Vừa qua, qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án:“Tranh chấp quyền sử dụng đất” Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm đến Viện kiểm sát nhân dân các cấp để tham khảo, vận dụng trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất
Vừa qua, qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án:“Tranh chấp quyền sử dụng đất” Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm đến Viện kiểm sát nhân dân các cấp để tham khảo, vận dụng trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Nội dung vụ án và quá trình giải quyết
Vụ án: “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa các nguyên đơn gồm ông Lê Thành Tuấn, bà Võ Thị Lan, bà Lê Thị Thành Phương với các bị đơn gồm: bà Trần Thị Tự, ông Nguyễn Văn Hùng, bà Trần Thị Thảo và ông Lê Văn Đào.
Ông Tuấn và bà Lan ủy quyền cho ông Lê Thành Dũng khởi kiện yêu cầu bà Trần Thị Tự phải trả 48.441m2 đất thuộc một phần thửa đất số 21, tờ bản đồ số 64 xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa. Theo nguyên đơn thì nguồn gốc thửa đất tranh chấp trên nằm trong tổng diện tích 104.658m2 ông Tuấn và bà Lan khai hoang từ năm 1992 để trồng mía, cây lâu năm. Năm 1997, ông Tuấn xin đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến ngày 27/7/2001 ông Tuấn và bà Lan được UBND huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T282237.
Năm 2005, biết bà Tự chiếm phần đất trên, ông Tuấn và bà Lan có khiếu nại yêu cầu bà Tự trả đất, UBND xã Ninh Tây đã hòa giải nhưng không thành. Cùng trong năm 2005, ông Tuấn và bà Lan đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất số 21, diện tích 104.658m2 nêu trên cho ông Nguyễn Hữu Tấn. Hai bên đã giao nhận đủ 60 triệu đồng tiền chuyển nhượng. Ông Tấn đã được UBND huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 300950 ngày 28/8/2005, diện tích 104.658m2, nhưng thực tế ông Tuấn và bà Lan mới chỉ giao cho ông Tấn diện tích đất là 56.017m2. Nay ông, bà yêu cầu bà Tự phải trả 48.441m2 đất lấn chiếm để ông, bà tiếp tục giao lại cho ông Nguyễn Hữu Tấn.
- Bà Lê Thị Thành Phương ủy quyền cho ông Lê Thành Dũng khởi kiện yêu cầu bà Trần Thị Tự phải trả 13.980m2; ông Nguyễn Văn Hùng phải trả 18.741m2; bà Trần Thị Thảo phải trả 12.120m2; Ông Lê Văn Đào phải trả 2.195m2 đất thuộc một phần thửa đất số 25 tờ bản đồ 64, có diện tích 61.370m2 tại thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây (khu vực Suối Mít).
Theo bà Phương thì nguồn gốc đất do nhận chuyển nhượng của bà Lê Thị Hải từ tháng 5/1999 (bằng giấy viết tay) để trồng mía. Đến ngày 29/4/2005 hai bên mới làm lại hợp đồng chuyển nhượng, có xác nhận của UBND xã Ninh Tây và UBND huyện Ninh Hòa xác nhận ngày 07/6/2005. Ngày 02/8/2005, UBND huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất cho bà Phương. Năm 2002, bà Phương phát hiện bà Trần Thị Tự, ông Nguyễn Văn Hùng, bà Trần Thị Thảo, ông Lê Văn Đào lấn chiếm đất. Hai bên có khiếu nại ra UBND xã Ninh Tây giải quyết nhưng hòa giải không thành. Nay yêu cầu các bị đơn trả lại phần diện tích đã lấn chiếm.
Các bị đơn không chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn với lý do: đất tranh chấp có một phần do các ông, bà khai hoang và một phần do mua lại của người có quyết định của UBND huyện Ninh Hòa cho phép khai hoang. Khi khai hoang, canh tác, đất còn trong tình trạng là rừng hoang và trước thời điểm nguyên đơn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong suốt quá trình canh tác, nguyên đơn không có ý kiến gì. Đến năm 2004, nguyên đơn có tranh chấp ra UBND xã giải quyết hòa giải nhưng không thành. Vì vậy, các bị đơn không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Ông Nguyễn Hữu Tấn là người có quyền lợi liên quan ủy quyền cho ông Nguyễn Phong Quang trình bày: Trước khi nhận chuyển nhượng thửa đất trên, ông Tuấn, bà Lan có báo cho ông biết một phần diện tích đất chuyển nhượng đã bị bà Tự và một số người khác đang lấn chiếm nhưng ông vẫn đồng ý nhận chuyển nhượng. Hai bên thống nhất đối với diện tích đất mà người khác đang lấn chiếm, ông Tuấn, bà Lan chưa thể giao ngay cho ông Tấn được. Hai bên thỏa thuận ông Tuấn, bà Lan sẽ tiếp tục khởi kiện yêu cầu những người lấn đất trả lại đất cho ông Tuấn, bà Lan, sau đó ông Tuấn bà Lan có trách nhiệm giao lại cho ông Tấn.
