Tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn là hai mô hình tố tụng hình sự rất phố biến trên thế giới. Điển hình của mô hình tố tụng tranh tụng là các nước theo hệ thống luật Anh – Mỹ, điển hình của mô hình tố tụng thẩm vấn là các nước theo mô hình luật lục địa, tiêu biểu là Cộng hòa Pháp.
Mặc dù có những điểm khác nhau cơ bản, thậm chí trái ngược nhau, cả hai hệ thống đều có một đặc điểm chung là nhà nước độc quyền trong việc xác định có hay không có một vụ việc phạm tội và quyết định hình phạt với một mục đích cơ bản và chủ yếu là ngăn ngừa việc trả thù cá nhân. Đồng thời, hai hệ thống cũng đều phải đổi mặt với những khó khăn tương tự. Thứ nhất là số lượng các vụ án về hình sự ngày càng tăng, đặc biệt là ở các vùng đô thị và tội phạm cổ cồn trắng, những giới hạn về nguồn lực đối với tòa án, cơ quan công tố và các nhà chức trách thực thi pháp luật về vấn đề tài chính, ngân sách. Điều đó dẫn đến kết quả chung: thứ nhất là khuynh hướng tùy nghi quyết định không truy tố; thứ hai là việc chậm trễ một cách đáng kể trong xét xử hình sự, dẫn đến sự mất công bằng đối với bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
CÁC ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN
CỦA HỆ THỐNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRANH TỤNG
VÀ HỆ THỐNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ THẨM VẤN
Thạc sỹ Lại Thị Thu Hà
Viện Khoa học kiểm sát, VKSNDTC
Tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn là hai mô hình tố tụng hình sự rất phố biến trên thế giới. Điển hình của mô hình tố tụng tranh tụng là các nước theo hệ thống luật Anh – Mỹ, điển hình của mô hình tố tụng thẩm vấn là các nước theo mô hình luật lục địa, tiêu biểu là Cộng hòa Pháp.
Mặc dù có những điểm khác nhau cơ bản, thậm chí trái ngược nhau, cả hai hệ thống đều có một đặc điểm chung là nhà nước độc quyền trong việc xác định có hay không có một vụ việc phạm tội và quyết định hình phạt với một mục đích cơ bản và chủ yếu là ngăn ngừa việc trả thù cá nhân. Đồng thời, hai hệ thống cũng đều phải đổi mặt với những khó khăn tương tự. Thứ nhất là số lượng các vụ án về hình sự ngày càng tăng, đặc biệt là ở các vùng đô thị và tội phạm cổ cồn trắng, những giới hạn về nguồn lực đối với tòa án, cơ quan công tố và các nhà chức trách thực thi pháp luật về vấn đề tài chính, ngân sách. Điều đó dẫn đến kết quả chung: thứ nhất là khuynh hướng tùy nghi quyết định không truy tố; thứ hai là việc chậm trễ một cách đáng kể trong xét xử hình sự, dẫn đến sự mất công bằng đối với bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Cả hai hệ thống có sự cố gắng chung để tìm giải pháp cho vấn đề chậm trễ như tăng cường việc áp dụng phiên tòa rút gọn nhiều hơn và cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa "tùy nghi" và "tính hợp pháp". Và điều này đã dẫn đến một xu hướng về mô hình thứ ba – mô hình pha trộn tức là kết hợp giữa các yếu tố hợp lý của mô hình tranh tụng và mô hình thẩm vấn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích những nét khác biệt cơ bản giữa hai hệ thống nhằm làm rõ những mặt tích cực và hạn chế của từng hệ thống tố tụng hình sự.
