Qua gần 52 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý đó đã vinh danh và ghi nhận những đóng góp to lớn mà ngành Kiểm sát đã cống hiến vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, vào sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo...
Cần giao lại cho VKSND chức năng kiểm sát văn bản
quy phạm pháp luật và kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính
Qua gần 52 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý đó đã vinh danh và ghi nhận những đóng góp to lớn mà ngành Kiểm sát đã cống hiến vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, vào sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ đó, có đến 42 năm ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt, có hiệu quả chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân... bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (còn gọi là chức năng kiểm sát chung). Qua từng giai đoạn cách mạng, công tác kiểm sát chung của ngành Kiểm sát nhân dân đã bám sát nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định; cụ thể:
Từ năm 1960 đến năm 1964, ngay từ những năm đầu mới thành lập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung các hoạt động kiểm sát chung nhằm phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân.
Từ những khó khăn ban đầu, ngành Kiểm sát nhân dân đã từng bước xác định được nhiệm vụ kiểm sát chung trọng tâm của từng năm công tác và đi vào hoạt động có nề nếp, có hiệu quả. Đó là những nhiệm vụ chủ yếu mà Đảng và Nhà nước quan tâm như: Bảo vệ quyền dân chủ ở nông thôn và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống tham ô, lãng phí của công.
Từ năm 1965 đến năm 1972, miền Bắc nước ta phải trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, vừa phải ra sức chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn của cả nước.
Trước tình hình nhiệm vụ mới, ngành Kiểm sát đã kịp thời tập trung hoạt động kiểm sát chung vào việc phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu, nhằm bảo đảm sức chiến đấu của quân đội và đời sống của nhân dân. Về tư tưởng và tổ chức cũng có một bước chuyển cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh: khẩn trương, linh hoạt, gọn nhẹ bảo đảm sự hoạt động của Ngành tiếp tục phát huy được hiệu quả trong tình hình mới.
Trong thời kỳ này, ngành Kiểm sát nhân dân đã có những chủ trương công tác phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị như: Coi việc phục vụ quản lý kinh tế, chống buông lỏng quản lý, chống quản lý theo lối hành chính và cung cấp, xây dựng nền nếp quản lý theo chế độ kinh doanh xã hội chủ nghĩa là yêu cầu chủ yếu của công tác kiểm sát phục vụ việc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Quán triệt các Nghị quyết của Trung ương về các cuộc vận động 3 xây, 3 chống trong các cơ sở công nghiệp quốc doanh, vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, vận động dân chủ ở miền núi, hoạt động kiểm sát chung bước đầu hướng vào lĩnh vực quản lý kinh tế ở một số xí nghiệp, nông trường quốc doanh. Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đề xuất với Trung ương một số vấn đề về tăng cường công tác quản lý sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã. Nói chung, hoạt động của ngành Kiểm sát lúc này đã chú ý bám sát hai vấn đề mà Đảng và Nhà nước quan tâm, đó là việc bảo vệ quyền dân chủ ở nông thôn và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống tham ô, lãng phí của công. Đồng thời, qua kết quả kiểm sát tại chỗ hàng trăm hợp tác xã nông nghiệp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kiến nghị với Đảng và Nhà nước ban hành Điều lệ mẫu hợp tác xã nông nghiệp.
Viện kiểm sát các cấp đã tập trung chỉ đạo, phục vụ các nhiệm vụ trung tâm là bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các vật tư quốc phòng, hàng hoá do các nước anh em và bè bạn viện trợ, đấu tranh chống các hành vi trộm cắp, tham ô, phân phối, sử dụng sai chính sách, chế độ.v.v.
Sau khi có Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý kinh tế, đấu tranh chống tiêu cực làm ăn phi pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kịp thời chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp có kế hoạch tập trung phục vụ cuộc vận động với phương thức công tác kiểm sát chung phối hợp với công tác kiểm sát hình sự, kiểm sát dân sự... với phương châm kết hợp chặt chẽ giữa chống với phòng, chống với xây, lấy xây làm mục đích. Đồng thời, đã chú trọng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành các văn bản pháp quy của các cơ quan Nhà nước cùng cấp; kịp thời kiến nghị, yêu cầu cơ quan hữu quan sửa chữa, khắc phục các văn bản có vi phạm pháp luật.
