Thời gian qua, việc triển khai tổ chức phiên toà dân sự rút kinh nghiệm tại VKSND 2 cấp tỉnh ĐắkLắk đượclãnh đạo VKSND tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời. Đơn vị đãxây dựng kế hoạch và quán triệt đến tất cả cán bộ, Kiểm sát viên. Đồng thời, mỗi Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự đều đăng ký tham gia ít nhất 01 phiên tòa để đơn vị tổ chức học tập và rút kinh nghiệm...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk sơ kết tổ chức phiên toà dân sự rút kinh nghiệm
Thời gian qua, việc triển khai tổ chức phiên toà dân sự rút kinh nghiệm tại VKSND 2 cấp tỉnh ĐắkLắk đượclãnh đạo VKSND tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch và quán triệt đến tất cả cán bộ, Kiểm sát viên. Đồng thời, mỗi Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự đều đăng ký tham gia ít nhất 01 phiên tòa để đơn vị tổ chức học tập và rút kinh nghiệm. Sau khi phối hợp với Tòa án cùng cấp chọn vụ án đưa ra xét xử rút kinh nghiệm, các đơn vị cấp huyện đều chọn hình thức tổ chức mời lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, lãnh đạo Phòng kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự và hôn nhân gia đình (Phòng 5), lãnh đạo đơn vị, cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị tham dự. Sau phiên tòa đều tổ chức họp rút kinh nghiệm và gửi biên bản họp về Phòng 5. Do đó, các vụ án dân sự được chọn và cách thức để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đều được các đơn vị thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ngành.
Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, hai cấp Kiểm sát đã phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức được 99 phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm (cấp tỉnh 18, cấp huyện 81).Trong đó, có 11 đơn vị có lãnh đạo Viện tham gia xét xử.
Hầu hết các phiên toà dân sự rút kinh nghiệm đều có sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên của đơn vị có Kiểm sát viên tham gia phiên toà lãnh đạo VKSND tỉnh và lãnh đạo Phòng 5 đã tham dự 21 phiên tòa của cấp huyện và 18 phiên tòa của cấp tỉnh. Thông qua việc tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm của các đơn vị cấp huyện, Phòng 5 kết hợp với việc giải đáp những khó khăn vướng mắc, nhằm nâng cao hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự; quán triệt các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngành về kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự. Sau mỗi phiên tòa, lãnh đạo các đơn vị đều tổ chức họp để cán bộ, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa đóng góp ý kiến cho Kiểm sát viên tham gia phiên tòa về những ưu điểm, những hạn chế từ việc lập hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tham gia phiên tòa đến các hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa, cũng như tác phong, bản lĩnh; về kỹ năng tham gia hỏi các nội dung có liên quan đến vụ án; việc phát hiện các vi phạm của Hội đồng xét xử để bổ sung vào bài phát biểu; cách thức diễn đạt bài phát biểu của Kiểm sát viên… trên tinh thần thẳng thắn và mang tính xây dựng. Việc tổ chức họp rút kinh nghiệm sau phiên toà đã được các đơn vị tiến hành nghiêm túc và gửi cáo cáo về Phòng 5 để theo dõi, hướng dẫn và tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời.
Thông qua các phiên toà dân sự rút kinh nghiệm, VKSND hai cấp đã phát hiện được một số vi phạm của Toà án và ban hành 05 kháng nghị phúc thẩm, trong đó có 02 vụ kháng nghị theo hướng huỷ án (VKSND huyện Lắk và VKSND Tp Buôn Ma Thuột);Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử và chấp nhận kháng nghị 05/05 vụ (VKSND Tp Buôn Ma Thuột và VKSND các huyện Lắk,Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Năng).
