Ngày 07/12/2012, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Kế hoạch số 130/KH-VKSTC về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ đạo VKS 2 cấp quán triệt, triển khai thực hiện....
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm (2011 - 2015)
Ngày 07/12/2012, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Kế hoạch số 130/KH-VKSTC về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ đạo VKS 2 cấp quán triệt, triển khai thực hiện. Đơn vị chủ động củng cố, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Viện kiểm sát thành phố; VKS 2 cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vụ, việc phức tạp; thành lập Ban Chỉ đạo để chủ động tham mưu cho cấp ủy trong việc chỉ đạo giải quyết tốt các vụ, việc liên quan đến hoạt động biểu tình, phản đối Trung Quốc, không để các phần tử xấu lợi dụng kích động, gây rối, nhằm ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; cử Lãnh đạo viện là thành viên Ban Chỉ đạo 138/TP, Ban Chỉ đạo trợ giúp pháp lý... Thực hiện tốt các chuyên đề, báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 138/TP; thường xuyên đánh giá kết quả việc thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khắc phục; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm cho cán bộ, công chức Viện kiểm sát 2 cấp. Qua đó, đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động thực hiện và nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Lãnh đạo VKSND thành phố đã chỉ đạo Viện kiểm sát 2 cấp đưa việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011-2015 cụ thể vào kế hoạch, chương trình công tác hàng năm; đồng thời phải bám sát những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành được xác định trong Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng VKSND tối cao, nhất là những chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Nghị quyết số 63/2013/QH ngày 27/11/2013 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và Hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản của Ngành. Tất cả các đơn vị tích cực, chủ động trong việc đề ra những giải pháp thiết thực để tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm. Đã khởi tố mới 41.789 vụ/42.307 bị can (giảm 1.020 vụ so với giai đoạn 2006-2010). Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn trong cả nước, nên thu hút đầu tư nước ngoài, người lao động các tỉnh đến thành phố để làm ăn sinh sống ngày một gia tăng, góp phần cho kinh tế- xã hội của thành phố thêm đa dạng và phong phú. Điều này cũng làm phát sinh tình hình vi phạm và tội phạm cũng diễn biến phức tạp: Các thế lực thù địch nước ngoài móc nối với phần tử cực đoan trong nước lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để hoạt động chống phá ta nhiều mặt. Tội phạm hình sự dùng vũ khí để cướp của, giết người, hoạt động theo kiểu băng nhóm xã hội đen vẫn còn xảy ra. Tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy hoạt động ngày một tinh vi, phức tạp hơn; tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng xuất hiện…
Viện kiểm sát 2 cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của liên ngành Trung ương, Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao. Chủ động đề ra các biện pháp để nắm bắt, kịp thời tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra. Từ năm 2011 đến năm 2015, Viện kiểm sát 2 cấp kiểm sát thụ lý 38.353 tố giác, tin báo về tội phạm. Cơ quan điều tra giải quyết 37.119 tin, đạt tỷ lệ 96,7% (vượt 6,7% so chỉ tiêu NQ 37 đề ra); trong đó: ra quyết định khởi tố vụ án hình sự 24.470 tin.
Viện kiểm sát hai cấp nghiêm túc quán triệt, thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, bảo đảm 100% các vụ án đều được kiểm sát từ khi khởi tố và suốt quá trình điều tra. Cơ quan điều tra giải quyết 44.138 vụ/46.288 bị can, đạt 82,17%. Qua kiểm sát, Viện kiểm sát, đã ban hành 258 kiến nghị tổng hợp trong hoạt động điều tra; 56 kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Trong kỳ, Viện kiểm sát 2 cấp đã giải quyết 28.261 vụ/44.347 bị can trên tổng số thụ lý 28.621 vụ/45.102 bị can (đạt tỷ lệ 98%, vượt 3%); kết thúc điều tra đề nghị truy tố 28.193 vụ-44.241 bị can (trong đó ra quyết định truy tố đúng thời hạn đạt 100%, truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%).
