CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng với công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm

22/05/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Kiến nghị là một quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm khắc phục...

Kiến nghị là một quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm khắc phục những vi phạm pháp luật của cơ quan tư pháp; những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

I- Hiệu quả của công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm của Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, trong hai năm 2017, 2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng đã ban hành 15 bản kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trong các lĩnh vực công tác, cụ thể gồm:

1 - Công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Ngày 10/9/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng ban hành Kiến nghị số 01/KN-VKSCL đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Bản kiến nghị đã nêu rõ những hạn chế, vi phạm trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như sổ tiếp nhận nguồn tin về tội phạm của đơn vị không đúng mẫu quy định, chưa lập sổ theo dõi, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Tiếp thu kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chi Lăng đã triển khai, khắc phục với những vi phạm đã được chỉ ra. Thực hiện việc lập sổ tiếp nhận nguồn tin về tội phạm và sổ theo dõi, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo đúng mẫu số 278, 279 quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ Công an và cập nhập đầy đủ thông tin cần điền. Phát huy ưu điểm, năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Chi Lăng đã chủ động tiếp tục thực hiện việc lập, lưu trữ các loại sổ sách theo quy định trong lĩnh vực tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đảm bảo thực hiện tốt công tác theo đúng quy định của pháp luật.

2- Công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án

Trong tháng 01/2018, Cơ quan điều tra Công an huyện Chi Lăng đã bắt quả tang, khởi tố 03 vụ/ 23 bị can về tội Đánh bạc, thu giữ số tiền tang vật là: 50.910.000 đồng. Qua thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, phát hiện: Các đối tượng phạm tội chủ yếu là công nhân cầu đường, không có hộ khẩu, đăng ký tạm trú tại địa phương; địa điểm phạm tội xảy ra tại địa bàn các xã có công trình dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng đã kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Kiến nghị của Viện kiểm sát đã được Ủy ban nhân dân các xã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nhanh chóng; tổ chức tuyên truyền về Luật Cư trú; về phòng, chống tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy và tội phạm đánh bạc cho các hộ dân ở địa phương và các công nhân đang tạm trú để thi công đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Kết quả: Tuyên truyền được 7.559 lượt người dân; đăng ký thủ tục tạm trú cho 131 cán bộ, công nhân; tổ chức ký cam kết về phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy, đánh bạc cho từng hộ gia đình và tất cả các hộ đã đăng ký tạm trú tại địa phương; phát hiện, xử phạt hành chính 16 công nhân không đăng ký tạm trú. Sau khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa, tội phạm Đánh bạc xảy ra tại huyện Chi Lăng đã giảm rõ rệt về số lượng, quy mô, tính chất, mức độ. Tháng 01/2019, tội phạm về tội Đánh bạc phát hiện, khởi tố 01 vụ/ 07 bị can giảm 66,67%; số tiền phạm tội thu giữ 10.340.000đ giảm 79, 69% so với cùng kỳ.

3- Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam

Trong giai đoạn 2017 - 2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng đã ban hành 04 bản kiến nghị về công tác tạm giữ, tạm giam đối với Nhà tạm giữ Công an huyện Chi Lăng. Các vi phạm bị kiến nghị chủ yếu bao gồm: Chưa thực hiện thu thập danh chỉ bản; không lập đầy đủ bản nhận xét về việc chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ; không có biên bản bàn giao người bị tạm giam khi trích xuất để phục vụ công tác xét xử; không đảm bảo đủ các chế độ được quy định cho người bị tạm giữ, tạm giam.

Sau khi nhận được kiến nghị, Công an huyện Chi Lăng đã họp, nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, chấn chỉnh, đôn đốc các cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể: Thực hiện nghiêm túc chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam; quán triệt, triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản pháp luật có liên quan. Những hồ sơ chưa hoàn thiện đã được Nhà tạm giữ tiến hành bổ sung đầy đủ.

Sáu tháng cuối năm 2018, Nhà tạm giữ Công an huyện Chi Lăng đã có những thay đổi rõ rệt, việc thực hiện chế độ, quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam được đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.

