Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà nẵng (Viện phúc thẩm 2) có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự; kiểm sát giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Viện phúc thẩm 2 đã khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết nhất trí, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu công tác với chất lượng, hiệu quả cao nhất...
KINH NGHIỆM NÂNG CAO HIỆU QUẢ KIỂM SÁT
XÉT XỬ HÌNH SỰ CỦA VIỆN PHÚC THẨM TẠI ĐÃ NẴNG (VPT2)
Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà nẵng (Viện phúc thẩm 2) có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự; kiểm sát giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Viện phúc thẩm 2 đã khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết nhất trí, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu công tác với chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Thường xuyên nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc nội dung vụ án các căn cứ pháp luật cần phải áp dụng vào việc giải quyết yêu cầu kháng cáo, kháng nghị; chuẩn bị tốt nội dung cần thẩm vấn, tại phiên toà chủ động thẩm vấn tranh luận để làm sáng tỏ những nội dung cần thiết, bảo vệ quan điểm giải quyết vụ án, kịp thời điều chỉnh khi có tình tiết mới phát sinh, Viện phúc thẩm 2 đã thụ lý giải quyết tốt bình quân năm trên 400 vụ án hình sự thuộc loại rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, không xảy ra trường hợp nào oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Chú trọng đến công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm khẳng định vị trí vai trò của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp tập hợp tình hình vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, thông qua việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ kiểm sát và kiểm sát xét xử nên năm qua, đơn vị đã ban hành được 31 kiến nghị đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh. Các kiến nghị khắc phục vi phạm của đơn vị đều có căn cứ được các cơ quan liên quan tiếp thu.
Ban hành 11 thông báo về nghiệp vụ gửi các Viện kiểm sát địa phương trong cả nước, đặc biệt đơn vị đã có 2 thông báo rút kinh nghiệm trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra và hoạt động xét xử gửi đến tất cả các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đã nêu các dạng vi phạm của Cơ quan điều tra, cơ quan Toà án mà đơn vị đã phát hiện được trong thời gian từ 2008 đến tháng 6/2011. Các thông báo rút kinh nghiệm của đơn vị đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm giúp cho các đơn vị thấy được những vi phạm trong công tác điều tra, xét xử có phần trách nhiệm của công tác kiểm sát. Do đó được nhiều Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố hoan nghênh, nhiều đơn vị đã phô tô gửi đến các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát.
Thực hiện Chỉ thị số 03 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, năm qua, đơn vị đã kiểm sát 451 bản án sơ thẩm đã kháng nghị phúc thẩm 9 vụ-12 bị cáo đạt 112,5% so với chỉ tiêu đề ra.
Toà phúc thẩm chấp nhận kháng nghị đạt 83,3%, cho thấy việc nghiên cứu bản án, nghiên cứu các quy định của pháp luật, phát hiện và kháng nghị kịp thời, chính xác của đơn vị đối với các bản án có vi phạm.
Tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 03 tại các Viện kiểm sát Thừa Thiên - Huế, Khánh Hoà, Đắk Lắk kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những vi phạm thiếu sót của các đơn vị, qua đó công tác kháng nghị phúc thẩm của các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trong khu vực ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng được nâng lên. Thực hiện Điều 27 BLTTHS và Kế hoạch số 06 ngày 16/11/2010 của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Năm 2011, đơn vị đã đã ban hành các bản kiến nghị đến Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk; Chủ tịch hội đồng giám sát xổ số kiến thiết tỉnh Đắk Nông và Giám đốc công ty xổ số kiến thiết tỉnh Đắk Nông yêu cầu khắc phục nguyên nhân và điều kiện làm nảy sinh tội phạm. Tất cả các kiến nghị của đơn vị đều được các cơ quan hữu quan có công văn tiếp thu, nghiêm túc thực hiện, do đó đã có tác dụng tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm.
Để đạt được những kết quả nêu trên, từ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đơn vị đã rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
Sau khi nhận được bản án, quyết định sơ thẩm, Lãnh đạo Viện đã có sự phân công cụ thể cho Kiểm sát viên thực hiện việc kiểm sát bản án. Kiểm sát viên được phân công phải đầu tư thời gian thực hiện nghiêm túc việc kiểm sát cả về hình thức và nội dung vụ án, chủ động liên lạc với Viện kiểm sát cấp sơ thẩm để làm rõ một số nội dung nếu thấy cần thiết, đề xuất việc kiến nghị, kháng nghị đối với bản án. Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về trường hợp bản án có vi phạm nhưng không phát hiện được. Việc gắn trách nhiệm của Kiểm sát viên trong nghiên cứu bản án sơ thẩm đã nâng cao chất lượng kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm, số lượng và chất lượng của các bản kiến nghị, kháng nghị ngày càng được nâng cao.
Phải chú trọng nâng cao chất lượng việc nghiên cứu và lập hồ sơ vụ án hình sự phúc thẩm trong đó đã quy định cụ thể về nội dung, hình thức cũng như cách sắp xếp tài liệu trong hồ sơ đảm bảo đầy đủ, khoa học, dễ tìm kiểm, dễ tra cứu tài liệu khi cần thiết. Tuỳ theo vụ án có số lượng ít hay nhiều bị cáo, kháng kêu oan hay xin giảm hình phạt mà trích lập hồ sơ. thiếu sót trong việc nghiên cứu, lập hồ được đưa ra rút kinh nghiệm chung.
