Thông qua việc kiểm sát giải quyết vụ án hình sự, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thông báo rút kinh nghiệm về việc Tòa án cấp phúc thẩm có sai lầm trong việc áp dụng về hình phạt đã được Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm...
Thông báo rút kinh nghiệm vụ án hình sự
bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại
Thông qua việc kiểm sát giải quyết vụ án hình sự, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thông báo rút kinh nghiệm về việc Tòa án cấp phúc thẩm có sai lầm trong việc áp dụng về hình phạt đã được Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm số 55/2012/HSPT ngày 20/8/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh H đối với Nguyễn Hữu Liêm phạm tội “Cố ý gây thương tích” để xét xử phúc thẩm lại, Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo.
Nội dung vụ án và quá trình giải quyết vụ án:
Theo bản án hình sự phúc thẩm: khoảng 17 giờ ngày 15/9/2010, tại khu vực cổng chào thôn Nam Sơn, xã Châu Sơn, thành phố P, tỉnh H, Nguyên Hữu Liêm lái xe ô tô biển kiểm soát 30S-6063 chở chị Nguyên Thị Ngân (vợ cũ của anh Nguyễn Thế Hanh, đã ly hôn) đi về phía thành phố P thì thấy Nguyễn Thế Hanh đi xe máy chặn lại. Nguyễn Hữu Liêm xuống xe hỏi: “Ông là ai mà lại chặn xe tôi”. Sau đó hai người xông lại, anh Nguyễn Thế Hanh dùng chân đạp về phía Liêm, Liêm dùng gối thúc vào bụng anh Hanh. Liêm định dắt xe của anh Hanh vào lề đường để lấy lối đi thì anh Hanh dùng chân đạp về phía Liêm, Liêm đạp mạnh lại làm anh Hanh ngã xuống đường, chẩm trái đầu anh Hanh đập xuống đường. Lúc này mọi người đến can ngăn rồi Liêm lái xe về thành phố P, anh Hanh đi xe máy về nhà; khoảng 24 giờ cùng ngày anh Hanh được gia đình đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh H cấp cứu và điều trị; 17 giờ ngày 17/9/2010 xuất viện về nhà đến 2giờ 30 phút ngày 19/9/2010 anh Nguyễn Thế Hanh tử vong.
Tại bản Kết luận giám định tử thi số 137/10/GĐPY ngày 29/9/2010 của Trung tâm pháp y tỉnh H đã kết luận: nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong của nạn nhân Nguyên Thế Hanh là do chấn thương sọ não kín, tụ máu dưới màng cứng, chèn ép các trung tâm sống, trên cơ thể nạn nhân bị suy thận mãn tính.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 77/2012/HSST ngày 14/6/2012, Tòa án nhân dân thành phố P đã áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm đ khoản 1, khoản 2 Điêu 46; Điều 33 Bộ luật hình sự xử phạt Nguyễn Hữu Liêm 07 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngày 21/06/2011 bị cáo Nguyễn Hữu Liêm có đơn kháng cáo kêu oan đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 02/07/2012 chị Nguyễn Thị Ngân đại diện theo pháp luật cho cháu Nguyễn Lan Anh (con của anh Nguyễn Thế Hanh) kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ Bản án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Hưu Liêm rút phần kháng cáo kêu oan và giữ nguyên phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Chị Nguyễn Thị Ngân đại diện theo pháp luật cho cháu Nguyễn Lan Anh rút đơn kháng cáo.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 55/2012/HSPT ngày 20/8/2012. Tòa án nhân dân tỉnh H đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hữu Liêm, sửa án sơ thẩm về phần hình phạt: Áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, đ, p, s khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Liêm 36 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 41 tháng 02 ngày, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Ngày 01/10/2012, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H có báo cáo kháng nghị số 04/VKS-P3 đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.
Sau khi kiểm tra vụ án và bản án phúc thẩm số 55/2012/HSPT ngày 20/8/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh H có vi phạm nghiêm trọng về áp dụng hình phạt, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên.
Ngày 30/10/2013, vụ án Nguyễn Hữu Liêm được đưa ra xét xử Hội đồng xét xử giám đốc thẩm Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC, tuyên hủy bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh H để xét xử phúc thẩm lại.
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm: Về vấn đề đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo:
Bản án hình sự phúc thẩm đánh giá bị cáo Nguyễn Hữu Liêm phạm tội cố ý gây thương tích, hậu quả dẫn đến chết người phạm vào khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt là “đúng người, đúng tội, không oan”. Nhưng khi áp dụng hình phạt đối với bị cáo Nguyên Hữu Liêm thì Tòa án cấp phúc thẩm lại quá nhấn mạnh về nhân thân bị cáo như có thời gian công tác lâu năm, được tặng thưởng Huy chương chiến sỹ vẻ vang và đã khắc phục một phần hậu quả bồi thường cho gia đình nạn nhân 4.000.000 đồng; khi phạm tội Nguyễn Hữu Liêm không có chủ động từ trước và bản thân Liêm chưa có tiền án tiền sự, đặc biệt là tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Liêm đã “cúi đầu nhận tội, khai báo thành khẩn”. Những tình tiết giảm nhẹ này, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét nên mới chỉ xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Liêm mức án 07 năm tù; song cấp phúc thẩm lại giảm hình phạt cho bị cáo Liêm từ 07 năm tù xuống 3 năm tù nhưng lại cho hưởng án treo. Như vậy, việc đánh giá nhận định của án phúc thẩm là không đúng với tính chất tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự vì đây là tội phạm rất nghiêm trọng và vi phạm Điều 60 Bộ luật hình sự về án treo.
Về cách tính thời gian thử thách: Bản án phúc thẩm hình sự không chỉ có sai lầm nghiêm trọng về đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo như đã nêu trên mà còn vi phạm về cách tính thời gian thử thách đối với bị cáo Nguyễn Hữu Liêm không đúng với hướng dẫn của Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong trường hợp này, theo cách tính (36 tháng - 14 tháng 14 ngày) x 2 thì thời gian thử thách được ấn định đối với bị cáo Liêm không phải là 41 tháng 2 ngày mà là 43 tháng 2 ngày./.
TH