảy ra tại: Vinashine; Vinaline; Công ty cho thuê tài chính 2; Ngân hàng ACB; Vietinbank;… Kết quả cho thấy, việc giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ đã có nhiều tiến bộ; thời gian giải quyết nhanh hơn, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.
Đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, điển hình như vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội),…
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, ngành Kiểm sát đã sớm xây dựng các kế hoạch và tập trung chỉ đạo việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; Luật Tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh Viện kiểm sát quân sự và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Đồng thời, tổ chức tốt các hội nghị, hội thảo tại các địa phương và trong toàn Ngành; tích cực nghiên cứu, tham mưu đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng trong việc xây dựng Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là những quy định liên quan đến VKSND. Đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành thực hiện dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) được Quốc hội giao chủ trì biên soạn.
Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, VKSND tối cao đã xây dựng chỉ thị, kế hoạch triển khai thi hành và khẩn trương tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt thực hiện đến từng cán bộ, Kiểm sát viên, chuyển tải đến toàn Ngành những quy định mới, những nội dung tiến bộ của Hiến pháp năm 2013. Cùng với việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, ngành Kiểm sát tập trung đẩy nhanh xây dựng dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và BLTTHS (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, tiến độ và đúng quy trình theo quy định của pháp luật; thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và những quy định mới của Hiến pháp năm 2013; chọn lọc, tiếp thu những tư tưởng tư pháp tiến bộ, khắc phục những hạn chế của các quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, 02 dự thảo luật đã hoàn thành đúng kế hoạch và được Quốc hội thông qua với tỷ lệ biểu quyết tán thành cao.
Ngành Kiểm sát đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp, nhất là việc tham gia xây dựng 06 đạo luật quan trọng về tư pháp vừa được thông qua. Đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng, ban hành hơn 80 văn bản liên quan đến công tác tư pháp và nhiều văn bản khác; đặc biệt, cùng với việc xây dựng dự án luật, Ngành đã chủ động nghiên cứu xây dựng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), BLTTHS (sửa đổi) để triển khai thi hành ngay khi luật có hiệu lực.
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thi hành luật, VKSND tối cao đã sớm xây dựng chỉ thị chuyên đề, kế hoạch và ngày 26/12/2015 đã tổ chức Hội nghị toàn Ngành triển khai thi hành 07 đạo luật về tư pháp mới được Quốc hội thông qua đến cán bộ, Kiểm sát viên trong toàn Ngành.
Công tác xây dựng ngành đạt nhiều kết quả nổi bật:VKSND tối cao đã tích cực xây dựng các đề án đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo đảm các nguồn lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và nhiều đề án đã được triển khai trong thực tiễn; tiếp tục được đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát các cấp theo hướng chuyên sâu, gọn đầu mối; chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
VKSND tối cao đã kịp thời chỉ đạo toàn Ngành triển khai thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014, đánh dấu thời kỳ phát triển mới trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đã chủ động nghiên cứu và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 14 nghị quyết và tổ chức triển khai thực hiện trong toàn Ngành, theo đó đã: kiện toàn, thành lập mới 05 đơn vị cấp vụ và 03 VKSND cấp cao, bổ sung nhiệm vụ, đổi tên 09 đơn vị thuộc VKSND tối cao; bổ sung biên chế, số lượng chức danh tư pháp cho Viện kiểm sát các cấp đáp ứng nhu cầu công tác, ưu tiên cho cấp cơ sở và những đơn vị mới thành lập hoặc có khối lượng công việc gia tăng.
Toàn Ngành chú trọng rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo; làm tốt việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015- 2020, kết quả, lần đầu tiên hơn 90% lãnh đạo VKSND cấp huyện, tỉnh tham gia Ban chấp hành Đảng bộ địa phương. Đổi mới toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra; tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao; kỷ cương, kỷ luật được tăng cường, đoàn kết nội bộ được giữ vững, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. 
Đến hết năm 2015, ngành Kiểm sát đã cơ bản thực hiện đạt số biên chế được giao; thực hiện nhiều giải pháp và đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng, thiếu cán bộ có chức danh tư pháp tại các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ giữ chức danh tư pháp; tổ chức thi tuyển chọn nguồn bổ nhiệm lãnh đạo các cấp, bổ nhiệm các chức danh tư pháp để chọn người thực sự có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và trách nhiệm; trong 4 năm, ngành Kiểm sát đã tuyển chọn, bổ nhiệm 3.561 chức danh tư pháp, cơ bản đạt chỉ tiêu được giao.
