CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội

17/04/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Tình hình vi phạm, tội phạm liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:...

Tình hình vi phạm, tội phạm liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Do các mâu thuẫn bột phát trong đời sống, trong quan hệ gia đình, bạn bè, hàng xóm, vợ chồng, ghen tuông hoặc vi phạm do tác động của việc sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu, bia..., cho đến những khó khăn về kinh tế đã tạo ra tâm lý tiêu cực, những hành vi lệch chuẩn, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, từ đó nảy sinh các hành vi bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.

Một số kinh nghiệm qua thực tiễn giải quyết các vụ án bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em của Viện KSND thành phố Hà Nội trong công tác THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm các vụ án:

- Xác định những vụ án bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đều để lại hậu quả rất nặng nề. Người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh; đồng thời người bị hại, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng, sống biệt lập trong một thế giới riêng. Do đó, để góp phần ngăn chặn tệ nạn bạo lực, các cơ quan pháp luật trên địa bàn Thủ đô đã chủ động nắm tình hình và có kế hoạch phối hợp ngay từ giai đoạn điều tra để giải quyết nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, án điểm, vụ án được dư luận xã hội quan tâm để tập trung giải quyết nhanh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

 - Đối với các vụ án bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, Viện KSND thành phố Hà Nội đã chủ động phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm để giải quyết. Kiểm sát viên đã bám sát quá trình giải quyết của Cơ quan điều tra, thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Viện về tiến độ giải quyết vụ án, các vấn đề mới phát sinh.

- Với vai trò là Cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án, Viện KSND thành phố Hà Nội luôn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đó là: Bảo đảm để bị hại được thực hiện đầy đủ quyền và bổn phận của mình; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị hại đặc biệt là trẻ em; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em... ; kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử người giám hộ, người đại diện, người thực hiện trợ giúp pháp lý, người bào chữa, bào chữa viên nhân dân để tham gia tố tụng đối với bị hại là trẻ em.

- Viện KSND thành phố Hà Nội đã phối hợp với Cơ quan điều tra tiến hành ghi lời khai người bị hại đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh gia đình, để có cách thức tiếp cận phù hợp, qua đó làm rõ nguyên nhân mâu thuẫn, điều kiện phát sinh tội phạm để đưa ra hướng đề xuất xử lý đúng người, đúng tội đảm bảo thấu tính đạt lý và tính giáo dục cao.

- Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, về quyền của phụ nữ và trẻ em; hành vi bạo lực nói chung và bạo lực về tình dục nói riêng phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; nạn nhân bạo lực được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Xuất phát từ đặc trưng của các vụ án bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em là các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, trong quá trình giải quyết các vụ án này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

- Các tội liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra chủ yếu tập trung ở các tội: Cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em; đặc biệt còn có tội giết người mà nạn nhân là trẻ em... các đối tượng phạm tội đều là nam giới, ở nhiều độ tuổi khác nhau, thường sử dụng bạo lực như đe dọa, đánh đập, giam giữ nạn nhân, ép nạn nhân phải thực hiện theo yêu cầu của mình, một số trường hợp có hành vi dụ dỗ và dọa nạt, lợi dụng nạn nhân thiếu hiểu biết nhận thức hoặc không có khả năng tự bảo vệ nên không dám tố cáo hành vi của mình. Nạn nhân là phụ nữ và trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau; có hoàn cảnh khó khăn về về kinh tế, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người lớn, thiếu sự hiểu biết. Có nạn nhân mới chỉ 06 - 07 tuổi, chưa có khả năng nhận biết về các hành vi đồi bại mà các em đang phải hứng chịu từ chính những người có quen biết hoặc người thân trong gia đình.

- Trong một số vụ án về hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, việc xác định tuổi của người bị hại gặp nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không xác định được chính xác tuổi của người bị hại để xác định người bị hại có phải là trẻ em hay không. Có trường hợp bị hại không có giấy khai sinh gốc, hoặc có giấy khai sinh nhưng ngày, tháng, năm sinh không chính xác hoặc giấy khai sinh chỉ ghi năm sinh. Có vụ án cha mẹ người bị hại nhớ nhầm ngày sinh của người bị hại (ngày âm lịch, ngày dương lịch).

- Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 145, 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với người đủ 18 tuổi.

- Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử đối tượng về tội danh gì trong các tội xâm hại tình dục trẻ em, thì cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế, có nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em nhưng không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, gia đình biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết do lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em, dẫn đến trình báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng, nên đã vô tình tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết. Có một số trường hợp, sau khi bị xâm hại tình dục suốt một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi.

- Đặc trưng cơ bản của hành vi bạo lực gia đình là hành vi của các thành viên trong gia đình gây tổn hại cho nhau. Do đó, khi xảy ra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em thì thường được hòa giải hoặc giải quyết nội bộ trong gia đình, chứ không có đơn trình báo tới các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Vì vậy rất khó khăn cho công tác nắm tin báo, tố giác về tội phạm. Một số tội như: Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 145, 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với người đủ 18 tuổi.

- Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử đối tượng về tội danh gì trong các tội xâm hại tình dục trẻ em, thì cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế, có nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em nhưng không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, gia đình biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết do lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em, dẫn đến trình báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng, nên đã vô tình tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết. Có một số trường hợp, sau khi bị xâm hại tình dục suốt một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi.

- Về phía các nạn nhân của nạn bạo lực phụ nữ, trẻ em, do không nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh mà cam chịu bạo lực dẫn đến quá trình đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của các bị can gặp khó khăn (bị can không nhận tội, bị hại không hợp tác điều tra); vụ án xảy ra ở nơi vắng vẻ, chỉ có đối tượng và nạn nhân tại hiện trường, không có nhân chứng trực tiếp. Do vậy, việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn.

- Người có hành vi phạm tội và người bị hại thường có quan hệ thân thích hoặc quan hệ phụ thuộc, như: Vợ - chồng, cha - con, con nợ - chủ nợ… mà người bị hại vì quan hệ tình cảm hoặc vì bị đe dọa trả thù mà không dám đứng ra tố cáo người có hành vi phạm tội hoặc không hợp tác với cơ quan điều tra để lấy lời khai, không đi giám định thương tích …

- Việc chưa kiểm soát chặt chẽ các trang web đồi trụy, bạo lực ... đã dẫn đến hệ quả là một bộ phận đối tượng nam giới bị kích thích ham muốn tình dục mạnh và bạo lực. Để thỏa mãn nhu cầu, họ sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội, phụ nữ và trẻ em là đối tượng bị hướng tới nhiều nhất bởi họ là những đối tượng yếu đuối và ngây thơ, không có năng lực tự bảo vệ.

Giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án vụ án bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em:

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo ngành dọc của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin giữa hai cơ quan với nhau nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quan hệ phối hợp. Lãnh đạo Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cần nắm chắc các nguồn tin về tội phạm sử dụng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, từ đó, chỉ đạo kịp thời cán bộ trong công tác phối hợp liên ngành. Đồng thời, lãnh đạo hai cơ quan cần tăng cường trao đổi thông tin, kịp thời định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp, nhất là những vụ án phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

 - Trên cơ sở các quy định của pháp luật, Viện kiểm sát các cấp cần tăng cường phối hợp với Cơ quan điều tra và các cơ quan hữu quan khác để thu thập đầy đủ chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ vụ án; thường xuyên trao đổi, thống nhất nhận thức về các quy định của pháp luật cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án, nhằm đảm bảo xét xử, giải quyết các vụ án liên quan đến bạo lực đúng pháp luật.

 - Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và trình độ cho cán bộ, Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán. Thường xuyên tổ chức việc trao đổi, rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ án xâm hại phụ nữ và trẻ em ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm.

- Liên ngành tố tụng Trung ương cần thường xuyên tổ chức việc trao đổi, rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em trong toàn ngành. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lợp bồi dưỡng chuyên sâu đối với cán bộ, Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án này.

- Cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới ... nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội để định hình nhận thức; phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.

Lê Thị Hồng Nhung, Phòng 2, VKSND TP Hà Nội

(Theo Trang thông tin điện tử VKSND thành phố Hà Nội)

 

 

Tìm kiếm