hông qua kết quả hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, từ thực trạng vi phạm của cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của TAND có thẩm quyền, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp một số nội dung; Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...
VKSND tối cao kiến nghị khắc phục vi phạm
trong việc tổ chức thi hành án dân sự
Thông qua kết quả hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, từ thực trạng vi phạm của cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của TAND có thẩm quyền, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp một số nội dung; Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo.
- Vi phạm về xác minh điều kiện THA: Điện Biên: có hồ sơ hoãn THA của Ngọc Văn Pâng thể hiện hoãn từ năm 2009, có 02 Biên bản xác minh điều kiện THA (tháng 11/20011 và tháng 04/2012) nhưng không có chữ ký của CHV, cho đến thời điểm tháng 10/2013 hồ sơ không thể hiện CHV có xác minh tiếp điều kiện THA. Lâm Đồng: Theo Quyết định THA số 01/THA ngày 22/10/2009 của Cục THADS tỉnh Lâm Đồng, Lê Văn Tĩnh phải nộp ngân sách Nhà nước 25.488.875đ. Chấp hành viên tiến hành xác minh từ tháng 7/2010 đến tháng 10/2013 chưa tiến hành xác minh lại.Tại tỉnh Long An: Theo Quyết định THA số 407 ngày 24/01/2011 của Chi cục THADS huyện Bến Lức, Phan Văn Lắm và Lê Thị Sáu cùng trú tại ấp Chánh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức liên đới nộp án phí 5.150.000đ nhưng đến thời điểm tháng 10/2013 Chấp hành viên chưa tiến hành xác minh.
- Ra quyết định THA: Thành phố Hải Phòng: Cục THADS thành phố Hải phòng căn cứ vào khoản 1 Điều 36 Luật THADS (khoản 1 Điều 36 là căn cứ để ra QĐTHA chủ động) để ra Quyết định THA theo đơn số 105/QĐ-CTHA ngày 02/01/2013. Tại tỉnh Lào Cai: Đơn yêu cầu THA của Thào A Chu được đóng dấu đến của Cục THADS tỉnh Lào Cai ngày 21/12/2012, nhưng Quyết định THA số 31 ngày 21/11/2012 theo đơn yêu cầu của Thào A Chu lại được Cục THADS được ban hành trước khi nhận đơn; Cục THADS tỉnh Lào Cai ra quyết định THA chủ động số 175 ngày 8/7/2013 để bồi thường cho những người được THA theo quyết định của bản án, vi phạm khoản 1 Điều 36 Luật THADS, vì trường hợp này không thuộc dạng án chủ động. Tại tỉnh Sơn La: Căn cứ bản án HSST số 139 ngày 15/5/2007 của TAND huyện Thuận Châu, Chi cục THADS huyện Thuận Châu ra Quyết định THA chủ động số 137 ngày 10/12/2007 đối với Vì Chứ Lử buộc thi hành 02 khoản án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm và không đề cập đến khoản Lử phải bồi thường cho Nhà nước 126.651.000đ theo quyết định của bản án số 139.
