CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kết quả 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của VKSND tỉnh Quảng Ninh

05/07/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh về phối hợp đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội....

 Kết quả 10 năm thực hiện phong trào

“Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của VKSND tỉnh Quảng Ninh
Thực hiện quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Chính phủ về  “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh về phối hợp đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát không có chỉ đạo riêng trong ngành về thực hiện Quyết định 521 mà thông qua kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm, kế hoạch phối hợp phòng chống tội phạm theo chương trình 138 ở địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ở hai cấp kiểm sát thực hiện tốt chức năng quyền công tố trong xử lý vi phạm và tội phạm. Theo đó, nhiều chỉ tiêu nghiệp vụ được đặt ra ở mức cao làm cơ sở thực hiện như: Tỷ lệ xử lý tin báo tội phạm đạt trên 90%; án truy tố, xét xử đạt 95% trở lên bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm...
Sau khi có Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Ngoài việc xây dựng chương trình kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 48 trong ngành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã có nhiều biện pháp trong chỉ đạo thực hiện để đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đó là: Từ năm 2008, hai cấp kiểm sát đã cùng các ngành Công an, Biên phòng, Thanh tra, Hải quan... ký quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, nhiều Viện kiểm sát cấp huyện còn ký phối hợp công tác này với Công an cấp xã. Tiếp đó, năm 2009 ký quy chế phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong việc tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua phản ánh của các tổ chức thành viên mặt trận. Để tăng cường hiệu quả trong phối hợp xử lý tội phạm, hai cấp kiểm sát từ 10 năm nay đều đã ký kết quy chế phối hợp với Công an, Tòa án trong việc xác định án điểm, án đưa đi xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục nâng cao tác dụng phòng ngừa.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37/2012 và Nghị quyết 63/2013 của Quốc hội về “ Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xây dựng chương trình hành động thực hiện hai Nghị quyết trên trong ngành bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành Kiểm sát. Ngoài ra, hai cấp kiểm sát còn phải thực hiện tốt Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “ Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Theo đó, để bảo đảm yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, khi thực hiện quyền công tố Viện kiểm sát phải phối hợp cùng với cơ quan điều tra tham gia điều tra một số vụ án lớn, phức tạp xét thấy cần thiết. Ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đều thiết lập hòm thư tố giác tội phạm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố giác tội phạm.
Thực hiện Thông tư 23/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an về xây dựng “ Cơ quan, đơn vị an toàn về an ninh trật tự”. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và 14 Viện kiểm sát huyện, thị xã, thành phố hàng năm đều triển khai thực hiện bằng việc đăng ký cơ quan đạt tiêu chuẩn “ An toàn về an ninh trật tự” coi đó là một trong các chỉ tiêu xét thi đua hàng năm. Để bảo đảm an toàn về an ninh trật tự trong nội bộ Ngành, ngoài việc thực hiện các quy định của nhà nước, của Ngành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh còn xây dựng nhiều Quy chế, quy định liên quan như: Nội quy tiếp công dân, quy định về chế độ bảo mật, việc cung cấp thông tin cho báo chí; quy định về trực nghiệp vụ, trực bảo vệ; kiện toàn đội ngũ bảo vệ, mua sắm công cụ hỗ trợ cho bảo vệ làm nhiệm vụ. Ngoài ra, năm 2012 Viện kiểm sát tỉnh đã thành lập Tổ phòng cháy, chữa cháy cơ sở, mời cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến huấn luyện, kiểm tra, bổ sung thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Tiếp đó, Viện kiểm sát tỉnh đã có công văn chỉ đạo 14 Viện kiểm sát cấp huyện thành lập Tổ phòng cháy, chữa cháy cơ sở, mời Cảnh sát PCCC huấn luyện nghiệp vụ, mua sắm phương tiện bảo đảm an toàn cho công tác phòng chống cháy, nổ đối với các đơn vị.
Kết quả thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc:
