Trên cơ sở Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội khoá XII về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII; Nghị quyết số 551/2007/UBTVQH12 ngày22/12/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII; ngày 23/01/2008, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 566/2008/UBTVQH12 về việc thành lập Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi). Ngày 26/02/2008, Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Quyết định số 83/QĐ-VKSTC-V8 về thành lập Tổ biên tập dự án Bộ luật TTHS sửa đổi. Ngoài ra, những công việc quan trọng khác cũng đã được tiến hành để chuẩn bị cho việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS như: Ban hành Kế hoạch số 21/KH-VKSTC-V8 ngày 17/4/2008 về xây dựng dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi), Qui chế hoạt động của Ban soạn thảo Bộ luật TTHS, đăng ký nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Nhà nước về sửa đổi, bổ sung BLTTHS, xin phép Chủ tịch nước về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về tổng kết việc thi hành Bộ luật TTHS năm 2003, dự kiến sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2009; tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 trong các cơ quan tư pháp và các cơ quan Nhà nước có liên quan. Cho đến nay, Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) đã họp một số phiên họp, cho ý kiến về những định hướng cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS.
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN
CỦA VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BỘ LUẬT TTHS
Trên cơ sở Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội khoá XII về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII; Nghị quyết số 551/2007/UBTVQH12 ngày22/12/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII; ngày 23/01/2008, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 566/2008/UBTVQH12 về việc thành lập Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi). Ngày 26/02/2008, Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Quyết định số 83/QĐ-VKSTC-V8 về thành lập Tổ biên tập dự án Bộ luật TTHS sửa đổi. Ngoài ra, những công việc quan trọng khác cũng đã được tiến hành để chuẩn bị cho việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS như: Ban hành Kế hoạch số 21/KH-VKSTC-V8 ngày 17/4/2008 về xây dựng dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi), Qui chế hoạt động của Ban soạn thảo Bộ luật TTHS, đăng ký nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Nhà nước về sửa đổi, bổ sung BLTTHS, xin phép Chủ tịch nước về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về tổng kết việc thi hành Bộ luật TTHS năm 2003, dự kiến sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2009; tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 trong các cơ quan tư pháp và các cơ quan Nhà nước có liên quan. Cho đến nay, Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) đã họp một số phiên họp, cho ý kiến về những định hướng cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS.
Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn cơ bản sau đây:
1- Sửa đổi, bổ sung BLTTHS để đáp ứng với những yêu cầu cải cách tư pháp
Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định mục tiêu cải cách tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong đó có vấn đề xác định rõ chức năng, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; cụ thể như vấn đề tổ chức hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; nghiên cứu, xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự; xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử; tổ chức hệ thống Viện kiểm sát phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; nghiên cứu, chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổ chức lại các Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối. Những nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trên đây đòi hỏi phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung BLTTHS với tư cách là một đạo luật chuyên ngành về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những thay đổi về hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp tất yếu dẫn đến những thay đổi về thẩm quyền và nghĩa vụ tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành và người tham gia tố tụng, về vị trí và quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa những người tiến hành tố tụng với nhau, giữa người tiến hành tố tụng với người có nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan tố tụng cũng như các trình tự, thủ tục tố tụng cụ thể. Như vậy, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung BLTTHS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cần phải được nghiên cứu đồng thời với những vấn đề của các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước như Luật Tổ chức VKSND và TAND cũng như các đạo luật khác như Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Nhiều vấn đề trong chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải được khẳng định, kết luận trước khi sửa đổi, bổ sung BLTTHS.
2- Sửa đổi, bổ sung BLTTHS nhằm đáp ứng với yêu cầu hoàn thiện các qui định của BLTTHS năm 2003
Bộ luật TTHS năm 2003 được ban hành trên cơ sở kế thừa những thành tựu của Bộ luật TTHS năm 1988, tuy nhiên, quá trình thi hành đạo luật này cũng đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong nhận thức và áp dụng các qui định, đòi hỏi phải được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm và tăng cường quyền dân chủ của công dân, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong các vấn đề cần nghiên cứu thuộc nhóm này, có việc nghiên cứu để sửa đổi những qui định đã có trong BLTTHS nhưng không còn phù hợp nữa; có việc nghiên cứu để sửa đổi những qui định đã có trong BLTTHS nhưng cần bổ sung cho hoàn thiện hơn; có việc nghiên cứu để “luật hoá” những qui định đã mang tính phổ biến nhưng hiện mới chỉ là qui phạm ở văn bản dưới luật và có việc nghiên cứu để bổ sung những qui định mới cần thiết chưa được qui định trong BLTTHS hiện hành. Để nghiên cứu, phát hiện, tổng hợp, đánh giá về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003 theo hướng này, việc tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS là một hướng tiếp cận với việc phát huy vai trò của các chuyên gia thực tiễn, những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp. Điều quan trọng là khi các địa phương tiến hành tổng kết, cần khái quát từ tổng kết thực tiễn các vụ việc cụ thểđể khái quát lên thành tổng kết các vấn đề.
Bên cạnh việc phát huy vai trò của các chuyên gia thực tiễn, có những vấn đề trong BLTTHS mang tính khoa học, chịu sự điều chỉnh của những qui luật nội tại của nó, do vậy đòi hỏi sự tham gia nghiên cứu sâu sắc hơn của các chuyên gia lý luận; ví dụ như các vấn đề về chứng minh và chứng cứ. Hướng tiếp cận để nghiên cứu các vấn đề này không chỉ là tổng kết thực tiễn áp dụng các qui định pháp luật TTHS về chứng cứ, chứng minh mà còn phải nghiên cứu các qui luật nội tại của chứng cứ và chứng minh để hoàn thiện các qui định pháp luật có liên quan.
