Viện kiểm sát nhân dân ra đời cùng với sự ra đời của Hiến pháp nước ta Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959, với chức năng cơ bản là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân… Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân theo hệ thống từ trung ương đến địa phương, gồm: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương và Viện Kiểm sát quân sự; Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...
VKSND tỉnh Cao Bằng tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992
Viện kiểm sát nhân dân ra đời cùng với sự ra đời của Hiến pháp nước ta Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959, với chức năng cơ bản là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân… Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân theo hệ thống từ trung ương đến địa phương, gồm: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương và Viện Kiểm sát quân sự; Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy, theo quy định của Hiến pháp năm 1959 thì Viện Kiểm sát nhân dân các cấp được tổ chức thành một hệ thống nhất, độc lập với cơ quan xét xử và cơ quan hành chính, chỉ chịu trách nhiệm và báo cáo trước Quốc hội. Về vị trí, Viện kiểm sát nhân dân là một trong những cơ quan tư pháp quan trọng nhất trong việc "bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh sự và nhân phẩm của công dân"; hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân thể hiện trực tiếp bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) quy định về vị trí củaViện kiểm sát nhân dân vẫn giữ nguyên là một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập do Quốc hội thành lập, không phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Quy định như vậy, là hoàn toàn phù hợp và khoa học, đảm bảo cho hoạt động của Viện kiểm sát khách quan khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Về thực hiện chức năng kiểm sát chung: giai đoạn từ 1992 đến 2001: Đây là giai đoạn Viện kiểm sát thực hiện chức năng "kiểm sát chung" theo quy định của Hiến pháp năm 1992. Chức năng này của Viện Kiểm sát bắt nguồn từ nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất không phân chia nhưng có phân công giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, quyền lực nhà nước cao nhất được tập trung ở Quốc hội. Quốc hội cần phải có cơ quan thực hiện quyền lực của mình là Viện Kiểm sát nhân dân, giúp cho Quốc hội tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước, chống các biểu hiện cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Trong thực tế, khi thực hiện chức năng này ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phát hiện, xử lý rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật; rất nhiều vụ án đã được phát hiện, khởi tố thông qua hoạt động công tác kiểm sát chung (như vụ xảy ra tại Ban quản lý dự án 327 Cao Bằng năm 1996: Qua hoạt động công tác kiểm sát chung đã phát hiện giám đốc, kế toán trưởng dự án lợi dụng chức vụ quyền hạn tham ô hơn 300 triệu đồng. Vụ án được khởi tố, các đối tượng vi phạm đều bị xử lý hình sự, số tiền vi phạm được thu hồi…). Từ thực tế đó có thể khẳng định: Hoạt động kiểm sát chung của ngành Kiểm sát nhân dân là rất cần thiết, góp phần hạn chế tối đa các vi phạm pháp luật trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội (mà đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế), tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Giai đoạn từ 2001 đến nay: Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 51/2001/QH10 sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, theo đó Viện kiểm sát không còn thực hiện chức năng "kiểm sát chung" nữa mà chỉ tập trung vào chức năng "thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp".
Xuất phát điểm của quy định này bắt nguồn từ việc không phân định được một cách rõ ràng chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát với chức năng thanh tra của cơ quan Thanh tra, dẫn đến một nhận thức sai cho rằng hoạt động kiểm sát chung của Viện kiểm sát và hoạt động thanh tra của cơ quan Thanh tra chỉ là một, và do vậy đã tạo nên một sự chồng chéo (đặc biệt trong lĩnh vực hành chính, kinh tế) gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cần phải phân biệt rằng Viện Kiểm sát nhân dân, trong phạm vi trách nhiệm của mình, khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sẽ tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các văn bản pháp quy và trong việc chấp hành pháp luật, để bảo đảm cho các văn bản pháp quy do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành đúng pháp luật, bảo đảm cho việc chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân được nghiêm chỉnh và thống nhất. Về Thanh tra nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong thanh tra việc thực hiện các quyết định, mệnh lệnh của cơ quan cấp trên đối với cấp dưới trong nội bộ cơ quan nhà nước. Công tác thanh tra là công tác thường xuyên được thực hiện trên nhiều mặt của các cơ quan, đơn vị. Khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì chuyển cho các cơ quan pháp luật như Công an hay Viện Kiểm sát tiến hành điều tra. Theo một cách hiểu khác, hoạt động kiểm sát chung của Viện kiểm sát là hoạt động "giám sát ngoài" được thực hiện bởi một cơ quan nhà nước độc lập, khác hẳn với hoạt động "giám sát trong" của cơ quan thanh tra hoặc bất cứ một cơ quan nào khác thuộc khối cơ quan hành pháp.