Thứ nhất, về vấn đề về chứng cứ
Mặc dù hệ thống tranh tụng có những điều tương phản với hệ thống tố tụng thẩm vấn, trong thực tế, pháp luật của hệ thống tố tụng thẩm vấn cũng ghi nhận quyền của người bị buộc tội chống lại việc buộc tội và chứng minh sự vô tội của mình. Trong hệ thống tranh tụng, các bên tố tụng hành động độc lập và chịu trách nhiệm đưa ra các chứng cứ trước thẩm phán, người có vai trò trung lập và bị động cùng với bồi thẩm đoàn. Còn trong hệ thống tố tụng thẩm vấn, trách nhiệm cuối cùng về việc tìm ra sự thật thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tư pháp, có trách nhiệm thu thập cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình phạt cho người bị buộc tội. Trong hệ thống tố tụng tranh tụng, cả bên buộc tội và bên gỡ tội có vai trò bình đẳng và được coi là hai bên đối lập. Còn trong hệ thống thẩm vấn, người bị buộc tội không được coi là một bên tố tụng của vụ án.
Trong hệ thống tố tụng thẩm vấn, không có nguyên tắc loại trừ chứng cứ, sự liên quan và tính hợp pháp quyết định việc chấp nhận chứng cứ. Trước khi phiên tòa bắt đầu phần lớn chứng cứ đã được thu thập và làm rõ, dưới một hình thức văn bản đã được ấn định trước theo quy định của pháp luật để được xem xét tại phiên tòa. Trong một số trường hợp, chứng cứ đã được tiếp nhận trước khi xét xử dưới hình thức tương phản nhau (có cả chứng cứ gỡ tội và chứng cứ buộc tội) trước khi dự thẩm thi hành chức năng tư pháp của mình, nhưng nhìn chung giai đoạn trước xét xử được giữ bí mật. Tuy vậy, bị can có những quyền nhất định trong việc tiếp cận hồ sơ trước phiên tòa.
Nguyên tắc loại trừ chứng cứ được xem là có nguồn gốc và khá phố bổ biến của phiên tòa xét xử với bồi thẩm đoàn trong hệ thống thông luật. Tuy nhiên, những nguyên tắc này cũng là kết quả của sự chuyên nghiệp của người đại diện cho bị cáo tại phiên tòa tranh tụng. Một thẩm phán chuyên nghiệp được cho là có khả năng tránh những cái bẫy sắp đặt từ trước trong việc quyết định có sự phạm tội hay không, bị cáo có quyền giữ im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội luôn được áp dụng. Ngược lại, trong hệ thống thẩm vấn, không có nhiều những áp lực như vậy. Vì thế mà hệ thống luật lục địa được cho là đơn giản hơn, không có những nguyên tắc về chứng cứ không tính đến trước trong truy tố tội phạm, trong xét xử tranh tụng, khi mà quyết định về việc thừa nhận chứng cứ có thể dẫn đến việc phá hủy các nguồn chứng cứ thu thập được bằng các biện pháp trong giai đoạn truy tố và điều tra và làm cho việc xét xử trở nên khó khăn hơn. Những nguyên tắc cứng nhắc liên quan đến chứng cứ nghe được cũng dẫn đến kết quả mất đi rất nhiều chứng cứ có giá trị thu thập được dưới một hình thức mà không được chấp nhận trong giai đoạn đầu của điều tra và truy tố tội phạm. Trong hệ thống tố tụng thẩm vấn, điều này không xảy ra, nhưng đối với một luật sư của hệ thống thông luật việc thu thập bí mật hồ sơ với những chứng cứ bằng văn bản không bị phản đối được dùng để chứng minh những sự liên quan đến vị trí của bị cáo. Tuy nhiên điều này phải được xem xét trong tổng thể của vụ án.
Thứ hai, việc xét xử với bồi thẩm đoàn
Xét xử với bồi thẩm đoàn là một ngoại lệ hơn là nguyên tắc trong hệ thống xét xử của luật lục địa khi được áp dụng. Các phiên tòa có bồi thẩm đoàn, phổ biến hơn trong các hệ thống thông luật thể hiện một sự phức tạp và không chắc chắn mà không xảy ra trong hệ thống xét xử của luật lục địa vì những vấn đề với bồi thẩm đoàn, yêu cầu việc đưa vào danh sách những thành viên mới của bồi thẩm đoàn, vì những sai lầm trong việc quyết định, vì việc kháng cáo phức tạp chống lại bản án kết tội v.v… Một hệ thống không có phiên tòa xét xử với bồi thẩm đoàn (hoặc rất ít như ở Pháp) rõ ràng là ít phức tạp và ít dẫn đến rủi ro.
