1. Báo Công lý số 51ngày 26/6/2015 có bài “Tổng giám đốc có công hay có tội?” của tác giả Đỗ Văn Chỉnh. Nội dung: Năm 2012, sau khi kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của công dân, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án đối với ông Đào Thành Long là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty phát triển nguồn nhân lực và Dịch vụ Dầu khí Việt Nam cùng một số bị can khác về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”...
VKSND tối cao xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 26/6/2015 đến ngày 02/7/2015
1. Báo Công lý số 51 ngày 26/6/2015 có bài “Tổng giám đốc có công hay có tội?” của tác giả Đỗ Văn Chỉnh. Nội dung: Năm 2012, sau khi kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của công dân, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án đối với ông Đào Thành Long là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty phát triển nguồn nhân lực và Dịch vụ Dầu khí Việt Nam cùng một số bị can khác về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”. Sau đó, VKSND thành phố Hà Nội có Cáo trạng số 554/CT-VKS-P1 ngày 24/11/2014, truy tố ông Long và 5 bị can khác về các tội danh trên. Tuy nhiên, vụ án này phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần và đến nay chứng cứ để truy tố ông Long về tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” chưa chắc chắn vì Cáo trạng chưa làm rõ ông Long đã làm trái quy định nào của nhà nước về quản lý kinh tế. Số tiền 17 tỷ Cáo trạng quy kết ông Long làm thất thoát thực chất là tiền chi phí cho việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng tòa nhà chung cư đã được Nghị quyết của Hội đồng quản trị Công ty thống nhất cho phép chi và đều được thể hiện bằng các Hợp đồng kinh tế đã ký kết. Lô đất 781,5m2 ông Long mua của bà Trần Thị Tâm với giá hơn 50 tỷ, khi hoàn tất các thủ tục mua bán có giá 85 tỷ đồng và sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý để xây dựng được tính giá là 124 tỷ đồng. Như vậy, việc mua đất của ông Long cho Công ty không những không gây hậu quả nghiêm trọng mà còn làm lãi cho Công ty đến 39 tỷ đồng. Vì vậy, việc kinh doanh hợp pháp, có lãi, lại bị buộc tội là việc cần phải xem xét lại.
Yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Pháp luật Việt Nam số 180 ngày 29/6/2015 có bài “Con trai quan chức tỉnh Hà Giang lừa bán gần 2000m3gỗ: Có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm” của tác giả Bình Minh. Nội dung: Năm 2012, Bàn Minh Thắng là Chủ tịch UBND xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang và là con trai của ông Bàn Đức Vinh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang đã có hành vi tự nhận là chủ sở hữu của 1888m3gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8 được khai thác tận thu tại mỏ sắt Sàng Thần, huyện Bắc Mê để ký hợp đồng bán số gỗ này cho cho anh Phạm Huy Hoàn tại thành phố Hà Giang với giá 3,6 tỷ đồng. Anh Hoàn đã tạm ứng cho Thắng 1,6 tỷ đồng để mua lô gỗ này nhưng hết thời hạn giao hàng anh vẫn không được nhận hàng. Sau đó anh Hoàn được biết lô gỗ này thuộc sở hữu của UBND huyện Bắc Mê đã bán cho Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Bắc Quang, không thuộc sở hữu của anh Thắng nên đã nhiều lần đòi lại tiền. Đến ngày 18/3/2013, anh Thắng mới trả lại cho anh Hoàn được 500 triệu đồng, sau đó anh Thắng không trả tiếp và đưa Thẻ Đảng viên cho anh Hoàn giữ làm vật đảm bảo thanh toán. Hành vi gian dối của Bàn Minh Thắng nhằm chiếm đoạt tiền của anh Hoàn có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá rõ cần được khởi tố nhưng khi anh Hoàn tố cáo, ngày 17/10/2014, Công an tỉnh Hà Giang lại có thông báo cho anh Hoàn biết vụ việc này không đủ căn cứ để khởi tố hình sự là có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm cần được các cơ quan pháp luật tỉnh Hà Giang xem xét lại.
