CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lập luận của Kiểm sát viên và những cái cúi đầu nhận tội

12/04/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Phiên tòa xét xử các cựu tướng công an trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong ngành Công an, liên quan tới Vũ “nhôm”...

Phiên tòa xét xử các cựu tướng công an trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong ngành Công an, liên quan tới Vũ “nhôm”đã khép lại, trước khi HĐXX tuyên án được nói lời sau cùng, cả 5 bị cáo đều cúi đầu nhận tội. Trong khi, diễn biến trước đó, các bị cáo đều một mực cho rằng, họ không tư lợi trong các thương vụ bán nhà đất công cho Vũ “nhôm”.

Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội), một trong những thành viên Tổ công tố tham gia phiên xét xử kể lại, khi đại diện VKS công bố bản luận tội và nói: Nếu các bị cáo vẫn một mực cho rằng các bị cáo vô tội bởi lí do các bị cáo không được hưởng tư lợi gì, trong khi hành vi của các bị cáo gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước, cho nhân dân. Đây là hành vi vô cảm với trách nhiệm xã hội, vô cảm với nhà nước, với nhân dân... Và sau những lý lẽ thuyết phục của đại diện VKS, các bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình.

             Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường - Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội tham gia tranh luận tại phiên tòa

Theo nội dung cáo trạng: Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2016, trên cơ sở đề xuất của Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Hữu Bách đã tham mưu để Phan Hữu Tuấn duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng, UBND TP. Hồ Chí Minh và một số cơ quan, đơn vị, đề nghị tạo điều kiện cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79 được nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất không qua đấu giá, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi và một số ưu đãi khác... tại 7 nhà, đất công sản, dự án bất động sản. Với tổng diện tích 6.723,87m2 nhà và 26.759,9m2 đất, tổng trị giá là 2.517 tỷ đồng. Những trang tài liệu đóng dấu “Mật” 

Theo cáo trạng, bị can Phan Văn Anh Vũ lợi dụng danh nghĩa phục vụ công tác nghiệp vụ, với sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn thông qua các văn bản nghiệp vụ để được thuê, nhận chuyển nhượng các bất động sản không phải qua đấu giá, trái quy định của Nhà nước. Sau khi thực hiện được việc thuê, mua hoặc chuyển nhượng các dự án nhà đất này, Phan Văn Anh Vũ không dùng vào mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ mà chuyển thành tài sản mang tên cá nhân mình hoặc người thân trong gia đình hoặc chuyển nhượng, liên doanh với người khác nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, với tổng số tiền là: 1.159 tỉ đồng. Cáo trạng xác định các bị can này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giúp sức tích cực cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm các dự án nhà, đất công sản tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi bản cáo trạng được công bố, các bị cáo và luật sư đều một mực cho rằng, hành vi của mình không phạm tội. Cá biệt, luật sư của bị cáo Trần Việt Tân còn cho rằng bị cáo vô tội. 

Trao đổi với PV, Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường cho biết: Trong vụ án này, các bị cáo đều nắm giữ chức vụ cao trong ngành Công an, đặc biệt lại là vị trí “ nhạy cảm”, đó là bên tình báo. Bản thân các bị cáo cũng đã bị kết án trong vụ án khác với tội danh “Làm lộ bí mật nhà nước”, vì vậy, việc tiếp cận các hồ sơ vụ án, và những bản tài liệu đóng dấu mật cũng là một khó khăn cho cơ quan tố tụng trong việc buộc tội các bị cáo. Luận điệu các bị cáo đưa ra đều lấy lí do “công ty bình phong của Bộ Công an” để bao biện cho hành vi của mình. 

Đặc biệt, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Bộ Công an thì cho rằng việc xuống bút ký các văn bản để “ưu ái” cho Vũ “nhôm” xuất phát từ mục đích tốt đẹp là mong muốn “công ty bình phong” sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế, tạo tiềm lực kinh tế cho ngành Công an, và phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, các bị cáo cho rằng, bản thân không vụ lợi, nên không thể bị quy vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Khi đó, đứng trên quan điểm của VKS, tổ công tố đã đưa ra ý kiến: Bản thân các bị cáo đều cho rằng đây là hoạt động của công ty bình phong, là hoạt động bí mật. Nhưng tại sao đi đâu các bị cáo cũng mang danh “công ty bình phong” ra để xin tạo điều kiện, xin ưu đãi. Đây không phải là cách làm bí mật, mà đã công khai hoạt động. Việc đưa thông tin “công ty bình phong” chỉ là cái cớ để được hưởng ưu đãi. 

