Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma tuý được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao theo dõi, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 01 VKSNDTC- BCA- TANDTC- Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Qua một năm thực hiện Thông tư số 01 cho thấy nhận thức của cơ quan và người tiến hành tố tụng đã có sự chuyển biến tích cực; chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã được nâng cao rõ rệt, góp phần hạn chế tỷ lệ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng...
KẾT QUẢ MỘT NĂM THỰC HIỆN THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 01 VỀ TRẢ HỒ SƠ ĐỂ ĐIỀU TRA BỔ SUNG GIỮA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG
Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma tuý được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao theo dõi, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 01 VKSNDTC- BCA- TANDTC- Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Qua một năm thực hiện Thông tư số 01 cho thấy nhận thức của cơ quan và người tiến hành tố tụng đã có sự chuyển biến tích cực; chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã được nâng cao rõ rệt, góp phần hạn chế tỷ lệ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Thông tư số 01 quy định cụ thể điều kiện, trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với từng cơ quan và người tiến hành tố tụng được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án hình sự. Trên cơ sở đó, các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán phải nghiên cứu hồ sơ vụ án thận trọng, kỹ lưỡng để đánh giá đầy đủ, đúng đắn các chứng cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc xử lý vụ án, đặc biệt hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết vụ án không cần thiết. Do đó, tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng năm 2011 đã giảm hơn so với trước khi có Thông tư.
Tuy nhiên, khi thực hiện Thông tư số 01, phần lớn các đơn vị nhận thức về cách tính tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 01, dẫn đến thống kê tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung cao. Nhiều đơn vị khi tính tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ đã lấy số vụ trả hồ sơ chia cho số vụ Cơ quan điều tra đề nghị truy tố và số vụ Viện kiểm sát truy tố, mà không trừ đi số vụ Viện kiểm sát và Toà án trả hồ sơ không có căn cứ, dẫn đến tỷ lệ trả hồ sơ cao. Do đó, khi phân tích các lý do trả hồ sơ đã không tách số liệu để phân tích đối với những vụ trả có căn cứ. Theo đó, cũng chưa có số liệu cụ thể phân định rõ trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, mà chỉ phân tích, đánh giá trách nhiệm chung chung. Một số địa phương đã phân tích, đánh giá và có số liệu cụ thể phân định được trách nhiệm như: Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre…
Năm 2011, Viện kiểm sát các cấp đã trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra chấp nhận đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố chiếm tỷ lệ 2,05%(giảm 0,14% so với cùng kỳ năm 2010).
Nhiều đơn vị đã có những biện pháp cải tiến và nỗ lực nhằm hạn chế tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đáng chú ý Viện kiểm sát tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng là hai đơn vị không có án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Một số đơn vị có tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thấp như: Tây Ninh 0,1%; Ninh Bình 0,18%; Thừa Thiên - Huế 0,19%; Tuyên Quang 0,2%; Hà Tĩnh 0,23%; An Giang, Điện Biên 0,29%; Lai Châu…
Toà án các cấp trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát chấp nhận, đã truy tố và chuyển hồ sơ đến Toà án để xét xử, chiếm tỷ lệ 2,24%. So với năm 2010 giảm 1,75%.
Năm 2011, Viện kiểm sát tỉnh Hậu Giang là đơn vị không có vụ án nào Viện kiểm sát truy tố mà bị Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Một số địa phương có tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thấp dưới 1%, như: An Giang 0,14%; Sóc Trăng 0,33%; Lai Châu 0,35%; Phú Thọ 0,36%; Lào Cai 0,45%; Tây Ninh 0,49%; Hà Tĩnh 0,51%; Trà Vinh 0,59…
Nhìn chung, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung năm 2011 đều giảm so với cùng kỳ năm 2010 (số vụ Viện kiểm sát trả Cơ quan điều tra giảm 0,15%; số vụ Toà án trả Viện kiểm sát để điều tra bổ sung giảm 1,75%), trong đó có một số địa phương cả hai chỉ tiêu này cùng giảm như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Hà Tĩnh... Số vụ trả hồ sơ vì thiếu chứng cứ quan trọng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Đáng chú ý, số vụ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vẫn xảy ra và có chiều hướng tăng. Bên cạnh những đơn vị hạ thấp được tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì một số nơi tỷ lệ tăng so với năm 2010 như: Bắc Kạn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An…
Đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến việc trả hồ sơ điều tra bổ sung thì: Nguyên nhân khách quan là do tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều vụ phát hiện, khởi tố bị can phạm tội là người nước ngoài, đối tượng ngoại tỉnh, sống lang thang không nơi cư trú rõ ràng. Quy mô, tính chất thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, nhiều vụ án phạm tội có tổ chức, nhiều đối tượng tham gia nên việc điều tra, xác minh gặp khó khăn trong khi thời hạn điều tra vụ án theo luật định là không đủ thời gian.
Lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập của nước ta, nhiều loại tội phạm mới, công nghệ cao liên quan đến các hoạt động kinh tế, kỹ thuật chuyên ngành rất phức tạp hoặc có liên quan đến nước ngoài... trong khi hoạt động giám định ở các lĩnh vực này chưa đồng bộ, chưa đủ phương tiện kỹ thuật và con người... dẫn đến khó khăn và kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Công tác xây dựng, giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa kịp thời, chung chung. Một số điều luật của BLHS năm 1999 còn quy định tội ghép, dẫn đến việc nhận thức của một số Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán chưa thống nhất. Việc thực hiện Nghị Quyết 388 đã phần nào tạo tâm lý thận trọng cho một số Kiểm sát viên và Thẩm phán trong đấu tranh, xử lý tội phạm, dẫn đến tìm lý do để trả hồ sơ, mặc dù lý do đó không thực sự cần thiết và thậm chí thiếu căn cứ.
* Về nguyên nhân thuộc trách nhiệm của người tiến hành tố tụng được thể hiện cụ thể như sau:
Nguyên nhân thuộc trách nhiệmcủa Điều tra viên và Cơ quan điều tra: Năng lực, trình độ, kinh nghiệm của Điều tra viên còn hạn chế, có vụ Điều tra viên thụ lý điều tra vụ án chưa làm hết trách nhiệm của mình để bảo đảm việc điều tra khách quan, toàn diện và đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có trường hợp còn phiến diện trong đánh giá chứng cứ, chủ quan, thoả mãn với những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, bỏ lọt tội phạm; không thực hiện nghiêm túc yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên và Viện kiểm sát. Một số vụ án lớn, phức tạp, Cơ quan điều tra chưa thật sâu sát kiểm tra để đôn đốc, yêu cầu Điều tra viên thu thập, đánh giá chứng cứ trong giai đoạn điều tra và điều tra bổ sung. Việc chỉ đạo tổng hợp, đánh giá chứng cứ trong các vụ án lớn, phức tạp hiệu quả còn chưa cao.
Nguyên nhân thuộc trách nhiệmcủa Kiểm sát viên và đơn vị: Trách nhiệm chủ yếu là do Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát điều tra đã không đề ra yêu cầu điều tra hoặc có yêu cầu điều tra nhưng Điều tra viên không thực hiện đầy đủ, Kiểm sát viên không kịp thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện yêu cầu điều tra của Điều tra viên. Qua tổng kết cho thấy nhiều vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung do thiếu sót trong công tác chứng minh nhất là chứng cứ buộc tội không đầy đủ, toàn diện, bỏ sót chứng cứ trong quá trình điều tra cũng như trong giai đoạn truy tố. Một số Kiểm sát viên do trình độ còn hạn chế, chưa chủ động nghiên cứu hồ sơ, chưa tích cực nắm chắc tiến độ, kết quả điều tra và việc lập hồ sơ vụ án ngay từ đầu và trong quá trình điều tra để đề ra yêu cầu điều tra toàn diện, đúng với thực tế vụ án. Có trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung do Kiểm sát viên sau khi vụ án kết thúc điều tra mới nghiên cứu hồ sơ và phát hiện ra các vấn đề cần điều tra bổ sung. Đối với các vụ án lớn, phức tạp, một số đơn vị nghiệp vụ và Viện kiểm sát địa phương chưa thật sâu sát yêu cầu Kiểm sát viên nắm chắc hồ sơ vụ án, tiến độ điều tra ngay trong quá trình điều tra vụ án để đề ra yêu cầu điều tra có chất lượng, nhằm củng cố chứng cứ buộc tội, gỡ tội đầy đủ, kịp thời; việc phân công Kiểm sát viên thụ lý trong nhiều trường hợp chưa phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm; chậm phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu hoặc việc không thực hiện nghiêm túc các thủ tục tố tụng để yêu cầu khắc phục bổ sung ngay trong quá trình điều tra vụ án.
Nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Thẩm phán và lãnh đạo Toà án: Việc Toà án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong đó có trách nhiệm của Toà án và Thẩm phán.
Trách nhiệm chủ yếu là do một số Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà xét xử sơ thẩm chưa thật nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; việc đánh giá chứng cứ chưa toàn diện; chưa thực sự phối hợp nên hồ sơ chỉ thiếu sót đơn giản có thể khắc phục được hoặc không cần thiết phải trả hồ sơ nhưng Toà án vẫn trả, dẫn đến Viện kiểm sát không chấp nhận và khi đưa ra xét xử Toà án tuyên các bị cáo phạm tội theo quyết định truy tố của Viện kiểm sát; có trường hợp do nặng về thành tích, do quá thận trọng trong việc giải quyết án vì sợ trách nhiệm; hết thời hạn chuẩn bị xét xử, do áp lực công việc nhiều, nên đã trả hồ sơ không có căn cứ pháp luật. Đáng lưu ý, có vụ trả nhiều lần hoặc mỗi lần trả lại yêu cầu điều tra bổ sung những vấn đề khác nhau hoặc có những vụ Viện kiểm sát đã thể hiện quan điểm truy tố trong phối hợp nhưng Toà án vẫn ra quyết định trả hồ sơ và chỉ sau khi VKS có công văn giữ nguyên quan điểm truy tố thì Toà án mới đưa vụ án ra xét xử. Đối với các vụ án Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung không có căn cứ, Viện kiểm sát không chấp nhận điều tra bổ sung và có công văn giữ nguyên quan điểm truy tố, Toà án đã xét xử, do vậy trách nhiệm trước hết thuộc về Thẩm phán chủ toạ phiên toà, sau đến trách nhiệm của Toà án địa phương đã không chỉ đạo sâu sát và có biện pháp khắc phục hiện tượng này.
Nguyên nhân trong công tác phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng
Công tác chỉ đạo, điều hành trong các cơ quan tiến hành tố tụng chưa được quan tâm đúng mức, chưa thật sâu sát. Việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo tố tụng.
Trong quá trình giải quyết một số vụ án, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa tốt, và chưa kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm đối với các vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Do nhận thức và quan điểm đánh giá về chứng cứ quan trọng, tội danh, đường lối xử lý trong các vụ án bị trả điều tra bổ sung, nhất là những vụ án lớn, phức tạp còn thiếu thống nhất của cơ quan và người tiến hành tố tụng.
Như vậy,trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, dù vụ án do Viện kiểm sát hay Toà án trả, trước hết vẫn thuộc về Kiểm sát viên thụ lý kiểm sát điều tra. Quan hệ phối hợp giữa Kiểm sát viên với Điều tra viên, Thẩm phán chưa chặt chẽ, có những vướng mắc trong việc đánh giá chứng cứ, tội danh đối với một số vụ án phức tạp, nhưng chưa được trao đổi, thống nhất trước khi kết thúc điều tra và đến khi kết thúc mới tổ chức họp liên ngành bàn biện pháp giải quyết dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bên cạnh đó, nhiều lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung như trưng cầu giám định trong trường hợp theo quy định của pháp luật bắt buộc phải trưng cầu giám định, việc xác định những vấn đề quan trọng về nhân thân của bị can, bị cáo hoặc độ tuổi của bị hại trong một số loại án... đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1C) tổng hợp, rút kinh nghiệm qua Chuyên đề từng năm nhưng những thiếu sót, vi phạm này vẫn lặp lại ở một số địa phương.
*Về các biện pháp, kiến nghị để thực hiện tốt Thông tư số 01 trong thời gian tới: Để hạn chế tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương cần quán triệt và nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của Thông tư số 01, lưu ý thực hiện đúng quy định tại Điều 11 về quản lý việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Điều 12 xác định trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, sáu tháng, một năm từng cơ quan tiến hành tố tụng phải tự đánh giá, đối chiếu xác định đúng số vụ trả hồ sơ để điều tra bổ sung và gửi danh sách có tiếp ký về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1C) để tổng hợp, theo dõi, quản lý theo mẫu phụ lục 7 và 8 gửi kèm Báo cáo số 114.
(Theo tham luận của Vụ 1C - Thái Hưng đưa tin)