Thực hiện chức năng quyền công tố trong xử lý tội phạm, trong 10 năm qua, Viện kiểm sát đã phối hợp với các cơ quan chức năng phân loại xử lý trên 17 nghìn tin báo, tố giác tội phạm; kiểm sát việc bắt giữ trên 18 nghìn người. Đưa ra truy tố, xét xử trên 19.700 vụ án hình sự các loại với trên 30.900 bị can, bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương. Thông qua công tác kiểm sát xử lý án hình sự, mỗi năm Viện kiểm sát ban hành hàng chục kiến nghị tới các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, khắc phục những sơ hở, thiếu sót nhằm loại trừ những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm.
Viện kiểm sát luôn chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, xử lý vi phạm và tội phạm, các tình huống liên quan đến an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn. Tích cực tư vấn cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai, giải phòng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo... góp phần giải quyết kịp thời nhiều vấn đề phức tạp, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện đông người, bức xúc kéo dài làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại địa phương.
Những năm 2007, 2008 trước tình hình vận chuyển than trái phép trên biển và tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép gia tăng. Viện kiểm sát đã phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 11/CT-TU ngày 09/4/2008 về “ Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trên địa bàn”. Phối hợp tham mưu cho BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 12/2012/NQ- TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh”. Đến nay, tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh cơ bản được đầy lùi và kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Thực hiện các quy định của nhà nước, của Ngành, trách nhiệm của cán bộ, công chức với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Viện kiểm sát luôn quán triệt, yêu cầu mỗi cán bộ trong ngành phải là những người gương mẫu trong chấp hành pháp luật, có tinh thần đấu tranh quyết liệt trong phòng, chống tội phạm; vận động người thân và cộng đồng chấp hành pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan tới tội phạm và tệ nạn xã hội; tích cực tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Trong những năm qua, cán bộ trong ngành không có đồng chí nào vi phạm phải xử lý bằng pháp luật hoặc phát hiện liên quan tới các hoạt động tệ nạn xã hội. Từ nhiều năm nay, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và 14 Viện kiểm sát cấp huyện chưa có trường hợp nào xảy ra mất mát tài sản, hồ sơ tài liệu, cháy nổ, làm lộ bí mật nhà nước, bí mật của ngành, trong nội bộ cũng như khi tiếp công dân để xảy ra mất an ninh trật tự. Hàng năm, cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và 14 Viện kiểm sát cấp huyện đều đạt tiêu chuẩn “ An toàn về an ninh trật tự”, được công nhận là “ Cơ quan văn hóa”.
Một số phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Quảng Ninh
- Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 521/QĐ-Tg ngày 13/6/2005 của Chính phủ về phong trào “ Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thông qua hoạt động chức năng quyền công tố, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng quản lý tốt thông tin tội phạm, kịp thời xử lý nghiêm các loại tội phạm xảy ra góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ngành xử lý kịp thời những vụ, việc, biểu hiện có nguy cơ gây ảnh hưởng đe dọa tới an ninh trật tự ở địa phương.
- Chỉ đạo trong ngành thực hiện tốt Thông tư 23/TT-BCA trong việc xây dựng, đạt các tiêu chuẩn cơ quan, đơn vị “ an toàn về an ninh trật tự”; về phòng, chống cháy nổ; các quy định của nhà nước và của ngành về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ; không để xảy ra vụ việc nào làm mất an ninh trật tự trong ngành, xây dựng cơ quan văn hóa.
- Thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức trong ngành về ý thức, tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm; không để cán bộ nào vi phạm pháp luật, tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội. Ngoài việc thực hiện tốt chức năng xử lý tội phạm, các đơn vị trong ngành cần đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ra bên ngoài đặc biệt là pháp luật hình sự giúp người dân hiểu biết pháp luật để phòng tránh vi phạm pháp luật và tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc./.
T.T.
Tìm kiếm