Qua hơn 02 năm thực hiện hướng dẫn của VKSND tối cao, có 15/15 (100%) VKSND huyện, thị xã, thành phố và Phòng 5 VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Toà án cùng cấp tổ chức được phiên toà dân sự rút kinh nghiệm ở đơn vị mình. Trong đó, các đơn vị thực hiện tốt là: Phòng 5; Buôn Ma Thuột; Cư M’gar; Buôn Hồ; Ea H’leo, Krông Năng, Ea Kar.
Bên cạnh đó, một số đơn vị tuy có số lượng án dân sự Toà án đưa ra xét xử ít, nhưng cũng đã có nhiều cố gắng để tổ chức được phiên toà rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng, bản lĩnh và trách nhiệm của Kiểm sát viên như: VKSND huyện Lắk, Ea Súp, Mđrắk; Buôn Đôn, Krông Bông. Đặc biệt, VKSND huyện Krông Ana đã phối hợp với Tòa án huyện tổ chức 01 phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm, kết hợp đưa ra xét xử lưu động, đã nâng cao tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương; Phòng 5 phối hợp với Tòa dân sự Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức 01 phiên tòa phúc thẩm có Lãnh đạo 02 ngành tham dự và chỉ đạo rút kinh nghiệm trong từng ngành; đồng thời ghi lại hình ảnh để rút kinh nghiệm trong ngành về phiên tòa dân sự phúc thẩm rút kinh nghiệm cũng như tuyên truyền nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2015).
Các đơn chọn hình thức tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm như: Mời lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, lãnh đạo Phòng 5, lãnh đạo đơn vị, cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị tham dự; sau phiên tòa đều tổ chức họp rút kinh nghiệm và gửi biên bản họp về Phòng 5. Phòng 5 chọn hình thức mời Lãnh đạo Viện và tập thể phòng tham dự, sau phiên tòa đều tổ chức họp rút kinh nghiệm ngay. Ngoài ra Phòng 5 còn chọn 01 phiên tòa phức tạp, có đông người tham gia tố tụng (nguyên đơn trong đó có 12 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, có 2 công ty, có Luật sư và người đại diện theo ủy quyền…) để phối hợp với Tòa án tổ chức rút kinh nghiệm nhưng dưới hình thức đột xuất, chỉ trao đổi ngay trước khi phiên tòa tiến hành xét xử và được Tòa đồng tình ủng hộ cao.
Các vụ án được chọn để xét xử rút kinh nghiệm đều là những vụ án có Kiểm sát viên tham gia; trong đó có một số vụ tương đối phức tạp về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; một số vụ án phúc thẩm có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc có luật sư, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và đông người tham gia tố tụng. Đa số các Kiểm sát viên đã thực hiện tốt các hoạt động trước, trong và sau phiên tòa theo hướng dẫn của Vụ nghiệp vụ. Nhiều đơn vị đã tổ chức cho Kiểm sát viên hoặc lãnh đạo phụ trách nghiệp vụ kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự tham gia xét xử ít nhất một phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm như: Phòng 5; Buôn Hồ, Krông Năng, Ea Kar, Ea H’leo, Ea Súp.
Các cuộc họp rút kinh nghiệm được lãnh đạo tổ chức nghiêm túc, sát với mục đích yêu cầu của phiên tòa rút kinh nghiệm, có nhiều ý kiến thẳng thắn góp ý xây dựng. Thông qua một số phiên tòa, thấy rằng, một số Kiểm sát viên đã có kinh nghiệm nhiều năm trong Ngành nhưng vẫn còn lúng túng, còn một số vấn đề phải rút kinh nghiệm như tác phong, cách hỏi, cách ứng xử cũng như kỹ năng phát hiện vi phạm của Hội đồng xét xử, của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Sau khi phối hợp tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm và họp rút kinh nghiệm, đơn vị có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đều đưa tin, viết bài trên Trang thông tin điện tử của ngành, có tác dụng tuyên truyền giáo dục cao.
Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã tạo ra những tác động tích cực không chỉ đối với Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát xét xử các vụ án dân sự mà quan trọng hơn là tạo điều kiện cho các cán bộ, Kiểm sát viên được trực tiếp quan sát, nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm cho mình. Đây có thể xem như là một hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo thiết thực nhất nhằm nâng cao trình độ năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát xét xử các vụ án dân sự; nâng cao vai trò, vị thế và hình ảnh của Kiểm sát viên cũng như khẳng định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ án dân sự trong bối cảnh đổi mới, cải cách hoạt động tư pháp đã và đang đặt ra hiện nay.
Cũng từ các phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo các đơn vị thấy được những mặt mạnh và điểm yếu của Kiểm sát viên đơn vị mình để theo dõi, đánh giá cán bộ chính xác, toàn diện; từ đó phân công cán bộ, Kiểm sát viên phù hợp năng lực nghiệp vụ và có phương hướng đào tạo bồi dưỡng phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu kém để Kiểm sát viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức về địa vị pháp lý, đáp ứng yêu cầu về chiến lược cải cách tư pháp; đồng thời lãnh đạo các đơn vị cũng qua đó đề cao vai trò, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, giải quyết vụ án.
Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại nhiều chuyển biến mới tích cực. Những mặt hạn chế trước đây về chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa như: Một số vụ án Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, chưa chủ động hỏi, hỏi chưa rõ, một số bản phát biểu chưa đảm bảo tính logic lập luận thiếu sắc bén, không thuyết phục, chưa phản ứng linh hoạt khi tranh luận…. thái độ hỏi đôi khi còn nóng nảy, thiếu bình tĩnh ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tranh tụng đến nay đã từng bước được khắc phục.
Thông qua việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, cán bộ, Kiểm sát viên cũng thấy được những ưu điểm, hạn chế của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa, từ đó rút kinh nghiệm trong kỹ năng kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Bên cạnh những ưu điểm trong tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp cùng còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như:
Ở một số đơn vị, việc triển khai tổ chức các phiên toà còn chậm, chưa chủ động; kế hoạch tổ chức một số phiên tòa chưa cụ thể, còn sơ sài; việc phối hợp tổ chức phiên tòa giữa Viện kiểm sát với Tòa án chưa được chặt chẽ, còn phải hoãn nhiều lần. Việc nghiên cứu hồ sơ của một số Kiểm sát viên chưa kỹ, chưa nắm chắc các quy định của pháp luật để vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nên thao tác về nghiệp vụ còn có lúc lúng túng; chưa chú trọng hỏi những vấn đề còn mâu thuẫn trong hồ sơ; đặt câu hỏi không rõ ràng, chưa trọng tâm và hỏi lại cả những vấn đề Hội đồng xét xử đã hỏi;
Tại cấp sơ thẩm, một số Kiểm sát viên khi nghiên cứu hồ sơ khi báo cáo duyệt án chưa đề xuất cụ thể quan điểm cả về nội dung vụ án và thủ tục tố tụng (chủ quan cho rằng tại cấp sơ thẩm chỉ phát biểu về thủ tục tố tụng). Tại phiên tòa chỉ chú ý kiểm sát về thủ tục tố tụng, không hỏi về nội dung, còn nhầm lẫn giữa nội dung và tố tụng; chưa theo dõi chặt chẽ diễn biến phiên tòa, ghi chép chưa đầy đủ vv…. chưa kết hợp chặt chẽ giữa việc nghiên cứu hồ sơ với kết quả phiên toà để đề xuất tham mưu cho lãnh đạo Viện kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật; do đó kỹ năng phát hiện vi phạm tại phiên tòa chưa cao.