VKS bác luận điệu “không vụ lợi”, không có tội của các bị cáo

Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường nhớ lại: Trong phiên tòa xét xử, trước những tài liệu đưa ra, khi không dùng được quan điểm “công ty bình phong” để bao biện cho hành vi phạm tội của mình, các bị cáo nguyên lãnh đạo Bộ Công an nhất mực khẳng định, bản thân không vụ lợi khi tạo điều kiện cho công ty của Vũ “nhôm” mua và thuê đất công với giá rẻ, vì vậy, các bị cáo phủ nhận vai trò đồng phạm của mình với Vũ “nhôm” trong vụ án.

Khi đó, tài liệu để chứng minh các bị cáo được hưởng lợi cụ thể trong những văn bản đề xuất và ký bán, cho thuê nhà đất giá rẻ cho Vũ “nhôm” không thể hiện cụ thể. Tuy nhiên, Kiểm sát viên khẳng định: Việc ký văn bản với bất kỳ mục đích nào cũng là sai, các bị cáo không hưởng lợi không có nghĩa là các bị cáo không sai. 

Tại phiên tòa, đại diện VKS đã đưa ra những dẫn chứng thể hiện các bị cáo nguyên là lãnh đạo đầu ngành của Bộ Công an luôn tạo điều kiện tốt nhất, kể cả có lý và phi lý để những tài sản đất công bằng mọi cách đều rơi vào tay Vũ “nhôm”. Các văn bản đề nghị, đề xuất, phê duyệt chủ trương đều thể hiện các bị cáo đã “sốt sắng” theo kịch bản của Vũ “nhôm” đưa ra. Bất kể khi nào Vũ “nhôm” yêu cầu văn bản nào cũng đều được các bị cáo đáp ứng. 

Với quan điểm kiên quyết đấu tranh, đại diện VKS đưa ra ý kiến: Tất cả các bị cáo đều cho rằng, hành vi của mình xuất phát từ mong muốn phát triển công ty bình phong. Tuy nhiên, thử hỏi với cung cách làm việc như vậy, công ty có phát triển được không? Phát triển thế nào khi các nguồn lợi đều chỉ trông đợi vào việc “mua rẻ” đất công để bán kiếm lợi. Đặt giả thiết, có một “phép màu” để công ty phát triển kinh tế, lớn mạnh như kỳ vọng của các bị cáo, thì nguồn kinh tế đó có quay về phục vụ ngành Công an hay không? Bởi thực chất, nhìn vào quá trình hoạt động của công ty thì thấy rõ, nguồn lợi nhuận chỉ một vài cá nhân được hưởng. Thể hiện rõ nhất, tài sản đất công bán thấp hơn giá thị trường nhưng sau đó đều được chuyển hóa thành tài sản cá nhân, cụ thể là tài sản của Vũ “nhôm” và Vũ “nhôm” lại được bán ra ngoài để hưởng lợi. 

Trước lời bào chữa của Phan Văn Anh Vũ: Bị cáo được giao nhiệm vụ phát triển kinh tế, bị cáo đã làm đúng nhiệm vụ được giao. Bị cáo cũng khẳng định, trong vụ án này, từ lãnh đạo cấp bộ, thứ trưởng, đặc biệt người phụ trách trực tiếp bị cáo là trung tướng Phan Hữu Tuấn và đại tá Nguyễn Hữu Bách “hoàn toàn không có tư lợi, không có một vụ lợi gì”. Đại diện VKS đã khẳng định, việc Vũ “nhôm” lợi dụng các mối quan hệ, lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong để mua được nhà đất với giá bán thấp hơn thị trường, đồng thời bị cáo đã chuyển hóa từ tài sản của công ty bình phong thành tài sản của cá nhân để hưởng lợi. Đây không phải cách làm kinh tế cho ngành như mục đích ban đầu đề ra, bởi thực chất nguồn lợi nhuận, ngành Công an không thu về được, mà còn mất đi tài sản là nhà đất, gây thiệt hại kinh tế của nhà nước. 

