CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thông báo rút kinh nghiệm qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm án hình sự

26/04/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với các vụ án hình sự Nguyễn Hữu Kỳ và đồng bọn - Phạm tội “Cố ý gây thương tích” do Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk xét xử, ngày 13/4/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo. Nội dung vụ án: Do Nguyễn Hữu Kỳ có mâu thuẫn với Phạm Hồng Phúc và Phan Thanh Nhàn, nên vào tối ngày 26/02/2010 Kỳ và Nhàn hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn tại ngã tư gần quán cà phê Phong Lan. Trước khi đi Kỳ gọi điện thoại cho Nguyễn Đức Hiếu, Phạm Nguyễn Quang Nhật, Phạm Duy Trúc, Nguyễn Trọng Quyết, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Thông, Võ Hồng Thiện và Nguyễn Tuấn Vũ đến để giúp Kỳ đánh nhau; phía bên Nhàn và Phúc, thì Phúc gọi điện thoại cho Lê Trọng Vỹ, Dương Văn Danh, Nguyễn Văn Lâm, Lê Đức Mẫn, Ngô Duy Quốc Việt và Phan Dũng (chuột) đến để giúp Phúc và Nhàn đánh nhau. Khoảng 19h, ngày 26/02/2010 Phúc và Danh mỗi người mang theo một con dao rựa làm hung khí cùng với số người Phúc gọi đến tập trung tại ngã tư,...
                       
Thông báo rút kinh nghiệm qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm án hình sự
 
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với các vụ án hình sự Nguyễn Hữu Kỳ và đồng bọn - Phạm tội “Cố ý gây thương tích” do Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk xét xử, ngày 13/4/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo.
 Nội dung vụ án:
Do Nguyễn Hữu Kỳ có mâu thuẫn với Phạm Hồng Phúc và Phan Thanh Nhàn, nên vào tối ngày 26/02/2010 Kỳ và Nhàn hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn tại ngã tư gần quán cà phê Phong Lan. Trước khi đi Kỳ gọi điện thoại cho Nguyễn Đức Hiếu, Phạm Nguyễn Quang Nhật, Phạm Duy Trúc, Nguyễn Trọng Quyết, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Thông, Võ Hồng Thiện và Nguyễn Tuấn Vũ đến để giúp Kỳ đánh nhau; phía bên Nhàn và Phúc, thì Phúc gọi điện thoại cho Lê Trọng Vỹ, Dương Văn Danh, Nguyễn Văn Lâm, Lê Đức Mẫn, Ngô Duy Quốc Việt và Phan Dũng (chuột) đến để giúp Phúc và Nhàn đánh nhau.
Khoảng 19h, ngày 26/02/2010 Phúc và Danh mỗi người mang theo một con dao rựa làm hung khí cùng với số người Phúc gọi đến tập trung tại ngã tư, tại đây Phúc gặp thêm Thái Bá Trường, Đoàn Văn Tân, Phúc rủ Trường và Tân tham gia đánh nhau thì cả 2 đồng ý. Thấy dao ít, Phúc nói Mẫn và Lâm về nhà Mẫn lấy 02 con dao mà Phúc gửi trước đó, nên Mẫn chở Lâm về nhà lấy 02 con dao mang tới. Khoảng 20h nhóm bên Phúc kéo nhau ra chỗ hẹn với Kỳ, khi vừa đến nơi thì bị nhóm bên của Kỳ dùng gạch, đá ném, nên nhóm của Phúc bỏ chạy về lại khối 3, Tân Hoà và tập trung dao rựa giấu dưới ống cống ven đường. Do Hiếu quen biết với Dũng (chuột) nên hai bên nói chuyện dàn xếp mâu thuẫn giữa Kỳ với Nhàn và Phúc, nhưng Phúc không chịu mà đòi “cạch rựa” tức là dùng dao chém nhau. Lúc đầu Phúc yêu cầu cạch rựa 5/5 (tức là mỗi bên chọn ra 05 người dùng dao chém nhau), do bên của Kỳ không có người tham gia, mà chỉ có một mình Kỳ đứng ra cạch rựa với người bên nhóm của Phúc, Phúc gọi điện thoại cho Danh nói mang dao rựa giấu dưới ống cống đến chỗ đánh nhau. Hai bên thống nhất  mỗi bên chọn ra 1 người để “cạch rựa” và giao ước sau khi “cạch rựa” xong ai thua cấm kiện, mọi mâu thuẫn được giải quyết sau khi cạnh rựa. Lê Trọng Vỹ là bạn của Phúc nhận “cạch rựa” với Kỳ thay Phúc, Hiếu làm trọng tài, Việt lấy 02 con dao rựa do Phúc và Danh đem tới ra so giống nhau rồi đặt ở giữa đường cho Kỳ và Vỹ “cạch rựa”. Khi Hiếu hô 1, 2, 3 thì Kỳ và Vỹ cầm dao xông vào chém nhau, còn Thông, Thiện và Vũ đứng ngoài hô “Kỳ ơi cố lên” nhiều lần để cổ vũ cho Kỳ. Khi chém được 3 nhát cả hai bên đều đỡ được, đến nhát tứ 4 thì Kỳ chém Vỹ không đỡ được nên trúng vào tay phải làm đứt rớt bàn tay phải của Vỹ xuống đất, gây thương tích tổn hại 48%  sức khỏe.