Bản án dân sự sơ thẩm số 32/2012/DS-ST ngày 19/9/2012 Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã xử:
1/ Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Lê Thành Tuấn, bà Võ Thị Lan. Buộc bà Trần Thị Tự phải trả lại cho ông Lê Thành Tuấn, bà Võ Thị Lan phần đất Lô 2 có diện tích 48.441m2 thuộc thửa đất số 21 tờ bản đồ số 64, xã Ninh Tây… bà Trần Thị Tự phải thu hoạch mía trả lại đất cho ông Lê Thành Tuấn và bà Võ Thị Lan. Sau đó ông Lê Thành Tuấn và bà Võ Thị Lan phải giao lại phần đất Lô 2 này cho ông Nguyễn Hữu Tấn.
2/ Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là bà Lê Thị Thành Phương.
- Buộc bà Trần Thị Tự phải trả lại cho bà Lê Thị Thành Phương phần đất Lô 3 có diện tích là 13.980m2 thuộc thửa đất số 25 tờ bản đồ số 64 xã Ninh Tây... bà Tự phải thu hoạch mía trả lại đất cho bà Lê Thị Thành Phương.
- Buộc bà Trần Thị Tự phải liên đới cùng bà Trần Thị Thảo trả lại cho bà Lê Thị Thành Phương phần đất Lô 4 có diện tích là 12.120m2 thuộc thửa đất số 25, tờ bản đồ số 64 xã Ninh Tây… bà Thảo có trồng mía và đã giao lại cho bà Trần Thị Tự nên buộc bà Tự phải thu hoạch mía trả lại đất cho bà Lê Thị Thành Phương.
- Buộc ông Nguyễn Văn Hùng phải trả lại cho bà Lê Thị Thành Phương phần đất Lô 2 có diện tích là 18.741m2 thuộc thửa đất số 25, tờ bản đồ số 64 xã Ninh Tây… ông Hùng phải thu hoạch mía trả lại đất cho bà Phương.
- Buộc ông Lê Văn Đào và bà Châu Thị Dung phải trả lại cho bà Lê Thị Thành Phương phần đất Lô 6 có diện tích là 2.193m2 thuộc thửa đất số 25, tờ bản đồ số 64 xã Ninh Tây… ông Đào và bà Dung phải thu hoạch mía trả lại đất cho bà Phương…
Sau xét xử sơ thẩm, bà Tự, ông Đào, ông Hùng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 38/2013/DS-PT ngày 15/7/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định:
1/ Hủy một phần bản án dân sự sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất” của nguyên đơn bà Lê Thị Thành Phương với các bị đơn ông Nguyễn Văn Hùng đối với phần diện tích đất 18.741m2; ông Lê Văn Đào, bà Châu Thị Dung đối với phần diện tích đất 2.193m2 thuộc thửa số 25, tờ bản đồ số 64, bản đồ địa chính xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa).
2/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Thành Tuấn và bà Võ Thị Lan. Buộc bà Trần Thị Tự phải trả cho ông Lê Thành Tuấn, bà Võ Thị Lan lô đất có diện tích 48.441m2 thuộc thửa đất số 21, tờ bản đồ số 64, bản đồ địa chính xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa)…
Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lê Thành Dũng (người đại diện cho ông Tuấn, bà Lan) sẽ có trách nhiệm giao lại toàn bộ diện tích đất 48.441m2...cho ông Nguyễn Hữu Tấn…, sau khi bà Trần Thị Tự trả lại diện tích đất trên cho ông Lê Thành Tuấn và bà Võ Thị Lan.
3/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị Thành Phương. Buộc bà Trần Thị Tự phải trả lại cho bà Lê Thị Thành Phương lô đất số 3 có diện tích 13.980m2 và lô đất số 4 có diện tích 12.120m2 thuộc thửa đất số 25 tờ bản đồ số 64 xã Ninh Tây… Bà Tự được quyền thu hoạch vụ mía đã trồng trước khi xét xử vụ án để trả lại diện tích đất trên cho bà Lê Thị Thành Phương.