Thực tế thực hiện Hiến pháp trong thời gian vừa qua (2001 đến nay) có thể khẳng định: Sau Viện kiểm sát nhân dân, hiện tại chưa có bất kỳ một cơ quan nào đảm đương, thực hiện tốt chức năng này (trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thời gian từ 2001 đến nay không có một vụ án nào được khởi tố thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hoặc trên phạm vi toàn quốc, vụ thất thoát tài sản tại công ty Vinasin xảy ra trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời, nguyên nhân chính là do không có sự giám sát của Viện kiểm sát.
Về thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp:
Với quy định của Hiến pháp 1992, Viện kiểm sát được giao thực hiện chức năng thực hành quyền công tố Nhà nước,. Với quy định Viện kiểm sát tham gia vào quá trình điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án, bị can và có quyền tự mình khởi tố, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hay đề ra yêu cầu điều tra. Quy định trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; từ đó kiểm tra tính đúng đắn trong các quyết định của cơ quan điều tra về quá trình điều tra, truy tố hay xét xử vụ án hình sự.
Kết quả thực hiện các quy định của Hiến pháp về nguyên tắc cơ bản trong tổ chức bộ máy và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân:
Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì Viện Kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan bao gồm: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Các Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Viện Kiểm sát nhân dân huyện, tỉnh, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Viện Kiểm sát nhân dân tạo thành một hệ thống và tổ chức, hoạt động theo các nguyên tắc do Hiến pháp quy định tại các Điều 138, 139, 140 và ở Chương I Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Đó là các nguyên tắc cơ bản sau:
Viện Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo,Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các địa phương, chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát quân sự trung ương, Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương thành lập Uỷ ban Kiểm sát để thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng theo quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân địa phương... do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức.
Các quy định trên là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.
Kết quả thực hiện các quy định của Hiến pháp về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước:
Điều 139, 140 Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) quy định:
"Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước".
"Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân.".
Quy định như trên, cùng với các quy định khác của Hiến pháp 1992 về mối quan hệ của Viện kiểm sát với các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhìn chung đều phù hợp, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung thêm.
Một số kiến nghị:
Qua thực tế hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng kiến nghị một số vấn đề trong sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp về Viện kiểm sát như sau:
Một số quy định cần giữ nguyên trong Hiến pháp mới:
Giữ nguyên các quy định về vị trí, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát đã quy định trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001), cụ thể là giữ nguyên quy định về thống nhất tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát: Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát cấp trên, Viện kiểm sát các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức năng pháp lý của Viện kiểm sát: Việc quy định các chức danh pháp lý của Viện kiểm sát: Viện trưởng, kiểm sát viên, kiểm tra viên…như hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên, kiểm tra viên (5 năm theo Pháp lệnh kiểm sát viên) là quá ngắn, đồng thời quy định việc bổ nhiệm kiểm sát viên phải thông qua Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên…như hiện nay rất dễ tạo nên tâm lý không yên tâm công tác, cầu toàn, dĩ hòa vi quý, ngại va chạm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các kiểm sát viên, từ đó dẫn đến hiệu quả công việc không thật sự đạt cao như mong muốn.
Việc thành lập Viện kiểm sát khu vực: Theo tinh thần của nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị thì Tòa án là cơ quan trung tâm trong tiến trình cải cách tư pháp, và hiện tại tổ chức bộ máy của cơ quan Tòa án đang được nghiên cứu, tổ chức lại theo hướng thành lập Tòa án cấp sơ thẩm khu vực trên cơ sở hợp nhất một số Tòa án cấp huyện lại. Và theo đó, tổ chức bộ máy của cơ quan Viện kiểm sát cũng phải được thay đổi (thành lập Viện kiểm sát khu vực) cho phù hợp. Tuy nhiên, đặc thù cùa các tỉnh miền núi (trong đó có Cao Bằng) là địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại rất khó khăn nên việc thành lập Viện kiểm sát khu vực như vậy sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát, đặc biệt là công tác kiểm sát trong lĩnh vực hình sự (khám nghiệm, hỏi cung, phúc cung, phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra…).
Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi: Đối với các tỉnh miền núi, biên giới có địa bàn rộng, giao thông không thuận tiện…thì việc thành lập Viện kiểm sát khu vực, không phụ thuộc vào địa giới hành chính cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Thái Hưng