Một phiên tòa với bồi thẩm đoàn cần thiết phải được dự đoán về việc đưa ra tiếp tục các chứng cứ bằng lời nói tranh tụng, nhưng phương pháp này dẫn đến sự căng thẳng về thời gian và các nguồn chứng cứ. Vì vậy việc xét xử không có bồi thẩm đoàn có thể giảm chi phí, và cũng có thể nâng cao cơ hội để giải quyết những vấn đề xảy ra trong việc xét xử với bồi thẩm đoàn và cũng có khả năng nâng cao tính dự đoán.
Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn đã hoàn thành một chức năng quan trọng với sự tham gia của công dân, trách nhiệm giải trình dân chủ và nâng cao khả năng tư pháp hình sự gần gũi với cộng đồng. Thẩm phán không có quyền chỉ đạo bồi thẩm đoàn kết án. Tuy nhiên, vấn đề về bồi thẩm thẩm đoàn phải được tính đến với một thực tế là trong việc tiến hành xét xử không thể có sự tham gia rộng rãi của cả một xã hội rộng lớn và phức tạp.
Thứ ba, vấn đề mặc cả thú tội và thủ tục rút gọn
Mặc cả thú tội không tồn tại trong hệ thống xét xử thẩm vấn. Có nhiều tranh luận một cách thuyết phục rằng mặc cả thú tội bắt nguồn từ quyền tự do cơ bản của người bị buộc tội đối với việc mặc cả trong hệ thống tranh tụng, và sự tự do về thủ tục của các bên. Vì vậy, hệ thống tranh tụng dường như phù hợp với học thuyết tự do hơn khi chỉ ra rằng cá nhân có quyền từ bỏ các quyền tố tụng của mình, trong khi đó học thuyết có tính chất thể chế hơn nhấn mạnh lợi ích công trong việc tìm ra sự thật được ưu tiên nhất. Vì vậy, bị can có thể thỏa thuận với công tố viên về việc giảm hình phạt để đổi lấy việc nhận tội. Mặc cả thú tội nhằm hạn chế những phiên tòa kéo dài và tốn kém. Mặc cả thú tội không phải là một đặc điểm trong hệ thống thẩm vấn vì bị can không phải là một bên theo nghĩa đầy đủ trong tố tụng, và vì trách nhiệm cuối cùng trong việc xác định sự thật thuộc về thẩm phán. Thẩm phán không cần thiết chấp nhận việc nhận tội như là một hình thức mặc cả.
Tuy nhiên, thủ tục mặc cả thú tội có thể dẫn đến việc nhấn mạnh thái quá vấn đề nhận tội. Hậu quả là cảnh sát sát có thể sử dụng những phương pháp không được chấp nhận để tạo ra áp lực đối với bị cáo về việc nhận tội, vì nhận tội là căn cứ cơ bản để kết án. Điều này dẫn đến công lý bị sai lệch. Thủ tục mặc cả thú tội cũng có thể đưa đến kết quả là sự thiếu tin tưởng của công chúng vào tư pháp hình sự, vì tư pháp bị xem như là cái gì đó để "bán", và những kẻ pháp tội có thể thoát khỏi sự trừng phạt khá nhẹ nhàng. Nhưng hạn chế chính có thể xảy ra của thủ tục mặc cả thú tội là quyền của bị can có thể bị mang ra thỏa hiệp và việc nhận tội không phản ánh đúng sự thật vì bị ảnh hưởng bởi việc tạo ra áp lực một cách bất hợp pháp và phi đạo đức.