3- Sửa đổi, bổ sung BLTTHS nhằm đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế
Trong điều kiện đất nước ta tăng cường hội nhập quốc tế, không chỉ tăng cường các quan hệ tư pháp mang yếu tố quốc tế mà bản thân các qui định của hệ thống pháp luật quốc gia cũng cần phải được hoàn thiện để đáp ứng với những chuẩn mực hoặc thông lệ quốc tế. Hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và BLTTHS nói riêng là góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng môi trường pháp lý trong sạch, công bằng, dân chủ, văn minh. Hội nhập quốc tế phát sinh những nhu cầu mới, việc giải quyết các tranh chấp pháp lý phải tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực mới đòi hỏi pháp luật quốc gia phải đáp ứng. Trong pháp luật TTHS, đó là nhu cầu điều chỉnh những quan hệ về tương trợ tư pháp, về dẫn độ… Đó là các yêu cầu về bảo đảm tính công khai, minh bạch; là sự mở rộng hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân không đại diện cho lợi ích công vào các quan hệ tố tụng để bảo đảm dân chủ trong TTHS. Hội nhập quốc tế làm nảy sinh nhu cầu tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm hay của hoạt động tố tụng hình sự của các nước. Nghiên cứu các vấn đề theo hướng này, bên cạnh phương pháp nghiên cứu truyền thống là khảo sát, tổng kết thực tiễn, phân tích qui phạm… còn đòi hỏi sử dụng phương pháp của khoa học luật so sánh, với hệ thống đầy đủ các đạo luật TTHS của các nước theo các mô hình tố tụng khác nhau. Và sẽ là chưa đầy đủ nếu khi nghiên cứu, chỉ so sánh đơn thuần các qui định của đạo luật TTHS của một quốc gia này với các qui định pháp luật TTHS của quốc gia khác. Vấn đề là ở chỗ có sự hiểu biết sâu sắc mô hình tố tụng của mỗi nước, trên nền tảng nguyên tắc tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước (trong đó có tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp).
Trên những cơ sở nêu trên, những nội dung cơ bản sẽ tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung BLTTHS như sau:
- Nghiên cứu về các mô hình tố tụng hình sự, trong đó có mô hình của TTHS Việt Nam hiện hành; trên cơ sở đánh giá những ưu điểm cũng như các hạn chế của mỗi mô hình tố tụng để đề xuất mô hình TTHS Việt Nam. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, mỗi mô hình tố tụng có những đặc trưng riêng. Những đặc trưng này bị chi phối bởi địa vị pháp lý và mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng với nhau và giữa cơ quan tố tụng với người tham gia tố tụng trong chứng minh tội phạm. Đồng thời, mỗi mô hình tố tụng đòi hỏi các trình tự và thủ tục tố tụng vận hành theo những phương thức riêng.
- Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc trong TTHS trên cơ sở quán triệt quan điểm cải cách tư pháp của Đảng và những yêu cầu của hội nhập quốc tế;
- Nghiên cứu về địa vị pháp lý và mối quan hệ giữa các cơ quan và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Việc nghiên cứu nhằm xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và những người tiến hành tố tụng; hoàn thiện các quyền hạn cho những người tham gia tố tụng để bảo đảm quyền dân chủ trong TTHS. Các qui định về vấn đề này nhằm bảo đảm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử; góp phần đấu tranh và phòng ngừa có hiệu quảđối với tội phạm và vi phạm, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tố tụng hình sự.
- Nghiên cứu về các biện pháp ngăn chặn trong TTHS. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các qui định về biện pháp ngăn chặn nhằm bảo đảm ngăn chặn kịp thời những cản trở cho hoạt động tố tụng của các cơ quan tố tụng, đồng thời góp phần bảo đảm quyền dân chủ của công dân; đặc biệt là việc nghiên cứu về những căn cứ và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giam theo tinh thần hạn chế việc tạm giam đối với một số nhóm tội; việc tạm giam phải chặt chẽ và cần thiết;
- Nghiên cứu về các chế định bổ trợ tư pháp như chế định về người bào chữa, về hoạt động giám định tư pháp và các chế định khác nhằm bảo đảm tính khách quan trong hoạt động tố tụng, đồng thời tăng cường bảo đảm quyền dân chủ của công dân.
- Về hoàn thiện các trình tự, thủ tục tố tụng: Việc nghiên cứu để hoàn thiện các trình tự, thủ tục tố tụng theo hướng loại bỏ những thủ tục rườm rà, bảo đảm tính nhanh chóng, hiệu quả, thuận lợi của quá trình tố tụng; trong đó chủ yếu là nghiên cứu hoàn thiện các trình tự, thủ tục xét xử vì xét xử là “trọng tâm của hoạt động tư pháp”.
Ngoài ra là các chế định về thủ tục tố tụng rút gọn, thủ tục tố tụng với người chưa thành niên, trình tự và thủ tục thi hành án hình sự trong quan hệ với đạo luật về thi hành án hình sự và thủ tục về tương trợ tư pháp v.v…
Nguyễn Nông