1. Trách nhiệm hình sự của người bị mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi
Một hành vi bị coi là tội phạm khi đã thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự (BLHS). Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, người phạm tội trong tình trạng không có năng lực TNHS sẽ không được coi là tội phạm. Trường hợp loại trừ TNHS của người phạm tội được quy định tại Điều 21 BLHS: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu TNHS”.
BLHS không quy định năng lực trách nhiệm hình sự của một cá nhân mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực TNHS. Tuy nhiên, từ khái niệm về tình trạng không có năng lực TNHS của cá nhân, chúng ta có thể đưa ra khái niệm khái quát về năng lực TNHS của cá nhân như sau: Năng lực TNHS là khả năng của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và điều khiển được hành vi ấy. Nếu một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng trong tình trạng mất khả nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển được hành vi thì người đó không phải chịu TNHS.
Như vậy, dấu hiệu để xác định một người không có năng lực TNHS là mắc bệnh (tiêu chuẩn y học) và tâm lý (mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển). Việc mất khả năng nhận thức có thể hiểu là người đó không ý thức được hành vi của mình và mức độ nguy hiểm hành vi của mình có thể gây ra. Trường hợp mất khả năng điều khiển hành vi nghĩa là người đó vẫn có khả năng nhận thức được mức độ nguy hiểm do hành vi mình gây ra, tuy nhiên không có khả năng điều khiển được hành vi của mình. Hai dấu hiệu trên phải có mối quan hệ chặt chẽ, quan hệ nhân quả của nhau: Một người vì mắc bệnh nên họ bị mất khả năng điều khiển và người đó bị mất khả năng điều khiển do họ mắc bệnh. Bệnh lý của người thực hiện hành vi phạm tội phải được một Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định tiến hành giám định, xác định và kết luận bằng một bản Kết luận giám định pháp y tâm thần. Bản kết luận giám định là căn cứ để các Cơ quan tố tụng xem xét TNHS của họ. Do đó, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ được miễn TNHS theo quy định tại Điều 21 khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm các mối quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người đó có kết luận bằng một bản Kết luận giám định pháp y tâm thần của Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do BLTTHS quy định kết luận họ đang mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Song, không phải tất cả những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình đều được miễn truy cứu TNHS. Điều 13 BLHS quy định về việc chịu TNHS của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác. Quy định trên có nghĩa: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không những phải chịu TNHS mà trong trường hợp nhất định phải chịu TNHS nặng hơn so với trường hợp bình thường (điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, tàu bay quy định tại các Điều 260, 267, 272 BLHS).
Có thể thấy, Điều 13 BLHS và Điều 21 BLHS có điểm chung là thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện đều trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng lại khác nhau ở nguyên nhân bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi: Tại Điều 13 do người thực hiện dùng rượu bia hoặc chất kích thích mạnh khác còn tại Điều 21 do người thực hiện bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác. Từ đó dẫn đến sự khác nhau về hậu quả pháp lý đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội của 2 điều luật: Theo Điều 13, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là người phạm tội, phải chịu TNHS; còn theo Điều 21, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải là người phạm tội, không phải chịu TNHS.
Trong thực tiễn đang tồn tại hai dạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi cơ bản và phổ biến, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bệnh tâm thần hoặc bệnh lý khác hay còn gọi là chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, đề cập đến một loạt tình trạng sức khỏe tâm thần - các chứng rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Đặc điểm chung của dạng này có nguyên nhân khách quan, tức là người bệnh hoàn toàn không mong muốn và nó diễn ra một cách tự nhiên có thể do sự tác động từ yếu tố di truyền hoặc do môi trường. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng trên không phải chịu TNHS về hành vi mà họ gây ra theo quy định tại Điều 21 BLHS.
Ví dụ: Do có mâu thuẫn từ trước, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 01/6/2020, tại khu vực đường thuộc địa phận xã X, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, L.T.K.T đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát với bà N. T.M (là bà nội của T). Trong lúc xô xát, T ngồi lên bụng bà M, dùng chùm chìa đập liên tiếp 03 phát từ trên xuống trúng vào trán đỉnh đầu của bà M gây thương tích cho bà M với tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 06%. Ngày 05/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Thường Tín đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với L.T.K.T về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS. Tại bản Kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện pháp y tâm thần Trung Ương kết luận: Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và thời điểm giám định L.T.K.T có bệnh rối loạn loại phân liệt. Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F21. Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội bệnh ở giai đoạn thuyên giảm. Đối tượng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tại thời điểm giám định bệnh ở giai đoạn ổn định, đối tượng đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Như vậy, T bị mắc bệnh tâm thần nhưng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nên T phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật. Việc mắc bệnh tâm thần chỉ là căn cứ để T được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS.
Thứ hai, do tác động của yếu tố chủ quan, đến từ bản thân người bệnh dẫn đến hình thành bệnh tâm thần hoặc bệnh lý tương tự khác. Nguyên nhân hình thành nên tình trạng này đó là do người bệnh tự mình sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng trên phải chịu TNHS về hành vi mà họ gây ra theo quy định tại Điều 13 BLHS.