Đối với việc tổ chức họp rút kinh nghiệm: Chất lượng của một số buổi họp rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa chưa thật cao;chưa sát với mục đích yêu cầu của phiên tòa rút kinh nghiệm; vẫn còn tình trạng góp ý kiến chưa thẳng thắn, còn nể nang; một số đơn vị khi họp rút kinh nghiệm chưa kết hợp để cán bộ, Kiểm sát viên cũng thấy được những ưu điểm, hạn chế của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa; từ đó rút kinh nghiệm trong kỹ năng kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Đối với đơn vị tổ chức nhiều phiên tòa, các cuộc họp rút kinh nghiệm các phiên tòa sau chưa đối chiếu các kinh nghiệm của các phiên tòa trước để rút kinh nghiệm tốt hơn nữa đối với đơn vị mình cũng như nếu có những khó khăn vướng mắc thì đề xuất báo cáo.
Mặc dù Kế hoạch công tác năm 2014 Lãnh đạo viện tỉnh đã xác định “Tăng cường công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án là khâu công tác trọng tâm nhằm tạo sự đột phá” và giao chỉ tiêu mỗi đơn vị phải phối hợp tốt với Tòa án để tổ chức được ít nhất 10% phiên tòa rút kinh nghiệm về kỹ năng và trách nhiệm của Kiểm sát viên tại phiên tòa trên tổng số vụ án Tòa án đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Nhưng việc triển khai tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm của các đơn vị còn chậm và một số đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Hiện nay, việc tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm mới chỉ triển khai thực hiện ở ngành Kiểm sát. Việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân hai cấp chỉ đạt được ở việc chọn vụ án; bố trí phòng xử án; tạo điều kiện như chuẩn bị chỗ ngồi cho người tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm; phối hợp trong quá trình xét xử; chưa phối hợp được trong việc rút kinh nghiệm chung của cả hai ngành Viện kiểm sát và Tòa án.
Về hình thức tổ chức phiên tòa dân sự chưa được hướng dẫn cụ thể đồng nhất như về chỗ ngồi của các đương sự và người tham gia tố tụng khác; bàn dành cho Kiểm sát viên có Tòa án đặt ngang với Hội đồng xét xử, có Tòa án kê hơi nghiêng về bên trái với bàn của Hội đồng xét xử; các đương sự không được bố trí micrô khi trình bày; không có chỗ ngồi nhất định cho Cảnh sát bảo vệ phiên tòa; không có chỗ ngồi cho Kiểm sát viên trước khi xét xử và chờ nghị án…
Một số đơn vị số lượng vụ án đưa ra xét xử ít, các đương sự thường vắng mặt nên khi lựa chọn hình thức phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm còn gặp nhiều khó khăn.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật TTDS, Kiểm sát viên phát biểu sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong; tuy nhiên Kiểm sát viên chỉ “phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”. Như vậy, quy định tại khoản 1 Điều 197 và Khoản 1 Điều 234* Bộ luật TTDS có sự chưa rõ ràng, mâu thuẫn nên nhiều Kiểm sát viên khi ra phiên tòa còn lúng túng khi hỏi về nội dung vụ án, phát biểu về tố tụng còn sơ sài. Tại Khoản 2 Điều 234* Bộ luật tố tụng dân sự quy định:“Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này”. Tuy nhiên cho đến nay liên ngành VKSND tối cao và Tòa án nhân dân tối cao chưa hướng dẫn cụ thể nên việc thi hành còn nhiều bất cập.
Quy chế của ngành quy định Kiểm sát viên sau phiên tòa “đề xuất kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi xét thấy bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, thực tế Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa đã có thể phát hiện được vi phạm ngay từ khi tuyên án chứ không đợi Tòa án gửi bản án, quyết định; đồng thời phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa chỉ “phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng”; như vậy, quy định có sự chưa rõ ràng, mâu thuẫn nên nhiều Kiểm sát viên sau phiên tòa còn chủ quan còn chờ nhận Bản án mới tham mưu đề xuất, và nhiều đề xuất chỉ đề xuất vi phạm thủ tục tố tụng.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian qua và những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đề ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự và hôn nhân, gia đình như:
Đề nghị liên ngành Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao cần sớm ban hành Quy chế phối hợp về tổ chức các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự để rút kinh nghiệm; sớm hướng dẫn thi hành cụ thể khoản 1 Điều 234* Bộ luật tố tụng dân sự và các vướng mắc bất cập trên thực tiễn thi hành.
