CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND tối cao rút kinh nghiệm vụ án Cố ý gây thương tích

21/11/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm đã xét xử bị cáo Phạm Tiến Duy về tội “Cố ý gây thương tích”. Thông qua vụ án này, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thấy cần rút kinh nghiệm trong việc áp dụng pháp luật, nhằm bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật và nghiêm minh...

 VKSND tối cao rút kinh nghiệm vụ án Cố ý gây thương tích

Vừa qua, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm đã xét xử bị cáo Phạm Tiến Duy về tội “Cố ý gây thương tích”. Thông qua vụ án này, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thấy cần rút kinh nghiệm trong việc áp dụng pháp luật, nhằm bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật và nghiêm minh.
Nội dung vụ án: Theo nội dung Bản án hình sự phúc thẩm: Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 31/3/2012, Phạm Tiến Duy cùng anh trai là Phạm Tiến Hà đến nhà chị Nguyễn Thị Yến ở thôn Hệ, xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình chơi. Trên đường đi ra bờ ao để câu cá gặp anh Nguyễn Đức Đại, hai bên xẩy ra cãi nhau nhưng được mọi người can ngăn. Sau đó, Duy điều khiển xe mô tô chở Hà về  nhà, Duy định lấy một đoạn sắt để đi đánh anh Đại được ông Phạm Đình Ân (là bố đẻ của Duy và Hà) can ngăn không cho đi đánh nhau nhưng Duy không nghe. Duy gọi điện thoại cho Nguyễn Tùng Lâm để mượn dao phớ. Sau đó, Duy rủ Hà, Khúc Ngọc Thành, Nguyễn Văn Tuyến và Phan Văn Hùng đến nhà ông Lê Văn Xứng ở xã Thụy Dân mua 05 con dao (phớ) với giá 500.000 đồng. Hà đã gói 05 con dao mới mua và 01 con dao mượn của Lâm vào bao rồi cả hội đi về xã Thụy Ninh.Trên đường đi cả nhóm gặp Phan Tiến Tùng bảo Tùng đi giúp, còn Phan Văn Hùng và Phan Sỹ Hùng về nhà. Còn lại Duy, Hà, Vũ Duy Hùng, Tùng, Thành, Tuyến mỗi người cầm 01 con dao đi đến nhà anh Đại ở thôn Hệ, xã Thụy Ninh. Duy đi vào trong nhà anh Đại, Hà đi theo sau, Hùng và Tùng dừng xe đứng ngoài cổng. Duy đi vào trong sân thì gặp cháu Nguyễn Thị Quỳnh Nga (em gái anh Đại) và anh Nguyễn Sơn Dương (anh trai anh Đại). Lúc đó, anh Đại thấy vậy chạy từ trong nhà ra thì bị Duy dùng dao chém 01 nhát vào lưng. Anh Đại chạy ra phía cổng, Duy vung dao đuổi theo và hô “chém chết nó”. Khi anh Đại chạy ra cổng thì Vũ Duy Hùng dùng tay phải kéo cổ áo anh Đại làm áo tụt ra, thấy lưng anh Đại chảy máu nên Hùng buông ra. Anh Đại hai tay ôm đầu chạy về phía Tùng, Tùng rút dao ra vung lên chạm vào cánh tay, cổ tay anh Đại. Anh Đại tiếp tục chạy sang nhà hàng xóm và được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Còn Duy, Hà, Tùng và Vũ Duy Hùng lên xe máy bỏ chạy, khi đi cách nhà anh Đại một đoạn thì gặp Khúc Ngọc Thành và Nguyễn Văn Tuyến đến. Cả nhóm quay lại đi lên đê sông Hóa vứt dao ở đó. Trên đường về nhận được tin anh Đại bị thương nặng Duy, Hà và Vũ Duy Hùng đến ủy ban nhân dân xã Thụy Ninh tự thú. Ngày 04/4/2012, Phan Tiến Tùng đến ủy ban nhân dân xã Thụy Ninh đầu thú.
Tại Bản giám định pháp y số 48/12/TT ngày 28/4/2012, Trung tâm  pháp y Sở Y tế tỉnh Thái Bình kết luận Nguyễn Đức Đại phần thương tích vùng lưng và toàn thân do vật sắc tác động gây tràn dịch màng phổi trái, đã được xử lý khâu các vết thương dẫn lưu màng phổi trái; hiện tại đau vùng ngực bên trái, đau tăng khi hít vào, vết thương vùng cánh tay trái và cẳng tay hai bên còn đau, tê, rát; sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên hiện tại là 22%.
Quá trình giải quyết vụ án:
Tại Cáo trạng số 126/KSĐT ngày 26/11/2012, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình truy tố Phạm Tiến Duy về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2013/HSST ngày 04/7/2013, Toà án nhân dân huyện Thái Thụy:
 Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự xử phạt Phạm Tiến Duy 02 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”;
Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự xử phạt Vũ Duy Hùng 02 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”;
Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Phan Tiến Tùng 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 02 năm 09 tháng 06 ngày về tội “Cố ý gây thương tích”;
Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Phạm Tiến Hà 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 năm về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngày 08/7/2013, Vũ Duy Hùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Ngày 17/7/2013, Phạm Tiến Duy kháng cáo với nội dung bị cáo phạm tội trong khi bị kích động mạnh về thần kinh, xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Ngày 17/7/2013, Phạm Tiến Hà kháng cáo với nội dung bị cáo không phạm tội cố ý gây thương tích.
Ngày 17/7/2013, bị hại Nguyễn Đức Đại kháng cáo toàn bộ bản án với lý do các bị cáo phạm tội khủng bố, hình phạt đối với Duy, Hà là nhẹ; yêu cầu bồi thường các khoản là 100.000.000 đồng. Ngày 21/7/2013, Nguyễn Đức Đại có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vũ Duy Hùng và xin cho bị cáo Hùng được hưởng án treo.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 67/2013/HSPT ngày 27/9/2013, Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình:
 Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 53; khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Phạm Tiến Duy 02 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm 09 tháng 06 ngày về tội “Cố ý gây thương tích”;
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 53; khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Phan Tiến Tùng 01 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm 09 tháng 06 ngày về tội “Cố ý gây thương tích”;
Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 53; khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Vũ Duy Hùng 01 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm 09 tháng 06 ngày ngày về tội “Cố ý gây thương tích”;
Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Phạm Tiến Hà 01 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 năm về tội “Cố ý gây thương tích”.
Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 28/QĐ-VKSTC-V3 ngày 15/9/2014, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 67/2013/HSPT ngày 27/9/2013 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình về phần hình phạt đối với bị cáo Phạm Tiến Duy. Đề nghị Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy phần quyết định về hình phạt của bản án phúc thẩm nêu trên đối với bị cáo Phạm Tiến Duy để xét xử phúc thẩm lại theo hướng không cho bị cáo Phạm Tiến Duy được hưởng án treo.
Ngày 19/3/2015, Tòa hình sự Toà án nhân dân tối cao đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, quyết định hủy phần quyết định về hình phạt của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên đối với bị cáo Phạm Tiến Duy để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Phạm Tiến Duy và bị hại Nguyễn Đức Đại có mâu thuẫn từ trước; Duy và ba bị cáo khác đã dùng dao phớ chém anh Đại nhiều nhát gây thương tích. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án các bị cáo Phạm Tiến Duy, Phan Tiến Tùng, Vũ Duy Hùng, Phạm Tiến Hà về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ.
Hành vi của các bị cáo dùng dao chém anh Nguyễn Đức Đại gây tràn dịch màng phổi trái và gây thương tích ở cánh tay trái, cẳng tay hai bên với tỷ lệ thương tích 22% là rất nguy hiểm. Phạm Tiến Duy là người cầm đầu, chuẩn bị hung khí, lôi kéo, rủ rê các bị cáo khác thực hiện tội phạm. Các bị cáo Phan Tiến Tùng, Vũ Duy Hùng, Phạm Tiến Hà thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm tích cực. Hành vi phạm tội của các bị cáo xông vào nhà bị hại để tấn công thể hiện sự liều lĩnh, coi thường pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá vai trò của các bị cáo chưa chính xác, bị cáo Phan Tiến Tùng là người trực tiếp dùng dao gây thương tích cho bị hại chỉ bị xử phạt mức án nhẹ hơn bị cáo Vũ Duy Hùng và được hưởng án treo là chưa phù hợp. Tòa án cấp phúc thẩm khi xét xử đã xác định vai trò của từng bị cáo nhưng lại cho cả 04 bị cáo được hưởng án treo là không thỏa đáng.
Bị cáo Phạm Tiến Duy là người chủ mưu, cầm đầu và thực hiện hành vi phạm tội quyết liệt nhất, gây thương tích nặng nhất cho bị hại, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Phạm Tiến Duy 02 năm 06 tháng tù là đã xem xét các tình tiết về nhân thân để giảm nhẹ cho bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ nào mới, Tòa án cấp phúc thẩm quá nhấn mạnh đến nhân thân bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo là không nghiêm, không phân hóa vai trò của người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án.
Tìm kiếm