Sau xét xử phúc thẩm, bà Tự có đơn đề nghị VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Báo cáo số 1122/VKS-P5 ngày 15/8/2013, VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hủy 2 Bản án nêu trên. Xét thấy, Tòa án 2 cấp có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên Viện trưởng VKSND tối cao đã có Quyết định số 83/2014/QĐ/KNGĐT-V5 ngày 17/10/2014 kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm - Tòa dân sự TAND tối cao hủy Bản án dân sự phúc thẩm và Bản án dân sự sơ thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 26/5/2015, Hội đồng giám đốc thẩm - Tòa dân sự TAND tối cao đã xử hủy 2 bản án dân sự sơ, phúc thẩm nêu trên như đề nghị trong kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Vấn đề cần được rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án
Trong kiểm sát việc khởi kiện
Ông Tuấn, bà Lan đã chuyển nhượng toàn bộ 104.658m2 đất cho ông Tấn từ tháng 6/2005 và đã nhận hết tiền. Ông Tấn đã đăng ký quyền sử dụng đất tháng 8/2005. Do quyền lợi của ông Tấn bị xâm phạm nên ông Tấn phải là người khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, còn ông Tuấn bà Lan là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tuấn và bà Lan là vi phạm Điều 161 BLTTDS về quyền khởi kiện vụ án; Điều 56 BLTTDS về xác định tư cách tham gia tố tụng của ông Tuấn, bà Lan và ông Tấn.
Ông Tấn tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, ông Tấn không có yêu cầu độc lập nên không nộp tiền tạm ứng án phí, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Tuấn, bà Lan phải giao lại phần đất lô 2 cho ông Tấn; còn Tòa án cấp phúc thẩm lại ghi nhận sự tự nguyện của ông Dũng đại diện cho ông Tuấn, bà Lan giao lại phần đất sau khi Tòa án buộc bà Tự trả lại là không đúng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Kiểm sát quyết định nhập vụ án
Hai thửa đất số 21 và 25 có tranh chấp hoàn toàn khác nhau và không liên quan với nhau nên việc giải quyết hai thửa đất này hoàn toàn độc lập, không liên quan đến nhau. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng hai vụ án có quan hệ tranh chấp đều là quyền sử dụng đất; hai thửa đất giáp ranh nhau và cùng có bị đơn để nhập thành một vụ án là không đúng quy định tại Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự.
Kiểm sát lý do tạm đình chỉ vụ án và việc thu, xử lý tiền tạm ứng chi phí đo đạc, định giá, việc xác định nghĩa vụ nộp tiền chi phí định giá
Trong 03 quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và 01 quyết định gia hạn thời hạn giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm đều nêu lý do căn cứ vào đơn đề nghị của đương sự xin tạm đình chỉ vì chưa có tiền đóng lệ phí đo đạc, định giá, thẩm định và đo vẽ. Những lý do tạm đình chỉ trên là không đúng dẫn đến vụ án bị kéo dài thời gian giải quyết (sau 6 năm 3 tháng kể từ ngày thụ lý, vụ án mới được giải quyết ở cấp sơ thẩm). Nhưng tài liệu trong hồ sơ không thể hiện việc Tòa án thu tiền tạm ứng chi phí đo đạc, định giá…Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn nhưng không xác định nghĩa vụ nộp tiền chi phí định giá cho đương sự theo quy định tại Điều 140, Điều 142 Bộ luật tố tụng dân sự.
Kiểm sát việc thu thập chứng cứ liên quan đến cấp GCNQSDĐ cho ông Tuấn, bà Lan, bà Hải, bà Phương
- Về hạn mức cấp quyền sử dụng đối với 2 thửa đất: Tại Biên bản hòa giải ngày 01/7/2005; ngày 15/3/2006 quan điểm của cán bộ địa chính, cán bộ Tư pháp cũng như Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Ninh Tây kết luận: “Theo Luật Đất đai và Biên bản họp Hội đồng đất đai năm 1998 và năm 2000, UBND xã Ninh Tây có văn bản đề xuất UBND huyện cấp cho mỗi hộ dân là 02 ha để sản xuất … Đất mà gia đình ông Dũng (ông Dũng là người đại diện cho ông Tuấn, bà Lan, bà Phương khi tiến hành hòa giải) được cấp sổ vượt quá diện tích mà Hội đồng đất đai họp năm 2000 đề nghị. UBND huyện cấp quyền sử dụng đất gấp hơn 3 lần…Diện tích đất tranh chấp dư ra so với được cấp quyền sử dụng đất…thì UBND xã kiến nghị thu hồi để giao cho bà con dân tộc thiếu đất sản xuất…”.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án 2 cấp không thu thập biên bản họp của Hội đồng đất đai xã Ninh Tây năm 1998, năm 2000; chưa xác minh việc UBND huyện Ninh Hòa có nhất trí chấp thuận đề nghị của UBND xã Ninh Tây về định mức đất cấp tối đa (bao nhiêu ha/1 hộ) cho các hộ gia đình ở xã Ninh Tây hay không? Từ đó để xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tuấn, bà Lan, bà Hải có vượt quá quy định như kiến nghị của đại diện chính quyền tại 2 biên bản hòa giải trên không?
