Trong thời gian qua, án hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mang tính chất phức tạp nhưng Viện kiểm sát hai cấp đã có nhiều cố gắng tập trung kiểm sát việc giải quyết các vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát kịp thời, bảo đảm chất lượng việc trả lại đơn khởi kiện, thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án; tham gia phiên tòa, phiên họp; kiểm sát bản án, quyết định, thực hiện các quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu…
Một số giải pháp của VKSND tỉnh Đắk Lắk nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính
Trong thời gian qua, án hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mang tính chất phức tạp nhưng Viện kiểm sát hai cấp đã có nhiều cố gắng tập trung kiểm sát việc giải quyết các vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát kịp thời, bảo đảm chất lượng việc trả lại đơn khởi kiện, thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án; tham gia phiên tòa, phiên họp; kiểm sát bản án, quyết định, thực hiện các quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu… góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Để góp phần thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong công tác này, Trang thông tin điện tử VKSND tối cao trích đăng một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính của VKSND tỉnh Đắk Lắk để bạn đọc tham khảo:
Giải pháp về nghiệp vụ:
Chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính phụ thuộc rất lớn từ sự quản lý, chỉ đạo, điều hành trực tiếp và thường xuyên của Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị nghiệp vụ. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nghiệp vụ của Lãnh đạo Viện, trong đó có việc duy trì đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo nghiệp vụ, báo cáo duyệt án, báo cáo quá trình kiểm sát bản án, quyết định nhất là những vụ án phức tạp nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc mà lãnh đạo đơn vị, Kiểm sát viên chưa thống nhất. Phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết vụ án ngay sau khi nhận thông báo thụ lý, tránh tình trạng “khoán trắng” cho cán bộ, Kiểm sát viên tự nguyện nghiên cứu, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kiểm sát. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường thông báo rút kinh nghiệm và trả lời thỉnh thị, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, khắc phục ngay. Cần quan tâm tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng kiểm sát án hành chính. Phổ biến các biện pháp, kinh nghiệm được Viện kiểm sát các cấp, các địa phương áp dụng trong công tác kiểm sát để công tác ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả.
Kỹ năng nghiệp vụ nắm vững pháp luật: Phải xác định công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính cũng quan trọng như các công tác kiểm sát khác. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên phải nhiệt tình với công việc, có ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, thường xuyên cập nhật, nghiên cứu nắm vững các quy định của Luật tố tụng hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành, thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ và tích lũy kinh nghiệm để vận dụng linh hoạt vào hoạt động kiểm sát. Khi tham gia phiên tòa Kiểm sát viên phải chuẩn bị đầy đủ các tài liệu hồ sơ và dự kiến trước những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa, nắm vững các quy định pháp luật tố tụng hành chính để chủ động thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng tại phiên tòa. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa là sản phẩm của việc nghiên cứu hồ sơ và thể hiện kỹ năng, trình độ năng lực, vận dụng pháp luật của Kiểm sát viên vào công tác kiểm sát. Kiểm sát viên cần nhạy bén, kịp thời nhận dạng các vi phạm pháp luật qua kiểm sát trả lại đơn khởi kiện, thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, kiểm sát xét xử, kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, đồng thời cũng nhằm đảm bảo thao tác nghiệp vụ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy chế nghiệp vụ và đúng quy định của pháp luật.
Kỹ năng phát hiện vi phạm kịp thời, đề xuất biện pháp giải quyết: Phát hiện đầy đủ, kịp thời và chính xác các vi phạm, tồn tại của cơ quan và người tiến hành tố tụng để ban hành yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo thẩm quyền, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm, thiếu sót tiếp diễn, kéo dài, góp phần cho việc giải quyết các vụ án hành chính được khách quan, với tinh thần bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đáp ứng được sự tin cậy của công dân đối với các cơ quan tư pháp. Đối với những vụ án xác định có sai phạm hoặc thiếu sót của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức hoặc người khác có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó, Viện kiểm sát cần kiến nghị để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nâng cao công tác quản lý, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót có thể tiếp tục xảy ra, góp phần giảm thiểu việc khiếu nại, khiếu kiện hành chính ở địa phương. Hoạt động kiểm sát phải chủ động thực hiện ngay từ quá trình tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện đến xuyên suốt quá trình giải quyết và việc thi hành bản án nhằm hạn chế và ngăn ngừa đến mức thấp nhất những vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Sau khi đã phát hiện vi phạm, với các quyền năng của VKSND như kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu sẽ có tác động tích cực và hiệu quả tới các hoạt động của cơ quan và người tiến hành tố tụng có liên quan, từ đó góp phần cho các hoạt động tố tụng hành chính được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy định cũng như việc ban hành các bản án, quyết định của Tòa án được chính xác, khách quan và có căn cứ, nhận được sự dồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Kỹ năng nghiên cứu, báo cáo án: Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, báo cáo án, chuẩn bị ý kiến phát biểu tại phiên tòa, quan điểm giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của đương sự, đặc biệt quan tâm đến những vụ án phức tạp. Sau khi xét xử báo cáo kết quả xét xử với lãnh đạo Viện và quan điểm của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định của Tòa án. Nếu phát hiện vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đề xuất, báo cáo lãnh đạo kịp thời kiến nghị Tòa án khắc phục trong trường hợp vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng, kháng nghị trong trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự.
Viện kiểm sát các cấp cần xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Kiểm sát viên khi thực hiện các hoạt động tố tụng tại phiên tòa hành chính. Năng lực, trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp của Kiểm sát viên tại phiên tòa chính là uy tín, hình ảnh của ngành Kiểm sát trước nhân dân, trước Đảng . Do đó, ngành cần có kế hoạch bổ nhiệm Kiểm sát viên tương xứng với tính chất, mức độ công việc cụ thể của từng đơn vị. Việc bố trí, sắp xếp công chức vừa ổn định, vừa có tính kế thừa, phải xem xét tới năng lực, sở trường của từng người để bố trí cho phù hợp. Trong đó, chú trọng tăng cường đội ngũ Kiểm sát viên trẻ, có năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và nêu cao ý thức tự rèn luyện của cán bộ, Kiểm sát viên, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tự giác tích cực học tập và không ngừng nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật về tố tụng, pháp luật về nội dung cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan, để từ đó ngày càng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, vận dụng đúng những quy định của pháp luật trong công tác kiểm sát.
Phát huy và tăng cường phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa Viện kiểm sát và Tòa án các cấp, đặc biệt ở cấp sơ thẩm, giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán được phân công thụ lý, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, đúng quy định của pháp luật và quy chế phối hợp (nếu có). Mỗi Kiểm sát viên, Thẩm phán được giao nhiệm vụ phải bám sát và thực hiện đúng quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn có liên quan, chủ động và kịp thời nghiên cứu, trao đổi, góp ý, bổ sung cho nhau những vướng mắc, thiếu sót trong hoạt động giải quyết các vụ án trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Qua đó, những vi phạm pháp luật, những thiếu sót sẽ được kịp thời phát hiện và khắc phục, đảm bảo cho việc xét xử và ban hành bản án có căn cứ, hợp pháp và thi hành được trong thực tiễn.
Duy trì và tăng cường phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị đã làm tốt, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hoặc cách làm đạt hiệu quả cao trong kiểm sát bản án, quyết định, thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt công tác kiểm sát.
Giữ tốt mối quan hệ phối hợp công tác đối với các cơ quan hữu quan, nhằm tranh thủ sự đồng tình và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện các thao tác trong quá trình tác nghiệp vụ.
Để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Ngành, cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho công chức ở các cấp kiểm sát.
TH