CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 23/3/2012 đến 29/3/2012

02/04/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Báo Bảo vệ pháp luật số 24 ngày 23/3/2012, có bài: “Hiếp dâm trẻ em vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật” của tác giả Việt Hoa. Nội dung: Ngày 27/01/2012, cháu Nguyễn Thị T sinh ngày 10/02/1997, ở thôn 2 xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đi chơi cùng bạn đã bị Trần Phú Hải ép uống rượu say, rồi đưa cháu T vào nhà nghỉ An Bình ở cùng xã cưỡng hiếp; ngày hôm sau, Hải vẫn không cho cháu T về nhà và tiếp tục đòi giao cấu với cháu T nhưng không được...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 23/3/2012 đến 29/3/2012
 
Báo Bảo vệ pháp luật số 24 ngày 23/3/2012, có bài: “Hiếp dâm trẻ em vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật” của tác giả Việt Hoa. Nội dung: Ngày 27/01/2012, cháu Nguyễn Thị T sinh ngày 10/02/1997, ở thôn 2 xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đi chơi cùng bạn đã bị Trần Phú Hải ép uống rượu say, rồi đưa cháu T vào nhà nghỉ An Bình ở cùng xã cưỡng hiếp; ngày hôm sau, Hải vẫn không cho cháu T về nhà và tiếp tục đòi giao cấu với cháu T nhưng không được. Đến ngày 29/01/2012, lấy lý do đưa T về nhà Hải lại chở cháu T vào nhà nghỉ Hồng Thanh tại xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, bắt T lên phòng rồi gọi điện thoại cho bạn là Phạm Anh Tuấn đến để tiếp tục thực hiện hành vi cưỡng hiếp cháu T, mặc dù cháu kiên quyết chống cự, cắn vào tay Tuấn chảy máu. Tuy nhiên, Tuấn đã bóp cổ, đập đầu cháu T vào thành giường để thực hiện bằng được hành vi hiếp dâm. Tối ngày 29/01/2012, qua 2 ngày không thấy con về nhà, bà Võ Thị Bẩy là mẹ và anh trai của T đã đi tìm; đến khoảng 21 giờ 30 phút thì phát hiện T đang ở nhà nghỉ cùng tên Tuấn. Tên Tuấn đã bỏ chạy. Ngày hôm sau qua lời kể của con, bà Bẩy đã làm đơn tố cáo hành vi hiếp dâm của tên Hải và Tuấn đến Công an xã Đức Liễu và các cơ quan pháp luật huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Sau một thời gian lẩn trốn, Hải đã ra đầu thú, còn Tuấn vẫn chưa bị triệu tập. Cả 2 đối tượng trên vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và có thái độ khiêu khích, thách thức gia đình bà.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh  số 75 ngày 24/3/2012, có bài: “Viện kiểm sát đình chỉ điều tra năm bị can”, số 78 ngày 27/3/2012, có bài “Đình chỉ vì chứng cứ không chặt, bị can phản cung” của tác giả Trung Dung và Duy Đông. Nội dung: Tháng 02/2012, Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã kết thúc điều tra vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trường Trung cấp dạy nghề giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai và đề nghị Viện kiểm sát thành phố Biên Hòa truy tố 5 bị can là: Dương Xuân Chinh (Tổ trưởng tổ sát hạch lái xe), Hồ Văn Sửa và Hoàng Ngọc Hải (nhân viên tổ sát hạch), Nguyễn Văn Lực (Trưởng khoa Đào tạo), Nguyễn Lễ Tân (Giáo viên). Việc khởi tố, bắt tạm giam các bị can đã được Viện kiểm sát phê chuẩn. Tuy nhiên, vừa qua VKSND thành phố Biên Hòa đã ra quyết đình đình chỉ điều tra cả 05 bị can trên vì lý do hành vi không cấu thành tội phạm. Công an thành phố Biên Hòa đã báo cáo Công an tỉnh Đồng Nai để xin ý kiến chỉ đạo nên chưa thể xác định việc đình chỉ trên là đúng hay sai.
