CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Bàn về việc phân loại tội phạm trong pháp luật hình sự

26/09/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay, tội phạm được khái nệm, phân loại và quy định cụ thể tại Điều 8 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây gọi và viết tắt là BLHS)...
Bàn về việc phân loại tội phạm trong pháp luật hình sự
 
Trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay, tội phạm được khái nệm, phân loại và quy định cụ thể tại Điều 8 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây gọi và viết tắt là BLHS).
Tại khoản 1 Điều 8 BLHS có nêu khái niệm về tội phạm:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.”
Nhà làm luật cũng đã phân loại tội phạm ra thành 04 loại cụ thể (quy định tại Khoản 2 Điều 8 BLHS), lần lượt theo thứ tự từ ít nguy hại cho xã hội nhất đến mức nguy hại cao nhất đó là: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người phạm tội đã thực hiện và đã cấu thành tội phạm thì tội phạm đó sẽ được phân loại vào một loại tội phạm cụ thể, tương ứng với nó.
Và để quy định rõ hơn về từng loại tội phạm cụ thể, các nhà làm luật cũng đã nêu ra khái niệm về từng loại tội phạm tại Khoản 3 Điều 8 BLHS. Theo đó:
“Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”.
Việc các nhà làm luật đưa ra các quy định để xác định một tội phạm thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) và tội đặc biệt nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình), theo chúng tôi là đầy đủ, rõ ràng và chính xác. Tuy nhiên, về quy định để xác định một tội phạm nào đó có thuộc tội nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng còn chưa rõ ràng, cụ thể dẫn tới việc hiểu và áp dụng pháp luật trên thực tế còn khác nhau, gây tranh cãi. Cụ thể:  
1. Về tội nghiêm trọng: nhà làm luật nêu lên khái niệm “Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù;”. Khái niệm này làm phát sinh hai cách hiểu khác nhau.
1.1 Cách hiểu thứ nhất: một tội phạm được coi là tội phạm nghiêm trọng khi và chỉ khi tội phạm đó có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy có quy định đến và phải đến bảy năm tù.
Ví dụ: Tội đe dọa giết người quy định tại Khoản 2 Điều 103 BLHS, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 2 Điều 104), Tội trộm cắp tài sản (Khoản 2 Điều 138), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Khoản 2 Điều 139)… đều có khung hình phạt từ hai năm đến mức cao nhất là bảy năm tù nên là loại tội phạm nghiêm trọng.
Còn đối với một số tội phạm khác có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy có quy định chưa đến bảy năm tù, mặc dù có cao hơn 03 năm tù, tức là cao hơn mức cao nhất của loại tội phạm ít nghiêm trọng (loại tội phạm nhẹ hơn liền kề), thì nó cũng không thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, bởi lẽ mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy chưa đến bảy năm tù theo quy định.
Ví dụ: Tội giao cấu với trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 115 BLHS, Tội Cướp giật tài sản (Khoản 1 Điều 136), Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Khoản 1 Điều 249)… đều có mức án cao nhất cho khung hình phạt đối với tội phạm ấy là đến 05 năm tù. Tức là chưa đến 07 năm tù theo quy định nên không thuộc trường hợp là loại tội phạm nghiêm trọng mà chỉ là loại tội phạm ít nghiêm trọng theo nguyên tắc suy đoán vô tội, suy đoán có lợi cho bị cáo được ưu tiên áp dụng trong pháp luật hình sự (khi không có quy định hoặc chứng cứ chứng minh).
1.2 Cách hiểu thứ hai: Một tội phạm được coi là tội phạm nghiêm trọng khi tội phạm đó có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy từ trên ba năm tù (từ ba năm tù trở xuống là thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng) cho đến bảy năm tù. Có nghĩa là tất cả những tội phạm mà mức án cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy là từ bảy năm tù chở xuống đến trên ba năm tù thì đều thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.
Ví dụ, các tội như: Tội vô ý làm chết người quy định tại Khoản 1 Điều 99 BLHS có mức án cao nhất cho khung hình phạt đối với tội phạm ấy là đến 06 năm tù; Tội giao cấu với trẻ em (Khoản 1 Điều 115), Tội Cướp giật tài sản (Khoản 1 Điều 136), Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Khoản 1 Điều 249)… đều có mức án cao nhất cho khung hình phạt đối với tội phạm ấy là đến 05 năm tù… nên đều là loại tội nghiêm trong do mức án cao nhất của khung hình phạt đối với các tội phạm ấy đều trên ba năm tù nhưng cũng chưa quá bảy năm tù.
2. Về tội rất nghiêm trọng: cũng có hai cách hiểu tương tự như tội phạm nghiêm trọng.
3. Riêng đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng, mặc dù trong BLHS năm 1999 có một số điều luật có quy định mức án cao nhất của khung hình phạt đối với các tội phạm ấy cũng không đến 03 năm tù nhưng tất cả đều thống nhất hiểu là tội phạm ít nghiêm trọng bởi lẽ đó là loại tội phạm nhẹ nhất trong 04 loại tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam (tức là không thể thuộc loại tội phạm khác).
Ví dụ: Tội giết con mới đẻ quy định tại Khoản 1 Điều 94 BLHS, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Khoản 1 Điều 96), Tội hành hạ người khác (Khoản 1 Điều 110), Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 121), Tội vu khống (Khoản 1 Điều 122), Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Khoản 1 Điều 123)… đều chỉ có mức án cao nhất của khung hình phạt đối với các tội phạm ấy là đến hai năm tù (chưa đến mức ba năm tù theo quy định).
Theo quan điểm của chúng tôi, nếu dựa vào nguyên văn câu chữ thì cách hiểu thứ nhất là chính xác, có căn cứ hơn cách hiểu thứ hai. Đồng thời nó cũng phù hợp với nguyên tắc suy đoán theo hướng vô tội, có lợi cho người phạm tội trong pháp luật hình sự.
Tuy nhiên nếu hiểu theo cách thứ nhất thì việc quy định một tội phạm cụ thể trong một số trường hợp lại không hợp lô gíc. Bởi một tội phạm có khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm đó cao hơn mức án tối đa của khung hình phạt nhẹ hơn liền kề vẫn thuộc loại tội phạm nhẹ hơnliền kề là không hợp lí và cũng không phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 8 BLHS (đã quy định mức án cao nhất cho khung hình phạt, nay lại có tội có mức án cao nhất vượt “trần” nhưng vẫn thuộc loại tội phạm đó là có mâu thuẫn).
Vì vậy, để có cách hiểu thống nhất về quy định của hai loại tội phạm này, chúng tôi kiến nghị sửa đổi lời văn tại Khoản 3 Điều 8 BLHS hiện hành lại như sau: 
“Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên ba năm tù đến bảy năm tù; Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên bảy năm tù đến mười lăm năm tù; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”.
Đỗ Văn Tạo
 
Tìm kiếm