CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG TỔNG KẾT HIẾN PHÁP NĂM 1992

19/03/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Đến nay, sau 20 năm đất nước ta đã có nhiều đổi mới trong bối cảnh quốc tế đang có những biến đổi to lớn, phức tạp và sâu sắc. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với tình hình mới trong đó có nhiệm vụ cải cách tư pháp là yêu cầu tất yếu và cần thiết. Ngày 06 tháng 08 năm 2011 Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Nghị quyết số 06/2011/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992...
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
TỔNG KẾT HIẾN PHÁP NĂM 1992
 
 Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Đến nay, sau 20 năm đất nước ta đã có nhiều đổi mới trong bối cảnh quốc tế đang có những biến đổi to lớn, phức tạp và sâu sắc. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với tình hình mới trong đó có nhiệm vụ cải cách tư pháp là yêu cầu tất yếu và cần thiết. Ngày 06 tháng 08 năm 2011 Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Nghị quyết số 06/2011/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-VKSNDTC ngày 17/10/2011 về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành Kiểm sát nhân dân với mục đích đánh giá khách quan và toàn diện cả lý luận và thực tiễn quá trình thi hành các quy định của Hiến pháp về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy liên quan đến hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, trên cơ sở đó xác định những vấn đề không phù hợp cần phải sửa đổi bổ sung, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng qua nghiên cứu, thảo luận trong toàn ngành đã thống nhất tham gia một số ý kiến như sau:
Về vị trí của Viện kiểm sát trong bộ máy nhà nước: Hiến pháp 1992 đã dành một chương để quy định về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân (Chương X). Trong đó, tại Điều 126 quy định về chức năng, nhiệm vụ của chung Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân; từ Điều 137 đến Điều 140 quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, cơ cấu hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Theo những quy định này thì Viện kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan Nhà nước độc lập, do Quốc hội thành lập, không phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Tuy nhiên vấn đề “không phụ thuộc vào chính quyền địa phương” vẫn chưa được đề cập cụ thể nên nhiều văn bản dưới Hiến pháp vẫn có những quy định ràng buộc nên Viện kiểm sát chưa thực sự độc lập trong tổ chức và hoạt động, đơn cử như quy định về Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên vẫn có thành phần tham gia là chính quyền địa phương (Sở Nội vụ). Do vậy trong Hiến pháp mới cần khẳng định rõ hơn, cụ thể bổ sung quy định tại Điều 137 Hiến pháp “Viện kiểm sát là một hệ thống cơ quan độc lập, không phụ thuộc vào chính quyền địa phương các cấp”.
Về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát: Để đảm bảo hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân là kiểm soát quyền lực nhà nước đề nghị chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân cần được giữ nguyên như quy định trong Hiến pháp năm 1992, nhưng bổ sung thêm.
Thứ nhất: Chức năng thực hành quyền công tố được quy định tại Điều 137 Hiến pháp nhưng không gắn với chỉ đạo điều tra đã làm hạn chế chức năng này, ví dụ: khi Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam, Viện kiểm sát phê chuẩn thì trách nhiệm bồi thường thuộc Viện kiểm sát, tuy nhiên khi yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra mà không được đáp ứng, đáp ứng không đầy đủ thì Viện kiểm sát cũng không có biện pháp xử lý ngoài việc kiến nghị, chưa kể đến việc các cơ quan bổ trợ tư pháp không đáp ứng yêu cầu của Viện kiểm sát về thời gian, về chất lượng giám định...Viện kiểm sát vẫn không có một chế tài nào để xử lý. Do vậy cần bổ sung “Chức năng thực hành quyền công tố gắn với chỉ đạo hoạt động điều tra”.
Thứ hai: Hiện nay, Nhà nước giao cho Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp cấp tỉnh làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng những năm qua rất nhiều văn bản của UBND các tỉnh, thành phố ban hành có vi phạm nhưng không phát hiện và xử lý kịp thời, tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật một cách tùy tiện, không thống nhất, mang tính cục bộ, thậm chí mâu thuẫn giữa các cấp và các địa phương vẫn diễn ra. Hơn nữa những đơn vị này thực sự khách quan hay không khi Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp chỉ là những cơ quan tham mưu của Chính phủ, UBND cấp tỉnh. Đặc biệt tình trạng tham nhũng, cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, tình trạng trốn thuế, việc quản lý hành chính, kinh tế nhiều nơi bị buông lỏng, xảy ra nhiều vi phạm và thất thoát lớn về tài sản Nhà nước trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện xử lý gây giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Như vậy, Quốc hội bỏ chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang và công dân (gọi tắt là kiểm sát chung) của ngành Kiểm sát là đã đánh mất đi một công cụ giám sát hiệu quả, Quốc hội cần khôi phục chức năng này của Viện kiểm sát.
Thứ ba: Giai đoạn từ năm 1992- 2002, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát được tổ chức cả ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; thẩm quyền điều tra do Viện trưởng quyết định căn cứ theo việc xét thấy có cần thiết hay không. Thực tế cho thấy Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân ở cấp tỉnh hoạt động có nhiều tác dụng tích cực đồng thời kết hợp với công tác kiểm sát chung nên đã phát hiện được nhiều vi phạm pháp luật để điều tra, truy tố, xét xử góp phần làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Giai đoạn từ 2002 đến nay, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân chỉ còn Cục điều tra trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thẩm quyền là điều tra các loại tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp. Theo chúng tôi việc tổ chức như vậy thu hẹp hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân, làm cho cơ quan này không có điều kiện phát hiện xử lý tội phạm tư pháp xảy ra ở các địa phương. Mặt khác, không có chức năng điều tra ở cấp tỉnh nên đã hạn chế rất nhiều đến việc thực hiện chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp ở địa phương. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt, để thực hiện có hiệu quả cần có Cơ quan điều tra chuyên trách về chống tham nhũng. Theo chúng tôi, cần bổ sung chức năng này cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân, đó là: “Điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng”. Tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát được thành lập hệ thống điều tra tới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh pháp lý của Viện kiểm sát:
Tuy Hiến pháp năm 1992 quy định: “Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự các quân khu và khu vực do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức”. Nhưng Pháp lệnh về Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 04/10/2002 lại quy định: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Pháp lệnh quy định: Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân địa phương là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, một trong những thành viên của Hội đồng tuyển chọn này là lãnh đạo Sở Nội vụ (cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh). Như vậy, nguyên tắc tập trung thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân chưa triệt để về tổ chức trong mối quan hệ với chính quyền địa phương. Vậy chúng tôi đề nghị quy định bổ nhiệm chức danh tư pháp trong Hiến pháp, Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát tỉnh, thành phố thay thế vai trò của Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên hoặc áp dụng chế độ thi tuyển.
Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 thì việc bổ nhiệm các chức danh pháp lý của Viện kiểm sát như Viện trưởng, Kiểm sát viên... là không có nhiệm kỳ. Từ năm 2005, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện quy định bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên nhiệm kỳ 5 năm. Chúng tôi đề nghị bỏ quy định về nhiệm kỳ đối với các chức danh Kiểm sát viên. Chức danh Kiểm tra viên chưa được Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát đề cập tới, vậy cần luật hoá chức danh này trong Hiến pháp. 
Tìm kiếm