- Có điều kiện nhưng Chấp hành viên không tổ chức cưỡng chế THA:
Tại tỉnh Hải Dương: Tồn tại nhiều trường hợp người phải THA có tài sản nhưng cơ quan THA không tổ chức cưỡng chế, để dây dưa, kéo dài. Ví dụ: Theo Quyết định THA số 38 ngày 7/1/2005 của Chi cục THA thành phố Hải Dương, ông Nguyễn Đình Lâm phải trả cho bà Nguyễn Thị Hương 65 chỉ vàng. Ông Lâm là người có tài sản (nhà, đất) nhưng Chấp hành viên không tổ chức cưỡng chế, để vụ việc kéo dài; tương tự, theo Quyết định THA số 24 ngày 9/12/2010 của Chi cục THA thành phố Hải Dương, Hoàng Văn Tuân và Vũ Thị Hoa phải trả cho ông Hoàng Văn Tuấn 24 chỉ vàng, đồng thời phải nộp án phí 3.511.200 đ, Tuân và Hoa thuộc diện có tài sản nhưng vụ việc vẫn để tồn đọng. Tại tỉnh Long An: Theo Quyết định THA số 509 ngày 17/3/2009 bà Đoàn Thị Thanh và những người liên quan cùng trú tại ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức phải giao cho ông Nguyễn Văn Đàng sử dụng 722,1 m2 thuộc thửa 88 do Nguyễn Văn Thiện đứng tên, nhưng đến thời điểm tháng 10/2013 Chấp hành viên chưa tổ chức cưỡng chế giao đất. Tại tỉnh Trà Vinh: Theo Quyết định THA số 95 ngày 1/12/2006, ông Thạch Hai, Thạch Rươnl, Thạch Thị Sâl, Thạch Thị Hạnh ngụ Cầu Kè phải thi hành trả 380 m2 đất. Biên bản xác minh ngày 13/5/2012 đến thời điểm tháng 7/2013 chưa tổ chức thi hành; theo Quyết định THA số 95 ngày 01/12/2006, ông Thạch Hai, Thạch Rươnl, Thạch Thị Sâl, Thạch Thị Hạnh ngụ Cầu Kè phải thi hành trả 380 m2 đất. Biên bản xác minh cuối cùng trong hồ sơ vào ngày 13/5/2012, đến thời điểm tháng 7/2013 chưa tổ chức thi hành; theo Quyết định THA ngày 29/12/2008, Trần Thị Hiền ở ấp Mỹ Văn, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè phải thi hành 38.250.000đ, tài sản bà Hiền có 3229,2 m2, đến thời điểm tháng 3/2013 Chấp hành viên chưa tiến hành kê biên tài sản trên của bà Hiền để THA. Tại Kiến nghị số 26/KSTHADS/KN của VKSND tỉnh Trà Vinh gửi Cục THADS tỉnh Trà Vinh đến thời điểm tháng 3/2013, trên địa bàn toàn tỉnh (thuộc các Chi cục THADS) có 85 việc có điều kiện nhưng CHV không tổ chức cưỡng chế thi hành.
- Về cưỡng chế THA: Tại tỉnh Khánh Hòa: Theo Quyết định THA số 245/QĐ-THA ngày 29/7/2010, Công ty Hải Vân phải thanh toán cho Ngân hàng 2.998.837.800đ, tài sản thế chấp cho Ngân hàng là nhà, đất. Trong quá trình tổ chức thi hành án (kê biên, bán đấu giá), hồ sơ không thể hiện việc xác minh điều kiện THA cũng như các thủ tục thông báo, niêm yết về tài sản bán đấu giá. Sau khi ký Hợp đồng để bán đấu giá tài sản, không có người đăng ký mua, hồ sơ cũng không thể hiện đương sự được thông báo để thỏa thuận việc giảm giá tài sản, Chấp hành tự ban hành các thông báo về bán tài sản với thời hạn và nội dung trong thông báo không đảm bảo theo quy định của pháp luật (ví dụ: bản thông báo có nội dung “ai có nhu cầu mua thì nộp hồ sơ tại Cục THADS”. Tại Thông báo số 20 ngày 6/01/2012 thông báo thời gian bán đấu giá là ngày 09/12/2012 nhưng ngày 07/12/2012 Cục đã có quyết định về việc giảm giá tài sản). Tại Quyết định THA số 26 ngày 24/10/2008 của Cục THADS tỉnh Khánh Hòa, ông Minh và bà Yến phải trả cho Ngân hàng Hàng hải Việt Nam số tiền 1.710.170.000đ với 04 tài sản thế chấp đảm bảo thi hành án. Sau khi có thông của Trung tâm bán đấu giá về việc không có người đăng ký mua nhà đất của ông Minh, bà Yến (01 tài sản trong số tài sản thế chấp) với giá 388.402.752đ, đến thời điểm tháng 9/2013 Chấp hành viên chưa có một tác nghiệp nào tiếp theo, đồng thời cũng không có một biện pháp xử lý nào đối với 03 tài sản còn lại. Tại tỉnh Tiền Giang: Theo Quyết định THA số 65/QĐ-THA ngày 14/10/2011 của Cục THADS tỉnh Tiền Giang, Lò Văn Dương phải THA cho Ngân hàng Công thương 350.424.565đ. Quá trình tổ chức THA, sau khi có chứng thư thẩm định giá ngày 13/7/2013, Chấp hành viên không ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá tài sản, ngày 05/9/2013 ra quyết định hoãn THA.