 Bản án Hình sự sơ thẩm số 287 ngày 25/11/2010 của TAND thành phố BMT đã:
Áp dụng Khoản 3, Điều 104; Điểm b, p Khoản 1, Khoản 2, Điều 46; Điều 69; Điều 71; Điều 74 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Kỳ: 5 năm 6 tháng tù.
Áp dụng Khoản 3, Điều 104; Điểm p Khoản 1, Khoản 2, Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Hiếu: 4 năm 6 tháng tù.
Áp dụng Khoản 3, Điều 104; Điểm p Khoản 1, Khoản 2, Điều 46; Điều 69; Điều 47; Điều 71; Điều 74 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Dương Văn Danh: 4 năm tù.
Áp dụng Khoản 3, Điều 104; Điểm p Khoản 1, Khoản 2, Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự , xử phạt bị cáo Nguyễn Tuấn Vũ: 4 năm tù, xử phạt bị cáo Võ Hồng Thiện: 4 năm tù.
Áp dụng Khoản 3, Điều 104; Điểm b, p Khoản 1, Khoản 2, Điều 46; Điều 47; Điều 69; Điều 71; Điều 74 Bộ luật hình sự   Xử phạt bị cáo Ngô Duy Quốc Việt: 3 năm 6 tháng tù.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo.
Các bị cáo Nguyễn Hữu Kỳ, Ngô Duy Quốc Việt, Võ Hồng Thiện, Nguyễn Tuấn Vũ và Nguyễn Đức Hiếu có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Người đại diện hợp pháp của các bị cáo Nguyễn Hữu Kỳ, Dương Văn Danh và Ngô Duy Quốc Việt có đơn kháng cáo; trong đó đại diện hợp pháp của bị cáo Kỳ kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm còn bỏ lọt tội phạm, đề nghị điều tra lại và xét xử công bằng; đại diện hợp pháp của bị cáo Danh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; đại diện hợp pháp của bị cáo Việt kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh và hình phạt để giảm hình phạt và cho bị cáo Việt được hưởng án treo.
Người bị hại Lê Trọng Vỹ kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh và hình phạt của bị cáo Việt, vì bị cáo Việt không thực hiện hành vi phạm tội.
Ngày 17/03/2010 Tòa án nhân dân tỉnh Đăk lăk đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tại phiên toà qua phần xét hỏi và tranh luận, Kiểm sát viên Đại diện VKSND tỉnh Đăk Lăk đã đề nghị Hội đồng xét xử: Hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 287, ngày 25/11/2010 của Tòa án nhân dân thành phố BMT, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục chung (do việc điều tra của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, còn bỏ lọt người phạm tội và có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng đối với các bị cáo chưa thành niên theo quy định tại Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự). Đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát được Hội đồng xét xử chấp nhận và đã tuyên: Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 287, ngày 25/11/2010 của Tòa án nhân dân thành phố BMT, giao hồ sơ cho Viện kiểm sát thành phố BMT điều tra lại theo thủ tục chung.   
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, như lời khai của các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan còn có nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được điều tra làm rõ, cụ thể:
Theo lời khai của bị cáo Dương Văn Danh khi cả bọn gặp nhau tại ngã 4, Phan Thanh Nhàn là người nói “Ai có rựa thì về nhà lấy (bút lục 114-117), nên có một số người chạy về lấy rựa gồm Danh, Phúc, Trường, Mẫn và Lâm…” . Theo lời khai của Phạm Hồng Phúc (bút lục 143-151): “ Sau khi tụ tập tại ngã 4, khối 4 khi đó có số thanh niên trên phố mang xuống 03 cây rựa, thấy ít nên có người nói thiếu rựa về nhà lấy thêm, nên tôi cùng với Danh, Trường, Mẫn, Lâm chạy đi lấy”…. Nhưng theo kết luận điều tra, cáo trạng thì khẳng định Phạm Hồng Phúc là người nói, “Ai có dao về nhà lấy thêm” . Như vậy, thực chất ai là người nói mọi người về nhà lấy rựa (Phúc hay Nhàn), cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ.
