CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT - TẤM GƯƠNG NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG

26/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Vạn vật luôn đổi thay, xã hội luôn phát triển, nhưng có những việc, những con người tồn tại và sống mãi với thời gian. Được sống trong một đất nước hòa bình, một xã hội tươi đẹp, thế hệ hôm nay càng hiểu rõ hơn công lao to lớn, trời biển của các bậc khai quốc công thần, các bậc tiền bối cách mạng...

 ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT - TẤM GƯƠNG NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG

 
 PGS, TS Lê Quốc Lý
Vạn vật luôn đổi thay, xã hội luôn phát triển, nhưng có những việc, những con người tồn tại và sống mãi với thời gian. Được sống trong một đất nước hòa bình, một xã hội tươi đẹp, thế hệ hôm nay càng hiểu rõ hơn công lao to lớn, trời biển của các bậc khai quốc công thần, các bậc tiền bối cách mạng, của những lãnh tụ cộng sản đã hy sinh xương máu của mình cho một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là một trong những tiền bối cách mạng, chiến sĩ cộng sản kiên trung đã góp phần to lớn và quan trọng làm nên Cách mạng Tháng Tám và xây dựng nên Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28-5-1905 ─ 28-5-2015), chúng ta càng nhớ đến một chiến sĩ cách mạng tiền bối, tiêu biểu, một người cộng sản trung kiên. Mọi vật sẽ trôi đi cùng thời gian và sẽ bị lãng quên cùng năm tháng, nhưng tên tuổi của đồng chí Hoàng Quốc Việt sống mãi với thời gian, với non sông đất nước. Tên tuổi của đồng chí Hoàng Quốc Việt sẽ in đậm và khắc sâu trong tâm khảm của người dân Việt Nam. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ đồng chí Hoàng Quốc Việt - một nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, của cách mạng Việt Nam, một tấm gương sáng, một người cộng sản có nhiều công lao to lớn đóng góp cho sự thành công của cách mạng Việt Nam.
Sinh ra ở mảnh đất Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh), đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang đã sớm giác ngộ cách mạng. Trước cảnh nước mất nhà tan, thực dân Pháp đô hộ, áp bức, bóc lột dân ta thậm tệ, đồng chí Hoàng Quốc Việt từ một học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, không cam tâm chịu cảnh nô lệ của dân tộc đã đứng lên tham gia các phong trào cách mạng. Ngay từ khi phong trào cách mạng còn mới nhen nhóm (1925), đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tích cực tham gia làm cách mạng. Khởi đầu của hành động tham gia cách mạng là việc đồng chí tham gia phong trào bãi khóa và biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu vào năm 1925, khi đồng chí đang là học sinh năm thứ 3 của Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Vì tham gia tích cực phong trào bãi khóa và biểu tình, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã bị đuổi học. Từ đây, cuộc đời của đồng chí Hoàng Quốc Việt đã bước sang một trang mới đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang, đó là giai đoạn chuyển từ cuộc đời học sinh sang cuộc sống công nhân và sau đó là cuộc đời của một chiến sĩ cộng sản, một nhà cách mạng. Từ năm 1925, sau phong trào bãi khóa và biểu tình nêu trên, cuộc đời đồng chí Hoàng Quốc Việt đã luôn đứng trước những vất vả, thử thách và hiểm nguy. Với tư cách là người công nhân, đồng chí đã phải di chuyển và làm việc ở nhiều nơi để mưu sinh và để hoạt động cách mạng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã lên mỏ Phấn Mễ ở Thái Nguyên làm thợ nguội rồi về làm ở mỏ Mạo Khê, Quảng Yên và sau đó về làm việc tại Nhà máy cơ khí Carông Hải Phòng. Từ một học sinh, cuộc đời đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được vô sản hóa trong cuộc sống của người công nhân ở những nơi đồng chí tới làm việc. Năm 1928, đồng chí Hoàng Quốc Việt tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Vì tham gia hoạt động cách mạng tích cực, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã bị đuổi ra khỏi nhà máy vào năm 1929. Sau sự kiện này, đồng chí Hoàng Quốc Việt được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động cách mạng bí mật, cuộc đời cách mạng và người cộng sản chuyên nghiệp của đồng chí được bắt đầu từ đây.