4- Công tác kiểm sát thi hành án hình sự

Trong giai đoạn 2017 – 2018, số đối tượng chấp hành án hình sự tại địa phương có chiều hướng gia tăng, năm 2017 là 130, năm 2018 là 156; trong đó, tỷ lệ án treo chiếm khoảng 99,36%; người chấp hành án cải tạo không giam giữ chiếm 0,64%. Qua kiểm sát trực tiếp việc quản lý thi hành án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng đã ban hành 04 kiến nghị đối với Ủy ban nhân dân các xã của huyện Chi Lăng về những vi phạm trong lĩnh vực quản lý, giám sát người chấp hành án. Các dạng vi phạm gồm:

- Sổ theo dõi người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo chưa ghi đầy đủ thông tin, cột mục liên quan đến bị án.

- Trong các bản tự nhận xét không có nhận xét của Trưởng Công an xã mà chỉ ký rồi đóng dấu. Việc theo dõi để các bị án tự viết bản nhận xét 03 tháng/lần còn chưa đầy đủ. Không có Bản nhận xét của người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Bản tự nhận xét của bị án không nêu đầy đủ các hình phạt, bao gồm cả hình phạt bổ sung. Người được phân công giám sát, giáo dục không nhận xét về việc thực hiện hình phạt bổ sung.

- Phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục còn chậm.

- Với những bị án đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã không lập hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách.

Những nội dung kiến nghị nêu trên đã được Ủy ban nhân dân cấp xã có vi phạm chấp nhận, tiếp thu và có văn bản trả lời cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng về việc tổ chức thực hiện. Nhờ vậy, tình hình vi phạm trong lĩnh vực thi hành án ở cấp xã giảm rõ rệt. Các địa phương bị kiến nghị đã nhanh chóng rút kinh nghiệm, khắc phục các vi phạm đã được chỉ ra và đảm bảo việc giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại địa phương theo đúng quy định pháp luật.

5- Công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng đã ban hành 03 kiến nghị đối với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chi Lăng và Ủy ban nhân dân cấp xã của huyện Chi Lăng về các vi phạm như: Không có thông báo về thi hành án cho người phải thi hành án; không thực hiện niêm yết công khai Quyết định chưa có điều kiện thi hành án theo quy định.

Sau khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chi Lăng, Ủy ban nhân dân các xã có vi phạm đã nghiêm túc triển khai thực hiện, khắc phục và đảm bảo việc thi hành án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua phúc tra việc thực hiện kiến nghị 2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng đã kết luận Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chi Lăng đã tiếp thu, thực hiện được toàn bộ Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Chi Lăng, các vi phạm bị phát hiện đã được khắc phục.

II- Một số kinh nghiệm, biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm

Một là: Nắm chắc yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình hiện nay.

Hai là: Chủ động bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội và dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang diễn ra (tình hình trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông, cố ý gây thương tích, đánh bạc,…).

Ba là: Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Viện kiểm sát cấp trên và cấp ủy địa phương; phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan và các đơn vị trong Ngành.

Bốn là: Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp về lĩnh vực hình sự, Kiểm sát viên cần đi sâu, nghiên cứu, nắm chắc các tình tiết liên quan đến vụ án, đặc biệt là cần tổng hợp, phân tích làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, làm cơ sở cho việc ban hành kiến nghị.

Năm là: Khi ban hành kiến nghị cần nêu cụ thể vi phạm, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý và các căn cứ để xác định. Trên cơ sở đó, kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan các biện pháp thiết thực nhằm chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả vi phạm, thiếu sót, sơ hở, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Sáu là: Việc ban hành kiến nghị phải được thực hiện kịp thời; theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kiến nghị.

Ngoài các giải pháp cơ bản nêu trên, trong quá trình tổng hợp, xác định nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật để kiến nghị cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp phòng ngừa, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa từ lãnh đạo đơn vị đến từng cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ; tích cực phát huy trách nhiệm, đổi mới phương pháp tư duy, tác phong, lề lối làm việc./.

Bế Khánh Linh - VKSND huyện Chi Lăng

(Theo Trang thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn)

 

 

Tìm kiếm