Đối với hung khí mà Kỳ và Vỹ dùng để chém nhau: Theo lời khai của bị cáo Danh (bút lục 114-117) ngoài 04 con dao rựa và 01 cây mã tấu mà Danh, Phúc, Mẫn, Lâm và Trường mang tới, còn có 1 bó rựa bỏ trong bao của người ở Buôn Ma Thuột mang xuống, trong đó có Vỹ, Chinh và 1 số người không biết tên.
 Theo lời khai của bị cáo Việt ( bút lục 136-139): Phúc điện thoại nhờ Việt xuống giúp, vì có một số thanh niên ở phường Tân Hoà mâu thuẫn với Phúc và đòi đánh Phúc do vậy Việt đồng ý. Việt đón Dũng (chuột) và Chinh cùng xuống để giúp Phúc, trên đường đi Chinh điện thoại gọi thêm bạn đến giúp, khi gặp nhau chúng tôi đi xuống điểm hẹn gặp Phúc, trong số này họ mang xuống 1 bao rựa có khoảng 04 –05 cái.
Theo lời khai của Phạm Hồng Phúc (bút lục 147,148): số rựa chúng tôi sử dụng ngày hôm đó là do 1 số người trên phố mang xuống có khoảng 03 - 04 cây rựa. Ngoài ra tôi, Danh, Mẫn, Lâm mỗi người mang 01 cây rựa, còn Trường mang 01 cây mã tấu.
Theo lời khai của Phạm Dũng (chuột) (bút lục 213-215): Việt nói Phúc có nhờ Dũng và Chinh xuống đánh Kỳ giúp Phúc, trên đường đi Chinh điện thoại gọi thêm bạn đến giúp, sau đó có 04 xe, 08 người đi xuống họ mang theo rựa và mã tấu bỏ trong bao. Như vậy theo lời khai của các bị cáo và những người liên quan, thì những người trên phố xuống để giúp Phúc đánh nhau gồm những ai, khi đi họ mang theo hung khí gì và 02 con dao rựa mà Kỳ và Vỹ dùng để chém nhau là của ai, thì chưa được điều tra làm rõ.
Đối với các đối tượng được Kỳ và Phúc gọi đến thì đều có chung mục đích là đi đánh nhau để giúp Kỳ và Phúc, trong đó có 1 số đối tượng đã chuẩn bị hung khí, như: Lê Đức Mẫn và Nguyễn Văn Lâm, Theo lời khai của Mẫn (bút lục 238 - 241) và lời khai của Lâm (bút lục 245 - 248) đều khai nhận: Khi Phúc nói Mẫn về lấy 02 cây rựa, thì Mẫn đã chở Lâm về nhà Mẫn lấy 02 cây rựa mang ra giấu ở cống cùng với 02 cây rựa của Phúc. Sau đó Phúc gọi điện thoại cho Danh nói mang dao đến chỗ đánh nhau, Mẫn đã điều khiển xe môtô chở Danh ngồi sau ôm bó rựa đến chỗ Phúc nơi hai bên “cạch rựa”. Lời khai trên của Lê Đức Mẫn và Nguyễn Văn Lâm phù hợp với lời khai của Dương Văn Danh (bút lục 114,115), phù hợp với lời khai của Phạm Hồng Phúc (bút lục 147,148) và theo lời khai của bị hại Lê Trọng Vỹ (bút lục 170-176): Khi Kỳ và Vỹ thống nhất “cạch rựa” với nhau, thì Phúc gọi điện cho Danh nói mang rựa ra, sau đó Danh, Mẫn, Lâm cầm 1 bó rựa ra.Khi Kỳ và Vỹ “cạch rựa” các đối tượng đều biết và đứng xung quanh, nhưng không có ai khuyên can. Như vậy; hành vi của Lê Đức Mẫn và Nguyễn Văn Lâm đã giúp sức chuẩn bị hung khí và chứng kiến việc Kỳ và Vỹ dùng dao chém nhau, mặc dù thương tích của Lê Trọng Vỹ tổn hại 48% không phải do Mẫn, Lâm và các đối tượng khác gây ra. Nhưng hành vi của Lê Đức Mẫn và Nguyễn Văn Lâm đã có đầy đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3, Điều 104 Bộ luật hình sự, với vai trò là đồng phạm giúp sức, nhưng cấp sơ thẩm không điều tra, khởi tố, truy tố đối với Mẫn và Lâm là còn bỏ lọt người phạm tội.