Với sự đóng góp quan trọng của đồng chí Hoàng Quốc Việt vào phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, ngay từ ngày đầu thành lập Đảng, năm 1930, đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là một trong những người lãnh đạo đầu tiên của Đảng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt tình của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã bị Pháp bắt khi được cử cùng Phạm Hữu Lầu ra Bắc họp hội nghị thực hiện việc hợp nhất Đảng và bị xử tù chung thân cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng,... nhưng đến năm 1936 thì đồng chí được trả tự do. Sau khi được tự do, Hoàng Quốc Việt không chùn bước, không nản lòng trước khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, vẫn kiên trung với cách mạng và đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Nội. Vai trò tiên phong của đồng chí được thể hiện ở việc Hoàng Quốc Việt đã cùng một số đồng chí của mình khôi phục tổ chức đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ.
Khó khăn không chùn bước, gian khổ không sờn lòng, tù đày không khuất phục và không nhụt ý chí là nhân cách và bản lĩnh cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Chính vì lẽ đó, năm 1937, đồng chí được Đảng cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1938, đồng chí Hoàng Quốc Việt một lần nữa lại bị chính quyền thực dân trục xuất khỏi Hà Nội và từ đây đồng chí về hoạt động ở Bắc Ninh, Bắc Giang.
Với công lao và thành tích hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tham dự Hội nghị Trung ương 8 do Hồ Chí Minh chủ trì năm 1941, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và sau đó được cử vào Nam công tác. Trên cương vị công tác mới, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tại Đại hội II Đảng Cộng sản Việt Nam (1951), đồng chí lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận, và giữ cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thể hiện một nhân cách lớn, một bản lĩnh cách mạng kiên cường, một chiến sĩ cộng sản kiên trung nên trên các cương vị công tác được giao phó, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng và to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Năm 1960, đồng chí được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung. Tháng 12-1976, trong Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí tiếp tục giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983), đại biểu Quốc hội từ khóa V-VIII. Trên tất cả các cương vịlãnh đạo, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn là người lãnh đạo mẫu mực, tiêu biểu. Đồng chí mất ngày 25-12-1992, tại Hà Nội.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và nhiệt huyết, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó đảm trách nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước; và trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng đã có những đóng góp to lớn và quan trọng. Với những thành tích và công lao to lớn đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều huân chương cao quý khác.
Để tỏ lòng kính yêu, biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn đối với cách mạng Việt Nam của đồng chí Hoàng Quốc Việt, tên của đồng chí đã được nhiều địa phương trong cả nước đặt cho các con đường, tuyến phố lớn và trường học. Tên của đồng chí Hoàng Quốc Việt được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt cho đường kéo dài từ đường Bưởi (dốc Bưởi) đến đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy. Tại thành phố Bắc Ninh có một công viên và tượng đài Hoàng Quốc Việt để tưởng niệm ông. Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có đường mang tên ông tại phường Phú Thuận, quận 7. Tại thành phố Cần Thơ có đường mang tên ông tại phường An Bình, quận Ninh Kiều. Tại thành phố Huế có đường mang tên ông nằm trên địa bàn phường An Đông, về phía Đông Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Trường-Chinh (tiếp giáp cầu Kiểm Huệ), hướng đi Cầu Ngói Thanh Toàn, đến hết địa phận thành phố gặp ngã ba Tôn Thất Cảnh (tại thôn Lang Xá Cồn) dài 1.500m. Tại thành phố Hạ Long, tên ông được đặt cho con đường lớn nằm ở cửa ngõ thành phố tại phường Hùng Thắng, nơi đang xây dựng khu đô thị mới và khu du lịch với nhiều chung cư, khách sạn, nhà hàng, đường Hoàng Quốc Việt nối đường Cái Lân (Quốc lộ 18) với đường Hạ Long. Tại thành phố Cẩm Phả, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài từ đường Trần Quốc Tảng tới ngã ba Bà Triệu - Lê Thanh Nghị.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước và nhân dân Việt Nam, các thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí, hình ảnh một chiến sĩ cách mạng trung kiên, đã cống hiến cuộc đời mình cho độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Tìm kiếm