Quảng Ninh là tỉnh miền núi Đông bắc của Tổ quốc, có gần 300 km bờ biển với hệ thống cảng, biển, đảo rộng lớn, chia cắt nhiều vùng địa lý. Do vậy, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát do Ngành giao cho, ngoài những điểm chung, Quảng Ninh còn có những đặc thù riêng. Quá trình nghiên cứu, triển khai áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 trong thực tiễn công tác điều tra, truy tố và xét xử án hình sự tại tỉnh Quảng Ninh, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song cũng còn nhiều vướng mắc hạn chế đến quyền năng của Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể như sau...
Những vướng mắc của việc triển khai áp dụng
Bộ luật Tố tụng hình sự ở Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh miền núi Đông bắc của Tổ quốc, có gần 300 km bờ biển với hệ thống cảng, biển, đảo rộng lớn, chia cắt nhiều vùng địa lý. Do vậy, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát do Ngành giao cho, ngoài những điểm chung, Quảng Ninh còn có những đặc thù riêng. Quá trình nghiên cứu, triển khai áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 trong thực tiễn công tác điều tra, truy tố và xét xử án hình sự tại tỉnh Quảng Ninh, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song cũng còn nhiều vướng mắc hạn chế đến quyền năng của Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể như sau:
1. Về phần những quy định chung:
- Điều 23 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (viết tắt là Bộ luật) quy định Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ vi phạm pháp luật của những cơ quan hoặc cá nhân này. Tuy nhiên, Bộ luật không quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng có vi phạm, bị Viện kiểm sát phát hiện kiến nghị, phải sửa chữa, khắc phục vi phạm, và có văn bản tiếp thu gửi cho Viện kiểm sát biết. Thực tế kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát phát hiện và kiến nghị Tòa án cùng cấp khắc phục vi phạm, nhưng Tòa án không thực hiện và cũng không có văn bản tiếp thu sửa chữa, cũng không có chế tài gì, do vậy hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử án hình sự không cao.
- Chưa phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính và thẩm quyền tố tụng của lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, thẩm quyền pháp lý đối với chức danh Kiểm sát viên tại Điều 37 của Bộ luật chưa tương xứng với thẩm quyền của Thẩm phán quy định tại Điều 39 của Bộ luật.
- Bộ luật cần phải quy định thêm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng là người chứng kiến và người đại diện hợp pháp, vì trong Bộ luật có rất nhiều hoạt động cần có sự tham gia của những người này nhưng không có điều luật nào quy định khái niệm, quyền và nghĩa vụ của họ.
- Bộ luật chưa quy định cụ thể khái niệm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án để tránh sự nhầm lẫn trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng như bị đơn dân sự, hoặc người bị hại.
-Thực hiện quyền bào chữa của bị can bị cáo trường hợp đặc biệt: Khoản 2 Điều 57 Bộ luật quy định chưa chặt chẽ, khi quy định “Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời được người bào chữa, thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho họ.
a) Bị can, bị cáo bị xử lý về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự.
b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất ”. Trong thực tế, quyền bào chữa của những bị can, bị cáo thuộc trường hợp này, ở nhiều nơi chưa được thực hiện nghiêm túc do tâm lý của các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán không muốn có Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng của vụ án mình đang giải quyết. Nên họ thường tư vấn, vận động bị can, bị cáo và người đại điện hợp pháp của bị can, bị cáo từ chối mời luật sư, hoặc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho chính người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội. Có thực trạng trên là do khoản 2 Điều 57 của Bộ luật chưa quy định chặt chẽ. Do vậy, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chỉ có trách nhiệm yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa trong trường hợp bị can, bị cáo bị xử lý về tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình hoặc bị can, bị cáo là người chưa thành niên, hoặc người đại diện hợp pháp của họ không chọn mời được người bào chữa.
Vì vậy, những bị can, bị cáo trong trường hợp trên hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã mời được người bào chữa, từ chối được bào chữa hoặc tự mình bào chữa, thì cơ quan tiến hành tố tụng không phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa nữa. Đối với người chưa thành niên phạm tội và người đại diện hợp pháp của họ, do không được giải thích đầy đủ quyền lợi của mình, lo sợ không thực hiện ý kiến của người tiến hành tố tụng sẽ bất lợi cho mình, hoặc không có tiền thuê Luật sư nên nhiều trường hợp đã từ chối mời người bào chữa. Như vậy, rõ ràng quyền được bào chữa của người chưa thành niên không được đảm bảo vì người chưa thành niên nhận thức pháp luật còn hạn chế, người đại diện hợp pháp của họ không am hiểu hết pháp luật, nên nếu là người bào chữa sẽ không bảo vệ được đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.