- Về thời điểm chuyển nhượng vàthời điểmcơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tấn, bà Phương thấy cả 2 thửa đất trên đều có tranh chấp. UBND xã Ninh Tây đang thụ lý đơn và tiến hành các bước hòa giải để giải quyết đơn của các đương sự. Nhưng UBND xã Ninh Tây lại xác nhận trong hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Tuấn, bà Lan với ông Tấn và giữa bà Hải với bà Phương rằng đất không có tranh chấp là không đúng thực tế. Trên cơ sở đó, UBND huyện Ninh Hòa cấp GCNQSDĐ cho ông Tấn, bà Phương là vi phạm Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai.
- Về địa chỉ thửa đất số 25: Trong Sơ đồ vị trí lô đất kèm theo Hợp đồng chuyển nhượng số 328/CN do UBND huyện Ninh Hòa xác nhận ngày 07/6/2005 ghi vị trí thửa đất số 25 tại thôn Xóm Mới, xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa (BL số 08, 14, 15). Nhưng trong lời khai của đại diện nguyên đơn và Tờ trích đo địa chính khu đất do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ninh Hòa đo vẽ ngày 25/8/2010 (BL số 148) đều thể hiện địa chỉ thửa đất tại thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây.
- Về thời hạn sử dụng thửa đất số 25: trong Giấy CNQSDĐ ghi hết thời hạn tháng 11/2010. Tại Công văn số 1084/UBND ngày 30/5/2013 của UBND thị xã Ninh Hòa phúc đáp Công văn số 160/TA-DS ngày 01/4/2013 của Tòa án tỉnh Khánh Hòa có ghi: “Thửa đất số 25, tờ bản đồ số 64…UBND huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00376/QSDĐNT- NH ngày 27/11/2010, thời hạn được cấp là 10 năm với ½ thời gian, do vượt quá hạn điền (đến tháng 11/2010 hết hạn”. Trong khi chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về việc bà Phương có được tiếp tục thực hiện quyền sử dụng thửa đất trên từ sau tháng 11/2010 hay không, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu của bà Phương về việc buộc bà Tự trả lại quyền sử dụng thửa đất mà bà Phương đã hết thời hạn được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không phù hợp với quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.
Kiểm sát giải quyết quyền lợi của bị đơn
Trong các lần hòa giải, ông Dũng đại diện cho ông Tuấn, bà Lan, bà Phương đều có đề nghị xin trả tiền công khai phá, cây trồng trên đất cho bà Tự để lấy lại đất. Qua thẩm định xem xét tại chỗ, Tòa án huyện Ninh Hòa xác định đất tranh chấp đang trồng mía, keo và xà cừ. Song Tòa án 2 cấp buộc các bị đơn phải thu hoạch hoa màu, không xem xét đến thời hạn thu hoạch; không buộc nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn các khoản chi phí khai phá, canh tác làm tăng giá trị của đất là chưa đảm bảo quyền lợi cho các bị đơn theo khoản 2 Điều 105 Luật Đất đai năm 2003.
Những vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm dẫn đến việc nhận định và quyết định giải quyết tranh chấp thiếu khách quan, chưa chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các đương sự. Tuy nhiên, những vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm không được Viện kiểm sát cùng cấp phát hiện để kiến nghị hoặc kháng nghị kịp thời. Thông qua kiểm sát giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm, Kiểm sát viên đã phát hiện vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, phát biểu quan điểm đề nghị hủy án sơ thẩm, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận quan điểm đề nghị của Viện kiểm sát. Sau xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản báo cáo, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm và phối hợp cùng VKSND tối cao yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa chuyển hồ sơ để xem xét kháng nghị theo thẩm quyền.
Từ vụ án trên, VKSNDTC thông báo đến Viện kiểm sát nhân dân các cấp biết, tăng cường quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát các cấp trong việc phát hiện vi phạm, đôn đốc Tòa án chuyển hồ sơ, góp phần nâng cao chất lượng công tác kháng nghị của Viện kiểm sát qua kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự trong thời gian tới.
TH