Thứ tư, vấn đề sự thật và xét xử
Trong hệ thống tranh tụng, vị trí của bị cáo và công tố viên là vấn đề thường bị chỉ trích vì nó không hẳn là hiệu quả cho việc tìm ra sự thật, khi các bên, hơn là các cơ quan nhà nước, điều khiển quá trình thực thi công lý, và các thẩm phán không tham gia một cách chủ động vào việc tìm ra sự thật. Kết quả có thể xảy ra là sự thiếu công bằng, khi công tố viên theo đuổi việc nhận tội và bỏ qua sự thật, còn các thẩm phán thì giữ vai trò là những người phán quyết một cách bị động, không có trách nhiệm và cũng không quan tâm đến việc xác định sự thật. Không có quy trình thực thi công lý một cách trung lập như của hệ thống tố tụng thẩm vấn.
Hệ thống tố tụng thẩm vấn tập trung vào hậu quả, còn hệ thống tố tụng tranh tụng thì tập trung vào vấn đề quy trình. Nguyên tắc của hệ thống thông luật có thể được hiểu như sau: kết quả của hai bên tranh tụng phụ thuộc vào các cơ sở lập luận của họ trên cơ sở vị trí bình đẳng của hai bên trước một trọng tài trung lập và không thiên vị, nhờ vào đó mà sự thật được khám phá. Quan điểm của hệ thống tố tụng thẩm vấn là việc tìm kiếm sự thật do các nhân viên nhà nước khách quan tiến hành là biện pháp tốt nhất.
Một trong những vấn đề của hệ thống luật lục địa là thậm chí khi việc xét xử đã được thực hiện, việc bất bình đẳng có thể xảy ra. Chẳng hạn trường hợp một người được miễn tội nhưng thực tế họ đã bị tạm giam một thời gian dài. Có quan điểm cho rằng bất cập chính có thể xảy ra trong hướng tiếp cận của hệ thống luật lục địa là sự bình đẳng về mặt luật pháp của các bên có thể bị phá hủy bởi các phương pháp bất bình đẳng.
Tuy nhiên, một chỉ trích theo cách nhìn truyền thống về hệ thống thông luật là dường như những người phạm tội thoát khỏi sự trừng phạt tốt hơn là những người vô tội bị kết án thông qua thủ tục 'mặc cả thú tội". Các quy định về chứng cứ và sự bị động của xét xử kết hợp với nhau đưa đến cơ hội cho những người thông minh và giàu có.
Vì trong một hình thẩm vấn, bị cáo không phải là một bên tố tụng và các nhân viên tư pháp quan tâm theo đuổi sự thật hơn là việc kết án nên không gặp phải những hạn chế trên. Hơn nữa, tòa án đóng một vai trò quan trọng hơn trong giai đoạn tiền xét xử nên ngăn cản được việc quá trình tố tụng bị lôi kéo bởi các bên tố tụng. Tuy nhiên, quá trình tố tụng có thể bị ảnh hưởng theo một cách khác (ví dụ như nhân tố chính trị), trong khi hệ thống thông luật ít bị ảnh hưởng hơn. Thêm vào đó, tính trung lập của công tố viên và dự thẩm viên, cũng như sự chủ động của thẩm phán trong việc tìm kiếm sự thật mang tính quy chuẩn trong hệ thống thẩm vấn. Vai trò của thẩm phán xét xử trong hệ thống luật lục địa trong thực tế khá là giới hạn, thẩm phán trong hệ thống luật lục địa ít khi tiến hành việc kiểm tra chứng cứ một cách thực sự tại phiên tòa, mà có vẻ như là dựa vào hồ sơ nhiều hơn.
Thứ năm, về vấn đề sự thật và chứng cứ
Trong hệ thống tranh tụng, từ quan điểm mục tiêu cuối cùng là việc đưa ra sự công bằng hơn là sự thật thì tính hiệu quả của việc thi hành pháp luật chỉ là một nhân tố của hệ thống với mục đích cơ bản là thi hành công lý. Nhưng tính hiệu quả của việc thi hành pháp luật luôn phải được cân bằng với các nhân tố khác cả về khía cạnh thực tiễn và pháp luật (tôn trọng các quyền của cá nhân). Mục tiêu bao trùm của luật pháp và bản chất phức tạp của các quy định là nhằm vào việc tìm kiếm sự cân bằng giữa các nhân tố trái ngược.