- Thẩm quyền, chủ thể áp dụng Biện pháp ngăn chặn còn bó hẹp: Tại Điều 80, Điều 88 Bộ luật quy định chỉ có 3 chủ thể được giao áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án mà không quy định các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển có quyền này. Trong khi đó, tại điểm a, khoản 1, Điều 111 của Bộ luật lại quy định: Khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình, thì Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển có quyền khởi tố vụ án, bị can, tiến hành điều tra với tội phạm ít nghiêm trọng, chứng cứ lai lịch rõ ràng và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát trong hạn 20 ngày. Với thời hạn như trên, bị can có dấu hiệu bỏ trốn, gây cản trở khó khăn cho quá trình điều tra, hoặc có thể tiếp tục phạm tội mới thì các cơ quan này không được áp dụng biện pháp tạm giam, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
- Đối với Biện pháp ngăn chặn tạm giữ, trong trường hợp gia hạn tạm giữ: khi hết hạn, nếu Cơ quan điều tra không đề nghị thay thế biện pháp ngăn chặn, hay đề nghị gia hạn tạm giữ tiếp, hoặc đề nghị chuyển tạm giam, Bộ luật không quy định Viện kiểm sát phải quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ hay người bị tạm giữ đương nhiên được trả tự do, nên trong thực tế có nhiều vướng mắc, khó khăn trong giải quyết vụ án.
- Với biện pháp ngăn chặn tạm giam, Bộ luật cũng chưa quy định rõ ràng, nên hiện nay vẫn còn quan điểm cho rằng Viện kiểm sát chỉ có quyền ra lệnh bắt bị can để tạm giam trong giai đoạn truy tố, không có quyền ra lệnh bắt tạm giam trong giai đoạn điều tra, đây là vấn đề còn vướng mắc Bộ luật cần phải quy định rõ ràng cụ thể hơn. Bộ luật cũng chưa quy định rõ thời hạn của các biện pháp ngăn chặn như: Cấm đi khỏi nơi cư trú, Bảo lĩnh, Đặt tiền, hoặc tài sản có giá trị, nên thực tế giải quyết vụ án còn nhiều khó khăn.
- Quy định về thời hạn tạm giam chưa phù hợp, vì thực tế có nhiều vụ án thời hạn tạm giam đã hết, nhưng thời hạn điều tra vụ án vẫn còn, buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do cho bị can. Bị can lại tiếp tục phạm tội mới, hoặc bỏ trốn, gây khó khăn cho việc điều tra vụ án.
2. Về khởi tố, điều tra vụ án hình sự:
- Chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm Lâm, Cảnh sát biển khi được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, cung cấp tài liệu xác minh cho Viện kiểm sát khi tiến hành giải quyết tin báo tố giác tội phạm, làm hạn chế rất nhiều đến khâu công tác kiểm sát này của Viện kiểm sát.
- Chưa quy định đầy đủ về thẩm quyền khởi tố vụ án của Viện kiểm sát: tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát trong giai đoạn kiểm sát điều tra “ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quyết định của Bộ luật này”, nhưng tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật lại quy định “Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của các cơ quan quy định tại khoản này (Cơ quan điều tra và một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra) và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án”. Quy định bó hẹp như vậy, vô hình chung, đã thu hẹp thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Viện kiểm sát: chỉ còn được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong 2 trường hợp là Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu. Quá trình kiểm sát về giải quyết tin báo tố giác tội phạm Viện kiểm sát phát hiện tội phạm nhưng không thể tự mình khởi tố vụ án, mà chỉ yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Trường hợp này, nêu cơ quan điều tra bất đồng không khởi tố, thì đương nhiên vi phạm không được xử lý, dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Cần phải bãi bỏ khoản 1 Điều 104 và quy định Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can như quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988.
