Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ghi nhận các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn được tình trạng tài sản, tránh việc gây thiệt hại không thể khắc phục được, giữ được tài sản bảo đảm cho việc thi hành án, quyết định của Tòa án sau này. Vậy, trong trường hợp Tòa án đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà có đương sự nộp đơn yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì sẽ giải quyết như thế nào?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi có một trong các căn cứ quy định từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều 214. Tại khoản 4 Điều 215 BLTTDS năm 2015 quy định về hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau: “Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết”. Đây là điểm mới của BLTTDS năm 2015 so với quy định của BLTTDS năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trong thời gian Tòa án đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà có đương sự nộp đơn yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án có được quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không nếu yêu cầu của đương sự là có căn cứ và đúng pháp luật?
Tác giả xin dẫn chứng một vụ án như sau:
Tòa án nhân dân (TAND) huyện L đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn A với bị đơn là ông Lưu Văn B. Trong thời gian vụ án đang bị TAND huyện L tạm đình chỉ giải quyết thì ông Lưu Văn B chuyển nhượng đất cho ông Trần Văn C, trong đó có một phần đất đang tranh chấp với ông A. Nguyên đơn là ông A cho rằng, đất đang tranh chấp chưa được Tòa án giải quyết xong nên ông không đồng ý cho ông B chuyển nhượng cho ông C. Vì vậy, ông A đã làm đơn yêu cầu TAND huyện L áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Cấm ông B chuyển nhượng phần đất tranh chấp cho ông C theo quy định tại khoản 7 Điều 114 BLTTDS năm 2015. Tòa án nhân dân huyện L có được quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (cấm ông B chuyển nhượng đất tranh chấp) hay không thì có hai ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những hoạt động tố tụng của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án theo quy định của BLTTDS năm 2015. Do vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông A và ông B đang bị tạm đình chỉ giải quyết nên Tòa án không được quyền tiến hành bất kỳ hoạt động tố tụng nào khác ngoại trừ việc theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết. Nếu Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cho nên Tòa án không được quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của ông A.
Ý kiến thứ hai và cũng là ý kiến của tác giả cho rằng, TAND huyện L có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của ông A mặc dù vụ án đang tạm đình chỉ giải quyết. Vì các lý do sau:
Một là, theo quy định trong thời gian Tòa án đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án chỉ không được tiến hành các hoạt động tố tụng “nhằm mục đích giải quyết vụ án”. Còn ở đây, việc Tòa án áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải là đang giải quyết vụ án để xác định đất tranh chấp là của ông A hay của ông B mà là nhằm “bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án” như quy định tại khoản 1 Điều 111 BLTTDS năm 2015.
Hai là, khoản 4 Điều 215 BLTTDS năm 2015 cũng quy định rõ là trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án. Như vậy, nếu Tòa án không được quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do vụ án đang tạm đình chỉ mà nếu việc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ gây thiệt hại rất lớn thì ai là người sẽ chịu trách nhiệm bồi thường? Khoản 2 Điều 111 BLTTDS năm 2015 cũng quy định rất rõ là: “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”. Tức là, ngay cả khi Tòa án chưa thụ lý vụ án thì vẫn phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu yêu cầu của đương sự có căn cứ. Từ quy định này cho thấy, mục đích của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án; do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra; vì vậy, Tòa án không thể vì lý do vụ án đang tạm đình chỉ mà không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu yêu cầu của đương sự là đúng quy định pháp luật.