Các bị cáo cúi đầu ... nhận tội

Kiểm sát viên Đào Thịnh Cường chia sẻ: Nhận thức hành vi phạm tội của các bị cáo có chuyển biến rõ rệt giữa thời điểm trước phiên xét xử đến khi HĐXX tuyên án. Quan điểm của VKS là tôn trọng ý kiến bào chữa của luật sư, của các bị cáo và tranh luận đến cùng theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Có thể, lúc đầu, về mặt nhận thức, các bị cáo cho rằng không tư lợi là không có tội, không cùng hưởng lợi tức là không đồng phạm. Tuy nhiên, trước lập luận của đại diện VKS, các bị cáo đã thay đổi cả về tư duy và nhận thức hành vi phạm tội của mình. 

             Trước lập luận của đại diện VKS, các bị cáo đã thay đổi cả về tư duy và nhận thức hành vi phạm tội của mình

KSV Đào Thịnh Cường cho hay, nói lời sau cùng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho biết, qua phiên tòa, được nghe VKS phân tích, Vũ thấy sai và không chối tội, đổ tội cho cấp trên. “Trong việc này, bị cáo rất ân hận, đã làm liên lụy, ảnh hưởng đến các vị lãnh đạo Bộ Công an”. Nói lời sau cùng, Phan Văn Anh Vũ gửi lời xin lỗi cựu Thứ trưởng Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, các ông Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách cùng gia đình.

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Hữu Bách, bị cáo Phan Hữu Tuấn, bị cáo Trần Việt Tân, đều cúi đầu nhận tội, các bị cáo cho rằng, bản thân đau xót khi đứng trước tòa. Các bị cáo nhận trách nhiệm với tư cách người thủ trưởng cơ quan, làm nhưng không nắm và bao quát được hết công việc, trong đó có công việc của những người anh em, đồng đội ngồi tại phiên tòa với tư cách bị cáo hôm nay.

Bị cáo Bùi Văn Thành trong lời nói sau cùng đã nhìn nhận, ở vị trí Thứ trưởng Bộ Công an giai đoạn 2014 - 2018, trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo, bản thân đã có những sai phạm, nên hôm nay phải chịu hình phạt nặng, phải đứng trước tòa. Bị cáo Thành nói: “Trước khi diễn ra phiên tòa, tôi mất ăn, mất ngủ và không biết những điều tôi định nói, trình bày HĐXX, VKS có nghe hay không. Nhưng trong 3 ngày diễn ra phiên tòa, tôi thấy phiên tòa xét xử công khai, rõ ràng, những điều lo lắng đã được giải tỏa. Tôi thành tâm nhận thấy sai phạm trước tòa”. Ông Thành một lần nữa thừa nhận sai phạm, thừa nhận thiếu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và nhấn mạnh điều đau khổ, day dứt nhất với ông là vụ án đã xảy ra. Vụ án đã ảnh hưởng rất xấu trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an. “Bản thân tôi thấy rất đau xót và thành thật xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành. Tôi tự nhận thấy và hiểu ra rằng, hình phạt nặng nhất chính là đứng đây làm bị cáo, rất nghiêm khắc. Tôi thấy rằng, cái mất lớn nhất của con người là mất danh dự”- bị cáo Thành nói.

Phiên tòa kết thúc, điều đọng lại trong mỗi Kiểm sát viên không phải là mức án mà các bị cáo phải chịu, bởi pháp luật nghiêm minh, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết đúng người, đúng tội; mà thành công của Kiểm sát viên là sự cúi đầu nhận tội của các bị cáo, là những lập luận để các bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình, để tiếp tục rèn luyện, cải tạo. Đồng thời, vụ án được xét xử đã góp phần giáo dục, răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự, và cao hơn là bồi đắp niềm tin vào công lý cho người dân. 

HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”) được đánh giá đặc biệt nguy hiểm, có vai trò chủ mưu, gây hậu quả thiệt hại lớn cho nhà nước với số tiền hàng ngàn tỉ đồng và tuyên phạt mức án 15 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hữu Bách, nguyên Cục phó Cục B61, Tổng cục 5, Bộ Công an, bị tuyên mức án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt của cả vụ án làm lộ bí mật nhà nước từng bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 6 năm tù, trước đó là 11 năm tù. Bị cáo Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 5, Bộ Công an, nhận mức án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. 

Hoàng Thanh - Trần Tâm/baovephapluat

 

 

 

Tìm kiếm