Viện kiểm sát các cấp đã thường xuyên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành các chính sách hậu phương quân đội; phục vụ có kết quả các đợt huy động làm nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao động thời chiến phục vụ chiến đấu và chiến trường; kịp thời giải quyết các vụ xâm phạm trật tự trị an ở các vùng có chiến sự, các vụ hình sự, dân sự, ly hôn có quan hệ đến quân nhân tại ngũ và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.
Từ năm 1975 đến năm 1986, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng của các Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, V của Đảng, ngành Kiểm sát nhân dân đã phục vụ đắc lực cho chiến lược cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp năm 1980 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo đảm pháp chế thống nhất trong cả nước, chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục được khẳng định và duy trì.
Viện kiểm sát các cấp đã tập trung kiểm sát việc quản lý, phân phối, sử dụng vật tư nông nghiệp; kiểm sát việc sử dụng vốn trong kế hoạch trồng rừng; kiểm sát việc cung ứng vật tư, giao nộp sản phẩm trong ngư nghiệp; kiểm sát việc bảo quản lương thực, hàng hoá trên đường vận chuyển… ở các tỉnh phía Nam. Công tác kiểm sát đã đi vào phục vụ nhiệm vụ hợp tác hoá nông nghiệp, xoá bỏ các hình thức bóc lột của phú nông và các tàn dư của chế độ cũ để lại. Tại các thành phố lớn, công tác kiểm sát đã chú trọng phục vụ công cuộc cải tạo công thương, giao thông, thủ công nghiệp, nhà đất và việc phát triển mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Thông qua kết quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở một số ngành quản lý kinh tế trọng điểm và một số đơn vị sản xuất kinh doanh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện và báo cáo với Ban Bí thư và Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số sơ hở trong các chủ trương, biện pháp quản lý tạo điều kiện cho những đối tượng vụ lợi thực hiện hành vi làm trái chính sách, chế độ mưu lợi ích riêng như vấn đề thanh lý tài sản sau chiến tranh, vấn đề chủ động, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, vấn đề kết hợp 3 lợi ích, vấn đề chênh lệch giá trong thương nghiệp, chủ trương mở rộng quyền cho địa phương trong hoạt động xuất nhập khẩu..., giúp Trung ương xem xét để có những bổ sung, chấn chỉnh kịp thời.
Từ năm 1986 đến năm 1992, quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng trong các Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII và các Nghị quyết khác của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát đã có sự đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội những năm 1986 - 1992 đã tập trung đi vào kiểm sát những ngành kinh tế trọng điểm, có vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân như ngân hàng, quản lý ngoại tệ và hàng viện trợ (1990 - 1991)..., góp phần vào công tác củng cố pháp chế và trật tự pháp luật trong các lĩnh vực nói trên, góp phần tích cực vào việc quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội theo pháp luật. Thông qua kết quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã báo cáo, kiến nghị với Quốc hội, Trung ương Đảng và Chính phủ, tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; kháng nghị với các Bộ, ngành và các đơn vị được kiểm sát thực hiện ngay các biện pháp hữu hiệu, nhằm khắc phục vi phạm. Ngành Kiểm sát đã tổ chức nhiều Hội nghị pháp chế ở Trung ương và địa phương với các đơn vị được kiểm sát nhằm phòng ngừa vi phạm, phục vụ cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.
Từ năm 1992 đến năm 2001, thực hiện quy định tại Điều 137 của Hiến pháp năm 1992 và Điều 1 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992, công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát đã thực sự có bước chuyển biến quan trọng so với các giai đoạn trước là đã chú trọng và tăng cường công tác kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tiếp tục đi vào kiểm sát những lĩnh vực có nhiều vi phạm, góp phần đảm bảo pháp chế thống nhất trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội. Điểm đổi mới căn bản của công tác kiểm sát chung thời kỳ này là Viện kiểm sát nhân dân chỉ tiến hành kiểm sát khi phát hiện có vi phạm pháp luật nên hiệu quả công tác đã đem lại nhiều kết quả rõ nét và có tác dụng phòng ngừa vi phạm sâu sắc.
