Ngay sau khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003 có hiệu lực thi hành,Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt sâu sắc những nội dung mới, điểm mới của Bộ luật và triển khai thực hiện, áp dụng vào thực tiễn công tác kiểm sát cho toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên, công chức ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh...
Kết quả triển khai và áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh
Ngay sau khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003 có hiệu lực thi hành,Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt sâu sắc những nội dung mới, điểm mới của Bộ luật và triển khai thực hiện, áp dụng vào thực tiễn công tác kiểm sát cho toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên, công chức ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Quá trình thực hiện Bộ luật tố tụng 2003, đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị địa bàn tỉnh, đáp ứng được yêu cầu Cải cách tư pháp, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể:
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
Thực hiện quy định tại điều 103 BLTTHS về trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết tố giác tin báo về tội phạm của cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát cấp huyện và phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chú trọng quan tâm và xác định đúng đắn tầm quan trọng của công tác này; đã chủ động quan hệ phối hợp với các ngành Công an, Bộ đội biên phòng, Cơ quan Kiểm lâm, Cục Hải quan tỉnh …xây dựng quy chế phối hợp, vận dụng nhiều biện pháp kiểm sát việc giải tố giác, tin báo về tội phạm, hạn chế bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát đã bám sát quy định tại Điều 103 BLTTHS, chủ động kết hợp rà soát, phân loại xử lý tố giác, tin báo tội phạm đúng quy định, đã kiểm sát, đã phân loai xử lý: 12.927 tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan điều tra, trong đó xử lý về hình sự: 10.744 tin (đạt 83), xử lý khác: 1.311 tin. Vụ việc đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Cơ quan điều tra để quá hạn, hoặc không khởi tố, Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố, hoặc hủy quyết định không khởi tố; nhiều trường hợp trực tiếp khởi tố vụ án yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra. Thực hiện tốt quy định mới của Bộ luật, Cơ quan điều tra cũng gắn điều tra trinh sát với điều tra tố tụng, nên chất lượng phá án nhanh, triệt để và cao hơn, trước khi Bộ luật ra đời và có hiệu lực, đạt trên 80%. Viện kiểm sát điều tra, thụ lý và quyết định truy tố thành công 13.993 vụ án hình sự =20.824 bị can với chất lượng cao.
Nâng cao chất lượng hiệu quả quyền công tố trong hoạt động kiểm sát điều tra
Nhằm thực hiện tốt quy định của Bộ luật về thực hiện quyền công tố trong hoạt động kiểm sát điều tra,Viện kiểm sát đã ký kết Quy chế phối hợp với cơ quan điều tra về nội dung phương pháp, cách thức, quy trình từ phân loại xử lý tố giác, tin báo tội phạm đến khi kết thúc điều tra vụ án. Đối với nội dung này, các phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện nghiêm túc kiểm sát điều tra ngay từ đầu. Kiểm sát viên luôn bám sát tiến độ điều tra, nắm chắc, phát hiện và yêu cầu làm rõ các tình tiết, chứng cứ mới phát sinh của vụ án; thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, và các văn bản pháp luật khác, hoàn thành tốt yêu cầu của công tác thực hành quyền công tố là: đảm bảo mọi tội phạm đều được phát hiện, xử lý kịp thời, hoạt động điều tra tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Các quy định của Bộ luật tố tụng năm 2003 tạo nên sự phối hợp và chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra được xây dựng và thể hiện qua quan hệ và phối hợp chặt chẽ của Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra như của Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát điều tra với Điều tra viên; phối hợp của lãnh đạo hai đơn vị trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc; tham mưu cho cấp Ủy và chính quyền địa phương; thường xuyên phối hợp cùng nhau xem xét, bàn bạc thống nhất, đường lối xử lý, bảo đảm thống nhất cao trong việc giải quyết vụ án hình sự có nhiều tình tiết phức tạp, dư luận quan tâm. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra còn được phối hợp chặt chẽ với cơ quan được giao một số các hoạt động điều tra như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển….trong quan hệ đó, Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng có vai trò chủ đạo chế ước lẫn nhau nhau, đảm bảo mọi quá trình điều tra là kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm đúng pháp luật. Vì vậy, trong triển khai, áp dụng thực hiện Bộ luật tố tụng 2003 Viện kiểm sát đã áp dụng tối đa những quy định, biện pháp mà Bộ luật cho phép để thực hiện quyền công tố và kiểm hoạt động điều tra, kiểm sát và áp dụng chính xác các biện pháp ngăn chặn khi thấy cần thiết, đảm bảo có đủ căn cứ và đúng pháp luật; đưa ra truy tố người có hành vi phạm tội đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, lọt tội. Thực hiện nhiệm vụ được Bộ luật quy định, Viện kiểm sát đã phê chuẩn 22.105 Quyết định khởi tố bị can, 9.690 Lệnh bắt khẩn cấp, 12.958 Lệnh tạm giam và 5.231 Lệnh bắt bị can để tạm giam kịp thời, đúng pháp luật;
Quản lý chặt chẽ án tạm đình chỉ, đình chỉ, làm tốt công tác truy tố và xét xử hình sự:
Thực hiện các quyền năng được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát hai cấp đã nắm chắc căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án, bị can, đối chiếu, rà soát các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ của Cơ quan điều tra, đảm bảo các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ đều có căn cứ và đúng pháp luật. Viện kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ căn cứ 536 Quyết định đình chỉ điều tra vụ án HS, 694 Quyết định đình chỉ điều tra bị can (trong đó Viện kiểm sát đình chỉ 92 vụ = 102 bị can), đảm bảo các quyết định này đều đúng pháp luật; ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra chấn chỉnh, khắc phục những sai sót về công tác này. Đảm bảo không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, Không có bị can nào phải đình chỉ điều tra vì không có tội, nâng cao hơn vị thế, vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra của Viện kiểm sát nhân dân.
Đối với công tác truy tố được quy định trong Bộ luật, Viện kiểm sát tỉnh đã ban hành Quy chế, yêu các cấp phải triển khai và thực hiện nghiêm túc, cụ thể: Ngay sau khi được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án để quyết định truy tố, Kiểm sát viên phải thực hiện đúng thời hạn: trong 7 ngày hoàn thành cáo trang truy tố chuyển hồ sơ sang Tòa án để xét xử theo Quy chế và mẫu cáo trạng do Viện kiểm sát tối cao ban hành.
Nắm chắc quá trình điều tra, Kiểm sát viên có thể dự thảo được Cáo trạng. Khi nghiên cứu hồ sơ, viết cáo trạng, Kiểm sát viên chỉnh sửa cáo trạng, báo cáo lãnh đạo toàn bộ nội dung và đường lối xử lý vụ án, truy tố tội phạm; thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức và nội dung mẫu cáo trạng Viện kiểm sát quy định. Thường xuyên kiểm tra cáo trạng cuả phòng nghiệp vụ Viện tỉnh và các Viện kiểm sát cấp huyện; kịp thời phát hiện, thông báo cho đơn vị có sai sót khắc phục sửa chữa, để hoàn tất việc truy tố chuyển hồ sơ sang Tòa. Thực hiện quy định của Bộ luật, Viện kiểm sát đã quyết định truy tố thành công 11.539 vụ án với 18.278 bị can (đạt tỷ lệ 98,9%), đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mặc dù án nhiều, nhưng tỷ lệ án được giải quyết rất cao (trên 98% ).
Do nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc tình tiết vụ án và kiểm tra sít sao hoạt động điều tra từ đầu, yêu cầu điều tra kịp thời khi cần thiết bổ sung các chứng cứ, hoặc làm sáng tỏ dung vụ án. Chính vì vậy, khi kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát, hầu hết là đủ căn cứ truy tố, hạn chế đến mức thấp nhất trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung (chủ yếu là để nhập vụ án xử lý những đồng phạm còn lại của các vụ án trước); Phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án xác định được 420 vụ án điểm; khởi tố, điều tra 68 vụ với 196 bị can về tội tham nhũng, đã truy tố và đưa ra xét xử thành công 65 vụ với 163 bị can..
Thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị kỹ cáo trạng, và hồ sơ tiến hành tham gia phiên tòa xét xử 9. 988 vụ án hình sự sơ thẩm với 17.168 bị cáo và 1.552 vụ án hình sự phúc thẩm với 2.267 bị cáo đạt kết quả chất lượng cao. Nội dung đường lối xử lý giải quyết vụ án khi Viện kiểm sát đề nghị hầu hết được Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm với VKS đảm bảo hoạt động xét xử, quyết định của Hội đồng xét xử và bản án hình sự, đúng pháp luật. Do vậy trung bình 7 bản án hình sự có sai sót phải sửa hủy, chiểm tỷ lệ rất thấp là 0,05%. Đảm bảo không có vụ án nào, bị can nào Viện kiểm sát truy tố bị Tòa án tuyên không phạm tội, không có trường hợp nào Tòa án kết án oan người vô tội. Hình phạt đưa ra phù hợp với mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội, đúng pháp luật, có tác dụng giáo dục, cải tạo và trừng trị người phạm tội, góp phần vào thắng lợi cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trên địa bàn.
Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đối với chủ thể tiến hành tố tụng tại phiên tòa, Viện kiểm sát Quảng Ninh đã thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong việc đưa ra chứng cứ, trách nhiệm tranh luận và đối đáp dân chủ trong việc tạo điều kiện cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ tranh tụng, nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, của hội đồng xét xử theo Điều 19 BLTTHS.
Viện kiểm sát nhân dân bám sát các quy định mới về tranh luận, đối đáp tại phiên tòa, giữa bên bào chữa, người phạm tội, bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan với đại diện Viện kiểm sát, phát huy hiệu lực trên thực tiễn của các quy định này. Đảm bảo việc tranh luận kiên quyết, thực sự dân chủ, minh bạch và khách quan; thể hiện được năng lực sắc sảo, bản lĩnh kiên định của Kiểm sát viên khi đối đáp trả lời, ý kiến của bên đối lập và bảo lưu được quan điểm của mình, được Hội đồng xét xử chấp nhận, đáp ứng được yêu cầu phiên Tòa theo tinh thần Nghị quyết VIII với Cải cách tư pháp.
Nắm chắc các quy định thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, bảo quản vật chứng của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Viện kiểm sát tỉnh Quảng Ninh đã kiểm sát chặt chẽ các hoạt động này của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể: ngay từ khi kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, và dấu vết phương tiện… Viện kiểm sát chủ động theo dõi, giám sát sít sao qua trình khám nghiệm và thu thập chứng cứ trực tiếp, gián tiếp là căn cứ chủ yếu, quan trọng liên quan đến việc kết tội. Cùng cơ quan điều tra đánh giá chứng cứ đó có vai trò trực tiếp, cốt yếu và có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội, trong định tội hay không. Thu thập chứng cứ và vật chứng của vụ án đúng quy trình và thủ tục pháp luật quy định. Không bỏ sót, không tràn lan trong thu thập chứng cứ, vật chứng. Các vật chứng không đưa được trực tiếp vào hồ sơ vụ án đều được chụp ảnh, ghi hình đưa vào hồ sơ. Đối với vật chứng cần phải niêm phong thi tiến hành niêm phong ngay sau khi thu thập. Việc niêm phong được lập biên bản và đưa vào hồ sơ đúng quy định. Việc xử lý vật chứng được thực hiện đúng quy định tại các Điều 75, 76 của Bộ luật, không có vụ án nào để xảy ra mất mát, hư hỏng vật chứng.