Nguyễn Thái Trường khai nhận: “Khi Phúc rủ đi đánh nhau với nhóm của Kỳ thì Trường đồng ý và về nhà lấy 01 cây dao mã tấu đem đến chỗ Phúc” (bút lục 219-220), lời khai của Trường phù hợp với lời khai của bị cáo Danh (bút lục 114-115), phù hợp với lời khai của Phạm Hồng Phúc (bút lục147-148). Nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ khi Phúc gọi điện thoại nói Danh mang hung khí đến chỗ đánh nhau, có những ai mang dao tới. Tại hiện trường nơi xảy ra chém nhau có bao nhiêu dao rựa và mã tấu. trong đó có con dao mã tấu của Trường hay không?. Còn theo lời khai của Trường: khi đi Trường điều khiển xe môtô chở Đoàn Văn Tân cầm mã tấu ngồi sau cùng với Phương, tới chỗ đánh nhau con dao mã tấu Trường và Tân vẫn giữ không mang lại chỗ đống rựa. Nhưng lời khai trên của Trường chưa được điều tra làm rõ xem có phù hợp với lời khai của các đối tượng khác hay không, để có căn cứ xử lý theo pháp luật.
Đối với Phạm Dũng (Chuột): Sau khi nhóm của Phúc bị nhóm của Kỳ dùng gạch, đá ném, do Hiếu quen biết với Dũng (Chuột) nên Hiếu gọi Dũng lại nói chuyện để giàn xếp mâu thuẫn giữa Kỳ với Phúc, thì Phúc không chịu mà đòi cạch rựa. Theo lời khai của Phạm Dũng: “Sau khi nói chuyện và thoả thuận xong thì người cạch rựa với Kỳ là Vỹ, Việt lấy 2 cây rựa để ở giữa đường..” (bút lục 215). Lời khai của Phan Thanh Nhàn: khi Kỳ và Vỹ thống nhất việc dùng dao chém nhau thì Dũng Chuột lại chỗ rựa lấy 02 cây, nói “Tao mới mua 02 cây rựa bằng nhau nè, thích chọn cây nào thì chọn” rồi cầm 02 cây rựa ra giữa ngã tư rừng su (bút lục 221-223). Tất cả các lời khai trên, cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ những ai tham gia bàn bạc để Kỳ và Vỹ dùng dao chém nhau, hành vi của Phạm Dũng có đúng như lời khai của Phan Thanh Nhàn hay không.  
Mặt khác, trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra Công an thành phố BMT đã vi phạm nhiêm trọng về thủ tục tố tụng đối với các bị cáo chưa thành niên là Nguyễn Hữu Kỳ và Dương Văn Danh, cụ thể: ngày 10/03/2010 Cơ quan điều tra Công an thành phố BMT cấp giấy chứng nhận ông Hồ Ngọc Hùng bào chữa cho bị can Nguyễn Hữu Kỳ (bút lục 17). Trong quá trình điều tra lấy lời khai của bị can Kỳ có luật sư Hùng tham gia lúc đầu ghi ngày 09/03/2010, sau đó sửa lại thành ngày 19/03/2010 (bút lục 107-108). Ngày 02/8/2010 Cơ quan điều tra Công an thành phố BMT cấp giấy chứng nhận ông Hồ Ngọc Hùng bào chữa cho bị can Dương Văn Danh, tại biên bản ghi lời khai đối với Dương Văn Danh ngày 22/4/2010 đã có luật sư Hùng tham gia (bút lục 114) và biên bản hỏi cung bị can Danh có luật sư Hùng tham gia lúc đầu ghi ngày 29/ 7/2010, sau đó sửa lại thành ngày 20/8/2010 (bút lục 116-117). Như vậy, trong quá trình điều tra cấp sơ thẩm đã chỉnh sửa ngày, tháng lấy cung bị can để hợp thức hoá về thủ tục tố tụng, vi phạm Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự.
Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử vụ án đã không nghiên cứu kỹ hồ sơ, không đánh giá đầy đủ tính chất của vụ án, hành vi của từng bị can và của các đối tượng liên quan, nên không yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ các mâu thuẫn, cũng như làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan trong vụ án, để giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, nên đã dẫn đến việc điều tra chưa đầy đủ, còn bỏ lọt người phạm tội và không phát hiện được vi phạm của Cơ quan điều tra về thủ tục tố tụng đối với các bị can chưa thành niên, dẫn đến việc cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm.
Thanh Tâm
Tìm kiếm