Trong hoạt động kiểm sát văn bản, toàn ngành Kiểm sát đã phát hiện, kháng nghị yêu cầu bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có hàng trăm văn bản của các Bộ, ngành ở Trung ương. Nhiều Viện kiểm sát địa phương đã tổng hợp vi phạm, kiến nghị với chính quyền địa phương mở Hội nghị rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua kiểm sát văn bản, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phục vụ thiết thực yêu cầu quản lý kinh tế, xã hội. Chỉ tính từ 01/01/1997 (sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 có hiệu lực) đến 31/5/2001, qua công tác kiểm sát văn bản, toàn ngành Kiểm sát đã ban hành kháng nghị yêu cầu bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế 7.676 văn bản, trong đó có: 95 văn bản của cơ quan cấp Bộ; 405 văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 890 văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện; 4.163 văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã; 2.122 văn bản của các cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ, của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (sở, ban, phòng...), tổ chức kinh tế, xã hội ban hành để hướng dẫn hoặc đề ra các quy định để thực hiện các quy định của pháp luật nhưng có nội dung trái pháp luật. Thực tiễn đó đã chứng tỏ công tác kiểm sát văn bản của Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với việc tăng cường công tác kiểm sát văn bản, toàn ngành Kiểm sát đã thực hiện công tác kiểm sát theo mục tiêu, kế hoạch thống nhất trong cả nước và đi vào các ngành kinh tế trọng điểm của đất nước như các lĩnh vực: Ngân hàng, tài chính, thuế, xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng... Qua hoạt động kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng, kiên quyết kháng nghị yêu cầu xử lý, khôi phục lại trật tự pháp luật bị vi phạm, yêu cầu xử lý cá nhân có trách nhiệm để xảy ra vi phạm, yêu cầu thu hồi và đã thu hồi cho Nhà nước, tập thể hàng nghìn tỷ đồng, yêu cầu khởi tố hàng trăm vụ án hình sự. Kết quả công tác kiểm sát hàng năm đều được Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp báo cáo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để xử lý theo thẩm quyền.
Từ năm 1993 đến 31/5/2001, toàn Ngành đã tiến hành kiểm sát tại 24.137 điểm, trong đó chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước; đã ban hành 18.172 kháng nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội; ban hành 3.341 kiến nghị với cơ quan quản lý, tổ chức về các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật; đã có 2.691 báo cáo gửi các cấp ủy Đảng về tình hình vi phạm pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có 50 báo cáo với cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật, khôi phục trật tự pháp luật tại các lĩnh vực được kiểm sát; Viện kiểm sát các cấp đã kháng nghị yêu cầu thu hồi tài sản bị thất thoát là 3.010 tỷ đồng; yêu cầu khởi tố hình sự 1.101 vụ (đã khởi tố 942 vụ), yêu cầu khởi tố dân sự 266 vụ, yêu cầu xử lý hành chính 22.805 người. Đặc biệt, trong thời gian từ năm 1993 đến 1995, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành nhiều cuộc phối hợp liên ngành tiến hành kiểm sát trực tiếp có hiệu quả, giúp cho Quốc hội, Chính phủ có các biện pháp cụ thể chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân tỉnh khắc phục vi phạm chấn chỉnh quản lý đất đai, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật về đất đai cho phù hợp với thực tế như cuộc kiểm sát việc châp hành Luật đất đai ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà trọng tâm là làm rõ việc làm thử “Đổi đất lấy công trình”, các cuộc kiểm sát việc chấp hành pháp luật về đất đai tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
Công tác kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính cũng được tăng cường hơn trước, đã phát hiện nhiều vi phạm và kháng nghị yêu cầu xử lý, góp phần tích cực vào việc chống bỏ lọt tội phạm và bảo đảm pháp chế thống nhất trong lĩnh vực này. Có thể nói, kết quả công tác kiểm sát chung của ngành Kiểm sát nhân dân qua 42 năm tồn tại (1960 - 2002) đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước.
Từ những kết quả nêu trên, có thể khẳng định rằng qua 42 năm thực hiện công tác kiểm sát chung, đặc biệt là trong 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhất là 10 năm (1992 - 2001) kể từ khi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 có hiệu lực cho đến khi Viện kiểm sát thôi không thực hiện chức năng kiểm sát chung, Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc củng cố trật tự pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước và bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa; đã tiến hành kiểm sát đối với những ngành kinh tế trọng điểm như lĩnh vực ngân hàng, ngoại tệ, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, hải quan, thuế... Qua kiểm sát, đã phát hiện nhiều vi phạm của các ngành này làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, phát hiện và kiến nghị hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có cả các vi phạm pháp luật của các Bộ, Ngành ở Trung ương. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổng hợp tình hình, báo cáo với Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về thực trạng chấp hành pháp luật, đề xuất các biện pháp giải quyết, kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề ở tầm vĩ mô.
