Tranh tụng tại phiên tòa có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, đây không chỉ là sự đánh giá kết quả hoạt động của các giai đoạn điều tra, truy tố mà còn có tác dụng to lớn đối với chính giai đoạn xét xử. Tranh tụng tốt góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật...
Các giải pháp và kiến nghị của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc
nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự
Tranh tụng tại phiên tòa có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, đây không chỉ là sự đánh giá kết quả hoạt động của các giai đoạn điều tra, truy tố mà còn có tác dụng to lớn đối với chính giai đoạn xét xử. Tranh tụng tốt góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Để nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc xác định một số các giải pháp sau:
Hoàn thiện quy định của pháp luật
Cần sửa đổi bổ sung những quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Kiểm sát viên thực hiện hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự theo hướng: Ghi nhận tranh tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam và tăng cường tính tranh tụng của phiên tòa sơ thẩm, coi đây là khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị". Cần sửa đổi Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành theo hướng mở rộng phạm vi các vụ án hình sự bắt buộc phải có Luật sư hoặc người bào chữa tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của Kiểm sát viên
Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm của Kiểm sát viên. Cần quan tâm hơn nữa đến công tác lựa chọn bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân tối cao mở lớp học nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ cho Kiểm sát viên nhất là kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa hình sự. Đồng thời, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức, vừa có trách nhiệm cao; tích cực học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân; phải nhạy bén, linh hoạt, chủ động trong mọi tình huống xảy ra tại phiên tòa.
Nâng cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án
Kiểm sát viên phải làm tốt việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát án hình sự theo đúng Quy chế và thực hiện đầy đủ các thao tác nghiệp vụ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử theo đúng quy định của Quy chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án phải trích cứu và xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ xác định tội phạm, tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, các tình tiết tặng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết về nhân thân bị cáo, áp dụng pháp luật để đề xuất quan điểm xử lý phù hợp. Kết quả nghiên cứu, nắm chắc hồ sơ vụ án Kiểm sát viên có thể thực hiện các thao tác nghiệp vụ tại phiên tòa và chủ động tham gia xét hỏi và tranh luận đạt hiệu quả cao.
Mỗi Kiểm sát viên cần nhận thức rõ về địa vị pháp lý của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự. Trước mỗi vụ án, lãnh đạo đơn vị phải yêu cầu Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; trước mỗi phiên tòa, Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch, phương pháp xét hỏi và tranh luận có trọng tâm và báo cáo đầy đủ kịp thời cho Lãnh đạo viện các vấn đề phát sinh trong quá trình xét xử để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nâng cao kỹ năng tranh luận, đối đáp:
Kiểm sát viên phải xác định được những vấn đề chủ yếu cần phải tranh luận như: đánh giá việc kiểm tra, xem xét chứng cứ tại phiên tòa đầy đủ, khách quan, toàn diện. Làm rõ những ý kiến mâu thuẫn trong quá trình xét hỏi bảo đảm khách quan. Việc áp dụng chính sách hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; đề nghị hình phạt phù hợp với các quy định của pháp luật. Kiểm sát viên phải đánh giá chứng cứ của vụ án một cách khách quan, toàn diện đầy đủ; phải kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra; phải kiểm tra, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ đó tại phiên tòa.
Kiểm sát viên có trách nhiệm và chủ động đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến tranh luận. Kiểm sát viên phải chú ý lắng nghe bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng khác trình bày quan điểm, ý kiến và cần xác định nhanh nội dung cần đối đáp. Khi tranh luận, Kiểm sát viên phải đối đáp lại một cách dứt khoát, không vòng vo, né tránh. Các ý kiến đối đáp phải dựa trên những căn cứ pháp luật và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét công khai tại phiên tòa. Kiểm sát viên cần thể hiện văn hóa ứng xử phù hợp với những tình huống phát sinh trong khi tranh luận
Xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên:
Cần tăng về số lượng và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ Kiểm sát viên đối với Viện kiểm sát địa phương đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay cũng như diễn biến về tình hình tội phạm ngày càng cao.
Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm
Cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị: Nâng cao chất lượng công tố của KSV tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với bị cáo, Luật sư và những người tham gia tố tụng khác. Không ngừng nâng cao chất lượng tranh tụng, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Kiểm sát viên cần có sự chuyển biến về nhận thức việc tranh luận tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.
Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cần chú trọng quan tâm, có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố như: tổ chức các buổi tọa đàm nghiệp vụ về công tác xét xử, đưa ra những vụ án thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xét xử đưa ra thảo luận nhằm rút kinh nghiệm chung; Thường xuyên phối hợp với Kiểm sát viên và Tòa án địa phương tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cho toàn bộ Kiểm sát viên hai cấp về kỹ năng thực hành quyền công tố, KSXX các vụ án hình sự đặc biệt là kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa hình sự để cùng nhau học hỏi, rút kinh nghiệm chung và nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử nói chung và kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa hình sự cho Kiểm sát viên nói riêng.
Mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, giữa Kiểm sát viên và Luật sư, những người tham gia tố tụng khác
Ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng Ngành thì công tác phối hợp liên ngành là một trong những hoạt động quan trọng nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật được thực thi trong thực tiễn, góp phần đẩy mạnh trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử một cách nghiêm minh, kịp thời, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được tôn trọng. Chính vì vậy, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác xét xử các vụ án hình sự nói chung và hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự nói riêng.
Mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra
Trong hoạt động điều tra và kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên thường xuyên phối hợp với Điều tra viên làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án, kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ của Cơ quan điều tra, đảm bảo cho việc điều tra được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Trong mỗi vụ án, Kiểm sát viên đều có các yêu cầu điều tra rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi, trao đổi với Điều tra viên và được Điều tra viên thực hiện đầy đủ kịp thời. Với những vụ án trọng điểm, phức tạp, bị can không nhận tội, bị can là người thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Điều tra viên nhằm đánh giá, phân tích chứng cứ, thống nhất phương án, kiên quyết đấu tranh với tội phạm đạt kết quả cao. Nếu việc kiểm sát hồ sơ vụ án hình sự được làm chặt chẽ ngay từ giai đoạn điều tra sẽ tạo thuận lợi cho Kiểm sát viên trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, xây dựng cáo trạng truy tố và tham gia phiên tòa. Vì khi đó, Kiểm sát viên đã nghiên cứu khá kỹ, nắm chắc nội dung và diễn biến của vụ án cũng như đánh giá được các chứng cứ một cách toàn diện tránh tình trạng bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đồng thời giúp Kiểm sát viên đối đáp lại tất cả những vấn đề khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa.
Mối quan hê với Tòa án
Tăng cường mối quan hệ phối hợp với Tòa án; mở các cuộc liên ngành thống nhất giải quyết đối với các vụ án phức tạp, các vụ án dư luận xã hội quan tâm. Thẩm phán tạo điều kiện cho Kiểm sát viên chủ động tham gia tranh luận, tránh tình trạng Thẩm phán đặt những câu hỏi mang tính chất áp đặt cho bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng khác gây khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự.
Mối quan hệ với Luật sư
Các cơ quan tiến hành tố tụng cần có cái nhìn tích cực hơn về hoạt động luật sư, xem luật sư là thành tố không thể thiếu trong hoạt động tố tụng; có thái độ tôn trọng khi luật sư tham gia tố tụng, ghi nhận đầy đủ những đóng góp của luật sư trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật tố tụng, trong đó có quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo cho luật sư được hoạt động nghề nghiệp một cách bình thường và thuận lợi.
Để nâng cao vị thế của mình trong hoạt động tố tụng hình sự nói chung và trong phiên tòa hình sự nói riêng thì luật sư cần phải không ngừng phấn đấu nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nêu cao tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, trung thực, dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải và công lý; có thái độ tôn trọng và thiện chí đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và các công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng, tạo được không khí quan hệ hợp tác, cởi mở, chân tình giữa những người cùng hoạt động luật pháp. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, chế độ chính sách cho Kiểm sát viên
Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc là điều kiện không thể thiếu để bảo đảm cho hoạt động của một cơ quan, tổ chức. Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện nay, thì yếu tố này càng có ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 đã khẳng định: “Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cho các cơ quan tư pháp có đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa các cơ quan tư pháp…”.
Tuy nhiên, điều kiện làm việc hiện nay của Kiểm sát viên chưa cao, chưa đồng đều nhất là miền núi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động của Kiểm sát viên nói chung và chất lượng tranh tụng nói riêng. Vì vậy, cần tạo điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như chế độ đãi ngộ cho Kiểm sát viên để đảm bảo cho hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay.
TH (biên tập)