Đảm bảo tốt quyền của người tham gia tố tụng: Viện kiểm sát hai cấp đảm bảo thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật, đặc biệt quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo luôn được quan tâm chú trọng. Những đơn thư tố cáo, khiếu nại, đề nghị của người tham gia tố tụng đều được Viện kiểm sát trả lời đầy đủ và đúng quy định theo thời hạn của Bộ luật tố tụng hình sự. Không để xảy ra tình trạng tồn đọng đơn, hay đơn khiếu tố vượt cấp, kéo dài không giải quyết.
Đảm bảo thực hiện triệt để và thực sự hiệu quả quyền của của người bào chữa, sau khi Bộ luật tố tụng thi hành, Viện kiểm sát Quảng Ninh tiến hành hội nghị tập huấn những quy định mới của Bộ luật tố tụng, trong đó có có các quy định đảm bảo thực hiện quyền của người bào chữa, cho những người tham gia tố tụng, nhằm nâng cao quyền dân chủ của công dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, chống oan sai trong điều tra, tuy tố và xét xử. Viện kiểm sát cấp giấy chứng nhận bào chữa từ khi có có quyết định khởi tố bị can, tạo điều kiện cấp chứng nhận người bào chữa với các trường hợp bắt khẩn cấp, quả tang, hoặc đang bị truy nã. Trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng theo quy dịnh tại khoản 2 Điều 57 của Bộ luật tố tụng, các co quan tố tụng chủ động yêu cầu Đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa, hoặc đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc, các thành viên Ủy ban mặt trận tổ quốc cứ người bào chữa cho bị cáo. Đảm bảo việc bào chữa công khai, đúng pháp luật.
Việc trưng cầu giám định và giám định lại được chú trọng đặc biệt quan tâm: Khi có những vấn đề cần được xác định theo khoản 3 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự, như nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ thiệt hại sức khỏe, khả năng lao động; tình trạng tâm thần của bị can bị cáo trong trường hợp có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng, người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khai báo đúng đắn với những tình tiết của vụ án; hoặc khi xét thấy cần thiết phải có kết luận về dấu vết, vật chứng và các dấu vết khác liên quan đến vụ án…cần có sự tham gia của nhà chuyên môn, thì VIện kiểm sát hoăc cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định, hoặc yêu cầu giám định, để đảm bảo sự thật khách quan vụ án được sáng tỏ, và quyền lợi hợp pháp của công dân được bảo vệ và thực hiện triệt để.Vì vậy, có nhiều trường hợp kết luận giám định bị khiếu nại, hoặc căn cứ kết luận chưa rõ ràng, khách quan, còn thiếu chính xác.. Viện kiểm sát đều ban hành quyết định trưng cầu giám định lại, giám định bổ sung hoặc yêu cầu cơ quan giám định giải thích trước để giải quyết vụ án được khách quan toàn diện.
Thực hiện tốt và hiệu quả việc hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp trong tố tụng hình sự: Điều 340, 341, 342 Chương XXXVI Bộ luật tố tụng hình sự quy định các nguyên tắc cơ bản của hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp. Trước tình hình đất nước hội nhập quốc tế với nhiều lĩnh vực, tình hình tội phạm và tổ chức tội phạm ở Quảng Ninh phức tạp rất nhiều, do nhiều mối liên quan hệ mật thiết với nước ngoài như Trung Quốc, Hông Công, Mã lai xi a, Inđônêxia trong làm ăn, phát triển kinh tế, …khách du lịch, phụ nữ lấy chồng Trung quốc, đường dây ma túy xuyên quốc gia… Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, chú trọng nhiều tới thực hiện hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vụ án liên quan dến người nước ngoài; ra nhiều văn bản đề nghị Vụ quan hệ quốc tế Viện kiểm sát tối cao trợ giúp pháp lý, lấy đó làm căn cứ để giải quyết vụ án nhanh gọn và hiệu quả.
Quá trình thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 ở Quảng ninh, đã thể hiện chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp được nâng cao, các quy định của Bộ luật được thực hiện nghiêm túc và triệt để, quyền tự do dân chủ, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích to lớn của Nhà nước được bảo vệ, hành vi phạm tội bị ngăn chặn; góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
Thái Hưng