Tổ chức các cuộc thi lập hồ sơ kiểm sát. Trên cơ sở của một vụ án có thật, các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên sẽ tiến hành lập hồ sơ, dự thảo quan điểm giải quyết vụ án một cách độc lập, các hồ sơ sẽ được Hội đồng chấm thi của đơn vị chấm điểm, những hồ sơ có chất lượng cao sẽ được nhân rộng, những hồ sơ có thiếu sót cũng được đưa ra để rút kinh nghiệm, nhờ đó chất lượng việc lập hồ sơ đã được nâng lên.
Chú trọng việc phát hiện vi phạm và kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án, kiến nghị các cơ quan tổ chức hữu quan khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội; những nội dung cần thiết cho việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị như cấu thành tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… phát hiện những vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, xét xử vụ án để kiến nghị. Việc ban hành các bản kiến nghị cũng được thực hiện linh hoạt, tập trung nâng cao chất lượng các bản kiến nghị, không chạy theo số lượng. Đối với những vi phạm có tính chất phổ biến, lặp đi, lặp lại thì đơn vị sẽ tập hợp làm một kiến nghị chung, không ban hành kiến nghị cho từng vi phạm nhỏ lẽ.
Việc ban hành thông báo rút kinh nghiệm việc giải quyết vụ án cần mở rộng thêm việc rút kinh nghiệm trong kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đối với những vụ án có cải sửa lớn, đặc biệt là những vụ án mà bản án sơ thẩm bị Toà án cấp phúc thẩm tuyên huỷ, đơn vị đều xác định nguyên nhân án sơ thẩm bị huỷ, làm rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm trong việc để xảy ra tình trạng án bị tuyên huỷ, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho các Viện kiểm sát nhân dân địa phương trong quá trình giải quyết án, đồng thời có công văn hướng dẫn Viện kiểm sát cấp tỉnh giải quyết tiếp vụ án đã bị huỷ, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử ở các Viện kiểm sát cấp tỉnh. Việc tổng hợp các dạng vi phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan Toà án đồng thời thông báo đến tất cả Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trong cả nước có tác dụng tích cực, giúp cho các Viện kiểm sát địa phương nhận diện những vi phạm phổ biến mà Cơ quan điều tra, cơ quan Toà án thường mắc phải, rút ra kinh nghiệm trong hoạt động kiểm sát điều tra, hoạt động kiểm sát xét xử tại đơn vị mình.
Chú trọng việc nâng cao kỷ năng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử về thủ tục phiên toà, xét hỏi, trình bày quan điểm giải quyết vụ án và đặc biệt là việc tranh tụng tại phiên toà, Đơn vị đã lựa chọn các phiên toà phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, có nhiều luật sư, nhiều người bào chữa để tổ chức cho toàn thể cán bộ nghiệp vụ trong đơn vị tham dự. Sau phiên toà đã tiến hành họp rút kinh nghiệm với những phiên toà ở xa Kiểm sát viên thông báo tình huống xảy ra trong quá trình tranh tụng tại phiên toà và kinh nghiệm xử lý để rút kinh nghiệm chung. Xây dựng được chuyên đề “Những kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự” phổ biến đến toàn thể cán bộ nghiệp vụ trong đơn vị để nghiên cứu, ứng dụng công tác, nâng cao hiệu qủa kiểm sát xét xử.
Viện phúc thẩm 2 có một số kiến nghị sau:
VKSNDTC mở các lớp bồi dưỡng, hội nghị tập huấn nghiệp vụ về kiểm sát xét xử hình sự, đặc biệt là kỷ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà, tăng thêm biên chế và cán bộ có chức danh pháp lý cho các Viện phúc thẩm nói chung và Viện phúc thẩm 2. khi có nhu cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều động những Kiểm sát viên, cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, phẩm chất đạo đức tốt tăng cường, không phải lấy ý kiến của Viện kiểm sát địa phương, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực sở trường ở cấp cao hơn, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt cán bộ ở các Viện phúc thẩm.
Cục thống kê tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao định kỳ thông báo cho các Viện phúc thẩm số liệu án đã xét xử sơ thẩm của các tỉnh theo từng khu vực. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm thành lập Trung tâm nghiên cứu tội phạm học theo đúng tinh thần Kế hoạch 06 của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để nghiên cứu, đào tạo, hướng dẫn toàn ngành trong việc xác định và kiến nghị các Cơ quan hữu quan khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội.
Giữa cơ quan Viện kiểm sát và Toà án vẫn còn nhận thức khác nhau về các quy định của pháp luật, cụ thể là việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại các Điều 46,48 BLHS, trong việc áp dụng Điều 47, Điều 60 BLHS ( về chế định án treo), trong việc áp dụng hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, đối với người chưa thành niên phạm tội .v.v... Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phối hợp với liên ngành TW có hướng dẫn cụ thể tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
Thái Hưng