Đề nghị VKSND tối cao tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên hơn đối với công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự; thường xuyên tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn để hướng dẫn thực hiện; xem xét trang bị cho các Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa đều có Laptop.
Đối với các VKSND huyện, thị xã, thành phố: Tùy theo tình hình và điều kiện mỗi đơn vị tự lựa chọn hình thức tổ chức như: Mời lãnh đạo Viện tỉnh, lãnh đạo Phòng 5, lãnh đạo đơn vị, cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị tham dự; có lãnh đạo đơn vị, cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị tham dự theo hình thức tự rút kinh nghiệm trong nội bộ cơ quan; phải xác định đây là một hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo thiết thực nhất nhằm nâng cao trình độ năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát xét xử các vụ án dân sự. Phối hợp với Tòa án để tranh thủ những phiên tòa mà Tòa án chọn để rút kinh nghiệm về kỹ năng xét xử cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký hoặc xử lưu động tổ chức cho phù hợp.
Chú trọng chọn vụ án mà quan hệ pháp luật tranh chấp mang tính chất phổ biến, có nhiều quan hệ pháp luật cần giải quyết (như vụ án "Tranh chấp hôn nhân và gia đình có giải quyết về quan hệ hôn nhân, về con chung, chia tài sản chung, nợ chung; người có quyền lợi, nghĩa vụ có yêu cầu độc lập...); có nhiều người tham gia tố tụng, các vụ án mà đương sự có mời Luật sư (hoặc có người trợ giúp pháp lý) là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Vụ án phải xét xử ngay (thường là những vụ án mà các đương sự đều có yêu cầu giải quyết; hoặc vụ án đã hoãn nhiều lần...), có thể dự kiến nhiều vụ án cùng xét xử trong một ngày để hoãn phiên tòa này thì vẫn xét xử được vụ án khác (tránh việc mời lãnh đạo, Kiểm sát viên đến dự lại phải hoãn phiên tòa do vắng mặt đương sự).
Cần lựa chọn, phân công những Kiểm sát viên có kỹ năng tốt, nhiều kinh nghiệm thực tế (lãnh đạo VKSND cấp huyện; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp tỉnh) để thực hiện các phiên toà rút kinh nghiệm trước, nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho các phiên toà sau. Ngoài ra, lãnh đạo Viện cũng cần trao đổi với lãnh đạo Toà án cùng cấp để chọn những Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân có đủ năng lực, kinh nghiệm xét xử để phiên toà đạt mục tiêu đề ra.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 587/VKS-P5 ngày 21/6/2013 của lãnh đạo VKSND tỉnh về Hướng dẫn tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và văn bản số 106/HD-VKS - P5,ngày 29/01/2015 của Phòng 5 về Hướng dẫn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự năm 2015; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của lãnh đạo Viện cũng như của Phòng nghiệp vụ đã đề ra trong năm 2015. Đối với việc tổ chức họp rút kinh nghiệm: phải tổ chức nghiêm túc, sát với mục đích yêu cầu của phiên tòa rút kinh nghiệm. Đối với đơn vị tổ chức nhiều phiên tòa, các cuộc họp rút kinh nghiệm các phiên tòa sau phải đối chiếu các kinh nghiệm (ưu điểm, hạn chế) của các phiên tòa trước để rút kinh nghiệm tốt hơn nữa đối với đơn vị mình; cũng như nếu có những khó khăn vướng mắc thì đề xuất báo cáo.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với Tòa án cùng cấp trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Thông tư liên tịch số 04/TTLT/VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 của VKSND tối cao, Toà án nhân dân tối cao. Các đơn vị, Kiểm sát viên phải xác định thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp này là thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp mà Đảng và Quốc hội đã tin tưởng giao cho ngành Kiểm sát.
T.T