- Hoãn thi hành án: Tại tỉnh Bắc Giang: Hồ sơ theo Quyết định THA số 29 ngày 21/11/2012 và số 15 ngày 31/10/2012 của Cục THADS tỉnh Bắc Giang thể hiện các đối tượng phải THA đang chấp hành hình phạt tù và không có tài sản (biên bản xác minh ngày 26/11/2012), tuy nhiên đến thời điểm tháng 11/2013, CHV không đề xuất để ra quyết định hoãn THA khi đã có đủ điều kiện để hoãn. Tại thành phố Hồ Chí Minh: Theo Quyết định THA chủ động số 2240/QĐ-THA ngày 16/5/2011 của Cục THADS thành phố thì Công ty cổ phần Tân Đức Mạnh phải nộp án phí DSST 30.575.000đ và 200.000đ án phí DSPT. Quá trình THA Chấp hành viên chưa tiến hành các biện pháp theo thủ tục quy định (xác minh, triệu tập đương sự...), mặt khác người phải THA còn tài sản đang thế chấp cho Ngân hàng nhưng Chấp hành viên lại ra quyết định hoãn THA thiếu căn cứ.
- Đình chỉ THA: Tại thành phố Hồ Chí Minh: Theo Quyết định THA số 15/THA ngày 20/01/1994 của Cục THADS thành phố thì ông Lê Văn Sanh phải bồi thường cho bà Vũ Thị Kim Thúy 2,5 chỉ vàng 24K, quá trình thi hành đã được một phần, tại Biên bản làm việc ngày 16/5/1999, bà Thúy không yêu cầu ông Sanh thi hành phần còn lại. Ngày 23/9/2011 (12 năm kể từ khi hai bên đương sự thỏa thuận), Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh căn điểm b khoản 1 Điều 50 Luật THADS để ra Quyết định đình chỉ THA số 257/QĐ-THA. Quyết định đình chỉ THA nói trên đã áp dụng sai điều luật (trường hợp này phải áp dụng điểm c khoản 1 Điều 50) và ban hành quá thời hạn luật định (khoản 2 Điều 50). Tại tỉnh Lạng Sơn: Ngày 19/12/2011, Chi cục THADS huyện Chi Lăng ra Quyết định đình chỉ THA số 01/QĐ-CCTHA đối với Phùng Kim Thắng với lý do Thắng đã chết không để lại tài sản. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của Viện kiểm sát thì Phùng Kim Thắng đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Ngọc Lý, tỉnh Bắc Giang.
- Ủy thác thi hành án: Tại tỉnh Sóc Trăng: Theo Quyết định THA số 213/QĐ-THA ngày ngày 7/3/2012 của Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên, ông Lê Văn Ngự là chủ Doanh nghiệp tư nhân Mai Anh phải trả cho ông Trần Văn Kiệp 734.312.500đ. Ngày 2/8/2012 Chấp hành viên ra quyết định ủy thác việc THA cho Chi cục THADS huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với lý do ông Ngự đồng ý giao 01 chiếc xe cuốc hiệu Hitachi UH10-7 đang hoạt động tại tại xã Phước Lý, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, mặc dù ông Ngự vẫn còn tài sản tại địa phương (huyện Mỹ Xuyên) là chiếc xe ô tô 07 chỗ hiệu TOYOTAFOTUNE đăng ký chủ sở hữu tại tỉnh Sóc Trăng.
- Trả đơn yêu cầu THA: Tại tỉnh Bến Tre: Ngày 13/8/2012 Cục THADS tỉnh Bến Tre ban hành 71 quyết định từ số 09 đến số 79 trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho những người được thi hành án trong vụ Mai Thanh Phượng, cư trú tại ấp 1, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trong đó có 15 quyết định chưa trả đơn phần lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm thi hành án, Vi phạm này đã được VKSND tỉnh Bến Tre kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
- Tiêu hủy vật chứng; trả lại tài sản cho đương sự:
Tại Thành phố Hải Phòng: Theo Quyết định THA số 225 ngày 20/5/2010 của Cục THADS thành phố Hải Phòng, vật chứng cần tiêu hủy là 01 điện thoại Nokia màu đen đã cũ. Ngày 12/3/2013 Cục THADS thành phố Hải Phòng mới ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy, chậm gần 03 năm. Tại tỉnh Bắc Ninh: Thi hành theo Quyết định THA số 140 ngày 14/5/2012 của Chi cục THADS huyện Quế Võ, Nguyễn Đức Trung và Nguyễn Văn Chín đã thi hành xong khoản án phí, tiền phạt, tuy nhiên đến thời điểm tháng 5/2013 cơ quan THA chưa tiến hành trả điện thoại cho Trung và Chín theo quyết định của bản án.