Tuy nhiên, tất cả những phân tích trên không làm giảm giá trị của một thực tế là việc tìm kiếm và đưa ra những sự kiện thực tế có liên quan để làm chứng cứ là điều quan trọng nhất đối với bị can, bị cáo trong bất kỳ trường hợp nào. Việc xét xử trong hệ thống tố tụng tranh tụng thực hiện dưới một áp lực về sự khẳng định những lời khai của người làm chứng được nghe trực tiếp tại phiên tòa và việc kiểm soát của các bên trong giai đoạn tiền xét xử với sự can thiệp tư pháp bị giới hạn, đưa đến kết quả chậm trễ. Một mặt, sự chậm trễ đáng kể giữa tội phạm xảy ra và việc đưa ra xét xử khiến cho việc hồi tưởng (nhớ lại) của người làm chứng bị ảnh hưởng. Mặt khác, sự khẳng định rằng chứng cứ thu thập trước phiên tòa bị từ chối theo hướng thiên vị những chứng cứ đưa ra tại phiên tòa có thể dẫn đến sai sót bỏ lỡ sự thật.
Thực tế bên công tố đưa ra trách nhiệm khá lớn cho bị cáo trong việc tìm kiếm sự thật theo hướng nghiêng về phía anh ta cũng dẫn đến thiếu sót cơ bản khi bị can không ở vị trí có nhiều khả năng để tìm kiếm chứng cứ. Sự thật dường như không được tìm thấy vì chứng cứ truy tố là tất cả những gì được tòa án chấp nhận. Những người theo quan điểm hệ thống tống tụng thẩm vấn thường nhấn mạnh vào khía cạnh này, và quên đi việc bị can, bị cáo trong hệ thống tranh tụng không buộc phải đưa ra chứng cứ chối tội. Bên cạnh đó, nguyên tăc suy đoán vô tội được vận dụng triệt để và bị cáo chỉ đơn giản là chứng minh tội phạm của anh ta ở mức độ "nghi ngờ hợp lý".
Kiểm tra chéo ít nhất là một câu trả lời đối với những hạn chế trên của hệ thống tranh tụng. Kiểm tra chéo cho phép bị cáo làm giảm đi trách nhiệm của mình thậm chí không đưa ra chứng cứ của mình. Cơ hội này không có trong hệ thống xét xử của luật lục địa. Tuy nhiên, kiểm tra chéo có thể đưa đến hậu quả không mong muốn. Hiệu quả chính của kiểm tra chéo là giải quyết vụ án, tập trung nhiều hơn vào kết quả khám phá ra quy trình tâm lý thông thường tác động đến việc hồi tưởng, hơn là phương thức hiệu quả để tìm kiếm sự thật. Về khía cạnh này thì nó là một phương tiện tiêu cực, làm tăng lên sự chậm trễ giữa thực tế tội phạm xảy ra và phiên tòa.
Tuy nhiên, mặc dù hệ thống luật địa có thể có những thuận lợi trong việc thu thập chứng cứ được chấp nhận ở giai đoạn ban đầu sau khi tội phạm xảy ra, hạn chế rõ ràng thể hiện ở áp lực thái quá đặt lên bị can với việc thu thập chứng cứ này, và việc thiếu cơ hội thực sự kiểm tra chứng cứ này trước người tìm ra chứng cứ. Hơn nữa, trong thực tế, hệ thống luật lục địa đối mặt với việc thiếu các nguồn để điều tra sự thật một cách đầy đủ vì quá trình này hoàn toàn phụ thuộc vào phạm vi của các nguồn có thể đối với các cơ quan nhà nước, và những nguồn đó lại bị đặt dưới áp lực về tính thời sự. Vì vậy các nguồn hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của các cá nhân những người bị buộc tội và không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích trong việc tìm kiếm sự thật.