Ngành Kiểm sát đã có nhiều đổi mới mang tính chiến lược, căn cơ trong đào tạo, bồi dưỡng và thu được những kết quả rất tích cực. Trong 4 năm, đã đào tạo, bồi dưỡng 15.845 lượt cán bộ, Kiểm sát viên và Điều tra viên, theo đó chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngành đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng; đã tuyển dụng 04 lớp nguồn nhân lực với 94 cán bộ và cử 609 lượt cán bộ, Kiểm sát viên đi đào tạo ở nước ngoài. Đặc biệt, Ngành đã nỗ lực xây dựng, thực hiện Đề án thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội; đến nay, đã tuyển sinh, đào tạo 03 khóa, với 917 sinh viên cử nhân luật chuyên ngành kiểm sát.
Ngành Kiểm sát chú trọng và hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; đã nghiên cứu, xây dựng và phát hành Báo cáo về tình hình tội phạm năm 2015, tiến tới xây dựng Sách trắng về tình hình tội phạm, qua đó cung cấp cơ sở thực tiễn để hoạch định chính sách đấu tranh phòng, chống tội phạm trong những năm tiếp theo.
Toàn Ngành thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết TW 4 khóa XI, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh; kỷ cương và trách nhiệm” gắn với các cuộc vận động xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh; theo đó, đã thu được nhiều kết quả nổi trội, đặc biệt, tại Đại hội thi đua yêu nước lần Thứ V của Ngành, lần đầu tiên 2 đơn vị VKSND cấp tỉnh vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”.
Ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành thực sự được đẩy mạnh; đến đầu năm 2015 đã đưa vào sử dụng Hệ thống truyền hình trực tuyến đến hơn 812 điểm cầu trong toàn Ngành; đã và đang phối hợp xây dựng, kết nối truyền hình trực tuyến đến phòng xét xử, các cơ sở đào tạo của Ngành, phục vụ thiết thực công tác đào tạo, bồi dưỡng. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin được nâng lên theo từng năm.
Đã chủ động xây dựng, thực hiện nhiều đề án đầu tư các nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác cho Viện kiểm sát địa phương; đổi mới toàn diện trang phục của Ngành; trang bị 40% ô tô chuyên dùng cho VKSND cấp huyện; 100% VKSND cấp huyện được trang bị máy quay phim, chụp ảnh phục vụ công tác nghiệp vụ. Đẩy nhanh việc triển khai thi công, sớm đưa vào khai thác nhiều công trình, trụ sở VKSND các cấp đáp ứng nhu cầu công tác.
Ngành Kiểm sát đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, mở rộng quan hệ song phương, đa phương với Viện kiểm sát, cơ quan công tố, cơ quan tư pháp các nước và các tổ chức quốc tế trong xây dựng, thực thi pháp luật; đã tham gia và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của thành viên Hiệp hội Công tố viên quốc tế và Hiệp hội các cơ quan phòng, chống tham nhũng quốc tế.
Có nhiều đổi mới trong việc đàm phán, xây dựng các hiệp định; đã xây dựng Mẫu hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam, phối hợp với Bộ ngoại giao đổi mới phương thức đàm phán qua kênh cơ quan ngoại giao, tạo thuận lợi cho việc đàm phán các hiệp định. Theo đó, VKSND tối cao đã đàm phán và ký 07 hiệp định; đang đàm phán xây dựng 05 hiệp định; đã ký 09 thỏa thuận song phương; VKSND cấp tỉnh đã ký 11 thỏa thuận hợp tác với Viện kiểm sát các nước có chung đường biên giới. Ngành đã triển khai, thực hiện đúng mục đích và hiệu quả các dự án quốc tế.
Những năm qua, yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự tăng, nội dung phức tạp nhưng ngành Kiểm sát đã hoàn thành tốt trách nhiệm là cơ quan đầu mối trong tương trợ tư pháp về hình sự, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia.
Phúc Long
Tìm kiếm