CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thông báo rút kinh nghiệm về công tác trực tiếp kiểm sát Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh năm 2014

05/09/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Trên cơ sở theo dõi, tổng hợp kết quả công tác kiểm sát thi hành án hình sự năm 2014; Qua nghiên cứu 39 kết luận trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh của 39 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao...

Thông báo rút kinh nghiệm về công tác trực tiếp kiểm sát Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh năm 2014

Trên cơ sở theo dõi, tổng hợp kết quả công tác kiểm sát thi hành án hình sự năm 2014; Qua nghiên cứu 39 kết luận trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh của 39 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đã tổng hợp những ưu điểm, hạn chế và rút kinh nghiệm chung để nhằm thực hiện tốt công tác kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh như sau:
Ưu điểm: Đa số kết luận kiểm sát trực tiếp cơ quan thi hành án hình sự đã nêu được những căn cứ tiến hành kiểm sát như: Căn cứ vào Điều 23, 24 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (Điều 25, 26 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014); căn cứ vào Điều 141 Luật thi hành án hình sự; ……
Nội dung kết luận đã nêu được những ưu điểm của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong công tác thi hành án hình sự theo quy định tại Điều 13 Luật thi hành án hình sự.
Một số kết luận đã chỉ ra những vi phạm, tồn tại của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh như: Việc kiểm tra, đôn đốc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong công tác thi hành án hình sự của một số cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh chưa được thường xuyên, kịp thời và quyết liệt.
Hồ sơ thi hành án chưa được xây dựng và cập nhật đầy đủ, kịp thời theo quy định;  Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh chậm lập hồ sơ, danh sách đề nghị Tổng cục VIII- Bộ Công an làm thủ tục chuyển những phạm nhân có đủ thủ tục thi hành án đi thi hành án ở trại giam của Bộ Công an.
Việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ chưa được thực hiện theo quy định tại các Điều 66, 77 Luật thi hành án hình sự và Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLN-BCA –BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo, Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT- BCA- BQP- TANDTC- VKSNDTC ngày 16/8/2012 hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ …
Cơ quan thi hành án hình sự chưa kịp thời xem xét việc xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân đang chấp hành án tại các Nhà tạm giữ Công an cấp huyện theo quy định; tỷ lệ để phạm nhân phục vụ việc tạm giữ, tạm giam vượt quá mức quy định tại Điều 171 Luật thi hành án hình sự.
Bên cạnh những ưu điểm đã làm được nêu trên, quá trình xây dựng kết luận kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh còn những hạn chế đáng lưu ý như:
Nhiều kết luận kiểm sát trực tiếp, khôngcăn cứ vào các Điều 23, 24 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Điều 141 Luật thi hành án hình sự để tiến hành kiểm sát mà lại căn cứ vào Quyết định và Kế hoạch của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh về việc “Kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự” tại Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh.
Một số kết luận kiểm sát trực tiếp không ghi thành phần của đoàn kiểm sát mà chỉ ghi chung là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh là chưa đúng với hướng dẫn của Vụ 8 về kết cấu của kết luận kiểm sát trực tiếp.
Nội dung tiến hành kiểm sát cũng rất khác nhau và không đầy đủ như hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8) ngay từ đầu năm 2014: Nhiều kết luận chỉ kiểm sát về công tác thi hành án tử hình, thi hành phạt tù giam và số phạm nhân phục vụ công tác giam giữ tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam như: Kết luận số 869/KL-VKS-P4 ngày 19/9/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên, Kết luận số 91/KL-VKS-P4 ngày 15/8/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh, …… như vậy, công tác thi hành án hình sự đối với những người thi hành án phạt tù nhưng được hưởng án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, thi hành án phạt trục xuất; thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên…… không được tiến hành kiểm sát (bị bỏ lọt).
Khi tiến hành kiểm sát, việc phát hiện vi phạm trong công tác thi hành án hình sự còn rất hạn chế; rất ít vi phạm trong thi hành án hình sự được phát hiện, hoặc phát hiện được nhưng hầu hết các kết luận của Viện kiểm sát địa phương chưa phân biệt được nội dung vi phạm nào cần dùng biện pháp kháng nghị để yêu cầu chấm dứt vi phạm; nội dung nào chỉ cần dùng biện pháp kiến nghị (đề nghị) khắc phục vi phạm; vì vậy việc loại trừ và khắc phục vi phạm còn ở chừng mực nhất định. Cụ thể: trong 39 kết luận kiểm sát Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ có 8/39 kết luận dùng biện pháp kháng nghị đối với vi phạm của Cơ quan thi hành án hình sự (kết luận của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh: Sơn La, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Nam, Đăk Lăk, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau) còn 31/39 kết luận chỉ dùng biện pháp kiến nghị đối với vi phạm, tồn tại trong công tác thi hành án hình sự; do vậy, chưa thật sự phát huy hết hiệu quả của công tác kiểm sát thi hành án hình sự. Như có địa phương, quá trình kiểm sát phát hiện có 608/827 trường hợp Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh chậm hoàn chỉnh hồ sơ và lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an ra quyết định đưa người bị chấp hành án phạt tù đi chấp hành án (nhiều trường hợp chậm từ 3 đến 4 tháng). Với vi phạm này, kết luận kiểm sát trực tiếp phải kháng nghị yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, phải hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an theo quy định tại khoản 1, Điều 22 Luật thi hành án hình sự. Nhưng kết luận chỉ kiến nghị rất chung chung là Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh chấm dứt vi phạm đã nêu trên, tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Để công tác kiểm sát thi hành án hình sự có hiệu lực, hiệu quả; góp phần thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự ở từng địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8) đề nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố (thực hiện một số yêu cầu sau:
Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố khi ban hành kết luận trực tiếp kiểm sát Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải gửi đầy đủ về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8) theo quy định;
Đối với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh mỗi năm tiến hành kiểm sát một lần có kết luận bằng văn bản theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 25 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao);
Căn cứ để tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự hiện nay là các Điều 25, 26 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Điều 141 Luật thi hành án hình sự …
Nội dung tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án hình sự tại Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh cần phải toàn diện bao gồm: Thi hành án phạt tử hình; Thi hành án phạt tù giam; thi hành án phạt trục xuất; Thi hành án phạt tù cho hưởng án treo; Thi hành án phạt cảnh cáo; Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; Thi hành án phạt cấm cư trú; Thi hành án phạt quản chế; Thi hành án phạt tước một số quyền công dân; Thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Thi hành biện pháp tư pháp gồm: Thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh; giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên; đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên;
Phần kiến nghị, kháng nghị: Đây là phần cuối cùng và rất quan trọng của bản kết luận, theo quy định tại Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) thì:
Kháng nghị: “Viện kiểm sát kháng nghị cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới; cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự và cá nhân có liên quan trong việc thi hành án hình sự yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật của Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự về việc thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật” theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Quy chế.
Kiến Nghị: “Khi phát hiện những việc được xác định là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc những việc nếu không có biện pháp khắc phục sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền và người có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới; cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự và cá nhân có liên quan trong việc thi hành án hình sự có biện pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật” theo quy định tại Điều 33 Quy chế.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014: “khi kiểm sát thi hành án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: “…đ. Kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thi hành án hình sự; e. Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt, khắc phục vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự; xử lý nghiêm minh người vi phạm”.
Theo quy định tại Điều 5 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì: Trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Viện kiểm sát nhân dân phải kháng nghị. Trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này thì Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật.
 Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án hình sự tinh thông về nghiệp vụ; đồng thời ổn định về biên chế, con người của Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để đáp ứng với công việc chuyên môn./.
Tìm kiếm