- Quy định quyền khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử còn nhiều bất cập, vì thực tế có quá ít các vụ án bị khởi tố do Hội đồng xét xử quyết định. Mặt khác Hội đồng xét xử không phải là cơ quan phát động quyền khởi tố nên quá trình điều tra, Hội đồng xét xử không bảo đảm vô tư khách quan khi xét xử vụ án đó.
- Về thời hạn phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát là 3 ngày là eo hẹp về thời gian, bởi lẽ: Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vào ngày cuối tuần thì Viện kiểm sát mất hai ngày thứ 7 và chủ nhật, còn một ngày Viện kiểm sát vừa nghiên cứu vừa hoàn tất thủ tục quyết định khởi tố bị can. Với các vụ án phức tạp, nhiều bị can, nhiều loại tội, thì thời gian nghiên cứu và quyết định phê chuẩn khởi tố bị can là ít, dễ dẫn đến không kỹ, nghiên cứu hồ sơ, hay theo hướng của cơ quan điều tra, dễ bỏ lọt tội, hoặc oan sai xảy ra.
- Về quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can: Khoản 1 Điều 127 Bộ luật quy định khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác, thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can. Như vậy, ngoài hai trường hợp này ra, không có trường hợp nào khác để cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp sau khi đã khởi tố bị can, thì mới phát hiện nhân thân, lai lịch, tên, tuổi ngày, tháng, năm sinh của bị can không đúng như quyết định khởi tố bị can ban đầu. Nếu căn cứ vào quy định của Bộ luật thì không hề có căn cứ để thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can. Nhưng thực tế gặp các trường hợp này, Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can về nhân thân, lai lịch của bị can để đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội.
3. Các quy định về vụ án hình sự:
- Điểm a, khoản 1 Điều 111 Bộ luật quy định: khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình thì Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát trong thời hạn 20 ngày. Nhưng điều luật không quy định rõ các cơ quan này chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để đề nghị truy tố hay để đề nghị chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra? Mặt khác thời hạn quy định là 20 ngày là quá ngắn gây khó khăn cho các cơ quan nêu trong việc điều tra tội phạm vì trình độ nghiệp vụ, cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện phục vụ cho hoạt động điều tra của các cơ quan này còn hạn chế rất nhiều so với cơ quan điều tra chuyên trách.
- Điều 114 Bộ luật quy định trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát, không quy định Cơ quan điều tra bắt buộc phải thực hiện yêu cầu tại khoản 3 Điều 112 “Yêu cầu thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên..”, vì thực tế nhiều vụ việc quá trình điều tra vụ án, Điều tra viên có biểu hiện thiếu khách quan, thậm chí tiêu cực, nhưng Viện kiểm sát yêu cầu thay đổi Điều tra viên, nhưng Cơ quan điều tra không thay đổi thì cũng không có chế tài gì về việc này, dẫn đến qúa trình điều tra vụ án bị nhiều ảnh hưởng không tốt.
- Về thời hạn điều tra vụ án: Bộ luật chưa quy định thời hạn điều tra trong các trường hợp nhập tách vụ án, khởi tố bổ sung, thay đổi khởi tố vụ án nên quá trình điều tra nhiều nơi còn áp dụng thời hạn điều tra trong các trường hợp này không thống nhất.
- Các quy định trong giai đoạn truy tố:
- Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra vụ án, thấy hành vi phạm tội của của bị can không phạm vào tội đã khởi tố, mà phạm tội khác, hoặc có thêm hành vi phạm tội khác thì Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra và yêu cầu ra quyết định thay đổi, hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can và tiến hành điều tra theo thủ tục chung. Tuy nhiên với các vụ án hành vi phạm tội đã rõ thì việc trả lại hồ sơ thiết nghĩ là không cần thiết, nhưng Bộ luật không quy định Viện kiểm sát có quyền truy tố bị can theo tội danh bằng hoặc nhẹ hơn tội danh đã khởi tố, là rất bất cập, nên cần thiết sửa đổi.