Ví dụ: Nguyễn Đức V là người nghiện ma túy loại Methamphetamine. Khoảng 23 giờ 45 phút ngày 16/7/2015, sau khi sử dụng ma túy, Nguyễn Đức V cầm theo 01 chiếc gậy tre đứng tại đường liên thôn Thụy Ứng, xã H. Lúc này, chị Nguyễn Thùy D điều khiển xe mô tô nhãn hiệu SYM Attila, BKS: 33L6- 5996 đi từ nhà ông Lê Xuân ra đường liên thôn Thụy Ứng. Khi thấy chị D, V cầm gậy tre chặn đường ngăn không cho chị D đi, tiến đến vụt 2 - 3 phát vào lưng của chị D, ôm ghì cổ chị D và nói: “Im mồm, không tao giết bây giờ”. Chị D giằng co,thoát ra được khỏi tay V rồi bỏ chạy. V lấy xe máy của chị D rồi điều khiển chiếc xe máy bỏ đi thì bị một số người dân bắt giữ. Tại Biên bản giám định pháp y tâm thần kết luận: Trước khi phạm tội, Nguyễn Đức V mắc Hội chứng nghiện chất gây ảo giác, theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ X về các rối loạn tâm thần và hành vi năm 1992, có mã số F16.2, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Trong và sau khi phạm tội, Nguyễn Đức V mắc Rối loạn loạn thần do sử dụng chất gây ảo giác, theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ X về các rối loạn tâm thần và hành vi năm 1992, có mã số F16.5, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Trên cơ sở kết luận giám định tâm thần, Viện kiểm sát đã ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Đức V. Sau quá trình điều trị, bệnh tâm thần của Nguyễn Đức V ở giai đoạn khỏi bệnh, V đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, không cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành phục hồi điều tra, truy tố, xét xử đối với V về hành vi Cướp tài sản.
2. Ý nghĩa của việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với người bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi
Thứ nhất, đối với việc truy cứu TNHS: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu TNHS. Bởi, về bản chất thì trước khi sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác, người phạm tội hoàn toàn có đủ khả năng nhận thức được tác hại của việc sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác có thể dẫn đến tình trạng họ mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nhưng họ vẫn lựa chọn việc sử dụng và tự mình tước đoạt đi khả năng đó. Chính vì vậy, việc buộc họ phải chịu TNHS là hoàn toàn cần thiết và hợp lý.
Thứ hai, khẳng định nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam được vận dụng một cách đúng đắn: Theo quy định tại Điều 21 BLHS thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu TNHS. Điều này thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với những người không may mắn mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, góp phần khẳng định nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam đã được vận dụng một cách đúng đắn.
Thứ ba, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia và chất kích thích mạnh khác để phạm tội: Quy định tại Điều 13 BLHS là hoàn toàn cần thiết và hợp lý, có ý nghĩa quan trọng trong việc truy cứu TNHS, cũng như đảm bảo nguyên tắc nhân đạo, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tình trạng làm dụng rượu, bia và chất kích thích mạnh khác để phạm tội.
3. Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ việc có yếu tố mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người thực hiện hành vi phạm tội
Để đảm bảo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra, truy tố, thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có đối tượng, bị can, bị cáo bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi đòi hỏi Kiểm sát viên phải thận trọng, tỉ mỉ, thực hiện tốt kỹ năng kiểm sát như:
Thứ nhất, ngay từ khi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên cần yêu cầu lấy mẫu máu của đối tượng để xác định nồng độ cồn, tìm chất kích thích; yêu cầu kiểm tra, thu thập các vật chứng, vật phẩm nghi có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích của đối tượng; yêu cầu hỏi, lấy lời khai của những người làm chứng xác định sơ bộ về việc nhân thân đối tượng có tiền sử bệnh lý về thần kinh hay bệnh gì không, có biểu hiện sử dụng rượu, bia hay chất kích thích không... để từ đó đề ra phương hướng điều tra, xác minh phù hợp, nhanh chóng, kịp thời, không để mất những chứng cứ, tài liệu quan trọng dẫn đến sau này không thể lấy lại được.
Thứ hai, quá trình lấy lời khai, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đối tượng, bị can, bị cáo, Kiểm sát viên cần yêu cầu Cơ quan điều tra cũng như tự mình hỏi rõ nhân thân, tiền sự bệnh lý của đối tượng, bị can, bị cáo; kịp thời phát hiện, đánh giá các biểu hiện bất thường của đối tượng đối tượng, bị can, bị cáo để xem xét đưa đối tượng đi giám định tâm thần nhằm xác định năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng, bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ ba, Kiểm sát viên cần có mối quan hệ phối hợp tốt với Điều tra viên, Thẩm phán trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Kiểm sát viên cần bám sát hồ sơ, nghiên cứu kĩ, kịp thời phát hiện những nghi vấn, khó khăn, vướng mắc để trao đổi, báo cáo Lãnh đạo Viện giải quyết triệt để các vấn đề liên quan.
Thứ tư, khi các đối tượng được xem xét đưa đi giám định pháp y tâm thần, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ hồ sơ đưa đi giám định, việc đưa đối tượng đi giám định và thời gian giám định. Trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, cần nhận định đối tượng có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 BLHS hay chỉ thuộc trường hợp hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi từ đó ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hình sự hay tạm đình chỉ vụ án, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo. Đối với các đối tượng, bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ việc đưa đối tượng đi chữa bệnh của Cơ quan điều tra, thời gian chữa bệnh bắt buộc. Khi bị can, bị cáo đã khỏi bệnh, cần xem xét, yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi giải quyết vụ án đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, Kiểm sát viên cần đánh giá tính chất, mức độ tội phạm, nhân thân người phạm tội, yếu tố mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội để đề xuất mức hình phạt phù hợp, tương xứng, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm.
Thứ sáu, qua tổng hợp kết quả công tác kiểm sát, Kiểm sát viên chủ động tổng hợp vi phạm, tội phạm để trình lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, kiến nghị phòng ngừa tội phạm xảy ra, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Nhóm tác giả: Nguyễn Văn Thuật - Viện trưởng; Triệu Văn Doan - Phó Viện trưởng;
Nguyễn Thị Hồng Loan - Kiểm sát viên Viện KSND huyện Thường Tín