Bước sang đầu năm 2002 là năm đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong điều kiện hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường. Thực hiện Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội.
Qua nắm bắt hoạt động của các cơ quan chức năng có tính chất “gần gũi” với công tác kiểm sát chung trước đây, từ năm 2002 đến nay cho thấy:
Về chức năng kiểm sát hành vi, các cơ quan chức năng về kiểm tra, thanh tra vừa qua chỉ kiểm tra, thanh tra có tính chất hành chính, chỉ bó hẹp trong nội bộ các cơ quan hành chính Nhà nước, chưa thể bao quát hết được các lĩnh vực, hơn nữa, thanh tra theo yêu cầu của Thủ trưởng không phải là cơ quan giám sát có tính quyền lực từ bên ngoài vào như hoạt động giám sát của Quốc hội hay hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân theo sự ủy quyền của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nên hiệu quả còn rất hạn chế, đó là chưa kể đến nhiều yếu tố tiêu cực do cán bộ của những cơ quan này gây ra.
Về chức năng kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, trước đây do ngành Kiểm sát thực hiện đồng bộ ở cả 3 cấp kiểm sát, đem lại hiệu quả rõ nét như đã nêu ở phần trên, còn từ năm 2002 đến nay, nhiệm vụ rà soát, kiểm tra văn bản pháp quy do cơ quan tư pháp đảm nhiệm thì như Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 của Ủy ban pháp luật (Quốc hội) ngày 15/10/2009 đã đánh giá: “Vẫn còn xảy ra tình trạng văn bản quy định chi tiết trái Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh hoặc Luật đã sửa đổi, bổ sung nhưng việc kiểm tra, xử lý chưa làm được nhiều, còn biểu hiện sự né tránh, nể nang, ngại va chạm; quy định của pháp luật về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ”. Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã nêu rõ: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan còn nhiều hạn chế, mới chủ yếu tập trung giám sát tiến độ ban hành và số lượng ban hành, chứ chưa đi sâu vào nội dung cụ thể của từng văn bản.
Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, một lĩnh vực trước đây công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát thực hiện rất hiệu quả song đến nay cũng chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hoạt động giám sát việc xử lý vi phạm hành chính chủ yếu được giao cho chính các cơ quan hành chính thực hiện, thông qua cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc cơ chế tự kiểm tra, mang tính nội bộ, thiếu cơ chế giám sát từ bên ngoài hệ thống, do đó, chưa bảo đảm tính khách quan của quá trình xử lý. Thậm chí, có trường hợp, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định xử phạt không đúng pháp luật, bỏ lọt tội phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước mà không có ai đứng ra khiếu nại hoặc tố cáo để xử lý.
Một lần nữa có thể khẳng định rằng, qua 10 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) cho thấy, việc Viện kiểm sát không thực hiện chức năng kiểm sát chung trong khi cho đến nay không có cơ quan nhà nước nào được phân công đảm nhiệm chức năng này, đã dẫn đến sự buông lỏng về giám sát quyền lực, nhiều vụ án kinh tế lớn xảy ra như vụ Cảng Thị Vải, vụ Nguyễn Việt Tiến (PMU18), vụ liên quan Lãnh đạo Bộ Thương mại..., kể cả vụ án về đất đai ở Tiên Lãng xảy ra gần đây, nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành không đúng thể thức và thẩm quyền không được phát hiện, kiến nghị khắc phục.
Từ những lý do nêu trên, thiết nghĩ, trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cần có sự tổng kết, đánh giá lại kết quả 10 năm qua kể từ khi Viện kiểm sát thôi không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, thì kết quả công tác kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội của các cơ quan đó như thế nào? mà trong đó đáng chú ý là kiểm sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính. Qua đó, Quốc hội cần xem xét việc giao lại cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật và kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính, vì đây là các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến việc bảo đảm cho pháp chế được thống nhất.
(Theo Kiểm sát online)