Yêu cầu VKSND tỉnh Hà Giang kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 168ngày 29/6/2015 có bài “Nghi án oan: Buộc tội từ lời khai người tâm thần” của tác giả Minh Hoàng. Nội dung: Ngày 12/9/2011, Nguyễn Văn Vĩnh ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cùng 3 bị can khác bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam về tội “Giết người”, nạn nhân là anh Hou Kinh Sách ở cùng thành phố. Qua hai cấp xét xử TAND tỉnh Đồng Nai và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Vĩnh mức án tù chung thân. Tuy nhiên, từ khi bị khởi tố và ở cả 2 cấp xét xử, Vĩnh và gia đình Vĩnh liên tục kêu oan, tại Tòa các bị cáo khác đều phản cung và khẳng định Vĩnh không có liên quan đến việc giết anh Sách, lời khai của nhân chứng Hoàng Văn Lập cũng xác định khi xẩy ra việc đâm chém, đánh nhau trong quán cà phê, Lập và Vĩnh đứng ở ngoài ngã tư, không tham dự chỉ còn có lời khai của bị can Đào Văn Huyến có khai Vĩnh là người đánh và giết anh Sách nhưng sau đó Cơ quan điều tra xác định Huyến là người đang mắc bệnh tâm thần phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Như vậy việc kết tội đối với Nguyễn Văn Vĩnh trong vụ án này có dấu hiệu oan, sai.
Yêu cầu Vụ 7 kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Pháp luật Việt Nam số 181ngày 30/6/2015 có bài “Một vụ việc bị hình sự hóa” của tác giả Quang Ngọc - Đăng Vũ. Nội dung: Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã có Bản kết luận điều tra, đề nghị VKSND tỉnh Phú Thọ truy tố vợ chồng Khổng Văn Phú và Chử Thị Hòa là Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty TNHH xây dựng và Thương mại Kinh Đạt có trụ sở tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, vụ án này có dấu hiệu hình sự hóa một quan hệ pháp luật dân sự bởi vì có đến 50/51 bị hại của vụ án đã có đơn gửi Cơ quan Công an và VKSND tỉnh khẳng định họ không bị lừa,không phải là bị hại của vụ án, việc cho vợ chồng anh Phú, chị Hòa vay tiền là tự nguyện theo thỏa thuận giữa hai bên. Công ty vẫn còn tài sản và có khả năng trả được nợ đã vay. Vì vậy, các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ cần kiểm tra xem xét lại vụ án một cách khách quan, tránh oan sai và đẩy doanh nghiệp đến chỗ phá sản.
Yêu cầu VKSND tỉnh Phú Thọ kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Công lý số 52ngày 01/7/2015 có bài “Dấu hiệu dân sự hóa một vụ án hình sự” của tác giả Đỗ Văn Chỉnh. Nội dung: Mặc dù không phải là chủ sở hữu của 3552m2 đất nhưng ngày 30/5/2007, ông Chung Quang Kính trú tại ấp Đông Mỹ, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tự nhận là đất thuộc sở hữu của mình đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng giấy chứng nhận này đang do UBND xã quản lý để bán cho ông Đặng Hùng trú tại số 67 đường Huỳnh Thiện Lộc, phường Hòa Thành, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh với giá 240 chỉ vàng. Tin tưởng vào ông Kính, ông Hùng đã đặt cọc 50 triệu đồng để mua lô đất này và đã được ông Kính giao đất để sử dụng đào ao nuôi cá giống. Đến ngày 18/7/2011, ông Kính lại mang giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất này không phải đứng tên của mình mà đứng tên chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Muội để đòi ông Hùng trả nốt số tiền vàng còn thiếu. Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cao Lãnh có văn bản xác định lô đất này thuộc sở hữu của bà Muội. Thấy ông Kính không phải là chủ sở hữu lô đất này, ông Hùng đã yêu cầu ông Kính trả lại tiền đặt cọc và phải chịu nộp tiền phạt do vi phạm hợp đồng mua bán đất nhưng ông Kính không trả tiền cho ông Hùng. Vì vậy, ông Hùng đã tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này của ông Kính đến Công an huyện Cao Lãnh nhưng Công an huyện lại cho rằng đây là vụ việc dân sự nên không giải quyết, chuyển Tòa án thụ lý giải quyết về tranh chấp dân sự là không đúng, cần giải quyết vụ việc này bằng hình sự vì ông Kính có hành vi gian dối và đã chiếm đoạt tiền của ông Hùng.
Yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Tháp kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
TH