- Khoản 4 Điều 162 Bộ luật quy định: trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi bản kết luận điều tra cho Viện kiểm sát…và khoản 3 Điều 166 Bộ luật quy định: trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định truy tố bằng Cáo trạng thì Viện kiểm sát nhân dân phải gửi hồ sơ và Cáo trạng đến Tòa án. Quy định như vậy là chưa phù hợp, vì thực tế có nhiều vụ án có nhiều bị can được tại ngoại nên việc triệu tập tất cả các bị can để tống đạt kết luận điều tra trong 02 ngày, giao Cáo trạng trong thời gian 03 ngày là việc khó thực hiện. Bên cạnh đó còn việc chuyển vật chứng cho cơ quan Thi hành án, nên khống chế 2 ngày với cơ quan điều tra, 3 ngày với Viện kiểm sát là không hợp lý.
- Trong giai đoạn truy tố, khi các căn cứ đình chỉ hoặc tạm đình chỉ không còn, thì việc phục hồi vụ án để truy tố là cần thiết và bắt buộc, nhưng Bộ luật không quy định cho Viện kiểm sát được quyền phục hồi vụ án đối với bị can trong giai đoạn này.
4 .Xét xử sơ thẩm:
- Khoản 4 Điều 200 Bộ luật quy định Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đại diện hợp pháp của những người đó được xem biên bản phiên tòa, có quyền ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận. Thực tế cho thấy sau khi tuyên án thì những người trên đây về hết, chỉ có Kiểm sát viên còn có khả năng kiểm tra nhưng cũng ngại va chạm nên rất ít khi xem lại biên bản phiên tòa. Các Thư ký dùng máy tính xách tay để ghi bút ký phiên tòa nên việc xóa, sửa cũng dễ dàng nên rất khó kiểm tra… Vì vậy, Bộ luật cần phải quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.
5.Xét xử phúc thẩm:
- Về thời hạn kháng nghị: Điều 234 Bộ luật quy định thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Thực tiễn cho thấy, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kêt từ ngày tuyên án là chưa phù hợp. Bởi lẽ, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp không trực tiếp tham gia phiên tòa sơ thẩm mà phải đợi cho Viện kiểm sát cấp dưới gửi bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm đến thì mới thực hiện được chức năng kiểm sát bản án. Do vậy, không còn thời gian để nghiên cứu, kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án khi phát hiện có vi phạm.
- Điều 234, khoản 2 quy định đơn kháng cáo gửi qua đường bưu điện thì ngày kháng cáo được tính vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì… nhưng Bộ luật lại không quy định như vậy với kháng nghị của Viện kiểm sát được gửi qua đường bưu điện và tương tự như vậy Điều 333, khoản 2, Bộ luật quy định Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị bằng văn bản…kháng nghị được gửi đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm.
- Kháng nghị các quyết định của Tòa án: Điều 239 khoản 1 quy định thời hạn kháng nghị đối với các quyết định của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Quy định như vậy là chưa phú hợp, vì Bộ luật không quy định thời hạn Tòa án gửi quyết định cho Viện kiểm sát và Viện kiểm sát không biết khi nào Tòa án ra quyết định. Thực tế vẫn xảy ra việc Tòa án gửi quyết định cho Viện kiểm sát chậm, nên khi Viện kiểm sát nhận được thì thời hạn kháng nghị đã hết.
- Về sửa bản án sơ thẩm: Điều 249 Bộ luật quy định Tòa án cấp sơ thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm, khoản 3 quy định “trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị, hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo”, nhưng Bộ luật lại không quy định “giữ nguyên mức hình phạt tù và không cho hưởng án treo”.
6. Với tội phạm là vị thành niên:
-Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam với người chưa thành niên:
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 303 Bộ luật, nếu có đủ căn cứ tại các Điều 80, 71, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên Điều 303 Bộ luật không quy định bắt, tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp người chưa thành niên phạm tội bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã hoặc trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử. Thực tiễn nhiều trường hợp người chưa thành niên trường hợp này ở các địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bắt, tạm giữ, tạm giam, mặc dù không đủ điều kiện quy định tại tại khoản 1, khoản 2 Điều 303 của Bộ luật. Việc này vi phạm Điều 303 Bộ luật, nhưng nếu không thực hiện như vậy sẽ gây cản trở khó khăn rất lớn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử. Mặt khác với những người chưa thành niên sống lang thang, nay đây mai đó, không chỗ ở ổn định, rõ ràng thì việc không bắt, tạm giữ, tạm giam khi không đủ điều kiện quy định tại Điều 303 của Bộ luật sẽ gây cản trở rất nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố và xét xử…
Thái Hưng