Thứ sáu, về vấn đề cân bằng các quyền
Đảm bảo sự chặt chẽ có hệ thống của các quyền là mục tiêu cơ bản của luật tố tụng hình sự. Ở cấp độ toàn bộ hệ thống, sự cân bằng giữa quyền của xã hội và quyền của cá nhân người phạm tội phải được thực hiện: sự cân bằng giữa quyền của cá nhân và tính hiệu quả công. Ở cấp độ công tố, sự cân bằng giữa quyền của cá nhân và quyền công tố phải được thực hiện. Cá nhân có quyền cơ bản về công lý tố tụng và tôn trọng quyền con người, nhưng quyền công tố là độc quyền liên quan đến công lý tố tụng. Gần đây, quyền của nạn nhân trong vụ án hình sự được nhấn mạnh nhiều hơn trên nhiều khía cạnh (quyền đối với buộc tội, quyền được lắng nghe, quyền được bồi thường v.v…), và sự tôn trọng các quyền này. Quyền của nhân chứng cũng được xem xét rộng hơn.
Nạn nhân trong hệ thống xét xử luật lục địa có thể xuất hiện với vai trò người đòi bồi thường dân sự (cho những thiệt hại) trong các vụ án hình sự và yêu cầu bồi thường ở cùng một thời điểm tại phiên tòa. Nạn nhân cũng có thể có các nguồn từ dự thẩm và yêu cầu điều tra hình sự. Sau đó dự thẩm viên có nghĩa vụ phải thực hiện việc điều tra. Mặt tích cực đối với các yêu cầu dân sự nằm ở trong việc thu thập chứng cứ có thể hỗ trợ các yêu cầu về dân sự.
Trong hệ thống tố tụng thẩm vấn, nhân chứng và nạn nhân không phải đối mặt với kiểm tra chéo. Các tài liệu về lời khai của họ trong hồ sơ cũng giống như lời khai của họ tại phiên tòa trong phần lớn các vụ án. Điều này khắc phục được những vấn đề bất cập liên quan đến đại diện của của nạn nhân nhỏ tuổi, nạn nhân của tội phạm tình dục và những người làm chứng nhỏ tuổi và có có khó khăn về nhận thức trong hệ thống tố tụng tranh tụng.
Có một sự tương phản thú vị khác về vấn đề các quyền trong hệ thống xét xử luật lục địa và hệ thống xét xử thông luận, từ một thực tế rằng hệ thống luật lục địa dựa trên các bộ luật, đặc biệt là từ bộ luật tố tụng hình sự riêng biệt và chi tiết cũng như là luật hình sự. Các bộ luật này quy định các quyền cơ bản liên quan đến tố tụng hình sự: ví dụ, bị can có quyền có luật sự đại diện. Nhưng thực tế thì đôi khi có sự khác nhau giữa quy định của pháp luật và thực tế, là một hậu quả không tránh khỏi của pháp điển hóa vì có những quyết định mang tính tùy nghi. Hệ thống tố tụng tranh tụng thì ít gặp phải vấn đề này vì mối quan hệ giữa bị can, bị cáo với các bên tranh trụng khác, viên chức và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra truy tố không phải là trọng tâm như trong hệ thống tố tụng thẩm vấn.
Tóm lại, mỗi mô hình tố tụng có những mặt hạn chế và tích cực nhất định, đồng thời có những điểm bất cập tương đồng. Áp dụng mô hình tố tụng nào là sự lựa chọn không đơn giản của mỗi quốc gia trên cơ sở tính đến những hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, xã hội và truyền thống pháp luật của mình. Tuy nhiên, việc hiểu rõ những mặt tích cực và hạn chế của mỗi mô hình luôn tạo ra sự chủ động tích cực trong quyết định lựa chọn của quốc gia.