CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND tỉnh Sóc Trăng sơ kết thực hiện Chỉ thị số 03 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự

15/02/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC-VPT1, ngày 19/6/2008 củaViện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự. Sơ kết nhằm đánh giá kết quả công tác kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát, rút ra hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân trong công tác này, đồng thời đề ra giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa về số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự trong thời gian tới...
VKSND tỉnh Sóc Trăng sơ kết thực hiện Chỉ thị số 03 của
Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự
 
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC-VPT1, ngày 19/6/2008 củaViện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự. Sơ kết nhằm đánh giá kết quả công tác kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát, rút ra hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân trong công tác này, đồng thời đề ra giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa về số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự trong thời gian tới.
Theo báo cáo, hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đều đề ra chỉ tiêu phát hiện vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm để kháng nghị phúc thẩm, đây là cơ sở đánh giá kết quả thi đua đối với các phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát cấp huyện. Từ 01/7/2008 đến 30/11/2011, Tòa án hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã xét xử 1587 vụ án hình sự. Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát đã ban hành 58 kháng nghị phúc thẩm (53 kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện, 05 kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh). Trong đó, Viện kiểm sát tỉnh kháng nghị 36 vụ, Viện kiểm sát cấp huyện kháng nghị 22 vụ. Kết quả, Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 97 bị cáo, chấp nhận kháng nghị 95 bị cáo, đạt tỷ lệ 97,93%.
Thời gian qua, công tác kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát đã góp phần khắc phục vi phạm trong các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án. Nhiều trường hợp Tòa án có cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm hoặc xét xử không đúng khung hình phạt, áp dụng không đúng pháp luật đã được Viện kiểm sát phát hiện kháng nghị kịp thời và được Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị. Hầu hết kháng nghị phúc thẩm tập trung vào các loại tội “Tội cố ý gây thương tích”, “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, “Tội trộm cắp tài sản”,…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Sóc Trăng còn bộc lộ một số thiếu sót cần khắc phục như: Có tư tưởng nể nang, ngại va chạm nên một số vụ Tòa án có vi phạm nhưng Viện kiểm sát không kháng nghị; do nhận thức chưa đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác kháng nghị, nhiều đơn vị chưa nghiên cứu kỹ chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các quy định của pháp luật, nên còn lúng túng khi xem xét quyết định kháng nghị, nếu kháng nghị không được chấp nhận sẽ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị; Một nguyên nhân khách quan khác là Tòa án gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát cùng cấp chậm, quá hạn luật định đã ảnh hưởng đến quyền kháng nghị của Viện kiểm sát.
Về số lượng kháng nghị phúc thẩm chiếm tỷ lệ thấp so với số bản án bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy, sửa án do có sai sót trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật.
Nhằm nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân tỉnh Sóc Trăng đề ra giải pháp sau để quán triệt, thực hiện:
Tăng cường trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát hai cấp và Trưởng phòng nghiệp vụ cấp tỉnh trong công tác kháng nghị phúc thẩm; Tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ của Kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự; Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử chú ý kịp thời phát hiện vi phạm của Tòa án tại phiên tòa sơ thẩm để kháng nghị phúc thẩm. Tăng cường công tác kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm; Viện kiểm sát cấp dưới gửi đầy đủ và đúng hạn bản án, quyết định sơ thẩm kèm theo phiếu kiểm sát bản án cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm; Thực hiện đúng quyền hạn của Viện kiểm sát để kháng nghị đối với những bản án sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng; Kháng nghị phải đảm bảo chuẩn xác về hình thức, căn cứ áp dụng pháp luật, chặt chẽ về nội dung.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị: Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên mở lớp tập huấn cho Kiểm sát viên về kỹ năng thực hành quyền công tố và kinh nghiệm phát hiện vi phạm của Tòa án để làm tốt công tác kháng nghị nói chung và kháng nghị phúc thẩm nói riêng.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phối hợp với cơ quan Tư pháp Trung ương hướng dẫn một số quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự “Gây thiệt hại không lớn”; Điểm h, Khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự “Trường hợp ít nghiêm trọng”; Điểm e, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” … vì đến nay vẫn chưa được hướng dẫn để áp dụng thống nhất.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu và sớm trả lời các báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân địa phương; kiên quyết bảo vệ những quan điểm phù hợp quy định của pháp luật để tạo niềm tin và là tiền đề cho Viện kiểm sát địa phương thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm đạt hiệu quả và chất lượng.
Thanh Tâm 
Tìm kiếm