Năm 2010, quán triệt Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hướng dẫn nghiệp vụ của Vụ 5, Vụ 12, kế hoạch công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xác định muốn làm tốt công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh và huyện phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo luật định.
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai
Nguyễn Văn Quân
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Gia Lai
Năm 2010, quán triệt Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hướng dẫn nghiệp vụ của Vụ 5, Vụ 12, kế hoạch công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xác định muốn làm tốt công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh và huyện phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo luật định.
Ngay từ đầu năm, quán triệt sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, Lãnh đạo Viện phụ trách khối và Lãnh đạo Phòng 5 đã chỉ đạo các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tập trung nghiên cứu xây dựng chuyên đề “kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án; kỹ năng thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự”. Chuyên đề gồm bốn nội dung chính là: Kinh nghiệm kiểm sát Bản án, Quyết định của Tòa án, thông qua các vụ án do Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm nhưng Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xử hủy án, sửa án; Kỹ năng kiểm sát Thông báo thụ lý vụ án, Bản án, Quyết định của Tòa án; Một số vấn đề về kỹ năng thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị; Viện kiểm sát tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự và kỹ năng xây dựng bản phát biểu ý kiến của viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử sơ thẩm án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. Sau khi hoàn thành Chuyên đề Viện kiểm sát tỉnh đã triển khai tới 17 Viện kiểm sát cấp huyện trong tỉnh. Chuyên đề giúp các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự nhận thức sâu sắc hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự; học tập, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng về nghiệp vụ kiểm sát trong tố tụng dân sự, nhằm thực hiện tốt hơn về quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.
Cùng với việc triển khai chuyên đề nghiệp vụ nêu trên, thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết án phúc thẩm, giám đốc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm gửi Viện kiểm sát cấp huyện. Các nội dung được triển khai, hướng dẫn bao gồm: kinh nghiệm về các dạng vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xử hủy án, sửa án; hướng dẫn Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm...
Qua công tác kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án, năm 2010. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án. Đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để nghiên cứu, xem xét vi phạm, từ đó đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp ban hành 36 kháng nghị, 37 kiến nghị. Các vi phạm Viện kiểm sát đã nêu trong kháng nghị, kiến nghị hầu hết đều được Tòa án chấp nhận và có văn bản tiếp thu, khắc phục, chỉ đạo Tòa án cấp dưới rút kinh nghiệm. Điển hình trong thời gian qua theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, đối với các tranh chấp về hợp đồng tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh phát sinh nhiều; các bên đều có mục đích lợi nhuận, giữa Ngân hàng và một bên là các tổ chức, cá nhân có, hoặc không có đăng ký kinh doanh, đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa kinh tế - Tòa án tỉnh. Tuy nhiên, các Tòa án cấp huyện cho rằng giá trị tranh chấp là nhỏ nên vẫn thụ lý giải quyết. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã tập hợp vi phạm, vừa thực hiện kháng nghị các vụ án điển hình, vừa ban hành văn bản kiến nghị đối với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh để yêu cầu Tòa án tỉnh chỉ đạo Tòa án cấp huyện chấm dứt ngay vi phạm về thẩm quyền thụ lý, giải quyết án. Kháng nghị và kiến nghị của Viện kiểm sát đã được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chấp nhận, theo đó Tòa án tỉnh đã có văn bản tiếp thu kiến nghị và chỉ đạo các Tòa án nhân dân cấp huyện trong tỉnh phải rút kinh nghiệm, thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Mới đây, về việc tuyên lãi chậm trả trong quá trình thi hành án đối với các vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng (về lãi suất nợ quá hạn đã được tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng) các Tòa án của tỉnh Gia Lai đều tuyên theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (không đúng quy định tại khoản 2 Điều 305 của Bộ luật dân sự), gây thiệt hại cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh cho kiểm tra, chấn chỉnh ngay vi phạm. Kiến nghị của Viện kiểm sát được Ủy ban thẩm phán Tòa án tỉnh tiếp thu và có văn bản chỉ đạo Tòa án, kịp thời chấn chỉnh vi phạm.
Công tác thỉnh thị, trao đổi và hướng dẫn nghiệp vụ giữa Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai được Lãnh đạo Viện quan tâm, chỉ đạo sâu sát; tạo nên sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát cấp trên và cấp dưới trong công tác thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị. Qua kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, phát hiện vi phạm, ngoài việc trực tiếp ban hành kháng nghị, kiến nghị đối với Tòa án, Viện kiểm sát tỉnh Gia Lai còn ban hành nhiều văn bản tổng hợp vi phạm, hướng dẫn Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện kiến nghị ngang cấp hoặc kháng nghị phúc thẩm. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong toàn tỉnh đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm, báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị...Điển hình như Viện kiểm sát nhân dân huyện Mang Yang trong thời gian qua đã phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án cùng cấp, ban hành 02 văn bản kháng nghị phúc thẩm, 02 văn bản báo cáo Viện kiểm sát cấp trên xem xét kháng nghị giám đốc thẩm và nhiều văn bản kiến nghị. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Pleiku ban hành 03 kháng nghị phúc thẩm và nhiều văn bản kiến nghị. Viện kiểm sát nhân dân thị xã Ayun Pa ban hành 03 văn bản kiến nghị. Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Đoa phát hiện Tòa án cùng cấp có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án đã yêu cầu Tòa án cùng cấp chuyển 19 hồ sơ, để báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kháng nghị giám đốc thẩm theo thẩm quyền đối với các Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó Viện kiểm sát tỉnh đã ban hành 04 kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với án vi phạm điển hình và 01 văn bản kiến nghị yêu cầu Tòa án tỉnh chấn chỉnh kịp thời vi phạm của Tòa cấp huyện...
Để làm tốt công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, ngoài những giải pháp đã thực hiện nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai luôn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự. Theo đó, các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự đều được tập huấn chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ. Tại viện kiểm sát cấp huyện đều phân công ít nhất một Kiểm sát viên trực tiếp phụ trách khâu kiểm sát dân sự, có tính chuyên sâu cao, góp phần xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự trong tỉnh giàu về kinh nghiệm, giỏi về chuyên môn và thành thạo về kỹ năng nghiệp vụ.
Một vấn đề nổi lên, đáng chú ý là, sau khi Tòa án nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát, bước đầu có nhiều Tòa chuyên trách của Tòa án tỉnh không đồng tình; tham mưu cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án tỉnh xử không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát. Nhưng qua ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án, đã nêu và viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác, đúng pháp luật nên Ủy ban Thẩm phán Tòa án tỉnh đã chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.
Công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự của Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai đạt được sự chuyển biến tích cực nêu trên đã thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, toàn diện của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, Lãnh đạo Viện phụ trách khối và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trên tinh thần đó, dự kiến trong thời gian tới, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự được Quốc Hội thông qua, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự được mở rộng hơn, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xác định dù còn nhiều khó khăn nhưng sẽ giữ vững và tiếp tục phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được trong suốt hơn 5 năm thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự, bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất./.