- Thu, chi tiền THA: Tại tỉnh Lâm Đồng: Theo Quyết định THA số 01/THA ngày 16/10/2012 của Cục THADS tỉnh Lâm Đồng, Phan Quang Hưng được hoàn trả tiền tạm ứng án phí là 400.000đ nhưng đến ngày 25/3/2013 Chấp hành viên mới thông báo để đương sự đến nhận tiền. Tại tỉnh Phú Thọ: Đến thời điểm 30/9/2013, Cục THADS tỉnh Phú Thọ được ngân sách Nhà nước cấp120.000.000đ để thực hiện tạm ứng chi phí cưỡng chế, tuy nhiên số dư tạm ứng trong tài khoản rất lớn (97.709.000đ), nhưng các vụ việc cần thanh toán lại để kéo dài, dây dưa. Ví dụ: Trên tài khoản 3121 thể hiện chi phí cưỡng chế THA có 09 khoản tạm ứng đứng tên ông Trần Xuân Thìn với tổng số tiền 12.245.000đ được tạm ứng từ năm 2010 trở về trước đến thời điểm tháng 12/2013 chưa được thanh toán dứt điểm; một số khoản tạm ứng cho Chấp hành viên thuộc chi phí cưỡng chế, đến thời điểm tháng 12/2013 chưa thu hồi được do Chấp hành viên chuyển công tác đến đơn vị khác. Ví dụ: Chi cho CHV Ngô Mạnh Cường ngày 30/9/2010 số tiền 2.800.000đ; cũng trên tài khoản 3121 thể hiện có 06 khoản tạm ứng với tổng số tiền là 7.660.000đ là những khoản tạm ứng mà hồ sơ đã thi hành xong, đã ủy thác hoặc trả đơn nhưng số tiền trên chưa được thu hồi.
Để đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa VKSND và Cơ quan THADS các cấp trong hoạt động THADS, từng bước hạn chế các vi phạm của cơ quan THADS trong lĩnh vực này, đặc biệt là những vi phạm mang tính phổ biến kéo dài, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị với đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp một số nội dung sau:
Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo đối với Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong hoạt động THADS nói chung, trước mắt chỉ đạo Cơ quan THADS địa phương khắc phục ngay những vi phạm nêu trên, rà soát lại số việc chưa thi hành tồn đọng kéo dài, lưu ý những vụ việc có điều kiện thi hành phải kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế để giải quyết dứt điểm; những trường hợp có vi phạm về trình tự, thủ tục trong tổ chức THA cần có biện pháp kịp thời khắc phục. Các cơ quan THADS báo cáo kết quả khắc phục trong Quý I năm 2015.
Chỉ đạo Tổng cục trưởng Tổng cục THADS trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mỡnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý, chỉ đạo điều hành công tác thi hành án dân sự, tập trung vào những vi phạm mang tính hệ thống, các Cơ quan THADS địa phương hoạt động yếu kém, các cơ quan THADS địa phương có lượng án tồn đọng lớn. Kịp thời có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với Thủ trưởng, Chấp hành viên, cán bộ làm công tác THADS khi phát hiện vi phạm.
Không ngừng đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan THADS địa phương và Chấp hành viên; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng THADS với hình thức linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ cho những người trực tiếp làm công tác thi hành án dân sự. Tăng cường về số lượng, chất lượng của đội ngũ trực tiếp tổ chức THADS, lưu ý cỏc cơ quan THADS có khối lượng việc phải THA nhiều, nhưng hiện nay đang thiếu Chấp hành viên, đồng thời bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này.
Chủ động tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi. Bộ Tư pháp chủ trì và là đầu mối trong quan hệ phối hợp liên ngành trong công tác THADS giữa các cơ quan: Công an, TAND, VKSND và THADS từ Trung ương tới địa phương, đảm bảo giải quyết kịp thời, dứt điểm những vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án dân sự, đặc biệt là những việc thi hành án phức tạp kéo dài./.
TH