Về vụ việc này Báo Tuổi trẻ số 79 ngày 27/3/2012, còn có bài“Viện kiểm sát đình chỉ điều tra” của tác giả Hà My. Bài báo cho rằng ông Hoàng Hữu Long Viện trưởng VKSND thành phố Biên Hòa đã trả lời phóng viên của báo là các bị can trên không bị bắt qủa tang nhận hối lộ, chứng cứ để truy tố không đảm bảo nên ngày 06/3/2012, Viện đã đình chỉ điều tra các bị can trên. Việc bị can Hồ Văn Sửa là em của Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai không có ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1B, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật Việt Nam số 86 ngày 26 /3/2012, có bài: “Vì sao không khởi tố vụ án” của tác giả Đức Duy. Nội dung: Ngày 12/8/2011, Nguyễn Thành Công ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có hành vi hiếp dâm cháu Võ Ngọc T, sinh ngày 05/7/2006. Chị Chu Thị Tuyết là mẹ cháu T đã trình báo Công an phường. Nguyễn Thành Công bị triệu tập đến Công an phường để lấy lời khai. Cháu T đã nhận diện chính Công là người đã có hành vi hiếp cháu và Công đã nhận tội. Vụ việc được chuyển lên Công an thành phố Nha Trang để giải quyết. Sự việc phạm tội đã rõ ràng nhưng Cơ quan điều tra Công an thành phố Nha Trang lại có Thông báo số 1425/ĐTHS ngày 26/10/2011, khẳng định việc mẹ cháu T tố cáo Nguyễn Thành Công hiếp dâm con mình là không có căn cứ nên Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và VKSND thành phố Nha Trang cũng có văn bản thống nhất với quyết định không khởi tố của Cơ quan điều tra.  
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A , đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Công lý số 25 ngày 28/3/2012, có bài: “Xử lý có đúng pháp luật” của tác giả Văn Vũ. Nội dung: Theo bản án dân sự số 91 ngày 22/4/2009, của TAND tỉnh Kiên Giang thì vợ chồng bà Nguyễn Thị Diệu và ông Lê Văn Có ở tổ 2, khu phố Xà Nghách, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương có nghĩa vụ phải trả cho bà Nguyễn Thị Lệ Thu 141 triệu đồng và bà Dương Thị Ngọc Minh 63 triệu đồng. Bà Diệu và ông Có đã đề nghị Cơ quan Thi hành án thực hiện giải chấp kê biên diện tích 29.989 m2 đất nuôi trồng thủy sản mà Tòa án huyện Kiên Lương đã kê biên, để bà sang nhượng cho người khác lấy tiền thi hành án. Tuy nhiên, Cơ quan Thi hành án không chấp nhận đề nghị này mà lại thực hiện việc kê biên, tổ chức cưỡng chế, sau đó bán đấu giá ngôi nhà của ông, bà đang ở. Không có chỗ ở nào khác nên bà Diệu, ông Có đã tiếp tục chuyển đồ đạc của mình vào nhà để ở và ngay sau đó ông bà đã bị Công an huyện Kiên Lương khởi tố về tội “Không chấp hành án” theo Điều 304 Bộ luật hình sự, bà Diệu còn bị bắt tạm giam. Khi ông Phạm Thanh Sơn, Phó Viện trưởng VKSND huyện Kiên Lương ký Quyết định gia hạn tạm giam lần thứ nhất thì lại ghi lý do bà phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 Bộ luật hình sự. Tác giả cho rằng việc thi hành án như trên là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Thi hành án. Việc khởi tố hình sự cũng không đúng quy định của pháp luật.  
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật Việt Nam số 89 ngày 29 /3/2012, có bài: “Dài cổ chờ Giám đốc thẩm” của nhóm phóng viên. Nội dung: Vụ án tranh chấp về bảo hiểm hàng hóa giữa Công ty Cổ phần Dabaco Việt Nam với Công ty cổ phần bảo hiểm Ptrolimex (Pjico) đã được TAND thành phố Hải Phòng và Tòa phúc thẩm TAND tối cao xét xử vào năm 2010. Theo hai bản án trên, Công ty cổ phần bảo hiểm Ptrolimex phải trả 1,192 triệu USD tiền bảo hiểm cho Công ty Cổ phần Dabaco. Nhận thấy bản án còn nhiều sai sót nên ngày 28/3/2011, VKSND tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 06/QĐ/KNGĐT-V12 đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tuyên hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại từ đầu. Đến nay đã tròn 1 năm, nhưng không hiểu vì lý do gì mà vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử lại. 
Yêu cầu Vụ 12 kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới./.
Tìm kiếm