Công tác Kiểm sát điều tra được tiến hành chặt chẽ ngay từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, đảm bảo việc khởi tố, không khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn có căn cứ và đúng luật định. Viện kiểm sát 2 cấp đã tăng cường trách nhiệm trong việc phê chuẩn các trường hợp bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, bắt tạm giam, quyết định khởi tố bị can.., đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, không để xảy ra oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Số đối tượng bắt có phê chuẩn của Viện kiểm sát đưa vào khởi tố đạt tỉ lệ cao (đạt 97,73%, vượt 2,73%); số còn lại chuyển xử lý hành chính do chưa đủ định lượng cấu thành tội phạm hoặc hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, bị hại bãi nại trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe.... Việc phê chuẩn các trường hợp bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ đều thực hiện đúng quy định, đảm bảo không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đối với các trường hợp không phê chuẩn, hủy bỏ quyết định của Cơ quan điều tra đều nêu rõ lý do, căn cứ pháp luật, được chấp nhận.
Viện kiểm sát 2 cấp nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (THQCT&KSXX), trọng tâm là “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”. Số trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm triệt để. Viện kiểm sát thành phố đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Tòa án tổ chức xét xử 356 phiên tòa rút kinh nghiệm nâng cao kỹ năng tranh tụng, thẩm vấn của Kiểm sát viên tại phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp. Tất cả các phiên tòa này đều có đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát thành phố, lãnh đạo, Kiểm sát viên các phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự và Viện kiểm sát quận, huyện trong cụm tham dự. Ngay sau khi kết thúc từng phiên tòa, lãnh đạo Viện kiểm sát thành phố tổ chức họp đánh giá những ưu điểm, hạn chế của phiên tòa để qua đó cùng học tập, rút kinh nghiệm chung. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa ngày càng chuyển biến rõ nét, thể hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vai trò của Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa ngày càng chủ động, tích cực theo đúng tinh thần đẩy mạnh tranh luận như Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra; các Kiểm sát viên ngày càng tỏ rõ bản lĩnh, năng lực, nắm vững hồ sơ vụ án và các quy định của pháp luật, chủ động tranh luận, đối đáp với luật sư một cách sắc bén; đảm bảo được các yêu cầu: chủ động tích cực tham gia tranh luận, đảm bảo tính dân chủ- công khai- minh bạch trong quá trình tranh luận theo tinh thần cải cách tư pháp và có tính giáo dục, thuyết phục cao. Do kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can; việc áp dụng, thay đổi các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo việc phê chuẩn, ban hành các quyết định tố tụng kịp thời, đúng pháp luật. từng bước nâng cao chất lượng truy tố, xét xử, nên không để xảy ra oan sai.
Viện kiểm sát 2 cấp, đã ban hành 471kháng nghị phúc thẩm, 26 kháng nghị giám đốc thẩm, 06 kháng nghị tái thẩm. Viện kiểm sát 2 cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố và xét xử các vụ án trọng điểm, phức tạp, dư luận quan tâm, đặc biệt là những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án tham nhũng lớn như vụ Vũ Quốc Hảo cùng đồng phạm (11 bị cáo) “Tham ô”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên 500 tỷ đồng xảy ra tại Cty cho thuê tài chính II (ALCII); vụ Huỳnh Thị Huyền Như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng công thương chí nhánh TP. Hồ Chí Minh…; đã phối hợp liên ngành xác định 2.384 vụ án trọng điểm; phối hợp tổ chức 1.495 phiên tòa xét xử lưu động vụ góp phần tuyên truyền giáo dục phòng ngừa chung. Đã ban hành 258 văn bản kiến nghị đối với Cơ quan điều tra yêu cầu khắc phục những thiếu sót trong hoạt động điều tra; 130 kiến nghị đối với Tòa án trong công tác xét xử. Tất cả kiến nghị của Viện kiểm sát 2 cấp được Cơ quan điều tra và Tòa án chấp nhận. Viện kiểm sát Thành phố ban hành 19 thông báo rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát xét xử án hình sự, 50 thông báo rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với Viện kiểm sát quận, huyện. Đã chú trọng nghiên cứu các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế- xã hội; đã ban hành 56 kiến nghị phòng ngừa tội phạm, trong đó có 13 kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố có các biện pháp phòng ngừa tội phạm về tham nhũng; tội phạm “Giết người”, tội phạm về ma túy, tội phạm công nghệ cao…; chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, đền bù giải tỏa…
Viện kiểm sát 2 cấp tiếp tục tăng cường kiểm sát tạm giữ, tạm giam nên đến nay tình trạng quá hạn tạm giữ, tạm giam đã được giải quyết tương đối triệt để; công tác kiểm sát việc thi hành án hình sự được chú trọng kiểm sát đối với các trường hợp bị phạt tù chưa được thi hành án, số trốn thi hành án, các trường hợp tạm đình chỉ và hoãn chấp hành hình phạt tù; đã kiểm sát 32.548 lượt người bị tạm giữ, 66.673 lượt người bị tạm giam; đồng thời tiến hành kiểm sát trực tiếp các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Viện kiểm sát quận, huyện thường xuyên kiểm sát trực tiếp UBND phường, xã trên địa bàn đối với các trường hợp bị phạt tù nhưng được hưởng án treo, bị phạt cải tạo không giam giữ; sau các cuộc kiểm sát, đều có kết luận, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Đã ban hành 228 kiến nghị (trong đó có 115 kiến nghị về công tác THAHS), 04 kháng nghị yêu cầu khắc vi phạm về công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Viện kiểm sát 2 cấp thực hiện tốt công tác thống kê tội phạm, tham mưu tốt cho lãnh đạo trong công tác chỉ đạo đầu tranh phòng, chống tội phạm; cung cấp đầy đủ, kịp thời, bảo đảm số liệu chính xác phục vụ việc xây dựng báo cáo công tác phòng, chống tội phạm định kỳ, đột xuất theo quy định.
Thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông kê tội phạm, quản lý án hình sự; Viện kiểm sát Thành phố đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố hoàn thành dự án “Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại VKSND Thành phố” với tổng kinh phí được giao trên 2,6 tỷ đồng.
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự, Viện kiểm sát 2 cấp tổ chức nhiều phiên tòa lưu động, kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, tinh thần tự giác, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân…
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương và các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; thực hiện các giải pháp ngăn chặn, kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là các tội phạm nghiêm trọng, tội phạm mới như: mua bán người, sử dụng công nghệ cao để phạm tội, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, tội phạm về môi trường, tội phạm xuyên quốc gia…
Đội ngũ những người tiến hành tố tụng từng bước trưởng thành, phát huy được năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng và thể hiện sự quyết tâm cao trong công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm.
Bên cạnh đó, công tác kiểm sát phục vụ việc đấu tranh phòng, chống tội phạm vẫn còn những hạn chế như: Do số lượng án của TP. Hồ Chí Minh rất lớn, các KSV đã cố gắng làm tốt công tác Kiểm sát điều tra từ đầu, đề ra các yêu cầu điều tra từ giai đoạn khởi tố và bám sát quá trình điều tra vụ án; bên cạnh đó cũng có một số Điều tra viên chưa phối hợp tốt với Kiểm sát viên thực hiện những yêu cầu điều tra, do áp lực của công việc nên cũng có một số Kiểm sát viên chưa làm hết trach nhiệm dẫn đến việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; một số Kiểm sát viên chưa thực sự chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa, còn chủ quan và chưa chuẩn bị tốt hồ sơ nên hạn chế chất lượng công tố tại phiên tòa; một số ít Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố xét xử tại phiên tòa nắm chưa sâu pháp luật, nên luận tội, tranh tụng thiếu sắc bén, và chưa có tính thuyết phục; kinh nghiệm và bản lĩnh trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự chưa đảm bảo đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy có được nâng lên, nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp chưa ngang tầm; trình độ ngoại ngữ, tin học và các kiến thức khác vẫn còn những hạn chế nhất định.
Bài học kinh nghiệm rút ra trong 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm
Một là, duy trì tốt sự lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
Hai là, tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hữu quan để trao đổi thông tin tội phạm, giải quyết vướng mắc, khó khăn về đường lối xử lý theo đúng quy định Quy chế phối hợp liên ngành số 29/QCLN-CA-VKS-TA ngày 08/12/2012; tiếp tục phối hợp với Tòa án tổ chức nhiều phiên tòa để nâng cao kỹ năng thẩm vấn, tranh luận, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, dân sự,… từng bước nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, Kiểm sát viên, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát theo tinh thần cải cách tư pháp.
Ba là, ngoài việc thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với liên ngành tư pháp, các ban, ngành đoàn thể, Viện kiểm sát 2 cấp phải làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo Ngành cấp trên và cấp ủy địa phương đề ra chương trình, kế hoạch và biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm… để phục vụ tình hình chính trị tại địa phương./.
T.T